Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
spot_img

‘Thế hệ lạc lối’ Hàn Quốc vật lộn tìm lối thoát

Choi Seo-yoon, 31 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Seoul nhưng vẫn chưa tìm được công việc mơ ước trong lĩnh vực truyền thông. Để kiếm sống qua ngày, cô cộng tác viết bài cho một vài tờ báo, giúp một người bạn bán trà chanh mật ong và vẽ tranh chân dung trên hè phố. Số tiền Choi kiếm được hàng tháng đủ để cô tồn tại được ở thủ đô nhưng không đủ để đảm bảo tương lai phía trước.

Một phụ nữ Hàn Quốc đọc bảng tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Seoul.

“Tôi không tự tin rằng mình sẽ kiếm tiền đủ sống về lâu về dài”, Choi nói. “Tôi hoàn toàn không biết thu nhập và chi phí sinh hoạt của mình sẽ ra sao trong vài tháng tới. Tôi cũng không có thẻ tín dụng để có thể mua sắm trả góp. Có đến đâu tôi tiêu đến đấy”.
Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc độ tuổi từ 15 đến 29 hiện ở mức 8%, gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp trung bình của cả nước. Báo cáo của Cơ quan thống kê Hàn Quốc trong tháng 9 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên tăng cao nhất trong 18 năm qua. Ở xứ sở kim chi, một việc làm ổn định không chỉ là “cần câu cơm” mà còn là yếu tố quyết định sự thành bại và chỗ đứng trong xã hội của mỗi cá nhân.
Choi “liều” thành lập bán nguyệt san “Remainders” đăng tin bài về mọi lĩnh vực từ chính trị, văn hóa cho đến chuyện hẹn hò, kết hôn của giới trẻ. Nhưng sau 18 tháng phát hành, Choi không có lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa tờ tạp chí. Cô chuyển hướng tập trung tăng thu nhập qua các công việc bán thời gian.
Trường hợp như Choi không hiếm. Số lượng người trẻ Hàn Quốc tự đứng ra mở nhà hàng hoặc cửa tiệm khá đông. Nhưng hầu hết đều nhanh chóng đóng cửa vì không chịu nổi chi phí thuê mặt bằng và kinh nghiệm kinh doanh còn non nớt. Trong số hơn 200.000 cơ sở kinh doanh do thanh niên độ tuổi từ 15 đến 34 thành lập vào năm 2011, chỉ 23,5% “sống sót” qua 5 năm, theo Cơ quan Thuế Quốc gia.
Đầu năm nay, một khảo sát của viện Gallup Hàn Quốc với 850 thanh niên từ 19 đến 31, không tính sinh viên, cho thấy người trẻ nước này đang sống với khoản tiền trung bình 1,58 triệu won (1.290 USD) mỗi tháng, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiếu 1,35 triệu won một chút.
“Ở Hàn Quốc, làm việc bán thời gian có nghĩa là bạn phải làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu”, Lee Ga-hyeon thổ lộ. Sinh viên luật 22 tuổi này ngoài giờ học còn phải đi làm thêm ở một cửa hàng McDonald và một tiệm bánh. Làm việc 6 tiếng liên tục mỗi ngày, 5 ngày một tuần, Lee kiếm được 450 USD vào cuối tháng. Số tiền đó không đủ trang trải chi phí sinh hoạt vì chỉ riêng giá thuê căn hộ vỏn vẹn vài mét vuông đã ngốn của cô hơn 200 USD.
Không che giấu được sự mệt mỏi, Lee cho biết ở Hàn Quốc, làm việc 14 tiếng mỗi ngày là điều bình thường và lo lắng không biết cô có thể chịu đựng được tình trạng này trong bao lâu nữa.
Bên cạnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra khoảng cách lớn giữa mức thu nhập của nhân viên làm việc cho các tập đoàn tài phiệt chaebol với những người lao động tại các công ty nhỏ và vừa. Chính khoảng cách này khiến cho thanh niên Hàn Quốc không có hứng thú “đầu quân” cho các công ty quy mô nhỏ.
Anh Sung, quản lý một chi nhánh của tập đoàn SK, cho biết ngoài khoản lương hàng tháng khá hậu hĩnh, anh còn được lĩnh thưởng cuối năm bằng 50% thu nhập cả năm.
“Tôi muốn đi hưởng tuần trăng mật ở Italy. Tôi mừng là tôi kết hôn vào đúng thời điểm công ty ăn nên làm ra”, anh Sung dự tính sẽ dùng khoản tiền thưởng cuối năm để tổ chức đám cưới vào năm tới.
Ở Hàn Quốc, thông thường công ăn việc làm tốt sẽ đảm bảo chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Những nhân viên của các tập đoàn kinh tế lớn cũng dễ kiếm được người bạn đời lý tưởng hơn.

‘Thế hệ lạc lối’ tìm lối thoát

Thanh niên Hàn Quốc tham dự lớp học thêm trước một kỳ thi tuyển vào các tập đoàn hàng đầu.
Cảm thấy bế tắc, nhiều thanh niên Hàn Quốc đã nghĩ đến việc rời khỏi đất nước.
“Tôi từng làm việc cho một website tại Hàn Quốc. Tôi gần như kiệt sức vì làm việc quá nhiều. Sau đó, tôi quyết định xin thị thực sang Canada làm thợ hàn. Lợi ích về y tế, giáo dục tại đây tốt hơn nhiều”, một người chia sẻ kinh nghiệm trên một diễn đàn online.
Để tìm hiểu sâu về mong ước thoát ly khỏi quê nhà của giới trẻ Hàn Quốc, trung tâm nghiên cứu Hankyoreh và UnivTomorrow đã phỏng vấn hơn 200 người trong độ tuổi 20. Kết quả cho thấy 73% số người được hỏi cảm thấy cuộc sống tại Hàn Quốc khó khăn đến nỗi họ muốn chuyển đến sống tại một quốc gia khác. Trong khi đó, 23,7% thổ lộ mong muốn thường trực của họ là “bốc hơi” khỏi quê hương.
Theo cuộc khảo sát, 22,8 % giới trẻ cảm thấy chán chường khi sống trong xã hội phân biệt đối xử, cạnh tranh gay gắt dựa trên ngoại hình, học vị, giới tính và quan hệ cá nhân. Ngoài ra, 18% số người tham gia phỏng vấn cho hay họ muốn đến miền đất mới có hệ thống phúc lợi xã hội tương xứng với năng lực làm việc của mình.
“Tôi từng sống ở nước ngoài một thời gian. Tôi nhận ra, không giống như ở Hàn Quốc, ở các nước khác dường như không có sự phân biệt đối xử trong môi trường làm việc. Ở đó, tôi sẽ không phải chịu đựng cảm giác bản thân bị đem ra so sánh với người khác. Tôi không muốn con cái mình sau này phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đó”, một người tham gia khảo sát chia sẻ.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới