SM Entertainment hay còn gọi là Công ty Giải trí S.M, là một trong những tập đoàn giải trí hàng đầu tại Hàn Quốc (cùng với hai tập đoàn công ty giải trí hàng đầu khác là JYP Entertainment & YG Entertainment), chuyên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo năng khiếu, sản xuất và phát hành các sản phẩm âm nhạc K-pop, được sáng lập bởi Lee Soo Man.
Ban đầu, “SM” là viết tắt của Soo Man nhưng giờ đây SM còn được hiểu là “Star Museum” (Bảo tàng ngôi sao). Đây cũng là cái nôi của những ban nhạc huyền thoại trong giới K-pop như H.O.T, S.E.S hay Shinhwa và hiện tại là BoA, TVXQ (hiện chỉ còn hai thành viên U-Know và Max), The Grace, Zhang Li Yin, Super Junior, Girls’ Generation, SHINee, f(x), EXO, Red Velvet và NCT.
Nếu nhìn vào thực tế từ trước đến giờ, có thể thấy SM luôn là “ông lớn” tiên phong trong việc tạo nên những trào lưu, xu hướng có phần khác biệt so với nhiều công ty giải trí khác, mặc dù, ban đầu luôn bị phần đa công chúng “ném đá” không thương tiếc bởi sự “điên rồ” của mình.
Nơi khởi đầu của concept nhóm nhạc thần tượng
Nhóm nhạc thần tượng nay đã là cụm từ quen thuộc với mỗi fan Kpop. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước đây, vào khoảng thời gian đầu thập niên 90, đây vẫn là một khái niệm xa lạ. Một trong những người đi tiên phong trong ý tưởng nhóm nhạc thần tượng không ai khác chính là chủ tịch Lee Soo Man.
Nhóm nhạc thần tượng được định hướng bởi các thành viên được người hâm mộ yêu mến, ngưỡng mộ không chỉ bởi giọng hát hay… mà còn kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như: vũ đạo, tài lẻ, ngoại hình… Ý tưởng này được chủ tịch Lee Soo Man hiện thực hóa bằng H.O.T.
Trong lịch sử âm nhạc của Hàn Quốc, dù nhắc đến bất cứ ca sỹ nào cũng không một ai có thể vượt qua được H.O.T. Như những gì Tony An từng chia sẻ trong một chương trình truyền hình, chỉ tính riêng số fan Trung Quốc của nhóm cũng đã vượt qua con số 8 triệu người, lượng tiêu thụ 5 album lên tới 8 triệu ~ 9 triệu bản, số lần nhóm giành giải Daesang vượt qua cả con số 10, ngay cả nhóm nhạc idol quốc dân G.O.D cũng từng chịu lép về về số lượng fan khi đối diện với H.O.T.
Đây không phải là concert riêng của H.O.T mà là Concert 012, một concert tương tự Dream Concert. Concert này có sự tham gia của Sechskies, Shinhwa, G.O.D, S.E.S, Fin.K.L, Jo Sung Mo, Yoo Seung Jun v.v.. nhưng toàn bộ tầng 1, 2, 3 trong số 130.000 chỗ ngồi đều là H.O.T’s fan.
Với sự xuất hiện của H.O.T, lịch sử Kpop đã bước sang một trang mới. Kế tiếp H.O.T, rất nhiều những nhóm nhạc thần tượng đã ra đời và ngày nay, cụm từ “thần tượng” thậm chí được dùng để chỉ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Với SM, những gì mà H.O.T làm được không chỉ giúp cho SM vươn mình trở thành công ty hàng đầu xứ Hàn mà nó còn là cú giáng mạnh mẽ vào những ai từng cho rằng họ sẽ thất bại.
Mô hình nhóm nhạc đông thành viên
Đầu năm 2005, Lee Soo Man thông báo rằng ông đang chuẩn bị cho ra mắt một nhóm nhạc dự án gồm 12 thành viên nam vào cuối năm đó (con số sau này lên đến kỉ lục là 13 người). Ông đã gọi nhóm là The Gateway to Stardom of Asia, (có nghĩa là “Cánh cổng bước vào làng sao châu Á”) vì phần lớn các thành viên trong nhóm được chọn nhờ vào kinh nghiệm diễn xuất, làm MC, người mẫu, và dẫn chương trình phát thanh trước khi ra mắt.
Lại một lần nữa người ta nghi ngờ về quyết định của ông chủ S.M. Entertainment. Trong quãng thời gian đầu hoạt động, Super Junior đã phải nhận về mình không ít những định kiến: “12 thành viên thì mỗi người hát được bao nhiêu giây?”, “Làm sao phân biệt được ai với ai?”…
Tuy nhiên, SM đã cho thấy rằng họ là công ty với tầm nhìn vượt lên trước thời đại. Từ một nhóm nhạc bị công chúng ghét bỏ, Super Junior dần tạo được chỗ đứng cho riêng mình và trở thành một trong những biểu tượng hàng đầu Kpop. Sự thành công của Super Junior là minh chứng rõ ràng nhất cho những lợi ích của một nhóm nhạc đông thành viên khi thu hút được một số lượng fan lớn khi các thành viên đảm nhận nhiều vai trò hút fan khác nhau.
Tiếp nối thành công của Super Junior, những nhóm nhạc nhiều thành viên khác của S.M. Entertainment đều đạt thành công vang dội: SNSD (đội hình ban đầu 9 thành viên, nay là 8 thành viên), EXO ( đội hình ban đầu 12 thành viên, nay là 9 thành viên).
Thậm chí, S.M. Entertainment còn một lần nữa khiến tất cả sững sờ với NCT. NCT được coi là cuộc cách mạng mang tính toàn cầu của công ty SM. Chủ tịch Lee Soo Man gọi NCT là dự án “địa phương hóa làn sóng Hallyu”. SM quyết định tạo nên dự án nhóm nhạc độc nhất vô nhị tại xứ sở kim chi với mong muốn thâu tóm làng nhạc thế giới. NCT sẽ là nhóm nhạc không giới hạn về số lượng thành viên, không giới hạn về quốc tịch và cũng không có sự đảm bảo về “đội hình cố định” kiểu mẫu quen thuộc của Kpop.
Mô hình couple trong các nhóm nhạc
Đối với fan Kpop, chuyện ghép cặp các thành viên trong cùng một nhóm nhạc đã trở nên rất quen thuộc và gần như “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Trò “ghép đôi” chưa bao giờ hạ nhiệt, thậm chí là đang phát triển ngày một mạnh mẽ trong cộng đồng fan Kpop trên toàn thế giới.
Điều này xuất phát từ tình cảm cá nhân của fan cộng thêm những cử chỉ thân mật, ngọt ngào mà hai thành viên đó dành cho nhau. Dù những hành động đó có thể chỉ xuất phát từ sự thân thiết giữa những người anh em nhưng nó cũng khiến các “shipper” vô cùng bấn loạn và càng thêm tin tưởng vào “độ real” của các cặp đôi.
Một trong những công ty sở hữu những cặp đôi đình đám nhất Kpop chắc chắn phải kể đến S.M. Entertainment. Có thể nhắc đến những cái tên quen thuộc như: Yunho – Jaejoong, Eunhyuk – Donghae, Taeyeon – Tiffany, Sehun – Luhan, Chanyeol – Baekhyun…
Hướng tới những thị trường mới lạ
Trong khi các công ty quản lý khác tập trung cho việc quảng bá cho nhóm mình ở nước ngoài, SM một lần nữa tiến xa hơn với việc khai thác những thị trường nước ngoài tiềm năng. Đầu tiên là Nhật Bản với BoA, sau đó là Trung Quốc với EXO và hiện tại là tham vọng hướng tới toàn cầu với dự án NCT.
Năm 2002, BoA chính thức tấn công thị trường Nhật Bản thông qua đĩa đơn tiếng Nhật đầu tiên mang tên “Listen to my heart”. Tại thời điểm ấy, việc SM để BoA “mang chuông đi đánh xứ người” được xem là một nước cờ đầy mạo hiểm của Lee Soo Man. Lúc bấy giờ, nền âm nhạc Hàn Quốc vẫn chưa thực sự phát triển. Hầu hết các ca sĩ đều tập trung vào thị trường nội địa và tiến ra bên ngoài vẫn còn là một giấc mộng xa vời với phần lớn nghệ sĩ thời đó.
Tuy nhiên, SM luôn có những cái đầu tính toán và những chiến lược thông minh nhất. Âm nhạc của BoA được người Nhật ưa thích và đĩa đơn “Listen to my heart” của cô liên tục đạt No.1 trên Oricon Chart – một trong những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất Nhật Bản.
EXO được đặt theo từ tiếng Anh “Exoplanet” (có nghĩa là ngôi sao ngoài Thái Dương hệ). Hai nhóm nhỏ là EXO-K và EXO-M, trong đó “K” và “M” lần lượt viết tắt cho “Korean” (tiếng Hàn Quốc) và “Mandarin” (tiếng Quan Thoại). Đúng như tên gọi EXO-K quảng bá ở Hàn Quốc và EXO-M ở Trung Quốc. Từ khi ra mắt đến nay, tất cả các album, single của nhóm đều được phát hành với 2 phiên bản tiếng Hàn và tiếng Quan Thoại. Nhờ hoạt động song song tại 2 nước nên EXO gặt hái nhiều thành tích, đặc biệt là khả năng bán album. Trong đó, fan Trung Quốc luôn có đóng góp trong tổng số album bán ra của EXO.
Có thể thấy, với những chiến lược phát triển táo bạo độc đáo, SM Entertainment xứng đáng là một trong những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp âm nhạc Kpop.