Năm nào các nhà làm phim xứ Hàn đều cho ra lò ít nhất một bộ phim nói về chiến tranh, đa phần là giai đoạn chiến tranh Nhật – Hàn (1910 – 1945), hay giai đoạn Hàn Quốc chịu ảnh hưởng bởi chế độ độc tài Park Chung Hee (1960 – 1980). Chiến tranh không bỏ sót ai. Những bộ phim chiến tranh không nhất thiết phải có súng đạn hay bom rơi, đôi khi nó còn nói về cuộc đời của những người mẹ, người vợ, người con, những người sinh viên, những người nghệ sĩ hay những người nô lệ tình dục trong những giai đoạn khủng khiếp đó. Dưới đây là những bộ phim khắc họa số phận của những con người này trong chiến tranh.
Snowy road
“Comfort women” là cụm từ dùng để gọi những người phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật hoàng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Những người phụ nữ này đa số bị bắt cóc hoặc bị lừa để trở thành nô lệ tình dục. Có nhiều bộ phim nói về comfort women từ nhiều quốc gia có phụ nữ là nạn nhân của nạn nô lệ tình dục trong chiến tranh thế giới thứ 2, thế nhưng tại Hàn Quốc, đây luôn là đề tài nóng gây căng thẳng quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến tận nay.
Snowy road (Kim Sae Ron, Kim Hyang Gi) là bộ phim mới nhất nói về đề tài này. Ra mắt vào năm 2015 như một phim truyền hình ngắn hai tập, đầu năm nay Snowy road đã được biên tập thành bản phim điện ảnh ra mắt vào ngày 1/3, ngày kỉ niệm phong trào độc lập Hàn Quốc.
Snowy road đã khiến cho nhiều khán giả sững sờ khi nó ra mắt tại Liên hoan phim Jeonju năm 2015 bởi diễn xuất của hai diễn viên teen tài năng nhất nhì hiện nay là Kim Sae Ron (A man from nowhere, A girl at my door) và Kim Hyang Gi (Thread of lies). Trong phim hai nữ diễn viên trẻ vào vai hai cô gái có xuất thân khác nhau: Young Ae (Kim Sae Ron) xinh đẹp, thông minh là tiểu thư của một gia đình giàu có, còn Jong Boon (Kim Hyang Gi) là một cô gái nghèo chỉ mong được đi lấy chồng. Thế nhưng khi quân Nhật tìm những cô gái trẻ để biến họ thành nô lệ tình dục thì xuất thân chẳng còn quan trọng nữa. Kim Sae Ron và Kim Hyang Gi đã hoá thân vào hai nhân vật có tính cách đối lập nhau một cách thành công. Nếu Kim Sae Ron lạnh lùng và kiêu ngạo trong vai cô tiểu thư thì Kim Hyang Gi lại toát ra sự ấm áp và đáng yêu của một cô gái nghèo.
Dongju – Portrait of a poet
Bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Lee Joon Ik, Dongju – Portrait of a poet (Kang Ha Neul, Park Jung Min) khắc hoạ cuộc đời của Yoon Dong Ju, một nhà thơ nổi tiếng của Triều Tiên trong giai đoạn đất nước này bị Nhật Bản chiếm đóng. Dong Ju đã dùng tài năng thơ phú của mình để đóng góp vào phong trào độc lập của Triều Tiên lúc bấy giờ. Ông được xem là tiếng nói của người dân chống lại ách thống trị của Nhật Bản. Bộ phim theo chân cuộc đời của Dong Ju khi ông còn là một thanh niên cho đến khi bị giam cầm vì tham gia vào phong trào đấu tranh chống lại Nhật Hoàng.
Khác với những bộ phim trước đó của Lee Joon Ik, có thể coi Dongju – Portrait of a poet là một bộ phim độc lập, và là bộ phim đen trắng đầu tiên của ông. Sự kết hợp với biên kịch (cũng là nhà sản xuất cho phim) Shin Young Sik – người nổi tiếng với những bộ phim nghệ thuật như The Russian novel và The avian kind đã đem lại một màu sắc đặc trưng cho Dongju. Shin Young Sik chuyên khai thác cuộc đời của những nhà văn, nhà thơ và kịch bản của ông đặc trưng với những câu thoại khó quên. Việc Lee Joon Ik mang những kinh nghiệm làm phim thương mại vào một bộ phim kinh phí thấp như Dongju đã khiến Dongju trở thành một trong những phim độc lập hiếm hoi đạt doanh thu phòng vé cao.
