Hội đồng toàn bộ thẩm phán Tòa án tối cao Hàn Quốc ngày 3/9 đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện của Công đoàn giáo viên toàn quốc, quyết định bác bỏ phán quyết sơ thẩm, trả lại hồ sơ vụ kiện cho Tòa án cấp cao Seoul.
Tháng 10/2013, Bộ Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc thông báo Công đoàn giáo viên toàn quốc là một “công đoàn ngoài pháp luật”, với lý do có 9 hội viên của công đoàn này là giáo viên đã bị sa thải. Sau đó, phía Công đoàn đã khởi kiện Bộ Tuyển dụng và lao động lên Tòa án, yêu cầu hủy hiệu lực của thông báo trên.
Tổ chức công đoàn ngoài pháp luật là một tổ chức của người lao động không được công nhận quyền hạn công đoàn đảm bảo bởi pháp luật, như quyền thương lượng tập thể.
Khi đó, trọng tâm tranh cãi là điều khoản trong Luật Công đoàn giáo viên và Luật Công đoàn, quy định không công nhận công đoàn lao động nếu tổ chức đó kết nạp người không phải giáo viên. Phía Bộ Tuyển dụng và lao động đã căn cứ vào điều khoản này để gửi thông báo.
Công đoàn giáo viên toàn quốc cho rằng Bộ Tuyển dụng và lao động phải thẩm định xem việc kết nạp các giáo viên bị sa thải có xâm hại tới tính tự chủ của công đoàn hay không trước khi tước đi vị thế pháp luật của tổ chức này.
Chánh án Tòa án tối cao Kim Myung-soo phân tích Bộ Tuyển dụng và lao động gửi thông báo như trên không chỉ đơn thuần tước đoạt vị thế mà còn phủ định sự tồn tại của Công đoàn giáo viên toàn quốc. Nội dung trong thông báo đã xâm hại ba quyền về lao động, vi phạm pháp luật nên vô hiệu lực.
Mặc dù Tòa án tối cao đã phán quyết Bộ Tuyển dụng và lao động phải hủy hiệu lực của thông báo trên, nhưng từ nay tới khi Tòa án cấp dưới xét xử lại vụ kiện, thông báo này vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, nếu trong phiên xét xử đơn kiện khác của Công đoàn giáo viên toàn quốc, Tòa án tối cao chấp nhận đề nghị đình chỉ hiệu lực thông báo của Bộ Tuyển dụng và lao động thì tổ chức trên sẽ được khôi phục vị thế pháp lý ngay lập tức