Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
spot_img

Cuộc sống trong những chiếc hộp 3m2 ở Hàn Quốc

Theo Straits Times, Lydia Wong, một cô gái 24 tuổi người Singapore tới Hàn Quốc để theo đuổi giấc mơ K-pop, đang sống trong một chiếc hộp theo đúng nghĩa đen. Căn phòng cô ở không có cửa sổ, tường mỏng đến mức nghe rõ mồn một mọi âm thanh phát ra từ phòng bên. Tuy nhiên, đối với Wong, căn phòng được trang bị đầy đủ nhu cầu thiết yếu.Căn phòng nhỏ 3m2 của Wong. Ảnh: Straits Times.

Đó là một chiếc bàn học nhỏ, tủ lạnh mini, quạt máy, kệ tủ trên đầu giường đủ để đựng sách vở, quần áo, tivi và giàn phơi quần áo trên trần nhà. Căn phòng ngột ngạt nhưng đối với Wong, người đến thủ đô Seoul từ tháng hai để học tiếng Hàn, khá ấm cúng và tiền thuê phải chăng “cho một sinh viên nghèo”. Cô thuê nó giá 250.000 won/tháng (217 USD), bao gồm cả tiền Internet wifi.

“Lúc đầu, tôi cũng e ngại vì phòng không có cửa sổ, tuy nhiên, tôi nhanh chóng thích nghi”, Wong nói. Cô là một người hâm mộ K-pop, mơ ước được làm việc trong ngành giải trí Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp khóa tiếng Hàn tháng 11 tới.

“Tôi là người dễ sống và không hay đòi hỏi, chỉ cần đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản là được”.

Căn phòng Wong ở nằm trong gosiwon, một dạng nhà trọ độc đáo của Hàn Quốc. Nó ra đời từ thập niên 1980, nhằm đáp ứng nhu cầu ôn thi của sinh viên. Tại đây, họ nhét mình vào những căn phòng nhỏ, chỉ rộng 3-6 m2, với nhà tắm và bếp công cộng, rồi vùi đầu vào sách vở chuẩn bị cho thi cử trong nhiều tháng trời. Ngoài ra, nhà trọ còn cung cấp miễn phí gạo, kim chi, mỳ ăn liền cho khách.

Tuy nhiên, kể từ năm 2000, gosiwon với ý nghĩa ban đầu là nơi ôn thi, đã trở thành nhà ở cho những người thu nhập thấp. Họ không đủ khả năng thuê nhà lớn hơn vì chi phí sinh hoạt tăng cao, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là giới trẻ, khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Seoul ở mức 8,4%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 3,4 %.

Gosiwon thu hút những người đang tìm việc, người ngoại quốc đến học tiếng Hàn hoặc tìm việc, người lao động chân tay, thất nghiệp, thậm chí là cả hộ gia đình.

Andy Lee, thành viên nhóm nhạc nổi tiếng Shinhwa, cũng từng công khai anh phải ở gosiwon trong suốt những năm 1990, khi phải sống một mình ở Seoul còn gia đình thì ở Mỹ.

Để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng, số lượng gosiwon đã tăng gần gấp đôi trong vài năm qua, từ 6.597 nhà trọ năm 2010 lên 11.457 năm ngoái, theo chính quyền thành phố. Khoảng 80% gosiwon nằm ở Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận.

Năm 2011, có 138.805 người sống ở gosiwon, 62% trong đó là người thất nghiệp, theo báo cáo năm 2013 của chính quyền Seoul. Không có dữ liệu nhân khẩu học chính thức về cư dân gosiwon, tuy nhiên, theo báo chí địa phương, có gần một nửa người sống trong gosiwon là học sinh đang chuẩn bị thi cử. Ở một số vùng nghèo, gần 90% người trung niên không có việc làm, và nhiều người trong số họ phải sống ở gosiwon trong nhiều năm.

Gosiwon rất phổ biến vì giá rẻ, chỉ từ 200.000 – 500.000 won/tháng (174-435 USD), và không phải trả tiền đặt cọc. Nếu thuê nhà thông thường, khách hàng phải đặt cọc 50-80% giá trị tài sản.

Tại Seoul, để thuê một căn hộ rộng 25 m2, khách phải đặt cọc tới 50 triệu won (hơn 43.500 USD). Chủ nhà sẽ đem tiền đặt cọc đi đầu tư lấy lãi, và hoàn trả khách tiền đặt cọc sau 2-3 năm thuê nhà. Chủ nhà luôn là người có lợi, nếu lãi suất tiền gửi giảm, có khi chủ nhà còn bắt khách đặt cọc 90% giá trị tài sản, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.

Đối với những người người không có tiền tiết kiệm, hoặc gia đình không mấy khá giả, gosiwon là lựa chọn hợp lý.

