Cô Lim Hyuk-ju, 25 tuổi, chấp nhận sống trong một căn hộ chật chội ở khu trọ dành cho sinh viên để cố gắng bám trụ ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc với mơ ước tìm được một công việc kế toán.
Sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tham gia một lớp luyện thi ở thành phố Busan, Hàn Quốc để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng của tập đoàn Samsung. Ảnh: Reuters
“Khi nằm ngủ, chân tôi có thể chạm vào tường”, Lim nói về phòng trọ rộng 2,8 mét vuông, có giá 400 USD mỗi tháng.
Cô không dám gây tiếng động mạnh vì tường rất mỏng, hàng xóm xung quanh đều là những người trẻ đang học hành vất vả 15 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng.
Tốt nghiệp trung học hạng xuất sắc, Lim mong ước trở thành một kế toán. Nhưng giờ đây, cô đang sống dựa vào chu cấp của cha mẹ và lao vào cuộc chiến như rất nhiều người trẻ ở Hàn Quốc: Ôn thi hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, để vượt qua các vòng thi tuyển dụng ở cơ quan nhà nước hoặc các tập đoàn tư nhân như Samsung, LG hay Hyundai.
“Đôi lúc, tôi tự hỏi liệu những kỳ thi này có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công”, Lim giãi bày.
Nhiều câu hỏi được đặt ra khi Hàn Quốc bắt đầu chững lại ở nền kinh tế đang phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc chững lại, 11,3% số thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 29 hiện không có việc làm, gấp ba tỷ lệ thất nghiệp chung trên toàn quốc.
Mơ ước cả đời của người Hàn Quốc là được nhận vào làm ở những tập đoàn lớn. Mong muốn này lớn đến nỗi nhiều người thà chịu cảnh thất nghiệp còn hơn là đi làm ở những công ty nhỏ. Trong mắt người trẻ Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ không hấp dẫn vì hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn lớn.
Các tập đoàn gia đình “chaebol” có sức mạnh chi phối nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2015, doanh thu của 5 tập đoàn lớn nhất xứ sở kim chi chiếm tới 58% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước.
Những tập đoàn này rất nghiêm ngặt trong khâu tuyển dụng. Kỳ thi sơ tuyển của Hyundai kéo dài 6 giờ, trong khi Samsung có hẳn đội ngũ riêng chuyên ra đề thi cho các ứng viên xin việc.Thanh niên Hàn Quốc đang đứng điền mẫu đơn đăng ký kì thi công chức.
“Khi kinh tế suy thoái, không có nhiều cơ hội việc làm, thi tuyển càng trở nên khắc nghiệt hơn”, Baek Eui-hyun, cử nhân đang thất nghiệp sau hai năm khổ luyện cho kỳ thi công chức, cho biết.
Hàng ngày, chàng thanh niên 28 tuổi này vẫn miệt mài tới các hiệu sách trung tâm ngồi ôn luyện. “Tất nhiên, chẳng ai muốn giam mình trong 4 bức tường cả ngày để học hành cả. Nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác,” Baek tỏ ra tuyệt vọng.