Tuyết rơi dày trên đường phố Seoul vào tháng một. Khi đa số người dân thành phố tránh rét trong nhà, bà Kim vẫn bất chấp cái rét dưới 0 độ C, đi lượm ve chai trên tuyến đường quen thuộc,.
Bà Yim 80 tuổi vẫn đi kiếm nhặt từng miếng bìa, từng vỏ chai để kiếm sống qua ngày.
Bà làm nghề này để kiếm sống. Một ngày, bà nhặt được hơn 100 kg phế thải đem bán cho một cơ sở thu gom phế liệu với giá 100 won/kg (0,08 USD). Bán hết số này, bà kiếm được 9 USD, khoản tiền bé nhỏ chỉ đủ sống qua ngày ở Seoul, một trong những thành phố phát triển và đắt đỏ nhất châu Á.Tuy nhiên, với khoảng ba triệu người cao tuổi ở Hàn Quốc đang sống trong cảnh nghèo đói, đây là cách họ sống sót qua những năm tháng cuối đời.
“Tôi phải làm việc vì cần tiền mua thuốc men, mua thức ăn. Khi nào đói quá, tôi sẽ uống nước cho no và ăn cái gì đó rẻ nhất rồi lại tiếp tục làm việc”, bà Kim nói. Bữa ăn rẻ nhất bà đủ tiền mua là một bát cơm kèm canh giá 1,8 USD.
Một suất cơm kèm canh thế này có giá 1,8 USD.
Tại Hàn Quốc, gần một nửa số người trên 65 tuổi sống trong mức nghèo đói, theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 25% số người này sống một mình, chịu đựng những tháng ngày cô đơn và tuyệt vọng.
Số người cao tuổi chiếm 13% dân số Hàn Quốc và dự kiến tăng lên 40% vào năm 2060. Các nhà phê bình cho rằng nếu vấn đề đói nghèo của người cao tuổi vẫn tiếp tục bị bỏ mặc, nó sẽ mang đến hậu quả khôn lường cho nền kinh tế Hàn Quốc và phúc lợi của công dân.
Nguồn gốc đói nghèo
Phục hồi sau chiến tranh Nhật Bản, nội chiến Triều Tiên và khủng hoảng tại chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc trở thành một quốc gia công nghệ tiên tiến, trở thành một phép lạ kinh tế.
Giáo sư Lee Ho-sun, đại học Soongsil Cyber tại Seoul, người có nhiều năm nghiên cứu về phúc lợi của người cao tuổi nghèo ở Hàn Quốc cho biết sự thịnh vượng của đất nước là “thành quả lao động chăm chỉ” của những người này trong những năm tháng còn ở tuổi lao động sung sức.
Họ vẫn không ngừng làm việc, từ nhân viên bảo vệ tóc hoa râm cho tới công nhân vệ sinh cao tuổi hay những người thu gom rác lặng lẽ quanh các tòa nhà đô thị Seoul. Đó là số phận của “thế hệ bị lãng quên” – những người sinh ra sớm trong một kỷ nguyên khó khăn nhưng lại quá muộn để tận hưởng lợi ích kinh tế khi đất nước phát triển.
“Họ dùng máu và mồ hôi xây dựng đất nước, vậy mà lại sống cực khổ khi về già. Họ là nạn nhân của thời thế”, bà Lee nhận định.
Nhiều người cao tuổi Hàn Quốc cho biết chẳng có lựa chọn nào khác để kiếm sống ngoài nghề lượm ve chai.
Phần lớn người thuộc thế hệ này đang trong tuổi lao động sung sức khi khủng hoảng tài chính 1997 nổ ra, khiến hai triệu người thất nghiệp. Nhiều người là nạn nhân của sự phân biệt đối xử tuổi tác trong văn hóa Hàn Quốc, bị ép phải nghỉ hưu non để cho người trẻ hơn, chấp nhận đồng lương rẻ hơn thay thế.
Việc trả lương hưu cơ bản ở Hàn Quốc được quy định vào cuối thập niên 80. Khoản trợ cấp 250 USD một tháng kèm điều kiện không có con bị các nhà phê bình chỉ trích quá ít và quá muộn để xây dựng hệ thống an sinh xã hội có lợi cho thế hệ tiên phong này.
Tại đất nước có tuổi thọ trung bình hơn 80 như Hàn Quốc, nhiều người cao tuổi buộc phải tự tìm cách nuôi thân. Có bà cụ phải đi bán dâm, mặc dù đã gần 80 tuổi.
“Người già Hàn Quốc đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với đất nước, mà họ cũng không kỳ vọng đất nước sẽ làm gì cho mình. Vì thế, họ ngậm đắng nuốt cay tiếp tục sống”, giáo sư Lee nói.
Con cái không chăm sóc
“Tôi đã khóc khi nghe họ kể chuyện đời”, Shin Sun Ho, quản lý hiệp hội tình nguyện Bạc, một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp bữa trưa miễn phí, hỗ trợ tài chính và tư vấn cho người già nghèo ở Incheon, thành phố cách Seoul 27 km về phía tây, cho biết.
Hiệp hội hình thành để giúp đỡ những người không đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ, chẳng hạn như có con.
“Thực tế, đa số ít liên lạc với con cái”, Shin nói. Một trong số đó là bà Yim, 86 tuổi, cũng đi nhặt rác giống bà Kim.
Sau khi lưu lạc khỏi gia đình trong chiến tranh Triều Tiên, bà lang thang khắp Hàn Quốc làm việc trong các trang trại, làm giúp việc. Khi kết hôn, chồng bà làm ăn thất bại đã tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình.
Tuy nhiên, bà Yim vẫn chăm chỉ làm việc nuôi lớn 5 đứa con, thậm chí còn kiếm đủ tiền cho một người học lên đại học. Có điều, tất cả đều chuyển lên thành phố ở sau khi lập gia đình. Một năm trước, chồng bà qua đời, để lại bà một mình mà không có con cái chăm sóc.
“Khi mấy đứa con gái tôi về thăm, chúng cùng về một lúc rồi lại cùng đi. Cháu ngoại thậm chí còn sợ đến thăm tôi, chúng càu nhàu chỗ tôi ở đầy gián. Tôi cảm thấy rất cô đơn và buồn chán”, bà tự giễu.
‘Tôi không muốn làm phiền chúng nó’
Nghe lời khuyên của bạn bè, bà Yim bắt đầu đi nhặt rác cho “đỡ buồn”. Đây cũng là lý do phổ biến những người già Hàn Quốc làm công việc này. Giống như nhiều người cùng thế hệ, bà Yim thích làm việc hơn mở miệng nhờ con cháu giúp đỡ vì sợ trở thành gánh nặng cho chúng và những người xung quanh.
Theo một báo cáo năm 2015 do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố, 58,5% người già nước này tự kiếm tiền nuôi thân, trong đó có 30% số người trên 65 tuổi vẫn tiếp tục đi làm thuê.
Họ đều là người trưởng thành trong thời kỳ khó khăn, cảm thấy có lỗi với con cái nên cho rằng mình không xứng đáng nhờ con giúp đỡ.
Ông Cho Yong-moon, 75 tuổi, trên đường đi giao hàng nhanh, đứng ở một bến tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg.
“Làm thế nào mà chúng tôi mở miệng nhờ chúng giúp được, khi mà tôi và chồng đều không thể nuôi nấng chúng nó tử tế khi các con còn nhỏ?” Bà Yim nói.
Thái độ tự trách này còn gây ra một vấn đề khác, đó là sự xói mòn các giá trị truyền thống trong xã hội Hàn Quốc vốn xây dựng trên tư tưởng Nho giáo coi trọng đạo hiếu.
“Không phải là thế hệ trẻ ích kỷ, chỉ là họ chưa bao giờ được xã hội dạy về cái gọi là giúp đỡ cộng đồng. Khi bố mẹ bảo với các con mình vẫn ổn, chúng sẽ không để ý và coi đó là đương nhiên”, giáo sư Lee nhận xét.
Bà Yim thừa nhận mình đang sống chật vật.
“Các con gái cho rằng tôi vẫn khỏe mạnh nhưng mỗi khi về tới nha, tôi lại đau mỏi khắp người. Tôi luôn nói mình không sao vì không muốn làm chúng lo lắng”, bà nói.
Theo Shin, để giải quyết vấn đề nghèo đói ở người cao tuổi, cần phải bắt đầu làm cho giới trẻ nhận thức được vấn đề từ bây giờ.
“Họ phải ý thức được bản thân mình có thể sẽ ra đường nhặt rác nếu con cái bỏ bê trong tương lai”, chàng trai trẻ nói.
“Cho dù ốm, họ cũng không biết cách xin giúp đỡ”
Bà Kim, người phụ nữ 81 tuổi vẫn ngày ngày đi nhặt rác ở đầu bài báo, từng làm giúp việc cho một gia đình giàu có trong 30 năm cho tới khi bị cho nghỉ vì “quá già”.
Không muốn làm phiền con, bà thuê một căn phòng giá rẻ 45 USD một tháng.
“Gián bò khắp nơi khiến tôi mẩn ngứa nhưng tôi chẳng có chỗ nào để đi cả, tôi sắp phát điên rồi”, bà nói.
Sức khỏe ngày càng xấu đi, bà biết rằng mình sẽ không còn sống lâu nữa.
“Bữa nào ăn xong tôi cũng không tiêu hóa được rồi buồn nôn. Con trai bảo đi bệnh viện khám nhưng tôi không muốn đi, bởi đó là nơi chờ chết. Tôi phải chuẩn bị đủ tiền trả viện phí đã. Vì thế tôi vẫn phải đi nhặt rác”, bà nói.
Một cụ ông Hàn Quốc ngồi trên thềm đá ở công viên tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: BBC.
Hàn Quốc đã đưa ra Chương trình Bảo hiểm Dài hạn năm 2008 để trợ giúp người nghèo cao tuổi trả tiền thuốc men, nhưng người nộp đơn phải chứng minh nhiều thủ tục xin cấp phép. Vì thế, đối với những người như bà Kim chỉ quan tâm đến việc sống qua ngày, họ ngại phải nộp đơn, thậm chí là không biết tới chương trình này của chính phủ.
“Thế hệ này không hề biết tới khái niệm phúc lợi xã hội. Họ không biết cách xin giúp đỡ, không biết được giúp tới đâu, thậm chí không biết ai có quyền giúp mình”, giáo sư Lee cho biết.
Tương lai ảm đạm
Loại hình người già sống nhờ con cái chăm sóc đang mất dần theo xu thế phát triển Hàn Quốc ngày nay, còn hệ thống phúc lợi xã hội thì chưa thỏa đáng.
“Trước đây, chúng tôi có thể yêu cầu gia đình giải quyết nội bộ vấn đề người cao tuổi trong gia đình nhưng bây giờ thì không. Những người trong độ tuổi 30 và 40 giờ đây đi làm cũng không đủ tự nuôi sống bản thân”, Yang Seung-Jo, người đứng đầu Ủy ban quốc gia về Y tế và Phúc lợi nhận xét.
Ông cho rằng, với tình trạng suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 10,4% như hiện nay, tình hình của người cao tuổi nghèo ở Hàn Quốc không mấy khả quan.
Shin Sun Ho, chàng trai trẻ làm quản lý một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người già ở Incheon. Ảnh: Channel News Asia
“Không phải chúng tôi muốn bỏ mặc vấn đề của người cao tuổi. Nó được đưa vào chương trình nghị sự của chính phủ, chúng tôi chỉ cần sửa đổi chính sách”, ông Yang nói, giải thích các vấn đề của người trong độ tuổi lao động và người già “không thể tách rời để nhìn nhận”.
“Người trong độ tuổi lao động cũng phải kiếm tiền, phải đóng thuế vào quỹ lương hưu. Nếu họ không thể đóng góp cho nền kinh tế, cũng không thể chăm sóc bố mẹ, sẽ trở thành vấn đề lớn. Vì thế, cho tới khi nào vấn đề của người trong độ tuổi lao động chưa được giải quyết, chúng tôi vẫn không thể giải quyết vấn đề của người cao tuổi”, ông cho biết.
Dân số già hóa nhanh sẽ gây thêm áp lực cho lực lượng lao động. Theo dự kiến, đến năm 2050, cứ 1,5 người đi làm sẽ phải hỗ trợ cho một người hết tuổi lao động, áp lực hơn nhiều so với con số 5,1 người năm 2015.
“Quỹ lương hưu trong ngân sách hiện là 8,4 tỷ USD. Chỉ con số này thôi đã là gánh nặng lớn cho chính phủ”, ông Yang nói.
Tuy nhiên, giáo sư Lee cho rằng chính phủ cần coi phúc lợi xã hội “không chỉ là lời hứa hẹn mà là nghĩa vụ”.
“Bảo vệ người cao tuổi của đất nước không chỉ là bảo đảm về thể chất mà còn phải bảo đảm cho sinh kế và hạnh phúc của họ”, bà nhấn mạnh.
“Chúng ta vẫn thường đọc các tin tức về người cao tuổi bị xe tông chết khi đang đi nhặt phế thải. Mọi người cần ý thức được những con người này đang sống thế nào, như thế mới có thể thúc đẩy quốc hội sửa đổi các chính sách hiện hành”, Shin nói thêm.
Bà Kim, 81 tuổi, vẫn cần mẫn nhặt rác qua ngày để tiết kiệm tiền vào bệnh viện chờ chết. Ảnh: Channel News Asia
Về phần mình, bà Kim không tưởng tượng tới vấn đề mà các nhà lãnh đạo hay nhà nghiên cứu bàn luận về tương lai, nó quá xa rời thực tế cuộc sống của bà.
“Tôi sẽ tận lực tự chăm lo bản thân”, bà nói. “Sau đó, tôi sẽ rút hết tiền tiết kiệm, tới bệnh viện chờ chết mà không nói cho con cái biết. Giờ đây đó là điều duy nhất khiến tôi bận tâm”, bà nói.