Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
spot_img

Lễ hội đèn lồng ở suối Cheonggye Thủ đô Seoul

Những ngày diễn ra lễ hội, suối Cheonggye sẽ biến thành một kiệt tác nghệ thuật về ánh sáng và nước. Khách thăm quan du lịch Hàn Quốc sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng rất nhiều đèn lồng với các thể loại khác nhau trên dòng suối Cheonggyecheon với độ dài 1,3km từ quảng trường suối Cheonggye đến cầu Supyu (수표교). Được biết, trong thời gian diễn ra lễ hội miễn phí này, thành phố Seoul sẽ giăng đèn từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm.

Tổng quan về suối Cheonggye

Suối Cheonggye là dòng suối nhỏ dài 5,8 km chảy len lỏi qua khu trung tâm thành phố Seoul, Hàn Quốc. Đây là một địa điểm thư giãn yêu thích của người dân Seoul. Trong lịch sử, suối có vai trò như một phần của công tác trị thủy. Vào thời Joseon, suối Cheonggye là nơi thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: thả diều, thả đèn hoa sen, chơi trò đánh trận giả vào những dịp lễ lớn để người dân vui chơi. Tuy nhiên, vào năm 1958 thì con suối bị lấp lại bằng bê tông để tiến hành xây đường cao tốc. Cho đến tận 47 năm sau, tức là vào năm 2005 dòng suối đã được phục hồi thành công, trở thành một địa điểm xanh của thành phố Seoul. Đối với người dân xứ Hàn, dòng suối Cheonggye được xem như là linh hồn của thủ đô bởi nó đã cùng Seoul trải qua biết bao thăng trầm trong quá khứ và giờ đây, nó vẫn tồn tại mạnh mẽ như một nguồn sống vô tận.

Ngày nay, khu vực suối Cheonggye là nơi diễn ra rất nhiều lễ hội văn hóa, những màn trình diễn nghệ thuật và các cuộc triển lãm rất độc đáo với hàng ngàn nghệ sĩ tham gia. Kể từ năm 2009, lễ hội đèn lồng đã trở thành lễ hội thường niên được tổ chức tại suối Cheonggye vào thứ sáu trong tuần thứ hai của tháng 11 hàng năm và sẽ kéo dài hai tuần. Trong thời gian diễn ra lễ hội, dòng suối trở nên lung linh, thơ mộng với những chiếc đèn hoa sen dập dềnh trên mặt nước, hòa trong không gian là tiếng suối chảy róc rách khiến bất kỳ ai khi đặt chân tới đây cũng đều bị hớp hồn. Cả một không gian mông lung mơ hồ đã khiến những ai khi được một lần chiêm ngưỡng đều phải thổn thức và dâng trào bao nhiêu xúc cảm.

Lễ hội đèn lồng suối Cheonggye

Chủ đề của lễ hội năm nay là “Những di sản thế giới của thủ đô Seoul”. Seoul là thành phố mà các giá trị truyền thống và hiện đại cùng song song tồn tại và hài hòa lẫn nhau. Khi còn là thủ đô của triều đại Joseon, diện tích của Seoul khá nhỏ. Khi đó Seoul chỉ là khu vực được bao quanh bởi núi Bukak, núi Inwang, núi Nam (Namsan). Sau này khi các cây cầu được xây dựng và quy hoạch vùng Gangnam, Seoul dần trở thành một thành phố lớn. Seoul trở thành thủ đô đầu tiên của vương triều Baekje (Bạch Tế). Ngoài ra, Seoul còn là thủ đô của rất nhiều quốc gia khác trên bán đảo Triều Tiên. Seoul có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Yurye, Namgyeong, Hanyang, Gyeongseong…Ngày nay, Seoul mang dáng vẻ hiện đại với những trung tâm mua sắm, tòa nhà cao tầng và chung cư cao cấp. Tuy nhiên Seoul vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử với cung điện, đền đài và các di tích Nho giáo.

Lễ hội đèn lồng năm nay sẽ tập trung giới thiệu các di sản văn hóa thế giới của Seoul được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận như điện Injeong (Nhân Chính điện) trong Cung Changdeok (Xương Đức), Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu). Cung Changdeok là cung điện thứ hai được xây dựng dưới thời Thái Tổ triều đại Joseon, chính điện của cung là điện Injeong (Nhân Chính điện). Trong thời kỳ Imjinwoeran (Biến loạn Nhâm Thìn), khi tất cả các cung điện bị quân Nhật đốt phá thì cung Changdeok là cung được xây dựng lại đầu tiên và được sử dụng làm chính cung trong suốt 270 năm. Cung Changdeok nổi tiếng với kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa với quang cảnh thiên nhiên xung quanh và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.

Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) là di sản văn hóa quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc và đã được đăng kí là di sản văn hóa phi vật thể số 1 vào năm 1964 khi quy chế di sản văn hóa phi vật thể quan trọng vừa được ban hành. Năm 2001, Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) và Jerye Euisik (nghi lễ cúng tế) được Unesco chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng các tác phẩm đèn lồng do các địa phương trên toàn quốc gửi về tham dự lễ hội, các tác phẩm đèn lồng kết hợp với kĩ thuật trình chiếu 3D, đèn LED hiện đại của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Thành phố Seoul đã mở rộng khu vực treo đèn lồng so với năm ngoái và nhiều chương trình, sự kiện giải trí sẽ được tổ chức trong lễ hội đèn lồng này. Trong khuôn khổ lễ hội, ban tổ chức sẽ bố trí các điểm trình diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc, các chương trình nghệ thuật khác và các hoạt động đa dạng để tất cả người dân Seoul đều có thể tham gia. Đặc biệt, có chương trình viết lời ước và treo lên cây hy vọng, chương trình trải nghiệm trực tiếp làm đèn lồng và tự thiết kế sách di sản văn hóa thế giới…



Để đến quảng trường suối Cheonggye, các bạn có thể đi tàu điện ngầm tuyến đường số 5 đến ga Gwanghwamun và ra cửa số 5.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới