Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
spot_img

Hàn Quốc: Thánh tử đạo Ichadon thời Phật giáo Silla

Tại Bách lật Cổ Tự (Baengnyulsa), Khu phố Dongcheon-dong, Quận Gyeongju, Tỉnh Gyeongsang-buk, Hàn Quốc, trên cột đá khắc kinh “Lục diện Thạch tràng” miêu tả một cách cảm động về việc xả thân vì Đạo pháp Dân tộc, tương lai tươi đẹp của đất nước mà Ichadon đã trở thành Thánh tử đạo, sự kiện ấy xảy vào năm Canh Thân (527), năm thứ 14 triều vua Beopheung (Pháp Hưng Vương), vua đời thứ 23 của Silla (Tân La). Đó là:

“Tại Pháp trường, tuyên án xong, khi bị chém đầu, từ cổ phun ra một dòng sữa trắng, lúc này có cơn mưa hoa từ trên trời đổ xuống và chư thiên trỗi khúc nhạc bi ai khiến đại địa ngừng quay, thành trì rung chuyển. Con người cùng vạn vật đều buồn thương tiếc.”

Không biết Ichadon là ai mà gặp phải một kết cục lạ thường, khiến trời đất cũng phải buồn khóc vì ông đến vậy ?

Tương truyền Thánh tử đạo Ichadon (异次顿 (501-527) được sinh ra vào năm 506 hoặc 501, dưới triều vua Jijeung (Trí Chứng Vương), vua đời thứ 22 của Silla (Tân La) và Ngài là một hậu duệ của Sipbogalmunwang (Tập Bảo Cát Văn Vương), phụ thân của vua Jijeung (Trí Chứng Vương). Thánh tử đạo Ichadon có tính cách cương trực, ra làm quan từ khi còn trẻ. Ngài từng là cận thần đức vua Beopheung (Pháp Hưng Vương) là người tri kỷ và tâm đầu ý hợp với đức vua.

Đức Vua Beopheung (Pháp Hưng Vương) dự tính sẽ ban sắc chỉ đưa Phật giáo lên làm Quốc đạo nhưng vì gặp sự phản đối của quan lại trong triều, những người luôn tin theo tín ngưỡng bản địa. Để giải tỏa nỗi lo trong lòng đức vua, Ichadon đã tâu lên như sau:

“Chết vì đất nước là đại nghĩa của kẻ làm quan. Hy sinh mạng sống vì vua là suy nghĩ đúng đắn của người làm dân chúng. Cho nên, khi tiểu thần bắt đầu xây chùa ở Cheongyeongnim (Thiên Kính Lâm) thì xin hãy cho xử phạt thần vì làm sai luật.”

Vào thế kỷ thứ 4, khoảng năm 372 và 384, hai nước láng giềng là Goguryeo (Cao Ly) và Baekje (Bách Tế) đều tôn sùng Phật giáo, riêng chỉ có Silla (Tân La) là đến đầu thế kỷ thứ VI, Phật giáo vẫn chưa được chấp nhận. Nguyên do là từ thuở ban đầu, tại Silla (Tân La) đã có sự phát triển của các hình thức tế tự lấy nền tảng ở tín ngưỡng dân gian, đồng thời, tầng lớp quý tộc ở đây lại coi mình tồn tại như các bậc thần linh và luôn bài xích mọi thế lực mới du nhập từ ngoài vào. Chính vì vậy, Ichadon đã xin được tử vì đạo để mở ra một thời đại tôn giáo mới cho đất nước, bởi ông tin tưởng vào sự hòa bình, lòng từ bi của đạo Phật và coi trọng sự phát triển về tinh thần hơn hạnh phúc về mặt vật chất. Trước lòng hướng Phật và sự trung thành của Ichadon, cuối cùng nhà vua cũng đã thuận theo ý Ngài.

Không bao lâu, tại Cheongyeongnim (Thiên Kính Lâm), nơi vốn là chốn linh thiêng của tín ngưỡng bản địa, một ngôi chùa đã mọc lên và ngay lập tức tin đồn về việc Ichadon theo ý vua thực hiện các nghi lễ của nhà Phật tại đây đã lan truyền đi khắp nơi. Bè đảng quý tộc kéo đến kháng nghị với vua, họ cho rằng “không thể thờ thần của người man di”, khiến cho vua phải chối, và truyền lệnh mời Ichadon đến. Giây phút tử vì đạo của một người mộ Phật đã tới gần. Thánh tử đạo Ichadon đã từ bỏ vinh hoa để hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc.

Để đạt được 2 mục đích là Phật giáo chính thức được công nhận Quốc đạo và tăng cường quyền lực vào tay nhà vua, trước mặt vua Beopheung (Pháp Hưng Vương) và các quần thần, Thánh tử đạo Ichadon đã cất giọng hùng hồn:

“Theo phép tắc của Đức Phật thì đất nước được tốt đẹp, vận nước càng hưng thịnh, vậy thì ta có tội gì ?” Trước khi bị chém đầu Thánh tử đạo Ichadon cũng để lại lời tiên đoán rằng: “Nếu Đức Phật có nơi đây, thì sau khi ta chết, chắc chắn sẽ có hiện tượng kỳ lạ xảy ra.”

Thật đúng như lời tiên tri, Vào ngày 15 tháng 9 năm Canh Thân (527), Ngài thụ án tử hình và đem ra pháp trường xử trảm. Khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, địa cầu rung chuyển, bầu trời u ám, mây giăng phủ kín màu sậm tối, trên pháp trường đầu Ngài lìa khỏi cổ thì liền tuôn ra dòng sửa trắng, bắt đầu một trận mưa hoa đổ xuống, nhạc trời điệp khúc tán than ca ngợi vị Thánh tử đạo hy sinh thân mạng để ánh sáng Từ bi Trí tuệ chan hòa khắp muôn nơi. Cơn mưa hoa trên trời đổ xuống, cũng là lúc Phật giáo nở hoa. Nhục thân của Ngài được an táng, xây tháp tôn thờ đời đời tại núi Geumgang (Kim Cang sơn).

Trong các Kinh Đại thừa đều có dạy về sự Bố thí. Bố thí nghĩa là chia sẻ, ban cho, cung cấp; gồm 3 loại: Tài thí, pháp thí và vô uý thí. Tài thí là bố thí tài sản vật chất (ngoại tài) hoặc công lao, thân mạng của chính mình (nội tài). Pháp thí là dùng lời khuyên răn về đạo đức làm người, an ủi động viên khiến người bỏ ác hướng thiện, hoặc dùng chánh pháp hướng dẫn người tu hành để được giác ngộ giải thoát. Tài thí giúp người đỡ phần khốn khó về thân trong một thời gian nhất định; trong khi tóm lược một pháp yếu, con người có thể áp dụng suốt đời tu, nên Pháp thí có thể mang đến sự bình ổn nội tâm trong thời gian lâu dài. Người bố thí tài chỉ có một khả năng nào đó để đáp ứng một phần nhu cầu của người nhận; còn người giảng được một đoạn kinh hay, thì dù số người nghe đông bao nhiêu cũng đều có phần lợi lạc. Lại nữa, Tài thí chỉ có giá trị nhất thời, còn Pháp thí thì giúp vĩnh thoát sinh tử nên giá trị vô hạn. Như vậy, so với Tài thí thì Pháp thí thù thắng hơn rất nhiều, nhưng người bố thí phải có trình độ về đạo học và biết cách thu phục nhân tâm.

Vô uý thí là giúp người bớt sợ hãi bằng lời nói hay việc làm. Từ những điều sợ hãi nhỏ nhặt như sợ côn trùng, sợ bóng đen v .v . Đến những nổi khiếp đảm đối với thiên tai, chiến tranh, bịnh tật, chết chóc . . ., những lời an ủi động viên hoặc hành động bảo bộc vỗ về sẽ làm con người cảm thấy bình an hơn. Thậm chí lúc sắp lâm chung, nếu được nghe kinh kệ, nghe niệm hồng danh chư Phật hoặc được hướng dẫn về những điều cần làm khi bước qua bên kia cửa tử, người sắp mất có thể yên ổn ra đi với một cận tử nghiệp thiện lành.

Bố thí nghĩa là buông xả. Kinh Kim-Cang, Đức Phật dạy:” Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc Bố thí… Nếu Bồ tát Bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ bàn”. Khi tiếp xúc với mọi cảnh mọi duyên mà tâm không dính mắc, không khởi niệm phân biệt phê phán, làm tất cả các việc vì người khác mà không trụ tướng, đó là hoàn toàn buông xả phù hợp với ý nghĩa sâu xa của Bố thí Ba-la-mật.

Như thế, Bố thí Ba-la-mật vừa làm lợi cho mình vừa có ích cho người. Đối với người, đây là một nghệ thuật sống, giúp người bớt khốn khổ, bớt sợ hãi lo âu, đem đến niềm an ủi, sự ấm áp của tình người. Không chỉ có tài sản mới Bố thí được, mà một lời nói hay, một việc làm nhỏ, một nụ cười vui… phát xuất từ tâm chân thành thiết tha đều mang nhiều lợi lạc. Mọi công đức đều xuất phát từ tâm ý, tâm càng thanh tịnh, càng bớt ngã chấp thì kết quả của việc làm càng lớn lao. Đối với mình, càng Bố thí ta càng giảm được lòng tham, càng có niềm vui khi việc làm có ích cho cộng đồng. Tiến thêm một bước, thực hiện hạnh buông xả, ta có thể tự tại an nhiên trước mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống. Hình ảnh các thiền sư “ đói đến thì ăn, mệt ngủ khò” và khi hết duyên, ngồi kiết già thị tịch trước các môn đệ, là những hình ảnh sáng ngời của sự tự tại đối với sinh và tử.

Thánh tử đạo Ichadon đã thể hiện việc làm phi phàm mà thế gian khó có ai làm được. Sau khi chứng kiến sự kiện tử vì đạo, hiến dâng sinh mạng để truyền bá Phật giáo của Thánh tử đạo Ichadon cũng như kỳ tích xuất hiện theo đó, các quý tộc của Silla (Tân La) đã công nhận Phật giáo là quốc Đạo. Đây là thời điểm của năm Canh Thân (527) sau công nguyên trên bán đảo Hàn Quốc. Sự hy sinh của Thánh tử đạo Ichadon đã đắc được đại nguyện : “Đạt được sự thống nhất quốc gia trên nền tảng của Phật giáo”.

Thánh tử đạo Ichadon là một Phật tử thuần thành, tín tâm kiên cố, đạo niệm tinh chuyên, là một trung thần, một vị hộ quốc an dân, luôn tồi tà phụ chánh, ủng hộ cho ý chí xây dựng Phật giáo làm Quốc đạo, tăng cường quyền lực của đại vương Beophung (Pháp Hưng đại vương), một vị minh quân Thánh triết chủ trương Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp. Sau khi sự kiện tử vì đạo của Ichadon, Phật giáo bắt đầu bén rễ vào vào Silla (Tân La), thức tỉnh tinh thần lấy con người làm gốc, tôn trọng ý chí tự do của con người, đem lại sự phát triển của nhà nước Silla (Tân La) và trở thành nền tảng, tạo nên một quốc gia thống nhất đầu tiên của bán đảo Hàn Quốc. Thánh tử đạo Ichadon được tôn vinh 1 trong “thập thánh”, 10 vị Thánh tăng nổi tiếng thời Silla (Tân La) tại Kim Đường, tòa nhà trung tâm của chùa Heungnyun (Hưng Luân Tự), ngôi chùa xây vào năm Canh Thân (544), dưới triều vua Jinheung (Chân Hưng Vương), vua đời thứ 24 của Silla (Tân La). Ngoài ra, còn có một ngôi chùa được xây riêng để tưởng nhớ Thánh tử đạo Ichadon, mà về sau có tên gọi là chùa Baengnyul (Bách Lật Tự). Tại đây, cột đá “Lục diện Thạch tràng” tượng trưng cho cảnh tuẫn giáo của Thánh tử đạo Ichadon đã được dựng lên để ca tụng cho sự hy sinh của Thánh tử đạo Ichadon. Chỉ hưởng dương được hơn 20 tuổi xuân và sớm hiến dâng cả cuộc đời cho sự phát triển của Phật giáo, Thánh tử đạo Ichadon đã cho chúng ta thấy một con người đầy niềm tự tin, đức tự chủ, có ý chí cao đẹp, nghị lực phi thường, không dừng mục đích sống ở cái riêng của bản thân mà phát triển nó thành một tấm lòng vô ngã vị tha bao la, rộng lớn.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới