Lòng vị tha và hiếu thảo của công chúa Bari
Nhiều người tin rằng con người có phần xác và phần hồn, sau khi phần xác chết, phần hồn sẽ về với cõi âm. Vì cuộc đời ở cõi trần quá ngắn nên con người hằng ao ước rằng cõi âm là cõi vĩnh hằng. Nhưng trên thực tế, không biết đã có ai từng đến được cõi vĩnh hằng này hay chưa. Mỗi lần tính đi du lịch nước ngoài không thôi, chúng ta cũng đã phải đào bới tìm tòi cả kho thông tin và lo lắng đủ điều, nào là làm thế nào để nói chuyện được với người bản xứ, rồi không biết đồ ăn thức uống ở đó có hợp với mình không, hay chỗ ngủ trọ qua đêm có an toàn hay không… nữa là đi tới một thế giới khác.
Có lẽ ai cũng sẽ hoang mang trên đường đến cõi âm xa lạ. Lúc này mà được vị thần quản giám đường đến âm phủ dẫn lối thì tốt biết mấy. Trong thần thoại của Hàn Quốc có một vị thần tên là công chúa Bari, đảm trách công việc chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người quá cố trên đường xuống âm phủ. Nàng vốn là công chúa thứ 7 của một vương quốc, và đã sống một cuộc đời năm chìm bảy nổi trước khi trở thành thần linh. Saenamgut vùng Seoul là nghi thức lên đồng của khu vực thủ đô, cầu cho linh hồn người chết đến được cõi cực lạc. Nghi thức này có đoạn ca ngợi công đức của công chúa Bari, kể rằng nàng đã bị vua cha và hoàng hậu vứt bỏ ngay từ lúc mới lọt lòng chỉ vì sinh ra là phận gái.
Công chúa Bari bị vứt bỏ ngay sau khi sinh chỉ vì lý do là con gái, sau đó trưởng thành trong vòng tay cha mẹ nuôi mà không một lần được nhìn mặt cha mẹ đẻ. Tuy nhiên khi cha mẹ già lâm bệnh, nàng đã không quản ngại gian nan vất vả, xuống tận âm phủ để tìm thuốc chữa bệnh cứu cha mẹ. Trên đường xuống âm phủ, công chúa Bari đã gặp thần gác cổng cõi âm Mujangseung và chấp thuận yêu cầu của vị thần này là 3 năm đốn củi, 3 năm nhóm lửa, 3 năm gánh nước và đẻ cho Mujangseung 7 người con trai để vào được cõi âm. Không chỉ mang thuốc về cứu sống cha mẹ đẻ, sau này công chúa Bari còn đưa đường dẫn lối cho linh hồn những người chết xuống âm phủ. Giá như khi con người ta rời bỏ cõi trần mà được thần quản giám âm phủ đưa đường dẫn lối như vậy thì có lẽ đường tới suối vàng cũng đỡ hoang mang hơn.
Văn hóa tang lễ của dân tộc Hàn Quốc
Xưa kia ở Hàn Quốc, người ta đặt quan tài của người quá cố lên kiệu tang Sangyeo trang trí sặc sỡ, rồi người làng sẽ cùng nhau khiêng kiệu đưa người quá cố tới nơi chôn cất. Vừa đi họ vừa hát khúc ca Ggotyeombul để an ủi thân nhân người quá cố, và để những người khiêng kiệu tang rảo bước nhịp nhàng cùng nhau. Dân ca Ggotyeombul là hình thức hò đưa tang Sangyeosori của người dân trên đảo Jeju. Vào đêm trước ngày chôn cất người quá cố, dân làng thường khiêng kiệu chưa đặt quan tài vừa đi vừa hát khúc dân ca Ggotyeombul.
Xưa kia ở Hàn Quốc, tang lễ không chỉ mang ý nghĩa đau buồn. Tất nhiên là thân nhân của người quá cố đều than khóc thương tiếc người ra đi. Nhưng bên cạnh đó còn có hình ảnh người trong làng đến đám tang ăn uống vui vẻ như đi chảy hội, đặc biệt là trong những đám tang của người cao tuổi hoặc người có nhiều công trạng. Vào đêm trước ngày tiễn người quá cố tới nơi an nghỉ cuối cùng, người ta còn túm năm tụm ba để diễn kịch và múa hát. Dasiraegi của vùng Jindo hay Ggotyeombul Sori của đảo Jeju chính là những khúc hát tiêu biểu cho văn hóa tang lễ của Hàn Quốc. Văn hóa nhảy múa ca hát trong tang lễ ở Hàn Quốc mang hàm ý làm vơi bớt nỗi buồn đau tiếc thương của thân nhân người quá cố. Vùng ven biển tỉnh Jeolla ở Hàn Quốc có khúc hát “Gildakkeum Sori” thuộc dòng Ssitkimgut, cúng cầu siêu đưa linh hồn người đã khuất đến nơi chín suối. Đây là nghi thức cùng tế nhằm gột sạch mọi oan trái tủi hờn của người chết lúc còn sống, để linh hồn người chết được nhẹ nhõm từ giã cõi trần đến với miền cực lạc.
Gildakkeum (tạm dịch là “Trải đường, làm đường”) là nghi thức dùng nước thơm Hyangmul và nước ngải cứu Ssukmul gột sạch bụi trần để linh hồn người chết siêu thoát tới nơi chín suối. Khi thực hiện nghi thức Gildakkeum, thân nhân người quá cố cầm hai đầu của tấm vải trắng dài, căng ra giống như một con đường. Lúc này, ông đồng bà đồng sẽ cầm một cái giỏ mây chứa linh hồn người chết kéo đi kéo lại trên tấm vải. Người đến xem lễ cúng cầu siêu sẽ đặt tiền lên tấm vải với ý nghĩa biếu người chết lộ phí dùng trên đường đến nơi chín suối. Nghi lễ lên đồng cúng cầu siêu Ssitkimgut vừa có ý nghĩa gột rửa oán hận cho linh hồn người chết, vừa giúp người sống giải tỏa nỗi niềm thương tiếc, nhớ nhung, ân hận đối với người đã khuất.
* Trích đoạn công chúa Bari bị vứt bỏ trong nhạc phẩm cúng cầu siêu Malmigeori của vùng Seoul / Lee Sang-sun
* Khúc dân ca “Ggotyeombul Sori” của đảo Jeju/ Lee Myeong-suk
* Nhạc phẩm Gildakkeum trong dòng nhạc lên đồng cúng cầu siêu cho linh hồn người chết Ssitkimgut của vùng Jindo / Kim Su-yeon và dàn hợp tấu