Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
spot_img

Ryan Cassidy, tiếng hát lay động ranh giới văn hóa

Quả thật không dễ dàng chút nào để đặt chân vào một môi trường xa lạ mà ở đó bản thân mình quá khác biệt với những người xung quanh. Năm 1997, khi lần đầu đặt chân đến Hàn Quốc, Ryan Cassidy, một công dân Canada, đã phát hiện ra bản thân mình đang ở trong hoàn cảnh xa lạ như vậy. “Đến lúc đó tôi vẫn chưa nghĩ rằng mình sẽ ở lâu tại Hàn Quốc nên muốn tìm học một thứ gì sẽ khó có thể trải nghiệm được khi về lại nước mình”. Tìm hiểu quanh quẩn đó đây, ông đã đến đăng ký vào lớp học vẽ tranh Tứ quân tử (kiểu tranh vẽ truyền thống, tranh bốn mùa mai- lan- cúc- trúc) được dạy ở văn phòng quận. “Ngày đầu tiên vào lớp không những tôi là người nước ngoài duy nhất mà phái nam thì ngoài tôi cũng chẳng có lấy một ai”, ông nói thế và bật cười. Trong hoàn cảnh như vậy, phần lớn người ta sẽ cảm thấy ngại ngùng rồi bỏ lớp, nhưng ông thì lại không hề hấn gì và cứ thế học dần từng bài cơ bản. Lòng kiên trì và yêu thích văn hóa truyền thống như vậy rốt cuộc đã dẫn lối ông đến với thế giới của pansori.

Pansori, thi thoảng vẫn được lý giải theo kiểu “opera của Hàn Quốc”, là một hình thức kể lại câu chuyện cùng âm nhạc, được diễn bởi một cặp đôi gồm một người hát (sorikkun) cùng với một tay trống (gosu). Giáo sư Cassidy lần đầu tiên tiếp xúc với pansori là khi ông ở Hàn Quốc được khoảng mười năm. “Quả thật là ngạc nhiên”, hồi tưởng lại ngày đó, ông nói. “Trông thấy thì thật là đơn giản. Chỉ là giọng ca của duy nhất một người và nhạc cụ cũng rất là bình thường. Nhưng chiều sâu của cảm xúc được biểu hiện trong đó quả thật là vô biên.”

Ca sĩ pansori đã để lại ấn tượng sâu sắc với giáo sư Cassidy chính là nữ danh ca So Ji-young, một người cũng sống ở Chuncheon như ông. Sau vài lần nghe So Ji-young hát, ông đã đích thân tìm đến nữ danh ca này để xin được học đánh trống buk. “Sư phụ bảo rằng bà không chính thức dạy trống nhưng nếu học hát thì bà có thể dạy cho đánh trống cơ bản”. Cassidy vốn dĩ là một người không thích ca hát, thậm chí ông cũng chẳng mấy khi bước tới phòng noraebang (karaoke). Nhưng vì bị cuốn hút quá bởi sự hấp dẫn của pansori mà ông đã bắt đầu học hát và đến tận bây giờ ông vẫn còn theo học với nữ danh ca So Ji-young.

Bén rễ ở đất Hàn

Trước khi đến Hàn Quốc, Cassidy luôn nghĩ rằng đam mê của mình là nấu ăn. Vào những năm 1990 khi đang sống ở Whistler, một vùng quê nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của Canada, Cassidy nung nấu ước mơ kiếm nhiều tiền để đi học nấu ăn. Thế nhưng để ước mơ đó trở thành hiện thực ở Whistler thì vẫn còn quá nhiều cản trở. Cassidy nghe lời khuyên của một người bạn, tìm việc ở một trung tâm ngoại ngữ rồi sang Hàn Quốc đi dạy tiếng Anh.

“Đến Hàn Quốc được một ngày thì hôm sau tôi đã nhận lớp dạy cho những đứa trẻ chừng bảy tuổi. Chẳng có buổi tập huấn giáo viên nào mà họ cứ đẩy tôi ra đứng lớp! Thế nhưng khoảng nửa năm sau, nhân lúc đến nghe một hội thảo về dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL) ở trung tâm, tôi mới nhận ra mình yêu thích việc dạy học đến thế nào.” Mấy năm sau, Cassidy đã tốt nghiệp một chương trình tập huấn giáo viên tiếng Anh (CELTA: Chứng chỉ dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai) và hơn thế, ông đã lấy được bằng thạc sĩ.

Tự nhận mình là “kẻ nhà quê”, với Cassidy, Seoul là nơi có nhiều khác biệt văn hóa. “Ở Canada, nơi tôi sống là một vùng đảo nhỏ bé chỉ dài chừng 4km, rộng 2km. Khi không phải mùa trượt tuyết thì dân số ở đó chỉ khoảng hai nghìn người”. Gặp người vợ hiện tại là bà Kim Huyn-sook được một năm, hai người kết nghĩa trăm năm và cho đến trước khi dời nhà về vùng Chuncheon năm 2002, họ đã xây tổ ấm ở vùng Gangnueng. Giờ đây họ đã có với nhau hai con, một con trai là Cian mười một tuổi và một con gái là Hannah lên tám. Giáo sư Cassidy hiện nay đang phụ trách bộ môn tiếng Anh học thuật, tiếng Anh đọc hiểu và Tư duy phản biện ở khoa Quốc tế, Đại học Hallym.

Thuở chập chững làm ca sĩ pansori

Giờ đây, pansori tự lúc nào đã trở thành sở thích mà giáo sư Cassidy dành hết niềm đam mê của mình. Ai cũng biết là để học pansori, cần phải có một lòng nhẫn nại lớn lao. “Trong pansori không có nốt nhạc. Thế nên phải chú ý lắng nghe từng lời hát từ sư phụ để hát theo. Phải học theo cách luyện tập từng câu từng câu một cho đến khi hát đúng và thấy chừng như vậy đã ổn thì mới học sang câu tiếp theo.”

“Việc học thuộc lời hát mới thật là khó khăn. Bởi vì hầu hết lời đều dựa theo hanja (tiếng Hán), lại thêm có nhiều từ cổ ngày nay chẳng còn dùng tới. Thỉnh thoảng tôi đưa cho những người Hàn ở xung quanh xem tập nhạc của tôi, họ bảo chẳng hiểu gì cả. Bởi vậy có khó thì cũng chỉ còn cách là học thuộc lòng thôi.”

Tác phẩm mà Cassidy đang tập trung hiện nay là “Simcheong-ga” (Thẩm Thanh ca), câu chuyện về một cô gái hiếu thảo là Simcheong hy sinh thân mình để giúp cho người cha mù lòa được sáng mắt. Pansori vốn dĩ có mười hai tác phẩm, nhưng ngày nay chỉ còn lưu truyền lại năm tác phẩm là “Simcheong-ga” (Thẩm Thanh ca), “Chunhyang-ga” (Xuân Hương ca), “Heungbu-ga” (Hưng Phú ca), “Jeokbyeok-ga” (Xích Bích ca), “Sugung ca” (Thủy cung ca). Để hát xong trọn vẹn một tác phẩm phải mất từ 4 tới 6 tiếng.

Thoạt đầu, pansori chỉ là một hoạt động giải trí như một thú tiêu khiển lúc nhàn rỗi, nhưng giờ đây Cassidi đã có thể đứng diễn trước khán giả. Buổi diễn đầu tiên của ông thật chẳng lấy gì làm suôn sẻ.

“Nghe nói đó là một chương trình TV, họ thiết kế sân khấu và mời vài giáo sư người nước ngoài chơi nhạc truyền thống Hàn Quốc, tôi chỉ nghĩ, “Ừ thì thử sức một lần xem sao””. Thế nhưng tôi đã không biết “Gugak Hanmadang” (Sân khấu nhạc truyền thống) là một chương trình hoành tráng đến thế. Đó là buổi diễn đầu tiên của tôi trước khán giả. Trước đó, khi đứng trên bục giảng hay khi diễn kiếm đạo, tôi cũng không bị chứng sợ đám đông, mà chẳng hiểu sao ngày đó nỗi sợ hãi từ đâu cứ ùa về. Thật là tệ hại.”

Mặc dù vậy Cassidy vẫn không bỏ cuộc và xin ghi danh vào một cuộc thi do Hội bảo tồn Pansori Hàn Quốc tổ chức. So với lần đầu, buổi diễn thứ hai là một bước tiến nhảy vọt. “Từ sau đó thì cứ vậy mà làm tới”, ông nói.

Tìm kiếm một cộng đồng mới

Dạo này không chỉ ở Chuncheon mà người ta có thể xem những buổi diễn của giáo sư Cassidy thường xuyên hơn ở nhiều nơi trên toàn quốc. Ngoài việc hát, đôi khi ông còn đứng trên sân khấu với vai trò là tay trống cho sư phụ của mình là nữ danh ca So Ji-young, bởi vì ở Chuncheon cũng không có nhiều tay trống được truyền nghề bài bản.

Trong giới nhạc truyền thống, hầu hết đều nồng hậu với ông chứ không ngoảnh mặt. “Tôi được mọi người đón nhận và bao dung. Cho dù năng lực tôi còn kém cỏi thì ít nhất trước mặt tôi các vị ấy cũng nể nang mà không quát mắng. Trái lại, họ còn ngạc nhiên và rất thích thú khi nhìn thấy một người nước ngoài lại say mê âm nhạc truyền thống đến vậy.”

Thực tế thì ông cũng từng biễu diễn với một vài người nước ngoài, những người “phát hiện ra” nét đẹp của âm nhạc truyền thống như ông. “Tôi đã từng diễn nhiều lần với Hendrikje Lange, một anh bạn người Thụy Sĩ chơi trống samul nori. Anh này xem buổi diễn trống samul nori của Kim Deok-soo rồi mê mẩn đến nỗi bỏ cả nghề bác sĩ tâm lý mà sang Hàn Quốc.” Ở Daejeon còn có giáo sư Jocely Clark chơi đàn gayaguem nữa. Giáo sư Hilary Finchum-Sung ở đại học Seoul thì chơi đàn haeguem. Có lẽ tất cả đều có chung một trải nghiệm giống nhau. Đó là họ đã trở thành những người nước ngoài thấu hiểu vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Hàn, vẻ đẹp mà ngay cả phần lớn người Hàn Quốc cũng không biết tới.

Qua cái cách mà giáo sư Cassidy nói về pansori có thể thấy được rất rõ lòng đam mê khôn cùng của ông với loại hình âm nhạc này đến mực nào. Trả lời câu hỏi, “Tiếng hát trong pansori khác thế nào với tiếng hát thông thường”, ông đã giải thích, “Hát thường thì độ sâu của tiếng ca rất hẹp. Phần lớn là những âm thanh nghe êm ái dễ chịu. Trái lại tiếng ca của pansori có chiều sâu thăm thẳm. Người hát pansori truyền thụ được cả những âm thanh sâu lắng đến người nghe, có khi là những âm thanh của thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng sấm rền. Trong “Chunhyang-ga”, ở cảnh nàng Chunhyang (Xuân Hương) từ biệt chàng Mong-ryong (Mộng Long) thì nhạc nền như có tiếng chim khóc nỉ non. Nếu lắng nghe tiếng hát của sư phụ tôi thì ta cứ tưởng chừng như là có ngay con chim đang hót ở đó vậy. Quả thật là đáng ngạc nhiên.”

Tương lai của pansori

Hai con của giáo sư Cassidy cũng theo ông học pansori. “Chắc là ai cũng nghĩ chúng tôi bắt các con học theo. Nhưng không phải thế! (ông cười). Cháu lớn hay đến xem diễn và lại tỏ ra rất thích thú nên tôi đã hỏi, “Con có muốn học thử không?”. Cháu nhỏ cũng vậy.” Ba cha con ông gần đây đã cùng diễn chung trên một sân khấu hát gây quỹ giúp nạn nhân động đất ở Nepal. Con trai Cian có tốc độ tiếp thu pansori đặc biệt rất nhanh.

“Mọi người hỏi làm thế nào mà bọn trẻ học được thứ hóc búa như vậy? Nhưng mà bản thân tôi thì lại thấy buồn cười. Bởi vì tôi thường thấy có những đứa trẻ cùng trang lứa với con tôi tập chơi piano hay violon những bài nhạc rất khó”, ông nói.

Ông bảo rằng giờ đây ở Hàn Quốc dường như pansori được đón nhận như một nghệ thuật chỉ dành cho người chuyên nghiệp. Có nghĩa là có hiện tượng phân cực theo kiểu ngoài nhóm chuyên nghiệp ra thì phần đông những người thường không biết nhiều về pansori. “Thiết nghĩ điều cần thiết cho pansori Hàn Quốc lúc này là cần có một lớp trung gian giữa hai cực này”, Cassidy thận trọng đưa ra nhận xét.

“Tôi mong ước nền tảng của pansori sẽ được lan xa, tạo nên một môi trường rộng mở để thưởng thức loại hình âm nhạc này. Để cảm thụ pansori thì đâu bắt buộc phải trở thành một chuyên gia đúng không nào. Cứ thưởng thức như lúc nghe nhạc cổ điển phương Tây vậy”, Cassidy nói. Ông đã dành không ngớt lời khen cho những người sáng tác những tác phẩm mới, đưa pansori ra khỏi khuôn khổ vốn có. Ví dụ như ca sĩ Lee Ja-ram đã sáng tác pansori dùng mô típ của tác phẩm “The Good Person of Szechwan” (tạm dịch: “Người tốt Tứ Xuyên”) của một nhà biên kịch Đức là Bertold Brench, mở ra một triển vọng mới. Tác phẩm “Sacheon-ga” (Tứ Xuyên ca) của nghệ sĩ này đã nhận được đánh giá cao ở nước ngoài.

Giáo sư Cassidy cho rằng: “Năm tác phẩm chính thống của pansori bản thân nó thật tuyệt vời. Tuy nhiên những sáng tác pansori mới sẽ là chất xúc tác giúp cho nhiều người yêu thích pansori”. Ông nói thêm, “Nếu nhìn vào lịch sử của pansori sẽ thấy lý do pansori tồn tại là vì có được sự hòa hợp với khán giả và không không ngừng biến đổi. Pansori vốn dĩ là một hình thức giải trí cho lớp bình dân từ các khu hàng quán nhưng sang thế kỉ thứ 19 thì đổi lại khán giả chủ yếu là tầng lớp yangban quý tộc và tiếp tục phát triển. Thế nhưng đến sau thế kỉ 20, pansori lại rơi vào tình trạng chai cứng. Tôi tin rằng tìm được con đường để cho pansori tiến bộ và phát triển sẽ là một trợ lực vô cùng lớn lao giúp cho giới trẻ có thể cảm thấy gần gũi và thêm yêu mến pansori.”

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới