Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024
spot_img

Seowon – Căn cứ địa của nho học và giới sĩ lâm triệu đại Joseon

Các học viện Nho giáo của triều đại Joseon ảnh hưởng đến nhiều mặt như chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa của đất nước. Việc thành lập các seowon này là cách để các sĩ đại phu tân tiến, tầng lớp học giả Nho giáo đã gầy dựng lực lượng chủ yếu ở địa phương từ mạt kỳ Goryeo, phát triển thế lực chính trị của mình. Phái Sĩ Lâm này dù đã bốn lần gặp họa sát thân vào thế kỷ thứ 16 nhưng đến hậu kỳ Joseon, họ vẫn trở thành tầng lớp thống trị. Sở dĩ họ có thể làm được việc này là nhờ đã xây dựng được một thế lực hậu thuẫn vững chắc tại địa phương. Phái Sĩ Lâm đã thành lập seowon và phổ cập Tân Nho giáo Tính lý học. Họ dựa vào sự hậu thuẫn ở địa phương để phê phán thế lực huân thích (bà con họ hàng của nhà vua có công xây dựng đất nước) ở triều đình. Về mặt học vấn, họ xem trọng “vi kỷ chi học”và dốc toàn lực vào việc tu thân. Điều này khiến tầm quan trọng của giáo dục Tính lý học được nâng cao và sự thành lập seowon trở thành một điều hiển nhiên.

Baegundong Seowon của Ju Se-bung – Seowon đầu tiên của Hàn Quốc

Ju Se-bung (1495-1554), Quận thú Punggi, đã thành lập seowon đầu tiên là Baegundong Seowon vào năm 1543 tại Sunheung-myeon, tỉnh Gyeongsangbuk để tôn thờ An Hyang (1243-1306), học giả đã có công du nhập Tính lý học từ Trung Quốc vào Hàn Quốc cuối kỳ Goryeo. Trước đó, Ju Se-bung đã lập miếu thờ An Hyang gọi là Hoeheonsa, và sau đó một thời gian, ông thành lập Baegundong Seowon (nghĩa là “Bạch Vân động Thư viện”), theo mô hình của Baegnokdong Seowon (“Bạch Lộc động Thư viện”) do Chu Tử thành lập ở Trung Quốc, để đào tạo, bồi dưỡng thế hệ Nho sinh trẻ.

Vào thời kỳ Joseon, các học giả Nho giáo xem trọng việc giáo dục lấy tài sản của mình để xây dựng trường tư được gọi là seodang (thư trai), dốc tâm bồi dưỡng thế hệ nho sinh trẻ. Các thế hệ học giả phái sĩ lâm của thế kỷ thứ 16 kế thừa truyền thống này thành lập hệ thống seowon một mặt củng cố chức năng giáo dục, một mặt kết hợp với chức năng thờ phụng các vị học giả tiền bối. Do đó, seowon được thành lập với hai mục đích chính, một là để thờ cúng tiên hiền, hai là để bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Sau khi được bổ nhiệm làm Quận thú của Punggi vào năm 1548, Yi Hwang (1501-1570) đã đề nghị triều đình hỗ trợ cho Baegundong Seowon. Năm 1550, Baegundong Seowon được nhà vua ban biển hiệu “Sosu Seowon”. Việc nhà vua đích thân đặt tên và ban biển hiệu được gọi là “tứ ngạch”, tức là được triều đình công nhận. Các seowon được công nhận là “tứ ngạch thư viện” được ban đất, sách vở, nô tỳ… và còn được miễn thuế và lao dịch.

Học tập và thờ phụng Tiên Hiền

Trong seowon không thể thiếu các trang thiết bị giáo dục và thờ cúng. Về trang thiết bị giáo dục, gồm có giảng đường – nơi các học giả giảng dạy cho Nho sinh, và trai thất – nơi các Nho sinh ăn ở và học tập. Về trang thiết bị thờ cúng, có từ đường. Trai thất được bố trí đối xứng ở khu vườn phía đông và phía tây giảng đường. Mỗi seowon đều có một “trai danh” độc đáo. Từ đường được xây dựng trên một mảnh đất cao ráo và khuất sâu nhất bên trong của seowon. Bên ngoài từ đường được bao bọc bởi hàng rào. Ngoài ra, trong seowon còn có kho cất giữ các dụng cụ dùng để thờ cúng. Đây là nơi chuẩn bị thức ăn cúng tế và cất giữ đồ thờ cúng. Trong seowon còn có lầu các – nơi các Nho sinh ngắm cảnh và thư giãn, và tàng bản các – nơi xuất bản, bảo quản sách và tài liệu.

Seowon lưu trữ nhiều sách và tài liệu cần thiết cho việc học tập của Nho sinh nên còn đóng vai trò như một thư viện. Khoảng năm 1600, Sosu Seowon đã bảo quản 1.678 đầu sách thuộc 107 loại. Là nơi lưu trữ sách và tư liệu, seowon đã đóng góp vào việc giáo hóa và nâng cao nhận thức cho dân địa phương. Ngoài ra seowon còn đóng vai trò như nhà xuất bản độc lập.

Việc mở rộng seowon trên toàn quốc và củng cố lực lượng hậu thuẫn cho phái Sĩ Lâm

Sau thế kỉ thứ 16, seowon được mở rộng trên toàn quốc với sự nỗ lực của phái Sĩ Lâm nhằm phát triển mạng lưới thế lực hậu thuẫn ở khắp các địa phương. Tổng cộng 18 seowon đã được thành lập dưới thời vua Myeongjong (thời gian tại vị 1545-1567) và 63 seowon dưới thời vua Seonjo (thời gian tại vị 1567-1608). Trong số đó, nhiều seowon xuất hiện ở khu vực tỉnh Gyeongsang, tiếp nối truyền thống của phái Sĩ Lâm Yeongnam. Tiêu biểu là Dosan Seowon thờ Yi Hwang, Deokcheon Seowon thờ Choi Sik (1501-1572), Byeongsan Seowon thờ Ryu Seong-ryong (1542-1607).

Ban đầu, những seowon cạnh tranh với những trường công, được gọi là hyanggyo. Nhưng dần dần, seowon có môi trường giáo dục và quyền uy tốt hơn hyanggyo nên đa số con nhà quan lại địa phương chọn học tại seowon. Từ trung kỳ Joseon, seowon thực hiện chức năng tích cực về mặt học vấn là đóng vai trò chủ đạo trong việc phổ cập và giáo dục Tính lý học. Nhưng mặt khác, seowon đã bị biến chất thành không gian phục vụ lợi ích cho tầng lớp quan lại địa phương, kết nối nhóm lợi ích theo huyết thống, địa phương và học vấn. Đặc biệt, các sĩ lâm địa phương vận dụng seowon như một phương tiện để phát triển nền tảng học vấn, đồng thời củng cố địa vị chính trị. Quá trình này đã trở thành hiện tượng tranh chấp giữa các đảng phái.

Các trường phái chính trị hình thành theo hệ thống seowon: Trường phái Nam Nhân đại diện cho học phái Toegye; trường phái Bắc Nhân đại diện cho học phái Nammyeong và Hwadam; trường phái Tây Nhân đại diện cho học phái Yulgok và Ugye; trường phái Thiếu Luận đại diện cho học phái Myeongjae; trường phái Lão Luận đại diện cho học phái Ugye. Những người đứng đầu các học phái dâng tấu lên vua về các vấn đề chính trị và tư tưởng như Lí Khí Luận và tranh cãi về lễ tụng để phát biểu chính thức lập trường chính trị của mình. Những lúc này, seowon chính là nơi tập hợp các ý kiến của học phái.

Sau trung kỳ Joseon, các học giả của phái Kiho đã phát triển mạnh về số lượng và thành lập nhiều seowon ở khu vực Jeolla, Chungcheong và Gyeonggi. Seowon tiêu biểu của tỉnh Jeolla là Piram Seowon của Jangseong thờ Kim In-hu (1510-1560); seowon tiêu biểu của tỉnh Chungcheong là Donam Seowon của Yeonsan thờ Kim Jang-saeng (1548-1631); seowon tiêu biểu của tỉnh Gyeonggi là Chaun Seowon thờ Yi I (1536-1584) và Pasan Seowon thờ Seonghon (1535-1598).

Sự rối ren của seowon và tác hại của nó

Trong suốt triều đại vua Sukjong (thời gian tại vị 1674-1720), số lượng seowon phát triển nhanh chóng lên đến 166 seowon trong cả nước, trong đó có 105 seowon tứ ngạch được triều đình chính thức công nhận. Có không ít trường hợp seowon đã lạm dụng đặc quyền được miễn thuế và miễn lao dịch, gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước. Vì vậy, vua Sukjong đã cấm việc mở các seowon mới và ngưng việc ban biển hiệu từ năm 1714. Yeongjo (thời gian tại vị 1724-1776), vị vua tìm cách để củng cố quyền lực của mình, tích cực tiếp nối chủ trương bãi bỏ seowon của vua Sukjong và đến năm 1741 đã ra lệnh đóng cửa mãi mãi đối với các seowon và các miếu thờ được thành lập sau năm 1714.