Làng gosiwon

Tại Silim-dong, phía tây Seoul, gần đại học quốc gia Seoul danh tiếng thậm chí còn có cả gosichon-làng cho thuê phòng trọ ôn thi.

Khu vực này san sát những tòa nhà đang sửa chữa, chuyển đổi thành phòng đơn cho thuê, các lớp luyện thi, quán ăn và cà phê giá rẻ cho học sinh sinh viên – những người đang chật vật ôn luyện, mong thi đỗ công chức hoặc trúng tuyển vào trường đại học mơ ước.Lee Sung Jin học tại quán cà phê gần nhà trọ

Lee Sung Jin, 32 tuổi, đang học ôn thi công chức diễn ra tháng ba năm sau. Anh sống trong một gosiwon rẻ tiền, chỉ 120.000 won/ tháng (104 USD).
“Tôi chọn gosiwon loại rẻ nhất. Phòng chật không thành vấn đề, vì tôi chỉ dùng nó để ngủ”, Lee nói.

Charles Chu, người điều hành nhà trọ Bobo Memberstel mới xây 4 năm nay gần ga điện ngầm đại học quốc gia Seoul cho biết, khách thuê là sinh viên chiếm khoảng 60%, 20% là nhân viên văn phòng, còn lại là người nước ngoài.

Việc kinh doanh ngày càng cạnh tranh, gosiwon mọc lên như nấm, Chu quyết định thay đổi hướng kinh doanh, tập trung vào người nước ngoài đến Seoul học tiếng hay trao đổi học tập. Ông cho biết, khách hàng hầu hết chỉ ở trong vòng 6 tháng, nhưng có một chàng trai đã ở đó 4 năm.

“Cậu ta không có nhà riêng, và phải sống xa gia đình. Gosiwon là nơi duy nhất cậu ấy đủ tiền thuê”, Chu nói. Trước đây, gosiwon chỉ mọc lên ở gần các trường đại học nhưng nay, có thể tìm thấy nó ở hầu khắp thành phố, với những cái tên lai tiếng Anh và tiếng Hàn.

Gần tòa thị chính, nơi tập trung văn phòng nhiều tập đoàn lớn, gosiwon nhắm vào đối tượng khách hàng là dân cổ cồn trắng. Họ chấp nhận sống trong những căn phòng chật hẹp để đi làm cho gần, còn hơn tốn thời gian đi lại. Tuy nhiên, sống trong gosiwon, bạn cần phải từ bỏ nhiều thói quen ưa thích, như là không được phép mời bạn bè đến nhà.

Trở lại với Wong, cô gái người Singapore sống gần đại học Konkuk phía đông Seoul – nơi cô đang theo học tiếng Hàn, cho biết căn phòng rất bí vì không có cửa sổ nên mỗi khi đi ngủ, cô luôn để cửa khép hờ và khóa dây xích cho an toàn.

“Căn phòng mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Mỗi khi trời trở lạnh, tôi phải mặc tới ba lớp quần áo”, Wong nói.

Vấn đề an toàn

Căn phòng bé nhỏ có tường gỗ và đầy ắp sách vở, giấy tờ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Năm 2010, một tòa nhà gosiwon bị cháy gần Sincheong-dong, Seoul khiến 11 người thiệt mạng. Năm 2008, một đám cháy khác ở tỉnh Gyeonggi cũng khiến 7 người chết, khiến dư luận xôn xao về sự an toàn trong các gosiwon. Chính phủ Hàn Quốc sau đó ra quy định, những gosiwon xây dựng sau năm 2010 phải được trang bị hệ thống chữa cháy và cho kiểm tra thường xuyên.

Wong cho biết, hỏa hoạn là mối nguy nhưng “luôn có bình cứu hỏa trong mỗi góc” tòa nhà. Điều khiến Wong vui thích khi sống ở đây là cô không bao giờ thấy cô đơn. Wong thường xuyên nói chuyện với hàng xóm là nhân viên văn phòng, hoặc người ngoại tỉnh đến tìm việc.

Giá thuê một căn phòng rộng 5-6 m2 có toilet riêng khoảng 250 USD/tháng

Park Jee Hoon, một người ngoại tỉnh lên Seoul học đại học, từng sống trong một gosiwon. Anh nâng cấp nó lên thành căn phòng rộng 16 m2 và ở cùng bạn. Họ chia đôi mỗi tháng 370.000 won (322 USD) tiền thuê cho căn phòng có đầy đủ nhà bếp, phòng tắm.

“Nếu không có chỗ ở giá như gosiwon, người như tôi không bao giờ có đủ khả năng xa quê lên Seoul tìm việc”, Park nói. Làm bồi bàn gần nhà ở khu Silim-dong, chàng trai 21 tuổi học ngành khoa học máy tính đang trăn trở về tương lai.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới