Người trẻ ngày nay luôn thích làm mọi thứ một mình. Đơn cử là Hàn Quốc, cứ 10 người Hàn Quốc lại có một người chọn lối sống độc thân vui tính. Điều này xuất phát từ khái niệm nền kinh tế độc thân đang trở thành một trào lưu mới ở Hàn Quốc.
Nền kinh tế độc thân (독신경제) – một thuật ngữ mới toanh tại Hàn Quốc, xuất phát từ những điều nhỏ nhặt như thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng như giải trí, giới trẻ đều có xu hướng làm những điều đó một mình.
Nền kinh tế độc thân
Ví như trước kia, người Hàn Quốc quan niệm rằng những người đi ăn một mình thường là những kẻ lập dị, bất thường và đôi khi được nhận những cái liếc xéo. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, điều này càng trở nên bình thường tại Hàn Quốc. Không chỉ đi một mình trên phố, họ còn ăn uống, giải trí, mua sắm, du lịch và thậm chí là đám cưới một mình.
Hình ảnh cô gái trẻ đi ăn một mình trong nhà hàng sang trọng, quán nước với bảng hiệu Nơi đây có chỗ cho một người… thường mang đến ý nghĩ về sự cô đơn, buồn bã. Thế nhưng, trái ngược lại với những cái nhìn đầy tiêu cực của xã hội, đây lại là cách sống của một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc ngày nay.
Những người với lối sống đơn độc này gọi là honjok (혼족), được ghép từ hon (혼, một mình) và jok (족, chỉ một nhóm người). Honjok được chia thành hon-bap (혼밥, những người đi ăn một mình), hon-sul (혼술, những người đi uống bia rượu tại các quán bar một mình) và hon-nol (혼놀, những người tận hưởng cuộc sống bằng các hoạt động vui chơi giải trí một mình).
Họ sẵn sàng làm phong phú cuộc sống thông qua những trải nghiệm mà bản thân có thể tự mình tận hưởng như đi du lịch. Không khó để tìm thấy hình ảnh của họ trên Facebook và Instagram với hashtag #honjok.
Từ nhóm nhỏ, honjok trở thành một bộ phận riêng và được xã hội đón nhận. Những căn hộ một người đến những nhà hàng có dịch vụ phục vụ cho người đi ăn một mình cho thấy xã hội Hàn Quốc đã hướng tới những người độc thân trẻ tuổi. Một nhà hàng Hàn Quốc đã thiết kế bàn nướng thịt gồm bếp ga mini và ti vi phục vụ cho các thượng khách muốn ăn thịt nướng một mình.
Không khó để tìm một quán nước, nhà hàng với biển hiệu: Bạn vẫn được chào đón dù chỉ một mình nhằm phục vụ cho nhóm honjok. Ở đây, những chiếc bàn được thiết kế đơn lẻ, hướng vào quầy chính. Họ dường như không phải để ý đến ánh mắt, câu chuyện của những người xung quanh. Thậm chí, một số nhà hàng còn có bảng phân chia cấp độ của những người đi một mình.
Không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, nhu cầu giải trí của giới trẻ cũng từ đó mà có những biến đổi bất thường. Những quán karaoke một-mình mọc lên như nấm sau mưa. Điển hình là quán Coin Noraebang – quán karaoke 24/7 trả tiền tự động rất phổ biến ở đất nước này. Thường mỗi bài hát chỉ vào khoảng 250 won (chưa đến 5.000 VND).
Nguyên nhân phát triển nền kinh tế độc thân
Tỉ lệ sinh ngày càng giảm
Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc thuộc diện thấp nhất thế giới, giảm mạnh xuống chỉ còn 0,95 vào cuối năm 2018, nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn Quốc, chỉ có 95 trẻ nhỏ được sinh ra. Để đảm bảo dân số phát triển ổn định, tỉ lệ sinh của một quốc gia phải đứng ở mức 2,1. Vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, gần 1 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm nhưng đến năm 2017, số lượng trẻ sơ sinh giảm đi một nửa, xuống 357.700 trẻ.
Nỗi sợ kết hôn
Lập gia đình và sinh con dường như trở thành nỗi sợ hãi đối với thanh niên ở một quốc gia mà tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức kỷ lục trong vòng 17 năm qua và lương trung bình mỗi năm chưa bằng một nửa so với mức lương của người lao động ở Mỹ, theo tổ chức các nền kinh tế thị trường OECD.
Theo một khảo sát năm 2013, các cặp vợ chồng sắp cưới ở Hàn Quốc phải chi trung bình 90.000 USD để tổ chức một lễ thành hôn truyền thống bao gồm thuê địa điểm tiệc tùng, mua quà tặng thông gia và nhiều khoản khác. Nhưng gánh nặng tài chính không dừng lại ở đó.
Một cô dâu Hàn Quốc chia sẻ: đám cưới như là dịp để các gia đình buôn bán tài sản, ngã giá và thể hiện quyền lực. Nếu nhà rể có danh tiếng hoặc chú rể là bác sĩ thì gia đình nhà trai sẽ mong chờ một khoản hồi môn lớn từ gia đình cô dâu bởi vì họ nghĩ rằng với địa vị xã hội của mình, họ xứng đáng với khoản đánh thuế đó.
Xã hội coi trọng sự nghiệp
Xã hội Hàn Quốc coi trọng sự nghiệp và bằng cấp hơn các mối quan hệ là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều thanh niên sợ lập gia đình. Số liệu của OECD cho thấy năm 2017, người Hàn Quốc trung bình làm việc nhiều hơn người Mỹ gần 250 giờ và người Đức 424 giờ. Năm ngoái, một khảo sát của trang web về việc làm thực hiện với 1.141 người cho thấy 68,3% số người được hỏi ưu tiên phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân hơn lập gia đình, trong khi đó 47,5% không muốn kết hôn vì sợ những gánh nặng tài chính.
Sự nổi dậy của phái nữ
Trong một xã hội phụ hệ và bảo thủ như Hàn Quốc, phụ nữ nhận ra cuộc sống hôn nhân khiến họ mất nhiều hơn được. Nhiều phụ nữ nhận ra sự bất bình đẳng trong hôn nhân và có người còn tuyên bố kế hoạch sống độc thân và không sinh con cho đến hết đời.
Một chuyên gia xã hội Hàn Quốc cho biết: Xã hội hiện nay không có hệ thống hỗ trợ phụ nữ, các tổ chức xã hội vẫn bị chi phối bởi đàn ông. Người phụ nữ được kỳ vọng phải đóng một lúc nhiều vai trong gia đình và xã hội: làm mẹ hiền, vợ đảm, dâu thảo. Mỗi khi có một người phụ nữ bị đẩy khỏi vị trí làm việc chỉ vì cô ấy kết hôn, sẽ có thêm những người khác lấy đó làm tấm gương và không muốn kết hôn. Nếu người Hàn Quốc muốn sinh con đẻ cái, họ cần phải loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ.
Nam giới Hàn Quốc cũng có nhiều oan ức vì bản thân họ cũng có nhiều áp lực xã hội. Nếu không có sự nghiệp ổn định, một căn nhà tử tế hay một chiếc xe ôtô tươm tất để di chuyển thì nam giới Hàn Quốc cũng rất khó lấy vợ.
Vì tôi muốn đầu tư cho chính mình
Cũng như Nhật Bản, giới trẻ Hàn Quốc dần dần tôn thờ chủ nghĩa độc thân vì họ có thể sống thoải mái theo cách của mình và không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ vợ chồng, con cái.
Giới trẻ Hàn Quốc cho rằng: thời đại của bố mẹ biết rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ và để dành tiền trong nhiều năm thì có thể mua một căn nhà. Nhưng thế hệ trẻ sẽ không thể sở hữu những điều tương tự ngay cả khi làm việc cả cuộc đời.
Ngay cả khi đã sở hữu một căn nhà, cũng không có hạnh phúc nào là mãi mãi. Vì thế, thay vì lo lắng, sầu não, ta nên chọn sống theo cách thông minh hơn. Đó là lý do ra đời trào lưu sống YOLO (You only live once – Bạn chỉ sống một lần duy nhất).
Tất nhiên người trẻ hoàn toàn có quyền làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng đôi khi, những thói quen thường nhật này lại vô hình trung ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, cụ thể là nguy cơ già hóa dân số, diện tích đất đai bị thu hẹp nhanh chóng và nền kinh tế không còn hướng nhiều đến những hộ gia đình nhiều người sẽ ảnh hưởng đến nếp sống của người dân xứ sở kim chi.