Phim Parasite là câu chuyện về gia đình Park giàu có và nhà Kim nghèo túng, phản ánh bất bình đẳng thu nhập ngày càng sâu sắc ở Hàn Quốc.
“Parasite” làm nên lịch sử khi trở thành phim không nói tiếng Anh đầu tiên thắng giải phim xuất sắc – giải quan trọng nhất của Oscar. Ngoài ra, tác phẩm còn thắng giải hạng mục đạo diễn, kịch bản gốc và phim quốc tế.
“Parasite” (Ký sinh trùng) khiến nhiều người Hàn Quốc tự nhận mình là tầng lớp “thìa đất” đồng cảm. Họ sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp, khó có cơ hội sở hữu một ngôi nhà đẹp hay thăng tiến trong xã hội, trái ngược với “thìa vàng” – những người sinh ra trong gia đình giàu có.
Bất bình đẳng thu nhập trở thành vấn đề nhức nhối ở Hàn Quốc trong những năm gần đây do giá nhà tăng cao và nền kinh tế trì trệ, làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Tổng thống Moon Jae-in.
Ông Moon đã gửi lời chúc mừng đến đoàn làm phim “Parasite”, nói rằng tác phẩm “lay động trái tim của mọi người trên khắp thế giới bằng một câu chuyện độc đáo của Hàn Quốc”.
Thông điệp của bộ phim là sự phê phán sắc sảo xã hội hiện đại Hàn Quốc. Đạo diễn Bong Joon-ho đã sử dụng nhiều cảnh quen thuộc quanh Seoul để làm nổi bật khoảng cách giàu nghèo tại thành phố. Sự tương phản giữa những khu nhà cũ kỹ lụp xụp với những địa điểm hào nhoáng của Seoul minh họa cho sự cạnh tranh đang diễn ra trong xã hội và mối quan hệ đôi khi “ký sinh” giữa người giàu và người nghèo.
Bất bình đẳng kinh tế ở Hàn Quốc cao hơn nhiều thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngang bằng với Anh và Latvia và tình trạng ngày càng tồi tệ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hệ số Gini, biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân, của Hàn Quốc vẫn tốt hơn nhiều nơi như Mỹ, theo OECD.
Nhưng sau nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gần đây, triển vọng kinh tế của Hàn Quốc hiện giờ không xán lạn, gây lo ngại cho nhiều người.
Cuộc khảo sát năm 2019 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy hơn 85% số người được hỏi cảm thấy có “khoảng cách thu nhập rất lớn” trong xã hội và cần phải xuất thân từ gia đình giàu có thì mới đạt được thành công. Những người trẻ tuổi ngày càng bi quan trong một hệ thống giáo dục và thị trường việc làm cạnh tranh cao.
Điều này khiến mức tín nhiệm của ông Moon giảm xuống 45% vào đầu tháng hai, khi những người ủng hộ trẻ tuổi không hài lòng với triển vọng kinh tế. Tháng 9/2018, mức tín nhiệm của Moon từng là 61% sau chuyến thăm Bình Nhưỡng. Ông Moon không thể tái tranh cử vì giới hạn nhiệm kỳ theo hiến pháp, nhưng cuộc bầu cử quốc hội quan trọng sẽ được tổ chức vào tháng 4 và đây sẽ là thử thách cho đảng của ông.
Trong “Parasite”, cô con gái nhà Kim đã giúp anh trai, người trượt đại học 4 lần, làm giả giấy chứng nhận sinh viên đại học Yonsei để được làm gia sư cho gia đình Park giàu có.
Cảnh phim này làm một số người Hàn Quốc nhớ đến vụ bê bối khiến Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk từ chức tháng 12/2019. Ông đang bị truy tố với cáo buộc làm giả tài liệu liên quan đến các khoản đầu tư của gia đình và thành tích học tập của con gái để cô vào được trường đại học danh giá. Cho bác bỏ cáo buộc.
Bê bối này gây phẫn nộ lớn vì Hàn Quốc là nơi có môi trường cạnh tranh trong học tập khắc nghiệt với những kỳ thi rất áp lực. Các sinh viên ra trường cũng phải “tranh giành” để có được việc làm khi thị trường lao động đang đình trệ, trong một hệ thống có nhiều bất công và thiên vị cho giới thượng lưu.
Bê bối khiến những người trẻ tuổi ủng hộ ông Moon và đảng của ông thất vọng vì trong chiến dịch tranh cử, ông đã hứa hẹn xóa sạch tham nhũng trong chính phủ và doanh nghiệp.
“Chiến thắng của ‘Parasite’ là một điều thực sự tuyệt vời, nhưng thật cay đắng khi thấy nhân vật người cha trầm trồ tán thưởng về kỹ năng làm giả giấy tờ và kế hoạch gian dối của các con để xin được việc”, một người dùng Twitter viết.
Phương Vũ (Theo Reuters)