Tháng 12 năm 2014, một bữa tiệc nhỏ mừng nghệ sĩ Lee Byoung-bok bước vào tuổi 90 đã diễn ra tại nơi làm việc của bà tại Jangchung-dong, Seoul. Trong bữa tiệc nhỏ gọn có gia đình và một vài nghệ sĩ tham gia, diễn viên Son Sook ở tuổi 70 đã nói rằng, “Những người làm nghề như chúng tôi có thể bám trụ được ở đất nước này là nhờ sự kiên định của bà. Chúng tôi đến được như ngày hôm nay bởi bà vẫn giữ được tinh thần ấy. Vì điều đó, chúng tôi thực sự rất biết ơn bà.”
Sân khấu kịch Café Theatre và Đoàn kịch Jayu
Lee Byoung-bok đã quản lý Đoàn kịch Jayu trong suốt 40 năm (1964-2004). Khác với hệ thống quản lý thông thường của các đơn vị nghệ thuật, ở đó hầu hết các đạo diễn vừa chịu trách nhiệm nghệ thuật vừa giám sát các công việc hành chính của đoàn, thì Đoàn kịch Jayu lại do một nghệ sĩ mỹ thuật sân khấu làm giám đốc. Cách thức quản lý này được thực hiện nhờ vào hệ thống độc đáo gọi là “sáng tạo tập thể”. Trong suốt quá trình sản xuất, bao gồm cả việc lựa chọn tác phẩm, đoàn kịch hợp tác với các nhà chuyên môn của từng lĩnh vực. Với vai trò là chuyên gia về phục trang sân khấu và đạo cụ, Lee Byoung-bok đã tham gia tích cực vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật sân khấu tại Hàn Quốc.
Đoàn kịch Jayu được gây dựng theo hình mẫu của Đoàn kịch Compagnie Renaud-Barrault của Pháp do cặp nghệ sĩ Madeline Renaud và Jean-Louis Barrault sáng lập. Người cộng sự của Lee Byoung-bok là đạo diễn Kim Jung-ok, một người bạn từ thời sống ở Pháp. Vào những năm 1960, hai nghệ sĩ trẻ đã đồng cảm với nhau trong hoài bão xây dựng một đoàn kịch, nhưng tiếc thay khi đó tại Hàn Quốc không có nhiều không gian để biểu diễn kịch. Các thành viên đoàn kịch tràn đầy nhiệt huyết, rất cần một sân khấu để có thể biểu diễn định kỳ. Lee Byoung-bok đã nhớ đến các sân khấu nhỏ ở khu phố Montparnasse và bên bờ sông Seine, Paris, từ đó nảy ra ý tưởng về “quán cà phê kịch”. Sau đó bà cùng với chồng, là hoạ sĩ Kwon Ok-youn, thuê một không gian cũ ở phố Chungmu-ro 2-ga, trung tâm Seoul, và bắt đầu cải tạo. Hai vợ chồng lấy phấn vẽ trên nền nhà, phân chia không gian thành các khu vực chức năng: cửa vào, sân khấu, phòng máy, hội trường, quầy vé, kho trang phục, quầy tính tiền, quầy bar nhỏ, nhà vệ sinh và khu vực bếp… Sau nhiều ngày đêm làm việc cật lực, Sân khấu kịch Café Theatre đã hoàn thiện và khai trương vào tháng 4 năm 1969. Đây là quán cà phê kịch đầu tiên tại Hàn Quốc, nơi vừa có thể ngồi uống trà, vừa thưởng thức nghệ thuật. Trên sân khấu này, các vở kịch nói được trình diễn vào các ngày thứ Hai, các vở kịch dân gian, pansori (hát kể) và kịch rối được thể hiện vào các ngày thứ Sáu. Vào các ngày còn lại, sân khấu dành cho Đoàn kịch Jayu và các đoàn kịch khác trình diễn. Các tác phẩm kịch đương đại của phương Tây thời đó như “The Bald Soprano”(tạm dịch: “Ca sĩ hói đầu”) của Eugène Ionesco, “The Zoo Story”(tạm dịch: “Câu chuyện sở thú”) của Edward Albee đã được giới thiệu trên sân khấu này. Kịch mục rất đa dạng, từ các tác phẩm sáng tác của các kịch gia trong nước như “Con lật đật trượt patanh” của Oh Tae-seok cho đến các vở kịch được làm lại từ các tác phẩm những năm 1920-1930. Sân khấu kịch Café Theatre giúp cho các tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống như pansori, kịch rối được gặp gỡ khán giả, và cũng là nơi tháo gỡ khó khăn về sân khấu biểu diễn cho nhiều đoàn kịch lúc bấy giờ (như Jayu, Minye, Silheom, Gwangjang, Kagyo và Minjung). Sân khấu này không chỉ có những đóng góp đáng ghi nhận cho sự phát triển của mô hình sân khấu nhỏ tại Hàn Quốc, mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi yêu thích của các nghệ sĩ địa phương.