Trong cuốn “Biên niên sử của vua Yeongjo” (Yeongjo sillok), mục ngày tám tháng tư năm 1741, ghi lại: “Đóng tất cả các seowon và điện thờ không được triều đình công nhận, được thành lập từ sau năm 1714, bất kể người thành lập là công thần hay học giả Nho giáo… Những trường hợp quan thủ lệnh hoặc các quan đứng đầu địa phương đứng ra thành lập seowon hoặc miếu thờ sau thời gian này thì phải thi hành luật bãi bỏ chức quan và buộc phải gửi tất cả Nho sinh hồi hương.” Điều đáng chú ý ở đây chính là việc ban hành chỉ thị tăng hình phạt nghiêm khắc đối với thủ lệnh và Nho sinh trong những trường hợp tự ý thành lập seowon. Từ thời vua Sunjo (1800-1834) đến thời Cheoljong (1849-1863) là thời kỳ của nền chính trị thế đạo thế kỷ thứ 19, hầu như không có seowon nào được thành lập. Điều này cho thấy lệnh cấm thành lập seowon của vua Yeongjo đã phát huy hiệu quả rất lớn.

Lệnh đóng cửa Seowon và sự suy yếu của Nho học Joseon

Sau Yeongjo, Nhiếp chính vương Heungseon (1820-1898) là nhân vật thi hành nhiều biện pháp quyết liệt hơn để bãi bỏ seowon. Nhiếp chính vương là người nắm thực quyền khi con trai ông là Gojong lên làm vua năm 1863. Năm 1865, ông cho đóng cửa miếu thờ Mandongmyo của Song Si-yeol, nhân vật chủ chốt của phái Lão Luận; năm 1868, cho đóng cửa khoảng 600 seowon không được triều đình công nhận. Năm 1871, ý thức được hiện tượng đấu tranh phe phái, ông ban hành lệnh đóng cửa tất cả các seowon và miếu thờ trên toàn quốc, chỉ chừa lại 47 seowon. Một số seowon tiêu biểu còn tồn tại có thể kể đến là: Sosu Seowon, Dosan Seowon, Namgye Seowon, Oksan Seowon…

Đất đai và tài sản của các seowon bị đóng cửa được nhà nước quản lý. Các seowon không được phép thành lập mới. Trước tình hình đóng cửa seowon, các học giả Nho giáo trên toàn quốc tập trung về Seoul để phản đối. 1.460 nho sinh đến từ tỉnh Gyeongsang tụ họp ở phía trước cung điện để dâng tấu sớ và phỉ báng Nhiếp chính vương là “Tần Thủy Hoàng của Đông Phương”. Trước lời phát ngôn của Nhiếp chính vương, “Đối với những kẻ làm hại dân chúng, cho dù Khổng Tử có sống lại, ta cũng không thể dung thứ. … Seowon giờ đây đã trở thành sào huyệt của bọn cướp”, sĩ khí của các Nho sinh bị dập tắt. Lệnh đóng cửa seowon đã làm dấy lên sự phản kháng mãnh liệt của nhiều học giả Nho giáo như Choe Ik-hyeon (1833-1906), và sau đó dẫn đến sự sụp đổ quyền lực của Nhiếp chính vương.

Trải qua thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và thời kỳ hiện đại hóa nhanh chóng của Hàn Quốc, seowon đã mất đi chức năng giáo dục, nhưng vẫn duy trì những truyền thống lễ nghi cúng tế Thánh Hiền cho đến ngày nay. Việc trùng tu các seowon và các giá trị lịch sử, văn hóa mà seowon vẫn gìn giữ được cho đến ngày nay đang được nhiều người quan tâm, nhất là những người kêu gọi giữ gìn giá trị và truyền thống của seowon. Với khuynh hướng xem trọng khoa học, xã hội nhân văn, việc giáo dục lấy con người làm trọng tâm của seowon, nơi mà các học giả tiêu biểu của từng thời đại đã nghiên cứu học vấn và đào tạo thế hệ kế cận, mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là thời điểm cần phải có những đề án vận dụng seowon, nơi lưu giữ di sản giáo dục và văn hóa Nho giáo của triều đình Joseon.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới