Ngày 17-2 vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị bắt giữ để điều tra các cáo buộc hối lộ cho bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc đang bị luận tội Park Geun-hye. Ông được xem là “thái tử” của Tập đoàn Samsung, người thừa kế tương lai của gia đình quyền lực và giàu có bậc nhất Hàn Quốc. Cha của ông là Lee Kun-hee, chủ tịch 75 tuổi của Samsung, sau cơn đau tim năm 2014 đã lui vào hậu trường và nhường ông vị trí lãnh đạo đế chế kinh doanh trải rộng từ điện tử đến công nghiệp, từ đóng tàu đến tài chính.
Samsung là gương mặt nổi nhất trong số các chaebol, những siêu tập đoàn “gia đình trị” kiểm soát gần như toàn bộ đời sống kinh tế của Hàn Quốc. Quyền lực khổng lồ mà các tập đoàn này nắm trong tay, lũng đoạn cả nền chính trị đất nước, đang bị các cơ quan điều tra chính phủ phả hơi nóng vào gáy tìm cách kiểm soát.
Siêu tập đoàn “gia đình trị”
Hán tự của chaebol là hai chữ “tài phiệt”, được ghép từ hai bộ chữ có ý nghĩa là “giàu có” và “dòng họ”. Khái niệm này được dùng để chỉ các tập đoàn khổng lồ kiểm soát phần lớn bởi các thành viên của một dòng họ giàu có và quyền lực. Các vị trí then chốt gần như lúc nào cũng được trao cho những người họ hàng của nhà sáng lập/chủ tịch chaebol. CEO hiện tại của LG Electronics, Koo Bon-joon cũng là em trai của chủ tịch tập đoàn mẹ, Koo Bon-mon. Hay Chủ tịch Lee Myung-hee của chuỗi bán lẻ Shinsegae cũng chính là em gái của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee.
Lee Kun Hee – Chủ tịch tập đoàn SamSung.
Các chaebol nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc phải kể đến tập đoàn Hanjin, Kumho, Lotte, SK, còn những tập đoàn như Hyundai, LG và Samsung đã vươn mình ra tầm cỡ toàn cầu. Các siêu tập đoàn này bao gồm hàng loạt công ty con, xuất hiện trong đủ mọi ngành nghề. Chẳng hạn như Tập đoàn LG nổi tiếng với các mặt hàng điện tử nhưng cũng chen chân vào ngành công nghiệp hóa chất và phân bón, sở hữu nhiều đội bóng bầu dục và bóng chày tại Hàn Quốc. Tập đoàn Hyundai nổi tiếng với các dòng ô tô Hyundai và Kia nhưng cũng kinh doanh công nghệ thang máy, dịch vụ hậu cần, khách sạn và các siêu thị bán sỉ.
Điểm qua các chân dung và vị thế của các Chaebol
Shin Dong Bin – Chủ tịch tập đoàn Lotte.
Juno Cho (trái) – Chủ tịch tập đoàn LG với công nghệ Smartphone.
Chung Ju Yung – Người sáng lập tập đoàn Huyndai vào năm 1947.
Back Jong Kook – Giám đốc tập đoàn Hanwha life ở Việt Nam.
Từ tro tàn sau cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, dưới sự bảo bọc của chính phủ cố Tổng thống Park Chung Hee khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài, các chaebol đã trở thành xương sống của nền công nghiệp Hàn Quốc, giúp đất nước trỗi dậy thành gã khổng lồ của khu vực vài thập niên sau.
Để phục vụ tối đa cho công cuộc tái thiết thời hậu chiến, ngân sách chính phủ đã được rót vào các gia đình doanh nhân giàu có quyết dành toàn lực để xây dựng kinh tế đất nước. Các phong trào đòi quyền lợi cho công nhân bị gây khó khăn, cho phép các đế chế kinh doanh của những dòng họ này mở rộng sang nhiều lĩnh vực mà không sợ sự cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài hay các thất bại đắt giá.
Chỉ vài thập niên sau, với sức bật của các chaebol, Hàn Quốc trỗi dậy thành một gã khổng lồ công nghiệp khu vực. Đến cuối những năm 1990, các chaebol đã nắm giữ gần 2/3 thị trường sản xuất công nghiệp Hàn Quốc, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Biếm họa về cuộc chiến với các chaebol Hàn Quốc. Ảnh: KOREA HERALD
Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh sự phát triển của các chaebol. Một bộ phận xã hội Hàn Quốc cho rằng sự giàu có khổng lồ của các đại gia đình này được xây trên lưng người dân. Họ cho rằng đồng tiền thay vì đến tay người nghèo đã bị thâu tóm bởi các dòng họ quyền lực, có quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Với nguồn lực tài chính lớn, các siêu tập đoàn “gia đình trị” ngày một gia tăng sức ảnh hưởng lên nền chính trị Hàn Quốc. Chính trị gia bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào sự ủng hộ chính trị và tài chính của những chaebol để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Kim Sang-jo, GS kinh tế tại ĐH Hansung, cho biết Hàn Quốc cũng từng phanh phui những mối quan hệ bất hợp pháp và không đúng mực giữa chính phủ và các chaebol. Nhưng khi đó mọi người làm ngơ và để sự vụ chìm vào quên lãng, vì họ tin rằng nếu các tập đoàn trở nên hùng mạnh hơn và cạnh tranh hơn thì tạo ra nhiều công ăn việc làm. Thế nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990, mối quan hệ quá chặt chẽ giữa các công ty thành viên trong mỗi chaebol bị đánh giá là quá rủi ro và có nguy cơ gây sụp đổ dây chuyền. Hơn nữa, khi hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc đã trưởng thành và xây dựng được một thị trường tiêu dùng có sức mua lớn trên toàn quốc, càng ngày càng có nhiều người không thể tiếp tục chấp nhận sự nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật của các chaebol.
“Tam giác sắt” của Nhật Bản
Hàn Quốc không phải là đất nước duy nhất tồn tại hình thức siêu tập đoàn có quyền lực kinh tế và chính trị khổng lồ. Tại Nhật Bản sau Thế chiến thứ nhất cũng từng tồn tại mô hình các tập đoàn độc quyền gia đình trị gọi là các zaibatsu. Nổi bật nhất trong đó là bốn gã khổng lồ Sumitomo, Mitsui, Mistubishi và Yasuda. Những tập đoàn này, lãnh đạo bởi gia đình của các chính trị gia và doanh nhân quyền thế, cũng bao gồm vô số các công ty nhỏ và mở rộng sức ảnh hưởng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Các zaibatsu tận dụng quy mô ảnh hưởng và sức mạnh tài chính khổng lồ của mình để chen chân vào chính trường.
Nhiều chuyên gia đánh giá khả năng chi phối chính trị cùng với tư tưởng cực hữu của giới lãnh đạo các zaibatsu đã góp phần đẩy đế quốc Nhật mở rộng xâm lược thuộc địa, nhảy vào Thế chiến thứ hai. Chính vì sức ảnh hưởng nguy hiểm của các tập đoàn gia đình trị này, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mỹ đã cho giải tán một phần hoặc toàn bộ nhiều zaibatsu quyền lực. Thay vào đó hình thành mô hình các keiretsu – những công ty cùng liên kết trong một thể chế tài chính, kết nối với nhau bằng văn hóa trung thành vượt qua sóng gió chứ không phải mối quan hệ máu mủ ruột rà, theo tạp chí Smithsonian. Mô hình công ty cổ phần cũng bị cấm thành lập đến tận năm 1995 để tránh sự chổi dậy của các tập đoàn gia đình trị.
Những tập đoàn keiretsu cũng nhận được sự hậu đãi từ chính quyền Tokyo, tạo điều kiện để phát triển và vực dậy nền kinh tế Nhật Bản thành con rồng châu Á. Thế nhưng các tập đoàn không thể một tay che trời như trước nữa vì công thức “tam giác sắt” của chính trường Nhật Bản. Theo đó, một chính sách muốn được thông qua phải trải qua sự thỏa hiệp từ cả ba nhóm: Đảng cầm quyền, các bộ trong chính phủ và giới kinh doanh. Sự phân tán sức tác động của các bên đối với quá trình hoạch định chính sách khiến cho giới tập đoàn giàu có khó chi phối hoàn toàn chính trị, khác với các chính sách của Hàn Quốc mang đậm dấu ấn cá nhân của các đời tổng thống. Theo tờ Japan Times, chính công thức này đã góp phần tạo nên phép màu kinh tế Nhật Bản giữa thế kỷ 20.
Chen chân vào Nhà Xanh
Sức ảnh hưởng của các chaebol còn chen chân vào cả Nhà Xanh – văn phòng tổng thống Hàn Quốc. Bà Choi Soon-sil, trung tâm của vụ bê bối chính trị lớn nhất hiện nay tại Hàn Quốc, đã lợi dụng quan hệ bạn bè thân thiết của mình với Tổng thống Park ép nhiều tập đoàn góp tổng cộng 70 triệu USD vào các quỹ và công ty do bà kiểm soát. Trong đó gần 38 triệu USD đến từ Tập đoàn Samsung. Các chaebol thì muốn thông qua bà Choi để tác động đến các quyết định của Tổng thống Park theo hướng thuận lợi nhất cho họ.