Đoàn kịch Jayu là một trục trong cuộc đời nghệ thuật của Lee Byoung-bok, đưa bà đến những suy ngẫm liên tục về ý nghĩa của tập thể và sự hợp tác. Trong khi đó, Sân khấu kịch Café Theatre lại là một trục khác khiến bà có thể cống hiến cho công việc dàn dựng tác phẩm sân khấu nhỏ và duy trì đối thoại với khán giả. Vô số các toạ độ giao cắt mà bà tạo ra dựa trên hai trục này, cùng những khủng hoảng và sự căng thẳng xảy ra ở các toạ độ ấy đã khích lệ các nghệ sĩ kịch Hàn Quốc theo đuổi ước vọng của mình.
Phục trang thể nghiệm và thiết kế mỹ thuật sân khấu
Năm 1957, Lee Byoung-bok sang Pháp. Quyết định để lại ba đứa con thơ cho mẹ chồng, đi đến một đất nước cách xa Hàn Quốc, phải mất một tháng đi tàu lúc bấy giờ, không phải do tham vọng muốn trở thành một nhà thiết kế phục trang hay thiết kế sân khấu tầm cỡ thế giới. Bà ra đi để trợ giúp cho con đường du học của chồng, một hoạ sĩ. Nền tảng tri thức từ những ngày theo học Khoa Ngữ văn Anh tại một trường đại học danh tiếng trong nước cùng bản tính quyết tâm, chăm chỉ của bà đã được phát huy rõ rệt tại Pháp để tìm kiếm con đường sự nghiệp của mình.Vừa hỗ trợ cho chồng, vừa tận dụng chút thời gian rảnh rỗi, bà đã đăng ký vào một trường học cắt may.
“Tôi bị đuổi vì họ yêu cầu cắt họa tiết mặt phẳng, tôi lại cắt hình khối. Tôi đã cố gắng tranh thủ thời gian, lao động thật chăm chỉ, nhưng phải nghỉ chỉ sau sáu tháng”, bà nhớ lại. Trong tâm trạng chán nản, bà bắt đầu làm việc trong bộ phận trang phục dạ hội của một tiệm may và công việc đã giúp bà phát triển khả năng làm nghề. “Một người mẫu chỉ mặc đồ lót bám sát bên cạnh thợ may suốt mấy tiếng đồng hồ. Đó là công việc cắt may cho một người mẫu sinh động chứ không phải một ma-nơ-canh. Chúng ta phải thường xuyên mặc thử trang phục lên người mẫu, giúp người mẫu di chuyển để kiểm tra chất liệu và thay đổi thiết kế nếu cần thiết. Điều đó hoàn toàn không thể học được trong trường,” bà nói.
Kinh nghiệm có được ở Paris đã tạo nền tảng cho công việc chế tạo phục trang của Lee Byoung-bok sau khi bà về nước vào năm 1961. Bà bắt đầu nhìn nhận mỗi trang phục không còn là một sự vật đơn thuần nữa, mà là một thực thể sinh động, có hơi thở. Tính độc đáo, sáng tạo trong trang phục sân khấu của Lee Byoung-bok trở thành một phần trong thể thống nhất với người mặc.
Bằng công việc sáng tạo, tạo ra sự hài hoà thống nhất từ trang phục đến đạo cụ và các yếu tố khác, bà đã đưa ra khái niệm mới mẻ về mỹ thuật sân khấu cho giới kịch nghệ trong nước và thử nghiệm bắt đầu từ vở “Chúng ta sẽ trở thành gì?” (1978). Sáng tạo nghệ thuật của Lee Byoung-bok tiếp tục thăng hoa trong tác phẩm “Những bông hoa đón trăng” (1982), trong đó một nhóm người xem được thể hiện bằng những hình nộm bằng vải, không có mắt, treo trên cây cỏ, và vở kịch rối “Hoa vẫn nở trong ngày gió” (1984), đưa những hình nộm và mặt nạ vốn chỉ là đạo cụ thành khách thể trong tác phẩm.
Trong vở “Gà mái cũng sẽ gáy nếu gà trống không cất tiếng” (1988), bà đã gây sự chú ý khi sử dụng hơn 70 bộ trang phục làm bằng chất liệu hanji, một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc. Trang phục bằng giấy có thể thể hiện nhiều phong cách khác nhau tùy theo kỹ thuật gắn keo và các lớp của nguyên liệu thô. Trang phục bằng giấy của Lee Byoung-bok được may theo vận động thân thể của diễn viên. Những bộ trang phục mang phong cách riêng biệt đã làm nổi bật không khí nghi thức tế lễ trong tác phẩm. Cảm giác phi hiện thực của trang phục giấy đã tăng thêm chiều sâu không gian – thời gian, sắc độ cảm xúc cũng trở nên cao cấp và tinh tế.
Tâm tư, tình cảm của người dân thường được thể hiện qua hình dáng chiếc váy quấn trong vở “Đám cưới máu” (1988), chiếc quần hanbok phồng dựa theo hình chiếc lu trong vở “Những chú chim bay về phía mặt trời lặn” (1992), hình ảnh phòng tang lễ với tấm màn được kết bằng cách treo 400 súc vải sợi gai dọc từ trần xuống phông sân khấu trong vở “Hamlet” (1993) là các sản phẩm của năng lực quan sát và trí tưởng tượng nghệ thuật của người nghệ sĩ thiết kế sân khấu. Bằng cách khai thác hình khối và chất liệu, Lee Byoung-bok đã dẫn dắt khán giả đồng cảm với tác phẩm. Đỉnh cao cho nghệ thuật sân khấu của bà là vở kịch tế lễ “Lời phù phép cho phục trang” (1999), thể hiện hầu hết các bộ trang phục bà đã thực hiện trong nhiều năm, xóa nhòa ranh giới giữa tác phẩm kịch, phục trang và thiết kế sân khấu.
Trong tủ chứa vật liệu của Lee Byoung-bok, các đồ dùng được sắp xếp ngay ngắn: từ chiếc bao bố đựng gạo, tờ báo cũ, sợi dây thừng, đến chiếc túi ni-lon, mảnh giấy hanji. Vật liệu làm những bộ trang phục tinh tế hoá ra lại chính là các phế phẩm của cuộc sống hàng ngày. Bà đã tự tay trồng và lấy xơ quả bầu, phơi khô cẩn thận để dùng vào lúc cần tăng độ dày cho áo, và tạo phù hiệu của trang phục hoàng gia bằng nhiều thử nghiệm lặp đi lặp lại: kết, đính và là các sợi ni-lon với các tấm phim nhựa. Bà dùng những vật liệu mà bất cứ ai cũng có thể tìm được, kết hợp với những ý tưởng không ai có thể nghĩ ra. Tinh thần thử nghiệm của bà khi trải qua vô số lần thất bại và dày công đã tác động thường xuyên đến những nghệ sĩ cộng tác với bà ở nhiều góc độ khác nhau.
“Giấy hanji tốt thì rất dai. Vì vậy, tôi giữ lại hanjitừ những bộ trang phục hỏng và gom lại để làm mặt nạ,” bà nói. “Không có phế phẩm nào là đồ bỏ đi cả. Trên sân khấu kịch, bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành một đạo cụ tuyệt vời. Bãi cỏ được sử dụng trong vở “Vũ hội của những tên trộm” trước đây được làm từ đống sắt vụn. Khi đi ngang qua một cửa hàng sắt thép, thấy người ta cắt sắt, tôi nghĩ nó giống y như là sợi chỉ tơ mềm mại. Gom chúng lại thì độ phồng sẽ tự nhiên tăng lên. Bởi vậy nên tôi thường xuyên gom góp những đồ vụn vặt.”
Trong số các loại đạo cụ, mặt nạ do Lee Byoung-bok làm ra cũng vô cùng đặc biệt. Chiếc mặt nạ có hình dáng xấu xí, hoặc không có mắt, hoặc chỉ là đường kẻ nhỏ, chiếc mũi nhăn hay khuôn miệng cong. Thế nhưng, những chiếc mặt nạ kỳ dị, xấu xí này biểu thị các vẻ mặt đa dạng khi nhìn từ các hướng khác nhau, trên – dưới, trái – phải. Mặt nạ của Lee Byoung-bok thể hiện “tính vô định hình” nhấn mạnh sự nhạy cảm của người Hàn Quốc.
“Lee Byoung-bok không ở nơi nào”
Khoảng mười năm trước, một cuộc triển lãm đặc biệt đã được tổ chức tại Geumgok, Namyangju, tỉnh Gyeonggi-do. Sự kiện đó trưng bày các trang phục sân khấu, đạo cụ, đồ dùng, hình nộm mà Lee Byoung-bok đã chế tác trong hơn 50 năm. Đó không chỉ là cuộc triển lãm hiếm thấy trong nước, mà tên gọi của triển lãm cũng thật đặc biệt, “Lee Byoung-bok không ở nơi nào”. Tên gọi ấy ẩn chứa ý nghĩa rằng, sau khi kết thúc triển lãm sẽ đốt bỏ hết tất cả các tác phẩm nghệ thuật tác giả đã sáng tạo suốt cuộc đời mình.
Các tác phẩm Lee Byoung-bok đã thực hiện trong suốt hơn nửa thế kỷ có thể trở thành những tư liệu quý báu cho lịch sử nghệ thuật. Thế nhưng, khi tác giả qua đời và không còn năng lực lưu trữ thì các tác phẩm sẽ nhanh chóng hư hỏng và biến mất. Triển lãm của nghệ sĩ Lee Byoung-bok gần như là sự phản kháng của tác giả về một hiện thực day dứt ở một đất nước thiếu quan tâm đến giá trị và sự lưu giữ của lịch sử nghệ thuật. Cảm nhận nỗi đớn đau của người mẹ với đứa con của mình, bà đã quyết định thiêu đốt hết các tác phẩm mình đã làm ra. Thật may mắn, Bảo tàng Nghệ thuật Biểu diễn đã được mở cửa tại Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 12 năm 2009. Tuy không phải bảo tàng dành riêng cho bộ môn kịch, nhưng đây là nơi lưu giữ các tài liệu nghệ thuật biểu diễn phong phú của Hàn Quốc được hình thành trong hơn nửa thế kỷ, từ những năm 1950, giới thiệu rộng rãi đến công chúng thông qua các chương trình triển lãm và giáo dục.
Một trong những điều mà Lee Byoungb-bok bận tâm vào thời gian gần đây là sắp xếp tài sản của bà tại Geumgok, mảnh đất rộng 8.000 pyeong (khoảng 6,5 mẫu Anh) và mười ngôi nhà cổ. Lee Byoung-bok cùng chồng (ông Kwon Ok-youn qua đời năm 2011) đã tìm kiếm các ngôi nhà cổ trên khắp cả nước và di dời về Geumgok. Những năm 1970-1980, kinh tế – xã hội Hàn Quốc biến đổi nhanh chóng và hình dáng đô thị cũng thay đổi với tốc độ chóng mặt. Đô thị Hàn Quốc lúc đó là những căn nhà truyền thống hanok được chuyển đổi thành nhà kiểu Tây phương trong Phong trào xây dựng Làng mới Saemaul Undong – chương trình phát triển địa phương rộng lớn của chính phủ. Vợ chồng bà lúc đó đã dồn mối quan tâm vào các ngôi nhà hanok xưa cũ đang dần mai một, thay vì những ngôi nhà kiểu mới xa xỉ.
Một trong những căn nhà đáng chú ý tại khu Geumgok là “Gungjip” (nhà ở hoàng gia), công trình kiến trúc do vua Yeongjo (Anh Tổ) đời thứ 21 triều đại Joseon thế kỷ 18 xây dựng cho công chúa út, công chúa Hwagil. Được công nhận giá trị di sản văn hoá, khu nhà này được chọn là Tư liệu Dân gian Quan trọng vào năm 1984. Tập trung vào khu nhà Gungjip, cặp vợ chồng nghệ sĩ cũng đã di chuyển về Geumgok những ngôi nhà cổ khác được tìm thấy ở Yongin và Gunsan, đồng thời phục hồi những căn nhà tranh đang dần sụp đổ ở khu vực lân cận và dựng lại các căn nhà khác. Việc trồng cây ở xung quanh, đào suối, san bằng và ủi đất cũng mất nhiều năm.
Vở kịch “Hoàng tử Hodong” (1991), một trong những tác phẩm đáng nhớ của Lee Byoung-bok, cũng được trình diễn tại Geumgok. Bức tranh sân khấu dựng trên mặt hồ sen, với bối cảnh ngôi nhà cổ phía sau, đã tạo cảm giác ảo mộng. Thoát ra khỏi bốn góc nhà hát, lấy thiên nhiên làm bối cảnh, tác phẩm tạo ra sự tổng hoà xuất sắc về sân khấu, phục trang, không gian, kết hợp cùng khả năng diễn xuất vượt bậc của các nghệ sĩ hàng đầu như Park Jung-ja và Yoon Seok-hwa. Cho đến nay, tác phẩm này vẫn được tán dương là kiệt tác cho tạo hình sân khấu Hàn Quốc hiện đại.
Vở kịch “Hoàng tử Hodong” khép lại Đại hội Quốc tế các nghệ sĩ mỹ thuật sân khấu thế giới (OISTAT) tổ chức tại Hàn Quốc, đã thu hút nhiều sự chú ý từ các quốc gia châu Á. Các đại diện đến từ Trung Quốc và Nhật Bản sau khi xem vở diễn lúc đó đã bày tỏ lời khen ngợi rằng: “Lần đầu tiên chúng tôi ưỡn ngực tự hào là người châu Á tại đại hội của các nghệ sĩ mỹ thuật sân khấu thế giới.” Nói về việc này, Lee Byoung-bok chia sẻ, “Hàn Quốc rõ ràng rất mạnh trong mảng mỹ thuật sân khấu. Từ những năm 1990, năng lực của Hàn Quốc đã được kiểm chứng nhiều lần tại các cuộc triển lãm mỹ thuật sân khấu thế giới tại Praha.” Lee Byoung-bok là nghệ sĩ đầu tiên tại Hàn Quốc đoạt giải thưởng ở hạng mục phục trang sân khấu trong Đại hội Mỹ thuật Sân khấu Quốc tế Praha (Prague Quadrennial) vào năm 1991, tiếp sau đó là Sin Sun-hee, Yoon Jung-sup. Ngày nay, rất nhiều nghệ sĩ mỹ thuật sân khấu trẻ tuổi của Hàn Quốc đang thử sức với giải thưởng thường niên uy tín này.
“Giấc mơ của một nghệ sĩ phía sau sân khấu”
Đối với Lee Byoung-bok, Geumgok là nơi chứa đựng nhiều ký ức quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp. Tuy nhiên, việc bảo tồn những ngôi nhà cổ truyền thống xứng đáng trở thành di sản văn hoá của lịch sử cận đại Hàn Quốc là nỗi khó khăn lớn. Mặc dù tất cả các ngôi nhà đều được phục dựng sau khi di dời về đây, nhưng đã 40 năm trôi qua. Tất cả các ngôi nhà đều đã có tuổi thọ lâu đời, ngắn thì hàng chục năm, dài thì mấy trăm năm. Một tình huống tồi tệ đã xảy ra. Vào một lúc không ngờ đến kẻ trộm đã lẻn vào. Ngày hôm đó, khi các di sản văn hoá quý báu không thể phục dựng biến mất vào hư vô, Lee Byoung-bok ngồi thật lâu dưới mái hiên với gương mặt thẫn thờ. Giờ đây, bà không còn sức lực để có thể phản kháng mạnh mẽ như cuộc triển lãm “Không ở nơi nào” vào mười năm trước đây. Một bên tai gần như đã mất đi thính giác, bà còn thường xuyên gặp khó khăn do viêm khớp cổ tay.
Giờ đây cứ mỗi khi có cơ hội, Lee Byoung-bok lại tìm đến Geumgok. Tuy chỉ là những việc cỏn con như nhổ cỏ dại, quét lá khô, nhưng đó là những việc bà chưa hề bỏ bê trong suốt hơn 50 năm qua. Công việc này có lẽ phản ánh cuộc đời bà. Một người nghệ sĩ hậu đài chỉnh sửa trang phục cho các diễn viên, sắp xếp cho họ đến tận giây phút cuối cùng trước khi tấm màn sân khấu được kéo lên. Những hào quang trên sân khấu lộng lẫy có bàn tay với những vết chai sần và lời động viên thầm lặng của bà. Đối nghịch với các diễn viên xuất hiện trước khán giả, bà tự gọi mình là “người nghệ sĩ phía sau sân khấu”.