Kang Ha Neul đã tròn vai chính Dong Ju, một nhà thơ trẻ bị dằn vặt giữa việc sáng tác thi ca thuần khiết và biến nó thành tiếng nói cho cả một dân tộc. Thế nhưng ngôi sao của phim lại chính là Park Jung Min, nam diễn viên đóng vai bạn thân của Dong Ju, một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết và cũng là người khiến Dong Ju bị bắt vào tù.
May 18
Mặc dù không phải là một bộ phim trực tiếp nói về chiến tranh, May 18 nói về giai đoạn đen tối của Hàn Quốc – những năm 1980 khi chế độ độc tài làm nhiều người căm phẫn.
Ngày 18/05/1980, cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên ở Gwang Ju đã bị chính quyền của Chun Do Hwan (tổng thống Hàn Quốc từ năm 1980 đến 1988) dập tắt một cách tàn bạo. Sự kiện 18 tháng 5 tại Gwang Ju được ví như là một Thiên An Môn ở Hàn Quốc và bộ phim May 18 tham vọng tái hiện lại lịch sử đen tối năm đó.
Bộ phim xoay quanh tài xế taxi Min Woo (Kim Sang Kyung), một người thật thà chất phác, suốt đời chỉ mong kiếm đủ tiền để nuôi người em trai của mình (Lee Jun Ki) học hành thành tài trở thành luật sư. Sau khi chứng kiếm em trai của mình bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống nhà nước độc tài cùng nhiều sinh viên khác, Min Woo quyết tâm trả thù cho người em trai của mình và vô tình trở thành một người anh hùng trong cuộc cách mạng năm đó.
|
Tương phản với phần đầu phim chậm rãi và “nhẹ đô”, nửa sau của phim sẽ khiến nhiều khán giả phải ngoảnh mặt đi để không phải chứng kiến những cảnh quay tàn khốc và bạo lực với những người dân vô tội bị đánh đập bởi chính chính quyền của mình. Có lẽ đạo diễn Kim Ji Hoon đã “quá tay” khi miêu tả lại cuộc thảm sát nhưng ông đã thành công tạo nên dư luận khi May 18 ra mắt vào năm 2007. Chính những cảnh quay ám ảnh đã khiến dân chúng Hàn Quốc lúc bấy giờ tìm hiểu thêm về sự kiện Gwang Ju. Tưởng như là một bộ phim tài liệu, chuyện tình của Min Woo và cô y tá Shin Ae (Lee Yo Won) đã phần nào làm cho bộ phim bớt nặng nề.
Một bộ phim lấy bối cảnh, câu chyện chiến tranh nhưng nói chuyện khác là Sunny của đạo diễn Lee Joon Ik. Sunny kể về Soon Yi (Soo Ae), một người phụ nữ đã tìm mọi cách mà không được tới Việt Nam thăm chồng mình khi anh ở trong quân đội và gia nhập nhóm hát rong chuyên hát mua vui cho lính Mỹ với nghệ danh Sunny. Người xem có thể cảm nhận được Soon Yi chẳng hề yêu người chồng không hề có tình cảm gì với mình. Hành động của Soon Yi có gì đó điên rồ và cực đoan và từ đầu đến gần cuối phim, khán giả luôn tự hỏi lí do thực sự khiến cô nàng đi tìm người chồng của mình là gì? Do đó, Sunny không phải là một bộ phim chiến tranh nhằm lấy đi nước mắt người xem với số phận của những cặp vợ chồng bị chia cắt. Nó đơn thuần là một bộ phim về một người phụ nữ lên đường tìm kiếm chính bản thân của mình và việc tìm kiếm chồng chỉ là một cái cớ. |