Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
spot_img

Hàn Quốc tìm thuốc chữa cho cơn sốt học thêm

Phụ huynh chi 19,4 tỷ USD cho con đi học thêm

Sau khi học suốt 6 giờ mệt nhoài tại một trường tiểu học, cô bé 8 tuổi Ho You-Jin vội vã trở về nhà nhưng không phải để nghỉ ngơi.
Ho You-Jin lấy sách vở mới và đến một trung tâm học thêm tư nhân để học tiếp trong vòng 5 đến 6 tiếng đồng hồ nữa.
“Cháu đã quen với việc học nhiều như thế này rồi nhưng cháu cảm thấy rất mệt mỏi sau khi đi học thêm về và làm bài tập về nhà”, You-Jin nói.
Một ngày học tập theo kiểu nhồi nhét mà You-Jin đang trải qua là chuyện bình thường ở Hàn Quốc, một quốc gia bị ám ảnh bởi việc học và ưu tiên số 1 cho việc học. Trong thời gian diễn ra kì thi tuyển sinh đại học, Hàn Quốc thậm chí còn cấm các phương tiện đi lại và hoãn các chuyến bay để tránh gây ảnh hưởng cho các thí sinh.
“Cơn sốt” giáo dục đang gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội tại Hàn Quốc. Những trung tâm luyện thi tư nhân đắt đỏ được xem là tác nhân đẩy các gia đình nghèo vào con đường nợ nần và tăng thêm áp lực cho trẻ em.

Một trung tâm dạy tiếng Anh ở Seoul, Hàn Quốc.Năm ngoái các vị phụ huynh Hàn Quốc chi tới 19,4 tỷ USD cho việc học thêm của con. (Ảnh: Bangkok Post)

Theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc, trong năm 2009, các bậc phụ huynh ở quốc gia có dân số 50 triệu người này đã phải chi ra 21,6 nghìn tỷ won (khoảng 19,4 tỷ USD) cho việc học thêm của con em họ bất chấp nền kinh tế rơi vào tình cảnh suy thoái.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho rằng chính khoản chi tiêu này đã cản trở những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2009.
Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-Bak đã phát động một chiến dịch nhằm hạn chế việc học thêm. Tuy nhiên, một số giáo viên và phụ huynh tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch này bởi các trường công lập vẫn còn quá nhiều điểm thiếu sót.
“Những tài liệu giảng dạy trong các trường công lập trở nên quá dễ với bọn trẻ và chúng không hứng thú với việc học bài ở trường do giáo viên thiếu sự sáng tạo khi giảng dạy”, Woo Soon-Young, mẹ của cô bé You-Jin cho hay.
“Học sinh không thể giành được điểm cao trong những bài kiểm tra khó nếu chỉ học trên lớp”.

Chính phủ mở hệ thống giáo dục từ xa cho học sinh

Bản thân cô bé You-Jin cũng thừa nhận em không hứng thú với việc học ở trường công “Cháu chẳng học được điều gì mới mẻ cả”.
Tổng thống Lee Myung-Bak muốn thay đổi điều này. Ông nói rằng học sinh có thể thi đỗ vào đại học mà không cần phải học thêm. Tổng thống yêu cầu phải cải thiện hệ thống giáo dục từ xa (EBS) (chương trình bổ túc kiến thức miễn phí cho học sinh qua truyền hình và Internet).
“Chúng tôi sẽ tăng cường chất lượng của các bài giảng để thu hút thêm nhiều học sinh”, phát ngôn viên của EBS nói.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc muốn 70% kiến thức của các câu hỏi trong kì thi kiểm tra đầu vào của các trường đại học nằm trong các bài giảng của EBS.
“Thông qua EBS, chúng tôi đang cố gắng hết sức nhằm giảm chi phí dành cho việc học thêm và nhu cầu học thêm”, Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc Ahn Byong-Man khẳng định.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra quy định cấm các trung tâm dạy thêm mở cửa sau 10 giờ đêm và thưởng tiền cho người nào phát hiện ra các trung tâm thực hiện sai những quy định này.Một nhóm học sinh bước ra khỏi một trung tâm dạy thêm buổi tối ở Seoul, Hàn Quốc vào lúc nửa đêm. (Ảnh: Korea Times)

Các quan chức giáo dục ở thủ đô Seoul cho biết chỉ tính riêng trong tháng này, 2.600 trung tâm dạy thêm (chiếm 9% tổng số trung tâm có mặt tại Seoul) đã bị đóng cửa do chính sách mới đưa ra của chính phủ và do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố thừa nhận mỗi gia đình ở Seoul vẫn chi một trung bình 580.000 won (khoảng 522 USD) hàng tháng, tương đương 16% thu nhập vào việc học thêm của con em họ.
Các chuyên gia nhận định cái cần phải thay đổi chính là nhận thức của người dân. Phần lớn người Hàn Quốc cho rằng việc đỗ vào một trường đại học hàng đầu mở đường cho sự thành công trong cuộc sống.
“Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Hiện nay, các ông bố bà mẹ cảm thấy không an toàn khi cho con cái họ đi học thêm ít hơn so với những gia đình hàng xóm”, Kim Dong-Seok, phát ngôn viên của Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc nói.
Ngoài các trung tâm dạy thêm tư nhân, nhiều gia đình hiện này còn gửi con em họ ra học tập ở các trường hoặc đại học nước ngoài để tạo bước khởi đầu tốt nhất. Các bà mẹ thường đi cùng với con cái họ.
Trước chiến dịch cải cách của chính phủ nhằm ngăn chặn nạn học thêm, một số giáo viên tỏ ra dè dặt.

Ông Um Min-Young, phát ngôn viên của Hiệp hội nhân viên ngành giáo dục và giáo viên Hàn Quốc, cho rằng: “Học sinh cần phải tập trung vào chương trình học ở trường, sau đó, xem chương trình giảng dạy từ xa như một cách bổ sung kiến thức.
Trào lưu học thêm vẫn còn tồn tại bởi nhiều người cảm thấy không hài lòng với việc dạy và học trong các trường công lập. Chúng ta phải nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như mở các lớp học trình độ khác nhau cho học sinh với những khả năng khác nhau”.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới