Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
spot_img

Talkshow – Chuyện kể về những con người bình dị

Ngày nay trên tivi ngập tràn những chương trình thực tế nói về cuộc sống thường ngày của giới nghệ sĩ nổi tiếng như việc chăm sóc con cái hay tình yêu của họ. Trong cơn bão đó, chương trình về những vấn đề hàng ngày của những người bình thường cũng vẫn liên tục nhận được sự yêu mến. Tivi– giờ đây được coi như chiếc chìa khoá để nhìn vào cuộc sống riêng tư của người khác. Thời kì mà đến giờ ăn cơm cả nhà ngồi quây quần cùng nhau bên bàn ăn đã qua, giờ đây số người ngồi ăn cơm một mình đang dần tăng, trở thành hiện tượng giống như “show truyền hình ăn uống” (Eating show) đang nở rộ trên TV vậy.

Lựa chọn những câu chuyện khổ tâm nhất

“Annyeonghaseyo” (Talkshow Xin chào) – một chương trình thực tế được phát sóng trên kênh KBS 2TV trong năm năm qua nói về những nỗi niềm băn khoăn, lo lắng của những con người bình thường. Nhà sản xuất sẽ chọn ra ba câu chuyện giãi bày trong số hàng trăm bức thư gửi về mỗi tuần, sau đó những người được chọn sẽ xuất hiện và trực tiếp thổ lộ nỗi niềm của mình. Có người than vãn về nỗi khổ khi gia đình mình có những thói quen hay sở thích kì lạ, có người thì than vãn về ngoại hình đặc biệt của mình và muốn lên tiếng kêu gọi mọi người bỏ đi những định kiến xã hội liên quan tới điều đó. Bốn người dẫn chương trình vốn là những người có tài ăn nói sẽ biểu hiện sự đồng cảm với người chia sẻ hoặc đưa ra những câu hỏi sắc bén làm cho câu chuyện thêm góc cạnh. Bạn bè, gia đình, hoặc thậm chí cả người làm cho họ cảm thấy phiền muộn cũng được mời xuất hiện để mọi người có thể hiểu khía cạnh khác của câu chuyện. Lắng nghe lời nói của người khác có thể sẽ làm cho nỗi băn khoăn, trăn trở của người chia sẻ thêm sinh động, nhưng ngược lại cũng có nhiều trường hợp người ta lại thấy vấn đề nằm ở chính người đó. Khách được mời đến tham dự chương trình sẽ trao đổi ý kiến xem vấn đề của người chia sẻ nào là thực sự nghiêm trọng và bỏ phiếu lựa chọn câu chuyện khổ tâm nhất để trao giải thưởng.

Chương trình “Annyeonghaseyo” chỉ đơn thuần là talkshow để giãi bày nỗi niềm băn khoăn, trăn trở chứ không đưa ra phương hướng giải quyết những việc vấn đề đó. Tuy nhiên khi thổ lộ những trăn trở đó trước nhiều người, đồng thời lắng nghe ý kiến của người đối diện cũng làm cho nỗi niềm của người chia sẽ được giải tỏa bớt phần nào và mọi việc bỗng được giải quyết một cách thật tự nhiên. Tất nhiên đôi khi cũng có nhiều trường hợp cần đến chuyên gia tư vấn, như các vấn đề về tâm lý học hay vấn đề luật pháp, và cũng có trường hợp thông qua câu chuyện của người chia sẻ, ta có thể thấy được phần nào những định kiến gay gắt của xã hội hiện nay. Người dẫn chương trình cố gắng giữ cho bầu không khí không trở nên quá căng thẳng, nặng nề bằng việc đưa ra những từ ngữ uyển chuyển, khéo léo nhưng nỗ lực đó không giúp tránh khỏi cuộc tranh luận nóng bỏng trên mạng xã hội vào ngày hôm sau khi bản thân chủ đề cuộc trò chuyện chưa ngã ngũ.

Hai mặt của câu chuyện được giấu sau camera ghi hình

Vào tháng 4 năm ngoái, SBS bắt đầu cho lên sóng chương trình thực tế với tên gọi “Dongsangimong” (Đồng sàng dị mộng – Không sao hết!), lắng nghe những mâu thuẫn giữa bố mẹ – con cái và tìm phương hướng giải quyết. Mỗi tập là một vấn đề đau đầu của một gia đình nào đó. Nó thoát ra khỏi hình thức của một chương trình talkshow đơn giản và cho khán giả thấy mâu thuẫn xảy ra trong gia đình qua chiếc camera được giấu kín. Trong đó sẽ là câu chuyện của người mẹ kiểm soát con gái của mình quá kĩ, hay câu chuyện của cô con gái lúc đêm khuya không chịu vào nhà mà cứ lảng vảng xung quanh nhà hàng xóm. Nhà sản xuất sẽ chụp hình những khoảnh khắc đó giống như một bộ phim tư liệu vậy. Đôi khi trong trường hợp cần thiết, họ còn được kiểm tra tâm lý và lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia.

Điểm nổi bật nhất trong chương trình này là cho người xem thấy được quan điểm của cả hai phía. Đầu tiên, chương trình cho người xem thấy đoạn phim, câu chuyện từ góc nhìn của người trong cuộc và họ sẽ chia sẻ câu chuyện của mình với người dự khán trong studio. Một hồi sau cuộc nói chuyện sẽ là thước phim và câu chuyện của người còn lại. Sự thay đổi góc nhìn khơi gợi mâu thuẫn và qua đó người xem truyền hình có cơ hội để hiểu toàn diện hơn quan điểm của cả hai phía. Đôi khi có những gia đình khi xem lại hình ảnh của mình trên đoạn phim đó đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Bản thân họ không biết hành động của mình được quay lại. Đúng như tên gọi “đồng sàng dị mộng”, cha mẹ và con cái, dù sống chung một mái nhà nhưng suy nghĩ vô cùng khác nhau. Họ không thể hiểu đối phương và cứ sống cuộc sống của mình.

So với talkshow “Xin chào” thì “Đồng sàng dị mộng” tạo cảm giác ít mang tính nghệ thuật hơn mà nhấn mạnh đến vai trò của người hòa giải. Mức độ mâu thuẫn được đưa ra càng trở nên nghiêm trọng đồng nghĩa với khả năng nhà sản xuất buộc phải can thiệp vào vấn đề của mỗi gia đình sẽ càng cao. Người dự khán trong studio đóng vai trò giống như hội đồng xét xử sẽ lắng nghe câu chuyện từ hai phía và đưa ra lời chỉ trích hay khuyên bảo cụ thể. Giả sử trong trường hợp bố mẹ của cô con gái đang tuổi dậy thì mà không chịu về nhà kia, họ được khuyên nên điều chỉnh thời gian về nhà cho tới 11 giờ và buộc cô con gái phải tuân thủ đúng theo giờ hẹn này. Ban hoà giải cũng khuyên bố mẹ cô con gái không có phòng riêng nên cố gắng sắp xếp cho con mình một không gian riêng tư trong nhà. Tóm lại mấu chốt ở đây là tuy chúng ta chỉ nhìn thấy những điều chỉnh vô cùng đơn giản nhưng thông qua việc theo dõi chi tiết từ những xung đột, mâu thuẫn cho đến thảo luận, hòa giải giữa các thành viên trong gia đình trên màn hình tivi, khán giả xem truyền hình có thể nhìn nhận lại bản thân gia đình mình có thực sự hiểu nhau. Khi mới ra mắt, chương trình đã thổi phồng các vấn đề trong gia đình nên làm cho người ta nghi ngờ về cái họ đang truyền. Sau đó, nhà sản xuất phải lên tiếng xin lỗi thì mới giúp chương trình vượt qua được thời kì khó khăn này. Mặc dù vướng phải điều tiếng không tốt nhưng chương trình đã không bị xóa sổ chính vì mục đích của nó là giúp tháo gỡ mâu thuẫn cho các gia đình và sự mong chờ của khán giả vào kết quả của ban hòa giải ở mỗi tập.

Đưa ra lời khuyên cho cuộc sống của người khác

Trong quá khứ, ở thời kì con người dù sinh sống tại nông thôn hay thành thị thì cũng đều giao lưu với xóm làng tạo ra cộng đồng làng xã thì việc một gia đình kể cho hàng xóm nghe chuyện trong gia đình của mình là điều rất bình thường. Vấn đề cá nhân không phải chỉ là của riêng cá nhân nào, cũng như mâu thuẫn trong gia đình không phải chỉ là của gia đình đó. Trong làng xã thì không có gì gọi là bí mật, mọi người trong làng sẽ đưa ra lời khuyên một cách rất tự nhiên hoặc tìm cách can thiệp tới việc của gia đình nào đó. Tuy nhiên bắt đầu từ nửa sau thập niên 80, thông qua sự tái phát triển đô thị, người dân chuyển sang văn hóa cư trú tập trung chủ yếu vào sinh sống tại khu căn hộ. Và do chính sách kinh tế tự do bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tiền tệ vào những năm 90, việc cạnh tranh cá nhân trở nên rõ rệt, dẫn tới mối quan hệ hàng xóm khăng khít lâu nay dần biến mất. Giờ đây, ngay cả khi có vấn đề gì trăn trở gì thì người ta cũng không thể nói ra cho họ hàng, bạn bè hay hàng xóm biết mà sẽ khép kín bản thân. Theo báo cáo “Chất lượng cuộc sống vào năm 2015” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đối với câu hỏi về việc bạn có người bạn thân chí cốt hay họ hàng, hàng xóm để chia sẻ khi khó khăn không thì trong số các nước thành viên trong tổ chức, Hàn Quốc là quốc gia có số điểm thấp nhất.

Tuy đối tượng để chúng ta nói chuyện dần biến mất nhưng nỗi khổ tâm trong cuộc sống hay khát vọng giao tiếp thì lại không hề mất đi. Con người giờ đây đã tìm cách chia sẻ nỗi niềm của mình bằng việc viết lên trên bảng tin ảo của internet hoặc các trang mạng xã hội SNS. Mọi người sẽ nhìn vào dòng chia sẻ đó rồi để lại lời bình luận biểu hiện sự đồng cảm hay khuyên bảo lẫn nhau.

Ngày nay TV đã thay thế người bạn hay người hàng xóm trước đây, lắng nghe nỗi niềm của mọi người. Con người xem TV và luôn tò mò muốn biết cuộc sống của người khác như thế nào. Họ sẽ cảm thấy an tâm nếu như cuộc sống của mình và cuộc sống của mọi người không khác nhau, thậm chí thở phào nhẹ nhõm khi cảm thấy cuộc sống của mình hoàn toàn không đơn độc. Khi các mối quan hệ trong gia đình ngày càng bị chia cắt thì tần suất phủ sóng của các chương trình tivi này sẽ càng rộng lớn. Mức độ quan tâm và khuyên bảo về cuộc sống của người khác cũng sẽ cao hơn. Con người đang cố bấu víu vào ảo tưởng về một cộng đồng mà việc mọi người chia sẻ các vấn đề của nhau vẫn được duy trì, mặc dù họ đang sống trong một xã hội khép kín, nơi mà thậm chí mọi người không mảy may chú ý đến việc cả nhà bên đã tự sát.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới