Mặc dù ngày nay Tongyeong có vẻ là một đô thị nhỏ bé và xưa cũ, nhưng trong quá khứ, đây đã từng là một thành phố quy mô lớn và rất phát triển. Vốn được quy hoạch đầu tiên trong thời Joseon, Tongyeong tiên phong về phát triển công nghiệp truyền thống, mậu dịch và những biến chuyển về kinh tế xã hội. Với vị thế trung tâm của khu vực, đây cũng là mảnh đất có truyền thống văn hóa mạnh mẽ. Sau thời kỳ thông thương, là một trong những khu vực nhanh chóng đón nhận nền văn minh phương Tây và Nhật Bản, Tongyeong trở nên thịnh vượng nhờ vào ngành thủy sản và mậu dịch, mang lại cho nơi đây một vẻ hiện đại.
Tuy không phải là đảo, nhưng Tongyeong được nối với đất liền qua một eo đất nhỏ nên cho ta cảm giác giống như một hòn đảo. Trước thời kỳ Nhật xâm lược Joseon (mà lịch sử gọi là cuộc chiến Nhâm thìn oa loạn, 1592-1598), vùng đất này là một làng chài bình lặng có tên là Duryongpo (Cảng Đầu Rồng). Sau khi chiến tranh nổ ra, chiến thắng đầu tiên của quân đội Joseon chống lại quân xâm lược Nhật Bản là trận Okpo diễn ra ở vùng biển Geoje-do.
Trận đại chiến đảo Hansan, một trong ba chiến thắng vang dội trước quân xâm lược Nhật Bản cũng diễn ra vào tháng 7 năm 1592 tại vùng biển Tongyeong. Nhận ra tầm quan trọng của việc tập trung chỉ huy lực lượng thủy quân, triều đình Joseon đã bổ nhiệm tướng Yi Sun-shin (1545-1598) giữ chức Thống sứ thủy quân của ba tỉnh (三道水軍統制使, Tam đạo Thủy quân Thống chế sứ). Thống sứ thủy quân cai quản các sĩ quan và lực lượng thủy quân của ba tỉnh Gyeongsang-do, Jeolla-do, Chungcheong-do và năm đơn vị tiền đồn. Nói cách khác, ông có trách nhiệm chỉ huy các trận chiến trên biển phía nam bán đảo Korea và nắm trong tay quyền chỉ huy hầu như toàn bộ binh lực thủy quân của triều Joseon.
Tongyeong – Đầu mối giao thông đường biển và cũng là tiền tuyến ác liệt
Thống doanh lần đầu tiên được thiết lập tại đảo Hansan-do, sau khi chuyển đến một vài nơi, cuối cùng vào năm 1604, được di dời đến thành phố Tongyeong ngày nay. Thống doanh tồn tại gần 300 năm cho đến khi bị đóng cửa vào năm 1895. Tên gọi Tongyeong của thành phố bắt nguồn từ “Thống chế doanh” (Tongjeyeong), có nghĩa là doanh trại Thống sứ hải quân. Ngoài ra, từ năm 1955 đến năm 1994, vùng Tongyeong này còn được gọi là thành phố Chungmu theo tước hiệu của tướng quân Yi Sun-shin.
Là đầu mối giao thông quan trọng, vào hậu kỳ Joseon, Tongyeong từng là thành phố phát triển mạnh về thương nghiệp. Đến thời thuộc địa, đây cũng là nơi có rất nhiều người Nhật Bản đến tập trung sinh sống. Khoảng cách từ Tongyeong đến Busan hay đến đảo Tsushima khá gần, và đây còn là con đường trung chuyển từ Busan đến Jeolla-do.
Chính vì địa thế trên mà Tongyeong trở thành mục tiêu chiếm đóng của quân đội Bắc Triều Tiên trong sự kiện chiến tranh hai miền Nam – Bắc nổ ra vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 (chiến tranh liên Triều). Quân đội Bắc Triều Tiên dự định chiếm Tongyeong rồi thông qua đảo Geoje-do để tấn công Masan và Busan nhưng họ đã gặp phải sự chống trả của quân đội Hàn Quốc và quân Liên hiệp quốc nên bị rơi vào khủng hoảng lớn. Mặt khác, khi đó hải quân Hàn Quốc vì muốn bảo vệ đảo Geoje-do đã khẩn cấp hành động, mở một trận chiến trên đất liền, đánh đuổi được quân đội Bắc Triều Tiên và giành lại được Tongyeong. Sự kiện này xảy ra một tháng trước cuộc đổ bộ Incheon lịch sử năm 1950. Tongyeong là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc tiến hành các cuộc đổ bộ vào đất liền. Hải quân Hàn Quốc được mệnh danh là “Đội quân thủy chiến có thể bắt cả quỷ dữ” qua bài phóng sự viết bởi nhà báo chiến trường Marguerite Higgins (1920-1966) của tờ New York Herald Tribune.
Tongyeong – Thành phố quân sự khát khao hòa bình
“Si vis pacem, para bellum” (Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh)”
Tongyeong được quy hoạch thành đô thị quân sự theo kế hoạch di dời Thống sứ doanh của thủy quân ba tỉnh. Tuy nhiên, Tongyeong cũng được gọi là thành phố hòa bình vì được xây dựng với khát vọng không để xảy ra cuộc chiến tàn khốc nào nữa, nhắm đến mục đích ngăn chặn các cuộc xâm lược và duy trì hòa bình cho khu vực. Tọa lạc giữa trung tâm thành phố là tòa nhà uy phong xứng tầm với vai trò của nó và biểu trưng cho sức mạnh ý chí của thủy quân Joseon. Đó chính là tòa nhà Sebyeonggwan (Tẩy binh quan). Cửa dẫn vào nơi này có tên Jigwamun (Cửa ngừng giáo), tất cả những tên gọi này đều chứa đựng khát khao duy trì hòa bình nhờ vào sự phòng ngự vững vàng.
Ngay từ những buổi đầu được thành lập, Thống doanh hầu như phải tự lực về tài chính. Hiểu rằng không thể chờ đợi viện trợ từ triều đình vì đang trong thời chiến, Thống sứ Yi Sun-shin đã cho lập đồn điền, đảm bảo quân lương, cứu trợ dân thường. Ông cho đánh bắt cá, làm muối để trang bị cho chi phí quân sự. Ngoài ra, 12 công xưởng cũng được xây dựng, tập hợp các thợ chế tạo lành nghề trực tiếp chế tạo binh khí và nhu yếu phẩm quân dụng. Ngoài quân nhu, các công xưởng còn chế tạo các công cụ sản xuất nông nghiệp và sản phẩm cần cho sinh hoạt thường ngày. Một phần các sản phẩm này được gửi về trung ương, một phần được bán để đóng góp vào ngân quỹ của Thống doanh. Chính vì thế, không thể phủ nhận rằng Tongyeong trở nên nổi tiếng về thủ công mỹ nghệ truyền thống hay ngành dệt may ngày nay là nhờ những hoạt động từ thời Thống doanh. Người ta kể rằng nhu cầu về dệt may đã tăng vọt để đáp ứng về quân phục cho quân đội. Các phụ nữ Tongyeong thời đó vì muốn may quân phục cho chồng và con trai mà tất cả đều trở thành thợ may lành nghề.
Tongyeong – Một thành phố thương nghiệp thịnh vượng và có sức sống mãnh liệt
Các công xưởng của Thống doanh ngoài việc sản xuất quân dụng, còn dồn sức cho việc sản xuất các sản phẩm sinh hoạt thường ngày và các cống phẩm. Đặc biệt dưới thời Yeongjo (tại vị 1724 – 1776) và thời Jeongjo (tai vị 1776 – 1800), việc chủ trương tạo ra tiền kim loại đã tạo nền tảng cho thủ công nghiệp phát triển. Việc sản xuất được tổ chức và tiến hành dưới hình thức hợp tác xã. Thời kỳ ban sơ của quá trình công nghiệp như thế được đã khởi đầu trong một xã hội truyền thống.
Khi quy mô ngành thủ công mở rộng hơn, Tongyeong cũng sản xuất các sản phẩm cao cấp gây được tiếng vang trên cả nước như nón dành cho tầng lớp quý tộc, bàn ăn, hộp sơn mài cẩn xà cừ… Thị trường ngày một mở rộng, dân số ngày một gia tăng. Các kỹ thuật chế tạo và sửa chữa tàu chiến cũng được áp dụng vào chế tạo tàu buôn, và họ còn trang bị thêm cho tàu phần nhà kho để trữ và bảo quản vật dụng cần thiết trên tàu.
Dòng người vãng lai và hàng hóa trao đổi qua đường biển ngày càng gia tăng nên vào năm 1872, quan Thống sứ tìm giải pháp để đào sâu cửa sông và mở rộng thị trường. Những cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm như gạo, đồ khô, tạp hóa, thuốc lá, hải sâm xuất hiện, biến Tongyeong thành một trung tâm mậu dịch buôn bán của vùng duyên hải Gyeongsang-do.
Khu vực trung tâm của Tongyeong cũng tự nhiên được mở rộng. Do thiếu diện tích đất ở nên khu vực cư trú dần được mở rộng lan sang các vùng đảo lân cận. Dân số Tongyeong trong khoảng 100 năm từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 tăng lên gấp hai lần. So với số nhân khẩu trung bình mỗi hộ dân của Seoul đương thời là 4,4 người thì Tongyeong là 7,2 người, cho thấy mật độ dân số nơi đây khá cao. Cho đến trước thời kỳ hiện đại thì Tongyeong đã là một thành phố lớn xếp thứ 12 cả nước về quy mô dân số và còn lớn hơn cả Jinju và Mokpo.
Tongyeong – Nơi sớm thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, trải qua nỗi đau thuộc địa và lớn mạnh (1)
Người dân Tongyeong không những có một sức sống mãnh liệt, mà còn có lòng tự hào mạnh mẽ và sự thức tỉnh sớm. Điều này phải chăng là nhờ vào Thống doanh được đặt tại nơi đây đến gần 300 năm. Chức quan thống sứ thuộc hàm nhị phẩm – ngang với chức giám sát sứ, cai quản 11 thành ấp xung quanh như Jinju, Changwon, Gimhae, Jinhae, Sacheon, Geoje và chỉ huy 23 binh đoàn thủy quân. Đồng thời khi nguy cấp, quan thống sứ có vai trò lãnh đạo các thành ấp này và chỉ huy quân đội. Tongyeong vì thế vừa là một trung tâm quân sự, hành chính, văn hóa, vừa là một trung tâm công nghiệp truyền thống và mậu dịch buôn bán.
Đương thời, vào năm 1895, để Joseon mở cửa đón nhận nền văn minh phương Tây, cùng với việc tiến hành cuộc “Cải cách Giáp Ngọ” thì Thống doanh ba tỉnh cùng với Đại doanh thủy quân Gyeongsang-do bị xóa bỏ đã gây ra biến động lớn. Đại bộ phận tướng lĩnh và binh sĩ đang phục vụ trong quân đội đồng loạt thất nghiệp. Một số lớn thợ thủ công đang làm việc trong 12 công xưởng cũng phải di cư đến những nơi khác như Seoul để sinh sống; một số khác thì di chuyển đến vùng lân cận tiếp tục làm ăn, nhìn chung ngành công nghiệp truyền thống hầu như đi vào phá sản.
Mặt khác, sau khi Joseon mở cửa cảng thì những ngư dân Nhật Bản tìm kiếm các ngư trường mới bắt đầu kéo đến Tongyeong. Những người Nhật nhận được sự hậu thuẫn về chính trị và hành chính, họ mang theo kỹ thuật và trang thiết bị mới cùng nguồn vốn chiếm lĩnh những ngư trường béo bở và bắt đầu làm chủ hoạt động thương mại và cả tín dụng. Số lượng người Nhật Bản đến cư trú theo đó gia tăng. Thậm chí có trường hợp người Nhật được hỗ trợ kinh phí đến xây dựng chế độ thực dân và thành lập các làng định cư như trường hợp huyện Okayama.
Trải qua nhiều khó khăn, ngành ngư nghiệp truyền thống dần biến đổi và phát triển theo hướng ngư nghiệp cận đại. Vào năm 1966 tại đảo Yokji, Cơ quan xúc tiến ngư nghiệp được thành lập, và vào năm sau đó Trung tâm nuôi trồng giống thủy sản được xây dựng tại thành phố Tongyeong giúp cho ngành nuôi trồng thủy sản được mở rộng. Được thiên nhiên ưu đãi, Tongyeong trở thành địa phương nhận được danh hiệu “Thủy sản số 1”.
Tuy vẫn là trung tâm của giao thông đường biển và ngành thủy sản cận hiện đại, nhưng bước vào thời kỳ Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế cao độ, tỷ trọng đóng góp về kinh tế và văn hóa của Tongyeong bắt đầu suy giảm đáng kể. Ngành thủy sản gặp nhiều cơn khủng hoảng. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện làm cá và các loài có vỏ trong các khu nuôi trồng bị chết hàng loạt, xuất khẩu hàu ra nước ngoài bị gián đoạn. Những năm 1980 và 1990, dân số ở Tongyeong hầu như không tăng và địa phương bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Vào giữa những năm 2000 đánh dấu sự thịnh vượng của ngành công nghiệp đóng tàu, đóng góp của ngành này có lúc có tỷ trọng lớn hơn cả ngành thủy sản. Dù sao chăng nữa, việc Tongyeong tách biệt khỏi sự phát triển công nghiệp cũng là điều may mắn để có thể bảo tồn thiên nhiên nơi đây.
Tongyeong – Nơi sớm thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, trải qua nỗi đau thuộc địa và lớn mạnh (2)
Tongyeong tự hào là một thành phố của nghệ thuật. Nhiều nhà văn và nghệ sĩ danh tiếng được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất này như nhà thơ Kim Chun-su (1922-2004), Yu Chi-hwan (1908-1967), họa sĩ Jeon Hyuck-lim (1916-2010), nhà soạn kịch Yu Chi-jin (1905-1974), nhà soạn nhạc Yun I-sang (1917-1995), tiểu thuyết gia Park Kyong-ni (1926-2008), Kim Yong-ik (1920-1995), ngoài ra còn có nhà thơ Baek Seok (1912-1995) và họa sĩ Yi Chung-sop (1916-1956)… họ có mối nhân duyên sâu sắc với Tongyeong. Trên khắp những con đường hay công viên ở Tongyeong, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các bia đá hay những không gian được tạo ra để tưởng nhớ họ.
Thật đáng ngạc nhiên vì ở một thành phố nhỏ bé lại sản sinh ra nhiều nhà văn và nghệ sĩ như thế. Có người cho rằng đó là nhờ nơi đây là mảnh đất nên thơ hữu tình, cũng có người cho rằng đó là nhờ vào truyền thống của 12 công xưởng đã tạo nên một môi trường lý tưởng sinh ra nhân tài. Nhưng việc họ xuất hiện một cách tập trung vào cùng một thời chẳng phải là một điều đáng lưu tâm lắm sao?
Mặc dù ngày nay Tongyeong có vẻ là một đô thị nhỏ bé và xưa cũ, nhưng trong quá khứ, đây đã từng là một thành phố quy mô lớn và rất phát triển. Vốn được quy hoạch đầu tiên vào thời Joseon, Tongyeong tiên phong về phát triển công nghiệp truyền thống, mậu dịch và những biến chuyển về kinh tế xã hội. Với vị thế trung tâm của khu vực, đây cũng là mảnh đất có truyền thống văn hóa mạnh mẽ. Sau thời kỳ thông thương, là một trong những khu vực nhanh chóng đón nhận nền văn minh phương Tây và Nhật Bản, Tongyeong trở nên thịnh vượng nhờ vào ngành thủy sản và mậu dịch, mang lại cho nơi đây một vẻ hiện đại.
Cho đến trước thời Nhật Bản thôn tính Joseon, người Nhật đã bắt đầu để ý đến những cơ hội về kinh tế và bắt đầu đến cư trú tại Tongyeong. Trừ tòa nhà Sebyeonggwan của Dinh Thống sứ, mọi công trình khác đều bị phá hủy và thay vào đó là trường học, tòa án và cơ quan thuế vụ… Thành phố cận đại mang phong cách Nhật Bản được hình thành, đường sá và bến cảng cũng được xây dựng. Vào năm 1931, kênh đào Tongyeong và đường hầm dưới biển hoàn công. Giữa thập niên 1930, số người Nhật Bản cư trú tại các làng của Tongyeong là 3.000 người, và trên toàn quận Tongyeong khoảng 6.000 người.
Nền văn minh phương Tây cũng du nhập vào nơi đây từ rất sớm. Những nhà truyền giáo của Nhà thờ Tân giáo Anh (Episcopal Church) và giáo hội Tin lành Trưởng lão Úc (Presbyterian Church) đã đến truyền giáo tại Tongyeong từ những năm 1894 và 1895. Vào năm 1905, các nhà thờ được dựng lên. Vào năm 1911- 1912, nhà trẻ, trường mẫu giáo được xây dựng. Tuy không đạt được mục tiêu xây dựng trường tiểu học nhưng các nhà truyền giáo đã thành lập được trường huấn luyện Jinmyeong, là nơi đào tạo các bé gái quá tuổi đến trường. Đồng thời họ cũng mở những lớp học ban đêm. Những cơ sở đào tạo này vừa đào tạo nghề, vừa giáo dục tinh thần dân tộc dựa trên tinh thần đạo Tin lành, tạo nên trụ cột về tinh thần cho các cuộc vận động xã hội của người dân Tongyeong sau này. Người dân Tongyeong kể từ rất sớm đã tiếp cận với nền văn minh phương Tây qua các nhà truyền giáo.
Tongyeong là nơi triển khai nhiều cuộc vận động xã hội như phong trào Manse (phong trào toàn quốc kháng chiến ngày 1 tháng 3), phong trào Thanh niên, phong trào đấu tranh lao động, phong trào tá điền, phong trào Singanhoe (phong trào kháng Nhật thống nhất dân tộc)… Đặc biệt phong trào Singanhoe đã đề ra cương lĩnh mạnh mẽ và nổ ra trên phạm vi toàn quốc. Tongyeong với tinh thần hiếu học cao độ là nơi có nhiều du học sinh đi Nhật chỉ đứng sau Seoul. Tại đây, phong trào thanh niên cũng phát triển mạnh mẽ. Các thanh niên tự vận động đóng góp tiền và xây dựng được Hội quán Thanh niên Tongyeong, là một tòa nhà hai tầng bằng gạch đỏ. Ngay sau khi được giải phóng, các phong trào vận động xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ cũng diễn ra hết sức mạnh mẽ.
Để thực hiện “Chương trình nghị sự 21” ở cấp địa phương theo lựa chọn của Hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển, Tổ chức “Tongyeong xanh 21” được thành lập với tư cách là nơi liên kết giữa công và tư. Trung tâm Giáo dục và phát triển bền vững Liên hiệp quốc hoạt động một phần cũng nhờ vào nền tảng các cuộc vận động xã hội ở Tongyeong. Tổ chức “Tongyeong xanh 21” đã tái sinh lại những ngôi làng đứng trước nguy cơ bị phá hủy thành những địa danh nổi tiếng trên toàn quốc như làng tường hoa Dongpirang, làm cho Tongyeong trở thành một địa điểm tham quan du lịch đầy sức lôi cuốn. Trong tương lai, Tongyeong sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới với niềm tự hào về một diện mạo và sự lôi cuốn kì diệu của mình.