Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
spot_img

Huh Gyun, tác giả của “Truyện Hong Gil-dong”, tiểu thuyết chữ Hangeul đầu tiên của Hàn Quốc

Huh Gyun, văn sĩ luôn sống tự do

Huh Gyun là một quan văn và được biết đến là một thiên tài xuất chúng về thơ văn giai đoạn trung kỳ thời Joseon, ông còn là học giả đầu tiên theo học phái của nhà triết học, nhà tư tường Vương Dương Minh của Trung Quốc. Là một nhà văn luôn phản ánh, phê phán những mâu thuẫn trong xã hội thời Joseon, Huh Gyun đã sáng tác nên kiệt tác “Truyện Hong Gil-dong”, một tác phẩm mà người Hàn Quốc không ai không biết. Ngoài ra, Huh Gyun cũng còn để lại nhiều tác phẩm như “Giao San thi thoại”, “Nhàn tình lục” v.v… đều là những tác phẩm nổi tiếng trong văn học Hàn Quốc.

Huh Gyun vốn sống tự do phóng túng, nghiên cứu học vấn và đi theo những tư tưởng mang tính phá cách so với thời điểm lúc bấy giờ. Có thể xem ông là một nhà chính trị, một văn nhân có cuộc đời đầy sóng gió.

Sinh ra trong một gia đình danh giá bậc nhất của thời đại

Gia đình của Huh Gyun là một trong những gia đình danh gia vọng tộc có tiếng tăm lớn nhất lúc bấy giờ. Cha của Huh Gyun là Huh Yeop, cũng là một quan văn có tên hiệu là Chodang (Thảo Đường). Cái tên của đậu phụ Chodang nổi tiếng vùng Gangneung ngày nay cũng lấy từ tên hiệu của cha ông mà thành. Ông có mấy người anh đều làm các chức Phán thư đứng đầu bộ Lại, bộ Binh… và đặc biệt có người chị gái Huh Nanseolheon là một nữ văn sĩ tài ba thời Joseon.

Trong “Tuyên Tổ tu chính thực lục”, tài liệu ghi chép lịch sử giai đoạn tại vị của vua Seonjo (Tuyên Tổ, vua đời thứ 14 của Joseon) có riêng một đoạn ghi chép, đánh giá như sau về gia đình của Huh Gyun: “Huh Yeop có 3 người con là Huh Seong, Huh Bong, Huh Gyun và 2 người con rể là Woo Seong-jeon, Kim Seong-rip, tất cả đều là văn sĩ lên triều bàn luận chính sự, giúp nhau tăng tiến khả năng. Vì thế nhân gian mới gọi họ Huh là họ thành đạt nhất trong các gia đình quyền quý của các phe phái chính trị.”

Cuộc đời sóng gió chỉ vì sống tự do phóng túng

Huh Gyun bắt đầu đến với chốn quan trường từ năm 1594, sau khi ông thi đỗ kỳ Khoa cử của triều Joseon. Ông làm quan đến chức “Đô Sự”, quản mọi sự vụ ở tỉnh Hwanghae nhưng chưa được bao lâu thì bị bãi chức. Nguyên nhân được cho là vì ông đem cả kỹ nữ từ Seoul đến ở cùng, rồi lại kéo theo nhóm tay chân, thủ hạ làm những việc ngang tàng không ai cản nổi, gây nhiều điều thị phi…

So với quan niệm lúc bấy giờ, thì Huh Gyun đã sống rất tự do, phóng túng. Ông yêu thích Phật giáo, giao lưu qua lại với nhiều nhà sư nhưng đồng thời cũng kết bạn với nhiều người là con của hầu, của thiếp, sống khổ sở vì thân phận thấp kém.

Huh Gyun còn qua lại, chia sẻ tình cảm, giao lưu với kỹ nữ. Thậm chí khi Maechang, một kỹ nữ luôn gần gũi với ông qua đời, ông còn làm cả một bài thơ để thương khóc.

“Truyện Hong Gil-dong”, tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ Hangeul

“Truyện Hong Gil-dong” là tiểu thuyết bằng chữ Hangeul đầu tiên, một tác phẩm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học của Hàn Quốc. “Truyện Hong Gil-dong” được đánh giá là tiểu thuyết chứa đựng nguyên vẹn cuộc sống và những suy nghĩ của tác giả Huh Gyun.’

Ngoài “Truyện Hong Gil-dong”, Huh Gyun còn để lại rất nhiều tác phẩm thể hiện những tư tưởng, suy nghĩ của ông. Tiêu biểu là tác phẩm “Seongsobubugo” (Tinh sở phúc bẫu cảo). Trong tác phẩm này, có đủ cả các phần bao gồm “Học luận” – bàn về cái thật giả và mục đích của học tập hay phần “Binh luận” – bàn về việc chỉnh đốn quân sự, tăng cường khả năng chống ngoại xâm v.v…

Đặc biệt, “Yujaeron” (Di tài luận) là tác phẩm được đánh giá biểu hiện rõ nhất lập trường, quan điểm của Huh Gyun. Huh Gyun chủ trương “trời sinh ra nhân tài vốn là để được dùng trong một thời đại, việc bỏ nhân tài tức là nghịch lại ý trời”. Và vì thế, trong sách của ông luôn bày tỏ nỗi lòng than tiếc về việc tầng lớp quý tộc Yangban (lưỡng ban) của Hàn Quốc coi thường con nhà hầu lẽ, thê thiếp hay con của người tái giá mà vứt bỏ nhân tài…

Văn sĩ qua đời với những điều nghi hoặc

Năm 1618, năm thứ 10 triều vua Gwanghaegun (Quang Hải Quân, vua đời thứ 15 của Joseon), ngay trước cửa Nhân Chính Điện, cung Changdeok (Xương Đức cung) đã xảy ra cuộc tra khảo Huh Gyun về tội chủ mưu phản nghịch. Nguyên tội danh này xuất phát từ việc vua Gwanghaegun vừa đăng quang, lên ngôi mà Huh Gyun vẫn chuẩn bị để đưa Yeongchangdaegun (Vĩnh Xương đại quân), hoàng tử con vua Seonjo lên kế vị. Xoay quanh vụ việc này, về sau trong “Quang Hải Quân nhật ký” – một tài liệu ghi chép lịch sử thời vua Gwanghaegun mới có đoạn viết rằng Huh Gyun khi đó bị những người cầm đầu của phe đối lập bày mưu trừ khử.

Như vậy, Huh Gyun, người để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho văn học Hàn Quốc đã vì cuộc sống tự do phóng túng mà phải chịu trận phong ba bão tố. Dù chưa bao giờ nhận tội khi bị tra tấn nhưng rốt cuộc ông vẫn có một kết cục bi thảm.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới