Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
spot_img

Số phận éo le của công chúa Triều Tiên cuối cùng

Phải nói rằng, sự ra đời của công chúa Đức Huệ là một niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với một người cha cả đời đã phải nhẫn nhục lần lượt nhìn các con trai của mình bị người Nhật bắt đi đào tạo để trở thành những chiêu bài chính trị sau này. Cuộc đời bạc mệnh của công chúa Đức Huệ đã phản ánh phần nào sự bi đát tuyệt vọng trong những trang lịch sử cuối cùng của vương triều Choson – Triều đại phong kiến cuối cùng của Triều Tiên.

Công chúa Đức Huệ lúc nhỏ

Dự định bất thành

Lúc còn sống, các phi tần của hoàng đế Cao Tông Lý Hy đã sinh cho ông hơn chục người con nhưng đa phần đều yểu mạng. Trong số những người con của mình, người mà hoàng đế Lý Hy thương yêu nhất chính là công chúa Đức Huệ – người con gái duy nhất của ông.Bức hình chụp lại gia đình Hoàng tộc của Đức Huệ Ông chúa

Khi công chúa Đức Huệ lớn lên, sợ rằng con gái sẽ lại phải bước vào “những vết xe đổ” của các anh, dù tuổi đời công chúa còn rất nhỏ nhưng hoàng đế Lý Hy đã nhanh chóng sắp đặt hôn sự cho Đức Huệ. Lúc công chúa Đức Huệ mới tròn 7 tuổi, thông qua một cận thần trong triều, hoàng đế Lý Hy đã yêu cầu chọn ra một chàng trai đủ tài, đủ đức để kết hôn với công chúa.

Dù chỉ là một “Ông chúa” nhưng Đức Huệ lại được vua cha hết mực yêu quý và cưng chiều.

Để tránh cho quân Nhật biết được thông tin này, việc tuyển chọn đã diễn ra một cách hết sức kín đáo tại một ngôi chùa khá hẻo lánh. Khi đến tuyển chọn, những chàng trai được hoàng đế Lý Hy trực tiếp đánh giá về mặt hình thức. Những ai được vào vòng trong sẽ được phỏng vấn mặt đối mặt theo kiểu: Hoàng đế hỏi gì, ứng viên sẽ trả lời nấy. Điều đặc biệt là tất cả các cuộc “phỏng vấn” đều được diễn ra trên giấy nhằm tránh tai mắt dò xét của người Nhật.

Cũng vào lúc đó, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Khi ấy, nhân dịp các nước thắng trận họp nhau lại tại Thủ đô Paris của Pháp, hoàng đế Lý Hy đã bí mật cử đoàn công sứ đến cuộc họp để vạch trần tội ác của quân Nhật và kêu gọi sự can thiệp của phương Tây. Tuy nhiên, hành động này của hoàng đế Lý Hy đã không qua được mắt người Nhật. Khi kế hoạch bị tiết lộ, ông đã bị người Nhật đầu độc bằng một chén rượu và qua đời không lâu sau đó. Khi cha mất, chỗ dựa tinh thần cho công chúa Đức Huệ cũng sụp đổ, lúc đó cô bé mới tròn 7 tuổi.

Không nằm ngoài những lo lắng của hoàng đế Lý Hy trước đây, tai hoạ thực sự ập xuống đầu công chúa Đức Huệ khi cô vừa tròn 13 tuổi. Năm đó, Tùy sứ viên của Nhật tại Triều Tiên đã đến thông báo cho mẹ cô – phi tần Lương Xing rằng: “Công chúa Đức Huệ sẽ được đưa sang Nhật để du học”. Mặc dù lúc đó, tất cả những người trong hoàng tộc đều không đồng ý, với thân phận của những người bị đô hộ, mặc dù rất đau đớn, nhưng ngày 30/3/1925, công chúa Đức Huệ cũng đã bị buộc phải sang Tokyo.

“Mắc chứng đần độn sớm”

Sau khi sang Tokyo, vợ chồng hoàng tử Lý Cang muốn Đức Huệ cùng sinh sống với họ để tiện bề chăm sóc, nhưng phía Nhật đã từ chối. Một mình sinh sống trong một căn hộ khi mới tròn 13 tuổi, sự cô đơn đã càng khiến cô công chúa bé nhỏ trở nên trầm lặng. Những người bạn học của cô khi đó nói rằng, cả ngày Đức Huệ không nói lấy một lời, cô cũng không có bất kỳ người bạn nào. Một ngày của Đức Huệ diễn ra trong một quy luật tẻ ngắt, không nói chuyện, không giao lưu, chỉ âm thầm sống và trong thế giới riêng của cô cũng chỉ một mình.

Ngày 30/5/1929, Đức Huệ nhận được tin mẹ của cô vì lâm bệnh nặng nên đã qua đời. Sau những ngày về Triều Tiên chịu tang mẹ, khi trở lại Nhật Bản, tâm trạng của Đức Huệ càng trở nên tồi tệ. Với thân hình gầy gò một cách dị thường, sắc mặt nhợt nhạt vô hồn, đôi mắt ngây dại, cả ngày Đức Huệ cũng không nói lấy một tiếng ngay cả lúc đi học. Các bác sỹ của Nhật sau đó đã chẩn đoán bệnh của cô là: “Mắc chứng đần độn sớm”.

Sau khi có những kết luận chính thức từ bác sỹ, bệnh tình của công chúa Đức Huệ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Cô đã không còn đủ trí lực để tiếp tục đi học, nên người Nhật quyết định đưa Đức Huệ về sống cùng nhà với người anh trai Lý Cang. Mặc dù nhận được sự chăm sóc từ người thân, nhưng bệnh tình của Đức Huệ không hề thuyên giảm. Cả ngày cô không ăn cũng không uống, chỉ nằm trên giường nhìn lên trần nhà như một người đã chết. Nhiều đêm, bỗng dưng người nhà thấy Đức Huệ chồm dậy khỏi giường và đi lại vô định trong nhà như một bóng ma.

Hợp – tan theo “thời tiết chính trị”

Trước bệnh tình của Đức Huệ, người Nhật khi đó đã quyết định lo việc hôn sự cho cô công chúa duy nhất của hoàng đế Lý Hy. Người mà phía Nhật chọn để có thể “môn đăng hộ đối” với công chúa Đức Huệ là một chàng trai tên Syubushi – con trai của một gia đình quý tộc trong hoàng gia Nhật Bản.Đức Huệ Ông chúa và Bá tước Sō Takeyuki

Tuy nhiên, đứng trước quyết định đầy toan tính này của Nhật, người anh trai Lý Cang đã kịch kiệt phản đối vì nguyện vọng của Đức Huệ sau khi học xong sẽ được trở về quê hương làm một cô giáo tiểu học bình thường. Mọi sự đã được sắp đặt, Lý Cang đã không cứu nổi cô em gái đáng thương của mình.

Vào 5/1931, sức khỏe của Đức Huệ có dấu hiệu tốt lên. Cô đã có thể kiểm soát được hành vi của mình, hơn thế nữa là có thể nói đôi câu với người thân khi muốn làm một việc gì đó. Thấy tín hiệu tốt từ sức khỏe của Đức Huệ, người Nhật đã nhanh chóng thúc đẩy thời gian cử hành hôn sự. Sau khi biết tin mình sẽ phải kết hôn với một người Nhật, bệnh tình của Đức Huệ lại tái phát, bốn ngày liên tiếp cô đã không ăn không uống, cả ngày chỉ ngồi khóc. Tuy nhiên, vào ngày 18/5/1931, hôn sự của Đức Huệ và Syubushi cũng vẫn được diễn ra.

Ngày 14/8/1933, công chúa Đức Huệ hạ sinh một cô con gái. Sau khi có con, bệnh tình của Đức Huệ có lúc thuyên giảm, có lúc lại xấu đi, tinh thần trầm mặc, hoảng hốt bất an, nên công chúa bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

Năm 1953, sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên và đất nước bị chia cắt thành hai miền, trong trạng thái tinh thần lúc mê lúc tỉnh, Đức Huệ đã bị ép làm đơn ly hôn.

Sau khi ly hôn, cuộc sống của công chúa Đức Huệ đã phải gắn liền với bốn chữ: “Bệnh viện tâm thần”. Mặc dù được điều trị trong một bệnh viện tâm thần tốt nhất ở Tokyo khi đó, nhưng bệnh tình của công chúa không hề thuyên giảm, cuối cùng cô hoàn toàn mất hết ý thức. Người con gái duy nhất của Đức Huệ sau này cũng đã tốt nghiệp Đại học Tokyo, nhưng sau đó do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, nên cô cũng bỏ đi mất dạng mà không hề từ biệt người mẹ đáng thương của mình.

Công chúa Đức Huệ lúc đứng tuổi

Năm 1962, những người thân của công chúa Đức Huệ đã chính thức đón cô về trở lại cố quốc – khi đó đã là Hàn Quốc. Ngày trở về của Đức Huệ cũng là ngày kết thúc chuỗi thời gian 38 năm sống lưu vong của cô công chúa cuối cùng trong triều đại Chonsu. Ra đón Đức Huệ ở sân bay khi đó, có khá nhiều những người thân của cô. Họ chào đón ngày trở về của cô công chúa bé nhỏ ngày nào bằng những bó hoa tươi thắm và những giọt nước mắt xúc động. Tuy nhiên, Đức Huệ vẫn như thế, cô vẫn là một người vô thức, không nói, không cười và đôi mắt thì trở nên đờ đẫn, ngây dại.

Thời gian sau khi trở về Hàn Quốc, công chúa Đức Huệ được sinh sống và chăm sóc tại khoa thần kinh của bệnh viện thuộc Đại học Seoul. Khi bệnh tình tạm thuyên giảm, bà được xuất viện và tới sống tại căn phòng Lạc Thiện Trai, thuộc hoàng cung ngày xưa. Ngày 21/4/1989, công chúa Đức Huệ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới