Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
spot_img

Không gian kiến trúc qua góc nhìn của sáu nhiếp ảnh gia

Hình ảnh cung Changdeok của Bae Bien-u cho thấy cảnh một phần vườn thượng uyển nhìn từ đình Yeonghwadang (Ánh Hoa đường).
Mở cửa hoạt động vào năm 2004, Leeum, Viện bảo tàng được thiết kế bởi ba kiến trúc sư ngoại quốc trưởng thành từ nền văn hóa phương Tây là Mario Botla, Jean Nouvel và Rem Koolhaas, tự bản thân bảo tàng đã là một tác phẩm nghệ thuật đáng để thưởng lãm. Trong khuôn viên bảo tàng, triển lãm với chủ đề kiến trúc truyền thống Hàn Quốc được tổ chức tại phòng triển lãm đặc biệt. Phòng triển lãm này do Rem Koolhaas, kiến trúc sư người Hà Lan thiết kế với phần trần nhà rất cao và hiện đại. Cuộc triển lãm đúng hơn là dịp phát hành tuyển tập hình ảnh kiến trúc, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Quỹ Văn hóa Samsung.
Trong khuôn khổ đợt phát hành, ban tổ chức giới thiệu 10 cuốn tuyển tập hình ảnh được thực hiện bởi sáu nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đây là tuyển tập về 10 không gian kiến trúc truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc đã được các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc Hàn Quốc lựa chọn. Những hình ảnh kiến trúc Hàn Quốc đã được dày công thực hiện thế này “chỉ xem qua sách thì thật đáng tiếc” nên ban tổ chức quyết định dựng lại các công trình dưới hình thức triển lãm. Ông Lee Joon, phó giám đốc Bảo tàng Leeum, người lên kế hoạch và tổ chức triển lãm cho biết: “Thông qua những bàn luận tích cực, triển lãm làm cho dự án tuyển tập hình ảnh có ý nghĩa sâu sắc hơn”.

Mô hình tỉ lệ 1:200 cung Gyeongbok (Cảnh Phúc cung) và đại lộ Yukjo-daero. Khách tham quan có thể so sánh cung điện chính của thời kỳ Chosun và đại lộ giống với những khu vực nào ngày nay. [Bộ sưu tập của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia

“Thiên, địa, nhân” qua vẻ đẹp kiến trúc Hàn Quốc

Triển lãm được chia làm ba phần. Không gian kiến trúc truyền thống Hàn Quốc phân thành từng chủ đề tùy theo chức năng sử dụng của không gian, gồm có không gian cử hành các hành vi tôn giáo, không gian của trật tự và luật lệ, và không gian sinh hoạt thường ngày. Mỗi không gian trên lần lượt thể hiện đặc trưng bởi yếu tố tương ứng là thiên, địa và nhân. Thông qua kiến trúc để tìm hiểu con người có mối quan hệ thế nào với trời, con người thiết lập trật tự trên mặt đất ra sao, và con người sống hài hòa với nhau như thế nào.
Không gian được mang đến triển lãm là các chùa Phật giáo gồm Haeinsa (Hải Ấn tự), Bulguksa (Phật Quốc tự), Tongdosa (Thông Độ tự), Seonamsa (Tiên Nghiêm tự) và Jongmyo (Tông Miếu) – đền thờ hoàng thất triều Joseon, thể hiện cho tư tưởng Nho giáo. Chủ đề phụ trong khu vực triển lãm “Địa” là “Quản lý nền móng, kiến trúc trật tự”. Trong phần này trưng bày cung Changdeok (Xương Đức cung) – cung điện được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tiêu biểu cho thời Joseon, thành cổ Suwon Hwaseong – được vua Jeongjo (Chính Tổ) cho xây dựng vào thế kỷ 18, và Hanyang doseong (Hán Dương đô thành) – thành cổ của thủ đô Seoul. Chủ đề phụ trong khu vực triển lãm “Nhân” là “Không gian hài hòa với cuộc sống”. Khu vực này mang đến hình ảnh của làng Yangdong gần Gyeongju, cố đô của thời Silla – nơi vẫn giữ được hình ảnh sinh hoạt của làng quý tộc từ thế kỷ 15, trường Dosan Seowon – không gian tiêu biểu cho tư tưởng Nho giáo thống trị thời Joseon, và vườn Soswaewon (Tiêu Sái viên – vườn rửa sạch bụi trần) ở Damyang – được coi là kiệt tác vườn dân gian Hàn Quốc thuộc tỉnh Jeollanam- do. Việc mang những kiến trúc trên đến với triển lãm đồng thời cũng là lời mời gọi khách tham quan hãy đến với những không gian như vậy.

“Yucheomdang” (Hữu Thiêm đường), được cải biến theo lối hiện đại từ Mucheomdang (Vô Thiêm đường), một kiến trúc nhà cổ ở làng Yangdong. Ngôi nhà có khung bằng thép kết hợp với kiến trúc gỗ truyền thống. Từ phần hiên nhỏ trước nhà, những hình ảnh của ngôi làng giàu truyền thống có thể được quan sát qua màn hình, thể hiện ý tưởng làm thế nào có thể đưa cảnh vật tự nhiên vào nội thất trong kiến trúc nhà truyền thống Hàn Quốc.
Đưa không gian vào triển lãm không phải là điều dễ thực hiện. Vừa phải đem một không gian kiến trúc lớn vào khu vực triển lãm có giới hạn, vừa phải tạo cho người xem cảm nhận được tính không gian ba chiều bằng những hình ảnh hai chiều, và trên hết phải cho thấy được cuộc sống của con người trong công trình đó.
Để làm được điều này, các bức hình cỡ lớn của 10 không gian kiến trúc chủ đạo được bài trí trên các bức tường. Việc làm này nhằm tạo hiệu ứng, giúp khách tham quan trực tiếp cảm nhận không gian thông qua hình ảnh thay vì dùng lời lẽ để giải thích. Ngoài ra, để khách tham quan hiểu rõ hơn, khu triển lãm còn trang bị nhiều thiết bị đa phương tiện hỗ trợ khác. Có thể thấy được sự dày công và tỉ mỉ của ban tổ chức khi mỗi không gian có những đoạn băng hình chiếu hình ảnh 3D của không gian đó, đồng thời có những hình ảnh 3D hay video giải thích cách thức xây dựng, những bức tranh hay đồ vật liên quan đến công trình kiến trúc, và còn phải kể đến tác phẩm “Bức tường phía Bắc” của Suh Do-ho – bức tranh thêu tay tái hiện một phần của nhà truyền thống hanok gợi lên những ký ức về hanok cũng như đem đến những trải nghiệm hiện đại cho triển lãm.

Nơi hội ngộ của kiến trúc và hình ảnh

Tham gia vào dự án hình ảnh này là sáu nhiếp ảnh gia gồm Joo Myung-duck, Bae Bien-u, Koo Bohn-chang, Kim Jae-kyeong, Suh Heun-kang và Kim Do-kyun. Họ là những người dày dặn kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực tác nghiệp như hình tư liệu, di sản văn hóa, phong cảnh và có độ tuổi trong khoảng từ 40 đến 70 tuổi. Tuy mỗi người có góc nhìn và bản sắc riêng, nhưng khi đặt trong mối quan hệ tổng thể của cuộc triển lãm, họ thể hiện được sự nhất quán với chủ đề triển lãm.
Các nhiếp ảnh gia muốn tác phẩm của mình bao quát được toàn cảnh của không gian kiến trúc khi nhìn xa cũng như khi lại gần quan sát. Tàng kinh các Janggyeong Panjeon trong chùa Haeinsa – nơi lưu trữ và bảo tồn mộc bản bộ Bát Vạn Đại Tạng Kinh được khắc vào thế kỷ 11 thời kỳ Goryeo, được giới thiệu đến người xem qua góc nhìn của Joo Myung-duck. Hình ảnh được thể hiện tinh tế đến nỗi có thể quan sát từng đám tuyết phủ trên mái tòa chính điện chùa Haeinsa. Những hình ảnh trình chiếu được chuyển trang một cách chậm rãi mang đến cho du khách cảm giác như đang chầm chậm bước đi tham quan một vòng quanh chùa. Không chỉ đem đến hình ảnh của tĩnh vật như các tòa nhà, nơi đây còn có cảnh sinh hoạt thường ngày của các nhà sư giúp người xem cảm nhận một không gian tôn giáo sống động.

Đoạn phim “Sự tĩnh lặng trang nghiêm” (Solemn Serenity) của nhà làm phim tài liệu Park Jong-woo. Trong không gian của phòng chiếu phim tối và nhỏ, người tham quan có thể trải nghiệm kiến trúc Tông Miếu và cảnh những người đang cử hành nghi lễ, tiếng lễ nhạc hòa vào cùng tiếng mưa.Đến trước ảnh Jongmyo của nhiếp ảnh gia Bae Bien-woo, toàn cảnh được tác giả khéo léo thu vào một khung hình dài, khách tham quan bất giác dừng chân trước vẻ tôn nghiêm trầm mặc của toàn cảnh tòa chính điện phủ đầy tuyết trắng với nền đất trải đá cuội. Cảm nhận không gian của Tông Miếu được đẩy lên cực đại nhờ đoạn phim ba kênh hình ảnh với chủ đề “Sự tĩnh lặng trang nghiêm” của nhà làm phim tài liệu Park Jong-woo. Trong không gian của phòng chiếu phim tối và nhỏ, ba mặt đầy ắp hình ảnh Tông Miếu, bước vào chỉ với năm phút mà tưởng như ngàn năm. Cảnh vật hiện lên trên tông màu chủ đạo đen trắng đơn giản. Kiến trúc Tông Miếu và cảnh những người đang cử hành nghi lễ, tiếng lễ nhạc hòa vào cùng tiếng mưa, tất cả được gói gọn trong không gian kiến trúc tạo nên tính mặc niệm và tính hình thức lễ nghi của Tông Miếu.
Hình ảnh Bulguksa của nhiếp ảnh gia Suh Heun-kang không phải lúc nào cũng đem đến cho người xem sự huyên náo đông đúc, mà Bulguksa hiện lên một vẻ uy nghiêm vững chãi của ngôi Quốc tự được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ thứ 8. Không chỉ chụp toàn cảnh tháp đá Dabotap (Đa Bảo tháp), đôi cầu Cheongungyo (Thanh Vân kiều) và cầu Baegungyo (Bạch Vân kiều), khu vườn của tòa chính điện Geungnakjeon (Cực Lạc điện) mà tác giả còn hướng mắt người tham quan đến những chi tiết tỉ mỉ của nền bậc thang đá tự nhiên và dancheong, nghệ thuật sơn vẽ trang trí hoa văn trên các công trình kiến trúc gỗ của Hàn Quốc.
Koo Bohn-chang lại có cách tiếp cận khác biệt khi chụp cảnh chùa Tongdosa từ rừng thông phía sau Geumgang gyedan (Tòa Kim cương đài – nơi Phật tọa). Tongdosa vốn có vị thế nằm trải dài theo bờ suối nên rất khó để lấy trọn vào một khung hình. Soswaewon là khu vườn được xây dựng bao quanh dòng suối, một địa danh được biết đến do thể hiện sâu sắc quan niệm kiến trúc và tự nhiên của người Hàn Quốc. Lấy góc chụp từ bên trong đình nhìn ra quang cảnh xung quanh, Koo Bohn-chang dụng ý, kiến trúc không đơn thuần là kết cấu, mà là kiến trúc “trong” thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên. Đây cũng là cách tiếp cận tương tự như bức hình chụp cung điện Changdeok, với cách bài trí không bị đóng khung bao bọc xung quanh. Qua những hình ảnh trên thể hiện cách người Hàn Quốc chọn nơi đặt nền móng xây dựng, cũng như sự hòa mình với thiên nhiên trong kiến trúc của Hàn Quốc. Cùng có truyền thống kiến trúc gỗ, nhưng nếu kiến trúc Trung Quốc chú trọng tạo dáng vẻ bệ vệ, hùng tráng cho các công trình thì ngược lại, kiến trúc Hàn Quốc xem trọng mối liên hệ không gian hơn là hình dáng hay độ lớn của công trình. Đây chính là quan niệm về kiến trúc cũng như quan niệm về tự nhiên của Hàn Quốc.
Nếu kiến trúc Trung Quốc chú trọng tạo dáng vẻ bệ vệ, hùng tráng cho các công trình thì ngược lại, kiến trúc Hàn Quốc xem trọng mối liên hệ không gian hơn là hình dáng hay độ lớn của công trình. Đây chính là quan niệm về kiến trúc cũng như quan niệm về tự nhiên của Hàn Quốc.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật cổ và kỹ thuật số

Từng chi tiết tranh ảnh, bản đồ hay những sản phẩm thủ công mĩ nghệ liên quan đến kiến trúc được bài trí hợp lý theo chủ đề không những làm mở rộng không gian kiến trúc mà còn lôi cuốn người tham quan đến gần quan sát rõ hơn. Mượn về từ thư viện Harvard Yenching, cuốn sách kí họa “Sukcheon Jeado” (Túc tiễn chư nha đồ, tức Ký họa nơi làm việc) lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng Hàn Quốc. Đây là cuốn kí họa của một quan chức vào thế kỷ 19 vẽ lại những cơ quan công sở nơi ông từng làm việc trong suốt 42 năm công tác. “Cảnh phủ quan tỉnh Gyeonggi” miêu tả một cách sinh động kiến trúc các tòa nhà và sinh hoạt của người dân vào thế kỷ 19. Tác phẩm này vẽ trên 12 bức bình phong lớn toàn cảnh phủ quan tỉnh Gyeonggi và cảnh vật xung quanh khi quan phủ từ cửa Tây ngoài kinh thành đi vào phủ. Nếu sử dụng “kỹ thuật số hỗ trợ” là màn hình cho phép xem chi tiết các hình ảnh, khách tham quan có thể quan sát gần hơn những tòa nhà và con người trong các bức vẽ.
Điểm mới mẻ khi áp dụng kỹ thuật số trong triển lãm là ở việc khôi phục đoạn phim và hình ảnh chi tiết về tháp Phật mạ vàng. Tháp Phật mạ vàng thời Goryeo do Viện bảo tàng Leeum giới thiệu là một mô hình thu gọn cao 110cm. Hiện tháp có 5 tầng nhưng các tài liệu nghiên cứu cho rằng nguyên thủy tháp từng có 9 tầng. Hình dáng nguyên thủy của tháp đã được khôi phục bằng kỹ thuật số và giới thiệu đến quan khách.
Những chi tiết liên quan kết cấu như hình chạm đầu mái, phần mái, lan can hay hình ảnh chi tiết của chiếc chuông gió treo ở mái hiên, tượng Phật được chạm khắc ở thân tháp hiện ra một cách tỉ mỉ, thu hút sự chú ý của người xem. Triển lãm vận dụng video nhiều hơn là dùng lời giải thích. Đặc biệt là băng video 3D kết cấu kiến trúc của hang động Seokguram (Thạch Quật am) – đoạn băng từng chiếu tại triển lãm đặc biệt về “Thời kỳ Silla” do Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan – Mỹ tổ chức vào năm 2013, cho thấy làm thế nào vào thế kỷ thứ 8 Seokguram đạt được hình thái kiến trúc hoàn hảo như vậy. Trong khuôn khổ triển lãm có những đoạn video 3D về quá trình xây dựng cửa Paldalmun (Bát Đạt môn) của thành cổ Suwon Hwaseong, hay từ quá trình làm nền đến khi treo bảng tên của đình Gwangpunggak (Quang Phong các) trong vườn Soswaewon. Đoạn băng hình cho thấy một cách tỉ mỉ quá trình dựng cột, đổ dầm, và cách thức lợp mái giúp người xem hiểu một cách dễ dàng cấu trúc kiến trúc gỗ của Hàn Quốc.

Kiến trúc Hàn Quốc truyền thống và hiện đại

Tuy có những hạn chế về không gian triển lãm trong nhà nhưng triển lãm vẫn có những công trình được tái hiện với kích thước thật. Ngay tại lối vào triển lãm trưng bày kích cỡ thật của cột trụ trong điện Muryangsujeon (Vô Lượng Thọ điện), chính điện của chùa Buseoksa (Phù Thạch tự) – một trong những ngôi chùa lâu đời và đẹp nhất, đại diện cho kiến trúc cổ Hàn Quốc. Cột thiết kế theo phong cách entasis (có phần thân cột phình to ở giữa hơn phần chân và đầu cột), phía trên cột là đòn tay của phần mái. Công trình đem đến cảm giác ấm áp vốn có của gỗ, vừa có sự vững chãi nhờ phần cột trụ mái, vừa có sự mềm mại do những đường cong đem lại.
Trong phần cuối của triển lãm trưng bày một trong những kiến trúc tiêu biểu cho làng Yangdong là Mucheomdang (Vô Thiêm đường) được đổi thành tên gọi hiện đại là Yucheomdang (Hữu Thiêm đường). Tòa nhà mới này được tái hiện theo ý tưởng của Kim bong-ryol, nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc truyền thống, hiện đang là hiệu trưởng của trường Nghệ thuật Tổng hợp Hàn Quốc. Kiến trúc sư đổi ký tự “vô” (tức “không”) thành từ “hữu” (tức “có”), đặt tên theo lối chơi chữ với ý nghĩa “thêm vào” không gian truyền thống cái nhìn hiện đại. Căn phòng kết hợp giữa phương pháp kiến trúc nhà gỗ truyền thống với kết cấu khung thép đơn giản hiện đại vừa thể hiện cho sự kết hợp truyền thống và hiện đại, vừa hàm chứa ý nghĩa hòa hợp hai gia tộc của làng Yangdong. Điểm đặc biệt ở đây là khách tham quan có thể cởi giày bước vào trải nghiệm không gian bên trong. Phần hiên nhà được lót nền gỗ đem lại trực quan và cảm giác như đang trong không gian nhà truyền thống hanok. Bên trong, phong cảnh làng Yangdong được trình chiếu qua các slide hình ảnh với màn hình được bố trí ngang tầm nhìn. Thông qua cửa sổ, cảnh thiên nhiên hiện lên qua khung cửa đẹp như tranh vẽ thể hiện sự giao hòa với thiên nhiên và quan niệm về tự nhiên của người xưa.

Mái tòa Tàng Kinh các (Janggyeong Panjeon) và mái tòa chính điện (Beopbojeon) trong chùa Haeinsa (Hải Ấn tự) qua góc nhìn của Joo Myung-duck. Tại đây mộc bản bộ Bát Vạn Đại Tạng Kinh đã được lưu trữ trên 600 năm.
Kể từ khi mở cửa hoạt động, hàng năm Viện bảo tàng Mỹ thuật Leeum tổ chức ba đến bốn triển lãm đặc biệt. Trong số đó, có thể kể đến triển lãm mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống với các mẫu vật trưng bày có kích cỡ nhỏ như triển lãm “Các họa sỹ cung đình thời Joseon”, triển lãm “Tráng lệ và đài các: Phẩm cách mỹ thuật Hàn Quốc”, triển lãm các tác phẩm của các nghệ sĩ hiện đại như Andy Warhol và Anish Kapoor. Đối với triển lãm kiến trúc thì có thể nói đây là lần đầu tiên Leeum tổ chức. Phó giám đốc bảo tàng, ông Lee Joon tự hào cho biết đây là triển lãm đầu tiên “dung hòa giữa quá khứ với hiện tại, giữa lịch sử mỹ thuật và kiến trúc, giữa kỹ thuật và nhân văn học”. Không gian mà người Hàn Quốc đang sinh sống có đến hơn 70% đã đô thị hóa. Kiến trúc truyền thống giờ đây trở thành nơi người ta nghĩ và tìm đến khi đi du lịch hơn là không gian gắn liền với sinh hoạt hằng ngày. Đây không chỉ là suy nghĩ của người nước ngoài mà còn đúng với cả giới trẻ Hàn Quốc. Nhưng cho dù họ biết hay không để ý đến, những quan niệm về không gian truyền thống không mất đi hoàn toàn. Người Hàn Quốc vẫn biết tầm quan trọng của thế đất được núi bao bọc, xem nhà hướng nam, thích nhà có cửa sổ thông thoáng và đầy đủ ánh sáng. Đối với người Hàn Quốc, cởi giày dép khi bước vào nhà là việc đương nhiên. Họ cũng nhớ cái ấm áp của sàn gỗ, của khung cửa sổ dán giấy đủ để ánh sáng và âm thanh lọt qua trong kiến trúc truyền thống.
Nếu khách tham quan có thể cảm nhận được những đặc điểm nền tảng như vậy của kiến trúc Hàn Quốc theo dụng ý nghệ thuật của ban tổ chức thì có thể nói triển lãm đã thành công. Tuy nhiên, cũng không phải không có những người lo lắng rằng sẽ tạo một cảm nhận cứng nhắc về văn hóa kiến trúc Hàn Quốc. Dù sao chăng nữa, nếu người xem không nhận ra được mối liên hệ hữu cơ giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, đó âu cũng là một phần khiếm khuyết của ban tổ chức. Người Hàn Quốc ngày nay không còn sống trong những căn nhà bằng gỗ, đất và được bao bọc bởi thiên nhiên như ngày xưa. Do đó, những trải nghiệm về kiến trúc truyền thống như thế này là dịp tốt để giới trẻ Hàn Quốc cũng như người nước ngoài hiểu được sự hài hòa với thiên nhiên trong đời sống người Hàn Quốc.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới