Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc, là quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía Nam của bán đảo Triều Tiên. Lịch sử Triều Tiên bắt đầu khi nước Cổ Triều Tiên thành lập năm 2333 TCN bởi vị vua thần thoại Đàn Quân. Tương truyền, con của Thiên Đế trên thiên đình giáng phàm, dùng phép biến một con gấu cái thành một người đàn bà xinh đẹp, thụ thai cho nó. Nó đẻ ra một đứa bé, chính là vua Đàn Quân.

Từ thế kỷ thứ 1, 3 nước Cao Câu Ly (Goguryeo), Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla) phát triển và tạo thành thế Tam quốc từ năm 57 TCN đến năm 676 khi Tân La thống nhất 3 vương quốc. Năm 698, Dae Jo-yeong (Đại Tộ Vinh) 1 vị tướng cũ của Cao Lâu Ly lập nước Bột Hải (Balhae) dẫn tới giai đoạn Nam-Bắc quốc đến năm 926. Cuối thế kỷ thứ 9, Tân La lại bị chia thành 3 vương quốc là Tân La, Hậu Bách Tế và Thái Phong (Taebong hay còn gọi là Hậu Cao Lâu Ly) mở ra thời Hậu Tam Quốc, đến năm 936, Vương Kiến (Wang Geon) thống nhất toàn bộ bán đảo dưới một chính quyền duy nhất.

Nước Cao Ly được thành lập năm 936, đã thay thế Tân La với tư cách triều đại cai trị Triều Tiên. ‘Cao Ly’ (Goryeo) cũng là nguồn gốc tên tiếng Anh ‘Korea’ của Triều Tiên. Triều đại này tồn tại tới tận năm 1392 và đạt được nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ.
Năm 1392, một vị tướng Triều Tiên là Lee Seong-gye (Lý Thành Quế) được cử tới Trung Quốc trong chiến dịch chống lại nhà Minh, nhưng thay vì thực hiện sứ mệnh, ông đã quay lại để lật đổ vị vua Cao Ly và thành lập một triều đại mới. Ông đặt tên cho nó là Triều đại Triều Tiên (Joseon) để vinh danh Cổ Triều Tiên trước đó (chữ ‘Cổ’ về sau được thêm vào để phân biệt). Nhà Triều Tiên có nhiều tiến bộ trong khoa học và văn hoá: đáng chú ý nhất là bảng chữ cái Hangul do vua Sejong Đại đế (Thế Tông) phát minh năm 1443. Triều đại Triều Tiên được cho là triều đại thực sự nắm quyền lâu nhất tại Đông Á trong thiên niên kỷ qua.


Sau gần 2 thế kỷ hòa bình, triều đại Joseon đã phải đối mặt với những cuộc xâm lược nước ngoài, bắt đầu từ năm 1592 – 1637. Cuộc xung đột này khiến Đô đốc Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần) trở nên nổi bật, và cũng là lần đầu các tàu rùa và hwacha được đưa vào sử dụng trong quân đội Triều tiên.
Trong thế kỷ 19, Triều Tiên tìm cách kiểm soát các ảnh hưởng từ bên ngoài thông qua việc đóng cửa các biên giới với tất cả các nước, ngoại trừ Trung Quốc. Tới năm 1876, một đất nước Nhật Bản hiện đại nhanh chóng đã buộc Triều Tiên phải mở cửa các cảng biển. Năm 1895, người Nhật ám sát Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành), người đang tìm cách lôi kéo sự giúp đỡ từ phía Nga, và người Nga đã buộc phải rút lui khỏi Triều Tiên.

Năm 1897, Joseon được đổi tên thành Daehan Jeguk (Đại Hàn đế quốc), và Vua Gojong (Cao Tông) trở thành Hoàng đế Gojong. Năm 1910 Nhật Bản hoàn toàn thôn tính Triều Tiên bằng Hiệp ước sáp nhập Nhật Bản – Triều Tiên cho tới khi họ đầu hàng trước quân Đồng Minh năm 1945, với chủ quyền trên danh nghĩa đã được chuyển từ Triều đại Joseon sang Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Triều Tiên.
Sau khi được giải phóng và bị chia cắt vào cuối Thế chiến thứ II, quốc gia này trở thành 2 nước là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Hàn Quốc được thành lập năm 1948 như một nền dân chủ. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn. Kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc và trở thành một nền kinh tế lớn.
Quốc huy của Hàn Quốc bao gồm biểu tượng taeguk tượng trưng cho quốc kỳ của quốc gia, thể hiện sự hòa bình, hòa hợp và một bông hoa có 5 cánh, được gọi là hoa hồng Sharon hoặc hoa Mugung, đây là quốc hoa của Đại Hàn dân quốc và cũng là biểu tượng quốc gia của đất nước này. Ý nghĩa tượng trưng của hoa bắt nguồn từ từ ‘mugung’ trong tiếng Hàn Quốc, có nghĩa là ‘vĩnh cửu’ hay ‘sự phong phú vô tận’. Loài hoa này được yêu thích đến nỗi trong cung điện hoàng gia Hàn Quốc có hẳn một phòng gọi là phòng Hoa hồng Sharon.

Ý nghĩa của biểu tượng taeguk

Taeguk là cách gọi biểu tượng thái cực đồ tại Hàn Quốc. Thái cực đồ là đồ hình mô tả thuyết Âm Dương trong văn hóa Phương Đông, nó nằm gọn trong một vòng tròn, gồm hai nửa đối xứng ôm trọn lấy nhau, tượng trưng cho Âm (màu đen) và Dương (màu đỏ). Trong mỗi phần đối xứng lại có một chấm tròn màu đối lập nằm trong đó. Màu sắc của Thái Cực đồ có thể thay đổi, cũng như độ xoắn vào nhau của hai hình đối xứng.
Thái Cực đồ thể hiện ý nghĩa của triết học Phương Đông, cụ thể là thuyết Âm Dương rất rõ ràng:
- Trong mỗi một tổng thể (hình tròn) luôn tồn tại 2 mặt đối lập Âm và Dương, 2 mặt đó tương hỗ với nhau, bù đắp nhau thành một thể hoàn thiện. Không một tổng thể, cá thể nào có thể tách biệt hoàn toàn hai 2 đó.
- Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, cũng như trong phần màu đỏ có chấm màu đen, và ngược lại.
- Âm thịnh, Dương suy và ngược lại. Khi phần màu đen lớn dần thì phần màu đỏ nhỏ dần và ngược lại.
- Cực thịnh thì suy, thể hiện ở mỗi phần khi đạt đến độ cực đại thì xuất hiện yếu tố đối lập ngay trong lòng, và phần đó sẽ phát triển dần
Nguồn gốc của biểu tượng taegeuk
Nguồn gốc của biểu tượng taegeuk tại bán đảo Triều Tiên có thể truy về tận thế kỷ thứ 7, nhưng những cuộc khai quật gần đây chứng minh rằng biểu tượng này có niên đại còn lâu đời hơn nữa. Những biểu tượng taeguk đã được tìm thấy tại những phế tích của các nền văn hóa cổ tại Hàn Quốc, cụ thể là thời Tam quốc Triều Tiên. Biểu tượng taeguk có tuổi đời xưa nhất được tìm thấy tại Hàn Quốc là một một cổ vật 1400 tuổi được tìm thấy tại mộ vua Bogam-ri của vương quốc Baekje tại thành phố Naju.

Taehuk với màu xanh là âm, tượng trưng cho hy vọng, và màu đỏ là dương, chỉ sự tôn quý. Kết lại, vòng tròn âm dương này tượng trưng cho sự sinh thành phát triển tương hỗ lẫn nhau, sự tuần hoàn vĩnh cửu không bao giờ dứt. Đây cũng là hình trang trí có tính truyền thống dân tộc Hàn đã sử dụng từ thời cổ đại, vô cùng quan trọng trong tôn giáo và lịch sử tại Hàn Quốc. Trong tôn giáo nó tượng trưng cho những giá trị Đạo giáo, triết học Hàn Quốc. Trong chính trị nó tượng trưng hy vọng hòa hợp giữa âm và dương và cho phép người dân sống hòa thuận cùng với triều đình, chính phủ.