1Quốc tế học

Quốc tế học là ngành học được đầu tư trọng điểm không chỉ ở Châu Âu, Mỹ mà còn là ở Châu Á vì tính đa dạng của nó trong vấn đề toàn cầu hóa. Mặc dù đặc trưng của Khoa Quốc Tế là tập trung nhiều vào Quan hệ quốc tế và Ngoại giao, ngày nay, ngành học này còn mang tính chất “khu vực hóa” vì các nước thường tập trung vào quan hệ của nước đó đối với môi trường quốc tế. Nếu du học ở Hàn, bạn sẽ hiểu rõ hơn về mối quan hệ Hàn-Mỹ, các vấn đề trong chính trị và ngoại giao của Hàn Quốc cũng như chiến lược phát triển của một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Ngành Quốc tế học ở Đại học Hàn Quốc (Korean University) là một trong những chương trình được đánh giá cao. Các giáo sư ở đây đều là những người có quan hệ rộng rãi ở Hàn Quốc, thậm chí có những thầy cô đã từng có vị trí cốt cán trong Bộ Ngoại Giao hoặc trong bộ máy nhà nước và các tổ chức chính quyền quốc tế như Liên minh châu Âu hay Liên hợp quốc. Chính điều này cho phép các giáo sư thường xuyên đưa sinh viên tới các sự kiện lớn, gặp mặt, thuyết trình… tại các tổ chức quốc tế lớn tại Hàn. Đây là cơ hội rất lớn để sinh viên có thể trực tiếp quan sát và học hỏi, chuẩn bị cho công cuộc “dấn thân” vào chính trường.
2Nhà sản xuất (Producer)

Nhà sản xuất là người chịu trách nhiệm sản xuất chính cho các sản phẩm truyền thông và là người thâu tóm, điều phối mọi hoạt động của cả ê-kíp sản xuất. Theo học ngành này, bạn sẽ được học tất tần tật về cách lên khung chương trình (format), quay dựng video, biên tập, chỉ đạo, làm TVC (video clip quảng cáo)… Có thể nói đây là ngành all-in-one cho những ai đam mê sáng tạo và yêu thích việc tạo ra những sản phẩm truyền thông ấn tượng, với đa dạng các hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Đặc biệt, theo học Producer tại Hàn Quốc nghĩa là bạn sẽ được tiếp cận với vô vàn những “công thức truyền thông” và bíp kíp để tăng tỉ lệ người xem, cách tạo dấu ấn và duy trì sự thu hút của nền giải trí Hàn Quốc, từ đó cho ra những chương trình thú vị, ăn khách hàng đầu châu Á. Ngành công nghiệp này đang là trọng điểm phát triển của xứ sở kim chi, vì thế luôn rất cần lực lượng lao động lớn để tiếp tục công cuộc phủ sóng truyền hình mỗi ngày.
Hàn Quốc có rất nhiều trường đại học, cao đẳng giảng dạy ngành này, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc (Korea National University of Arts). Nơi đây có hẳn một trường về phim, truyền hình và truyền thông đa phương tiện, đào tạo tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất với mức học phí rơi vào khoảng 2,988,000 won (gần 57 triệu đồng/học kỳ) trên tổng thời lượng 3 học kỳ/năm. Tin vui là trường còn trao học bổng toàn phần AMA về nghệ thuật cho sinh viên châu Á.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sở hữu một số trường đại học nổi bật trong đào tạo Sản xuất đó là Học viện Điện ảnh Hàn Quốc (Korean Academy of Film Arts), Học viện nghệ thuật Seoul, Đại học Kyunghee,…
3Truyền thông

Theo học ngành truyền thông ở Hàn, sinh viên sẽ được đào tạo hầu như mọi khía cạnh của Truyền thông, bao gồm PR, quảng cáo, báo chí, sản xuất video, luật truyền thông,… Cụ thể hơn, bạn sẽ được hướng dẫn cách viết một bài báo như thế nào, xây dựng một chiến lược mareting ra làm sao, hiểu biết về luật truyền thông và cả học các bước thực hiện một video quảng cáo.
Đặc biệt, ngành Truyền thông tại Hàn Quốc luôn mang đến cho sinh viên rất nhiều cơ hội thực hành để mài dũa kỹ năng thực tế. Chẳng hạn như nếu theo học ngành này tại Đại học Chungwoon, bạn sẽ được học về lý thuyết PR và Quảng cáo vào kỳ một và kỳ hai năm hai, tiếp đến thực hành các nội dung này trong suốt kỳ một năm ba và bạn có thể được yêu cầu vận dụng lý thuyết của hai lĩnh vực kể trên để xây dựng một chiến dịch truyền thông cho một sản phẩm bất kỳ.

Có thể nói, cơ hội được tiếp cận với máy móc thiết bị công nghệ hiện đại là một ưu thế lớn khi du học ngành Truyền thông tại Hàn. Du học tại đây, sinh viên sẽ có thể thực hành trên những trang thiết bị mới nhất, tương tự như các thiết bị mà đài truyền hình Hàn Quốc vẫn thường sử dụng, kể cả những máy quay HD dùng trong phim điện ảnh. Bên cạnh đó, việc học tập trong một môi trường có hàng trăm sản phẩm truyền thông “ra lò” mỗi ngày sẽ giúp sinh viên thật sự trải nghiệm không khí sáng tạo mới mẻ và đầy cạnh tranh.
Việc các công ty truyền thông lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam như Lotte, CJ E&M… cũng đồng nghĩa với việc các nhà tuyển dụng đến từ quốc gia này sẽ rất trọng dụng sinh viên truyền thông biết cả tiếng Hàn lẫn Việt. Do đó, bạn nên trao dồi năng lực tiếng Hàn ngay từ bây giờ vì ngành Truyền thông ở xứ sở kim chi được dạy 100% bằng tiếng Hàn.
4Điện ảnh
Điện ảnh Hàn Quốc sở hữu một vị thế quan trọng trong nền điện ảnh toàn cầu. Khi du học ngành này tại Hàn Quốc, sinh viên sẽ được học các môn đại cương vào năm một và kỳ 1 năm hai, sau đó mới lựa chọn môn chuyên ngành và các môn học bổ sung kỹ năng chuyên sâu về Đạo diễn, Quay phim hay các công đoạn khác của quy trình làm phim.
Cách phân chia chương trình học như vậy sẽ giúp sinh viên hiểu từng vai trò trong một ê-kíp làm phim và biết các phối hợp chúng chặt chẽ. Có thể thấy đào tạo Điện ảnh ở Hàn Quốc rất chú trọng về đào tạo nền tảng nghệ thuật nhằm bổ trợ cho thẩm mỹ và tư duy của nhà làm phim. Chẳng hạn, tại trường Đại học Tổng hợp Nghệ thuật Quốc gia, sinh viên có thể chọn các môn bổ trợ khác ngoài Điện ảnh như học về Hội họa để có nền tảng mỹ thuật, thẩm mỹ tốt hơn, học các môn về Âm nhạc để nắm bắt nhịp điệu tiết tấu và lựa chọn nhạc nền sao cho phù hợp,…
Hầu hết du học sinh ngành Điện ảnh tại Hàn Quốc đều đánh giá cao yếu tố thực hành trong quá trình học. Mỗi học kỳ, sinh viên phải lập ra một ê-kíp thực hiện một bộ phim ngắn, chưa kể các môn khác cũng có các bài thực hành riêng. Nếu như học về biên kịch, bạn sẽ phải bắt tay xây dựng một kịch bản phim, hay như môn Quay phim cơ bản thì phải diễn đạt một từ (danh từ/động từ/tính từ) qua một video 2 phút…
Một điểm nhấn rất lớn của các trường Đại học tại Hàn đó là các giáo sư vốn là những chuyên gia trong ngành, tốt nghiệp từ những trường đại học uy tín trên thế giới. Đại học Dongguk yêu cầu giáo sư giảng dạy phải có bằng cấp tu nghiệp từ các trường Điện ảnh lớn ở nước ngoài, hay Đại học Sungkyunkwan đều có giảng viên là những đạo diễn, biên kịch có tiếng như thầy giáo Park Suk Won dạy môn hoạt hình cơ bản và Character Animation từng là Layout Artist của hãng Pixar.
Những cơ sở đào tạo mà bạn nên để mắt tới là Đại học Tổng hợp Nghệ thuật Quốc gia, KAFA (Korean Academy of Films Arts), Đại học Dongguk…
5Thời trang

Học ngành Thời trang ở Hàn Quốc sẽ mang đến cho bạn những lợi thế về mặt xã hội lẫn chuyên môn. Người Việt Nam và Hàn Quốc đều có gu thẩm mỹ khá giống nhau về sự hài hòa tinh tế, chưa kể sự tương đồng về ngoại hình, vóc dáng sẽ giúp cho các tân sinh viên dễ dàng nắm bắt được các xu hướng thiết kế của xứ Hàn và áp dụng, phát triển vào thị trường nước nhà.
Về mặt chuyên môn, ngành Thời trang ở Hàn Quốc không chỉ đào tạo về Thiết kế mà còn có các ngành có tính chuyên môn cao như Lịch sử, Quản lý, Sản xuất, Marketing…trong lĩnh vực Thời trang. Điều này sẽ vô cùng thuận lợi cho bất kỳ hướng rẽ nghề nghiệp nào sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là bạn sẽ có cơ hội đầu quân cho các doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm về thời trang như Lotte, Sinsaege, Huyndai tại Hàn quốc hay Vingroup, IPP… ở Việt Nam.
Tại những trường như Đại học Konkuk, Đại học Hongdae,… cơ hội được cọ sát với các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm là rất lớn. Bạn sẽ không chỉ được đào tạo bởi các giáo sư mà còn có sự đồng hành của các stylist, các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đến từ những thương hiệu như A.AV hay L’oumo… Những tấm vé ưu tiên tham dự các show diễn lớn trong năm cũng là đặc quyền của sinh viên ngành Thời trang.
Ngoài ra, các tiền bối và giảng viên trong trường cũng sẽ giúp bạn “vén màn” những địa điểm bí mật dành riêng cho dân Thời trang như chợ vải Dongdaemun hay Kwangjan, còn để mua sắm, ngắm nghía, dân học Thiết kế không thể bỏ qua các cửa hàng pop-up ở phố Garuso-gil. Về học phí, trung bình mỗi kỳ học sẽ tốn của bạn dao động từ 3,000-4,000 USD và các chi phí mua vải vóc phụ kiện làm đồ án tầm 300-400 USD/kỳ.
6Thiết kế game

Game chiếm 50% tổng số sản phẩm của làn sóng Hallyu (nghĩa là hơn cả K-pop và K-Drama), và đây cũng chính là ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia này.
Cụ thể, để phát triển ngành game, chính phủ Hàn Quốc đã cho phép những nhà phát triển game hoặc các game thủ có thành tích cao tại đấu trường quốc tế được miễn đi quân sự (theo luật quân sự tại Hàn, nam thanh niên từ 20-30 tuổi đều phải đi nghĩa vụ quân sự tối thiểu 21 tháng và phải nhận án tù từ một – ba năm nếu trốn tránh). Vì là ngành trọng điểm của kinh tế Hàn nên hiển nhiên, các công việc liên quan đến game cũng được đào tạo một cách bài bản tại trường đại học. Trong đó, Đại học Chung-Ang (top 10 đại học tốt nhất Hàn Quốc) là trường đi đầu về lĩnh vực này. Các game thủ có thành tích tốt có thể đăng ký vào khoa Khoa học Thể thao của trường do ngành game ở Hàn Quốc được coi là ngành thể thao điện tử (Esports).
Theo đuổi ngành học này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức và kỹ năng chủ chốt của việc thiết kế game như: các kiến thức nền tổng quan và đầy đủ về game; khả năng kể chuyện, tường thuật và dẫn dắt câu chuyện; học các thuật toán và chương trình máy tính để lập trình game (C++, Pascal,..); phác thảo sơ bộ trò chơi và lên layout (dàn ý) chính cho câu chuyện; xây dựng mô hình game ở định dạng 2D, 3D, hoạt hình; tạo đồ họa, xây dựng các hiệu ứng và kĩ xảo hình ảnh,…
7Công nghiệp sắc đẹp

Một trong những hướng đi mà bạn nên cân nhắc nếu muốn theo đuổi lĩnh vực công nghiệp sắc đẹp ở Hàn là trở thành bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp với bằng Cử nhân Y khoa sau 7 năm học tại Đại học Y trong nước mới có thể nộp hồ sơ học chuyên sâu về ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn. Chính vì thế, nếu muốn tiếp tục theo học khoa Y của những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc như Đại học Quốc gia Seoul, bạn hãy cố gắng đạt được GPA thật cao cũng như rèn luyện ngoại ngữ ở cả tiếng Anh và tiếng Hàn.
Nếu muốn du học Hàn ngay từ hệ đại học và rút ngắn thời gian học lại cử nhân, bạn có thể theo học các chương trình Dự bị Y khoa (pre-medicine) tại Khoa Y của các trường đại học Hàn Quốc. Chương trình này cung cấp cho bạn những kiến thức nền về Toán, Lý, Hóa, Sinh và sau 4 năm học, bạn có thể bắt đầu học chuyên sâu vào Y khoa. Tuy nhiên, hướng đi này khá là tốn kém (khoảng 64 triệu đồng/học kỳ) với tỉ lệ cạnh tranh cao.
Nếu theo học thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành giải phẫu thẩm mỹ tại Hàn, bên cạnh việc học, bạn sẽ dành một nửa thời gian đầu để làm việc trong các phòng thí nghiệm và một nửa thời gian sau để thực tập trực tiếp với bệnh nhân. Đó là lý do vì sao mà các trường đại học có khoa Y thường có luôn bệnh viện đi kèm như Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Bệnh viên Đại học Chung-ang…

Học phí cao học rơi vào khoảng 6,208,000 won/kỳ (khoảng 121 triệu đồng/kỳ). Sau khi nhận được bằng tiến sĩ, sinh viên cần đầu tư thêm 5-6 năm nữa để học bác sĩ nội trú (chương trình bao hàm phẫu thuật tổng quát và phẫu thuật thẩm mỹ). Sau đó, bạn cần vượt qua một kỳ kiểm trả lấy bằng và có thể tiếp tụ nghiệp về những chuyên ngành riêng như tái tạo ngực, phẫu thuật sọ mặt,…
Một hướng đi cũng phổ biến không kém là Thẩm mỹ làm đẹp với các lựa chọn hệ đại học (4 năm), cao đẳng (2 năm) và Trung cấp nghề (1 năm) với mức học phí dao động 3,500 – 4,000 USD/kỳ.
Học ngành này, bạn sẽ được đào tạo bài bản và tổng thể về các kỹ năng chăm sóc da, làm tóc và trang điểm. Công nghệ 3D cũng được áp dụng tại nhiều trường đại học để mang lại hiệu quả tối đa cho việc sáng tạo và làm đẹp. Bên cạnh đó, các lễ hội (festival) về làm đẹp thường xuyên được các trường tổ chức nhằm tạo môi trường thiết thực cho sinh viên thỏa sức thực hành, sáng tạo và phát huy hết những gì đã học.
Một số trường đại học đi đầu trong lĩnh vực này là Đại học nữ sinh Sungshin Women University, Đại học Seokyeong, Đại học Youngsan, Cao đẳng Myongji, Cao đẳng Mokpo,…