Thứ Hai, Tháng 1 27, 2025
spot_img

Ngôi trường của các bậc quân tử thức tỉnh sau giấc ngủ dài

Lời khen ngợi của Tổng thống Mỹ Obama đối với nền giáo dục của Hàn Quốc nay đã không còn là một tin tức sốt dẻo tại Hàn Quốc nữa. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sức cạnh tranh của nền giáo dục Hàn Quốc với các ví dụ về sự chăm chỉ của học sinh Hàn Quốc cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của nghề giáo trong xã hội Hàn Quốc. Thế nhưng lời xưng tụng của Obama đối với nền giáo dục Hàn Quốc càng được nhắc lại càng khiến người dân Hàn Quốc – những chủ nhân của nền giáo dục ấy cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn.

Nếu hiểu được hàm ý của Obama nhấn mạnh vào những điểm tích cực trong quan điểm giáo dục Nho giáo thì người Hàn Quốc sẽ phải tự kiểm điểm xem những truyền thống giáo dục Hàn Quốc mà Obama chú ý đó được bảo tồn như thế nào trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, có giá trị như thế nào trong thời đại công nghiệp hóa, tư bản hóa và truyền thống đó còn “bền vững” bao lâu.

Cơ quan giáo dục của tầng lớp cai trị ưu tú – những con người mơ về một xã hội lý tưởng

Vào khoảng thời đại châu Âu vừa thoát khỏi thời Trung cổ và mở ra kỷ nguyên Khám phá, tại bán đảo Korea xuất hiện một vương triều mới là Joseon (Triều Tiên, 朝鮮, 1392-1910). Thế lực cách mạng đầy tham vọng lập nên vương triều Joseon ấy đã rũ bỏ Phật giáo – tư tưởng cai trị phương Đông suốt hơn một nghìn năm để đề cao tư tưởng thống trị đất nước mới là Tân Nho học. Thế nhưng việc biến đổi bộ mặt đất nước thành một quốc gia Nho giáo là một vấn đề khác về mặt cơ bản so với sự dịch chuyển của quyền lực. Người dân Joseon đã phải trải qua muôn vàn xung đột và sai sót trong quá trình làm quen với những giá trị Nho giáo và cần một quãng thời gian lâu dài để thích nghi.

Joseon đã xây dựng nên một đất nước mới và duy trì nó hơn 500 năm, điều mà một đất nước như Trung Hoa thời Tống – nơi ông tổ của phái Tân Nho học là Chu Tử (朱子, 1130-1200) đã sống cũng không dám mơ đến. Tầng lớp ưu tú dẫn dắt Joseon là giới quan lại và những học giả Nho giáo trong dân chúng được gọi là “sarim” (士林, sĩ lâm) hoặc “sanrim” (山林, sơn lâm). Những nhà trí thức thường dân này muốn trở thành quân tử có đủ nhân cách đạo đức qua sự tự tu dưỡng bản thân và hơn nữa, họ mơ về một xã hội lý tưởng cổ đại có “Seongin” (聖人, thánh nhân) làm vua cai trị đất nước. Họ muốn xây dựng đất nước Nho giáo chưa từng tồn tại từ sau thời kỳ cổ đại và muốn vun bồi những giá trị Nho giáo thành một văn hóa mới. Cơ quan giáo dục mang tính cách mạng và theo phái chính thống của tầng lớp ưu tú cai trị ấy chính là seowon. Trong suốt hơn 300 năm, họ đã đọc sách, thuyết giảng và đồng lòng xây dựng nên một nền văn hóa Nho giáo độc đáo xoay quanh các seowon của riêng Joseon.

Thế nhưng điều này không có nghĩa là giáo dục của Joseon chỉ diễn ra tại seowon. Tại xã hội phân biệt thân phận như Joseon, nếu muốn thành công thì phải là yangban (lưỡng ban) thi đỗ kỳ thi gwageo (Khoa cử) để ra làm quan. Như vậy, nền giáo dục cũng chủ yếu xoay quanh Khoa cử một cách tự nhiên. Lúc còn nhỏ thì học kiến thức cơ bản của Nho học tại seodang (thư đường, 書堂), khi trở thành thanh thiếu niên khoảng 15, 16 tuổi thì vào sahak (tứ học) hoặc hyanggyo (hương giáo), sau đó thi đậu kỳ thi sogwa (tiểu khoa) – kỳ thi đầu tiên của Khoa cử, nhập học vào cơ quan giáo dục hàng đầu quốc gia là Seonggyungwan (成均館, Thành Quân Quán) và lại dùi mài kinh sử để thi đỗ kỳ thi daegwa (Đại khoa). Đây chính là con đường phổ biến nhất nếu muốn thành danh.

Giới Sĩ Lâm bất bình trước thái độ an phận với hiện thực của các quan lại được tuyển chọn theo con đường trên. Phần lớn quan lại tuy đón nhận Nho giáo nhưng họ hiểu Tính lý học chỉ là một hệ thống để cai trị thế giới hơn là luân lý hay triết học. Đối với giới Sĩ Lâm, chủ nghĩa quan liêu bám rễ lâu đời chính là chướng ngại vật của việc đổi mới. Xung đột cũng như cạnh tranh giữa giới quan lại và Sĩ Lâm đương nhiên đã xảy ra. Các quan lại đã phản kháng lại tốc độ cũng như khuôn khổ nghiêm khắc mà những nhà đổi mới đưa ra. Ngay cả vua từng trưng dụng Sĩ Lâm không phải lúc nào cũng hưởng ứng với các đề nghị từ giới sarim này. Kết quả là nhiều sarim dẫn đầu cuộc cách mạng đã phải hy sinh. Bốn lần đại họa được gọi là “Sahwa” (sĩ họa) đều xảy ra dồn dập vào đầu thế kỷ 16 khi tất cả giá trị Nho giáo vừa chớm lan tỏa đã để lại nhiều điều cần suy ngẫm. Và cái được xây dựng tại nơi đã từng là biển máu này chính là seowon.

Người học là ai, và họ đã học những gì tại seowon?

Người xây dựng nền tảng phát triển và định hình tính cách cho seowon đúng nghĩa như tên gọi của nó là nơi các Nho sinh dùi mài kinh sử chính là Toegye Yi Hwang (退溪李滉, Thoái Khê Lý Hoảng, 1501-1570). Việc Baegundong Seowon (Bạch Vân động Thư viện) trở thành seowon đầu tiên được Vua Myeongjong đặt tên là Sosu Seowon (Thiệu Tu Thư viện) và khắc bảng tên ban cho vào năm 1550 – bảy năm sau khi được Ju Se-bung (周世鵬, Chu Thế Bằng, 1495-1554) xây dựng lần đầu tiên – cũng bắt đầu từ đề nghị của Yi Hwang. Việc được vua đặt tên và khắc bảng ban cho seowon cũng có ý nghĩa là được công nhận vị trí ngang hàng với trường công lập hyanggyo, nhưng ý nghĩa được ưu đãi hỗ trợ về mặt kinh tế của quốc gia còn lớn hơn. Đó là bởi vì Toegye biết rằng để phổ cập và thực hiện được tư tưởng của Tính lý học nhất định cần có sự hỗ trợ của quốc gia.

Nội quy của Baegundong Seowon là “ưu tiên những người thi đỗ kỳ thi samasi1 (được gọi là saengwon – sinh viên hoặc jinsa – tiến sĩ) hoặc người thi đỗ kỳ thi chosi của samasi”– điều này gần như ngang với điều kiện của trường công Seongyungwan. Có lẽ Ju Se-bung đã xem seowon ở thời kỳ đầu như một trường công ở địa phương. Thế nhưng trong nội quy của Isan Seowon (Y Sơn Thư viện) do Toegye dựng nên lại không có điều kiện nhập học phải là saengwon hoặc jinsa. Tại đây, ta có thể thấy được ý chí của Toegye muốn xây dựng một nơi rèn luyện bản thân và nghiên cứu học thuật chứ không phải là một cơ sở luyện thi chuẩn bị cho kỳ thi Khoa cử. Thế nhưng seowon cũng có thái độ mềm dẻo với Khoa cử và cũng xét đến tình hình thực tế để chiêu sinh các Nho sinh của địa phương. Càng ngày seowon càng xa rời với danh thế hoặc chủ nghĩa vị lợi.

Việc học tập tại seowon được chia thành đọc sách và các bài giảng. Đọc sách là hoạt động riêng biệt mà mỗi cá nhân Nho sinh tự thực hiện vào ngày thường, còn các bài giảng thì về mặt cơ bản là hoạt động học tập thể được các Nho sinh tập hợp lại tiến hành vào giờ nhất định.

Môn đọc sách đọc các sách kinh điển Nho giáo như Tứ thư, Lục kinh và “Juja Garye” (Chu tử Gia lễ), “Geunsarok” (Cận tư lục)… và có thể có sự khác nhau tùy mỗi seowon, riêng có “Sohak” (Tiểu học) là giáo trình bắt buộc ở tất cả các seowon. “Sohak” là sách nhập môn giải thích các quy phạm thực tiễn của Nho giáo như “Sugi” (tu kỷ) và Ngũ luân – các nội dung trọng tâm của Tính Lý học. Nó cũng là cuốn sách bán chạy nhất do quốc gia đã huy động mọi nguồn năng lực vào việc biên soạn và lưu hành nhằm biến xã hội Joseon thành xã hội Nho giáo.

Những nhà Nho học nổi tiếng đều dồn sức vào giáo dục và thực hiện nội dung cuốn “Sohak”. Vua Jungjong (Trung Tông, thời gian tại vị 1506-1544) trực tiếp học “Sohak” cùng với các quan của mình đã nâng tầm cuốn sách này từ “một môn học dành cho trẻ em” (đồng trĩ chi học) thành “môn phải học đến hết đời” (chung thân chi học). Toegye vốn là thầy dạy của vua Seonjo (Tuyên Tổ, thời gian tại vị 1567-1608) đã gộp cả Sohakdo (Tiểu học đồ) vào Seonghak Sipdo (Thánh học thập đồ2) dạy cho vua Seonjo khi còn bé. Câu của Quản Tử (Gwanja) trong “Sohak”, “Nếu thầy dạy dỗ thì trò phải noi theo, hết lòng kính cẩn và ngoan ngoãn thực hiện theo những gì đã học”, có lẽ là câu Tổng thống Obama rất tâm đắc.

Một cuốn sách khác cũng giữ vai trò quyết định trong việc Nho giáo hóa Joseon là “Juja Garye” (Chu tử Gia lễ). “Juja Garye” bao gồm các quy phạm của những hành vi phổ biến và đời thường cần thiết cho cuộc sống như quan, hôn, tang, tế. Cuốn sách này có mục đích căn bản là giúp con người có ý thức tự tôn, xem cuộc sống của mình là cuộc sống của con người và củng cố tình cảm cũng như lòng kính trọng giữa các thành viên gia đình.

Seowon được khôi phục lại làm nơi học tập

Joseon là thời đại của các seonbi – những nhà Nho học – xem “Mệnh trời nằm trong bản tính của con người, làm theo Tính của con người gọi là Đạo, tu dưỡng theo Đạo đó gọi là Giáo”. Ngoài ra, “Trên đời này nếu có Đạo thì bước ra thể hiện mình, nếu trên đời này Đạo mất đi thì lùi lại để tu dưỡng” là tư thế của các bậc hiền sĩ. Coi trọng lời dạy của thầy, ý thức giữ gìn “đạo thống” – con đường truyền đạo giữa thầy và trò – cũng là một quan điểm giáo dục độc đáo của Tính Lý học. Seowon chính là nơi tu dưỡng và tiếp nối theo “đạo thống” đó.

Năm 2001, tại Dosan Seowon (Đào Sơn Thư viện) đã tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Toegye. Tại buổi lễ ca ngợi Toegye, chủ đề “Nho giáo trong thế kỷ 21 là gì” lại được nhắc đến. Những người tham gia cùng chung ước mơ “đào tạo tầng lớp kế thừa tinh thần seonbi, truyền bá tinh thần ấy và là trọng tâm thực hiện luân lý xã hội, đóng góp vào việc xây dựng đất nước đạo đức thông qua trải nghiệm văn hóa seonbi” đã đồng lòng xúc tiến thành lập Viện Huấn luyện Văn hóa Seonbi” – cơ sở trực thuộc Dosan Seowon. Từ đó đến nay đã 10 năm trôi qua, Viện Huấn luyện Văn hóa Seonbi với phòng học công nghệ hiện đại, nơi ở khang trang hiện đang thực hiện các chương trình giáo dục từng ấp ủ. Từ sau khi Joseon sụp đổ, trong một thời đại tin tưởng rằng con đường cận đại hóa là con đường học theo phương Tây và truyền thống chỉ là đối tượng cần phải bảo tồn mà thôi thì Toegye tiên sinh gần như đã tìm lại chức năng ban đầu của seowon là một cơ quan giáo dục nhân dịp kỷ niệm 500 lần ngày sinh của mình.

Nhiều seowon dưới tác động của sự chuyển dịch này đã thử thay đổi cho phù hợp với ngày hôm nay mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Sosu Seowon ở Yeongju tỉnh Gyeongsangbuk đang vận hành chương trình trải nghiệm văn hóa seonbi 2 ngày 1 đêm; Donam Seowon thuộc Nonsan tỉnh Chungcheongnam, nơi thờ Kim Jang-saeng tiên sinh (1548-1631) được xem là bậc thầy của Yehak (Lễ học) đã nhiều năm thực hiện giáo dục lễ nghĩa dành cho đối tượng học sinh xung quanh vùng, khuyến khích học bằng việc cấp tư cách giáo viên và giấy Chứng nhận Giáo viên dạy Nghệ thuật Nhân cách qua kỳ thi. Byeongsan Seowon ở Andong tỉnh Gyeongsangbuk tự hào với vẻ đẹp kiến trúc đậm nét giản dị của sảnh đường mở Mandaeru (Vãn đối lâu) kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên đang thúc đẩy tinh thần seonbi thông qua du sơn (yusan) thưởng ngoạn núi. Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh lễ cúng trang nghiêm và thanh cao tại Piram Seowon ở Jangseong thuộc tỉnh Jeollanam hàng tháng được thực hiện sáng sớm vào ngày mùng một và ngày rằm thì cũng chẳng khác nào đã trải nghiệm qua tinh thần seonbi.

Nhà Nho học nổi tiếng thế giới Đỗ Duy Minh (Tu Weiming) đã giải thích về đặc điểm của Nho học trong buổi giảng tại Seoul mấy năm trước như sau: “Nho giáo không hiểu con người như một hòn đảo cô lập mà nhìn nhận như một dòng nước không ngừng chảy – một tồn tại luôn luôn năng động, hướng đến sự thay đổi và luôn đánh thức chính bản thân mình. Khi hiểu được bản thân mình là một tồn tại được đặt trong sự biến đổi không ngừng này thì con người sẽ có thể đứng tại giữa trung tâm của mối quan hệ đó với ý nghĩa động chứ không phải ý nghĩa tĩnh.”

Mong rằng câu nói của Đỗ Duy Minh sẽ trở thành một chút an ủi và đồng cảm đối với nhiều người đang trăn trở phải dạy gì trong thời đại của cạnh tranh và sung túc này.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới