Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
spot_img

Chuyện phá thai phải ngồi tù ở Hàn Quốc

Lee Na-yeon mới 18 tuổi khi phát hiện mang thai vào học kỳ đại học đầu tiên, theo New York Times. Lee tốt nghiệp trường trung học Công giáo, nơi giáo dục học sinh bằng cách cho xem tranh ảnh tuyên truyền phá thai là sát nhân. Khi tới bệnh viện phá thai, cô gái sợ hãi, đau khổ vì mặc cảm tội lỗi, cũng như vi phạm pháp luật.

Lee Na-yeon luôn cảm thấy tội lỗi vì phá thai và vi phạm pháp luật. Cô muốn bỏ luật cấm phá thai để không còn mặc cảm

Phá thai bị cấm ở Hàn Quốc. Chỉ có vài ngoại lệ, như phụ nữ có thai do bị cưỡng hiếp hay bác sĩ chỉ định phá thai. Đất nước này là một trong số ít những quốc gia giàu có trên thế giới có luật phá thai với nhiều điều kiện ngặt nghèo.

Phụ nữ có thể bị kết án một năm tù hoặc phạt hành chính hai triệu won (1.840 USD) nếu phá thai, trong khi bác sĩ thực hiện phá thai có thể phải ngồi tù tới hai năm.

Một nhóm ủng hộ phụ nữ đang kêu gọi bỏ lệnh cấm phá thai và đang được Tòa án Hiến pháp nước này xem xét.

Mùa thu năm ngoái, hơn 230.000 người đã ký vào đơn trực tuyến gửi tới Nhà Xanh, kêu gọi hợp pháp hóa nạo phá thai. Các nhà hoạt động cho rằng luật pháp nên sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Thực tế

Lệnh cấm phá thai hiếm khi được chấp hành, phụ nữ vẫn dễ dàng tìm được bác sĩ tình nguyện thực hiện thủ thuật ở bệnh viện. Theo ước tính của chính phủ dựa theo khảo sát về phụ nữ trong độ tuổi sinh nở năm 2010, nước này có 169.000 ca nạo phá thai.

Con số này cho thấy cứ 1.000 người ở Hàn Quốc thì có 16 người nạo phá thai, khiến quốc gia này trở thành đất nước có tỷ lệ phá thai cao thứ 10 trong số 35 nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, những phân tích độc lập của giới chuyên gia y tế cộng đồng cho thấy con số thực tế cao hơn nhiều. Theo nghiên cứu của giáo sư Park Myung-bae ở đại học Pai Chai, thành phố Daejeon, số ca nạo phá thai một năm ở Hàn Quốc là 500.000 hoặc hơn, cao gấp nhiều lần số trẻ chào đời tại quốc gia này năm 2016.

Cũng rất hiếm người bị truy tố vì nạo phá thai. Năm ngoái, theo Tòa án Tối cao Hàn Quốc, chỉ có 25 vụ bị đưa ra xét xử và chỉ có 4 vụ bị kết tội. Nhiều chục năm nay, việc thực thi lệnh cấm đã nới lỏng theo xu hướng của dân số hiện đại.

Những người ủng hộ bãi bỏ luật cấm lập luận việc cấm đoán đã vi phạm nữ quyền và phụ nữ có quyền lựa chọn đối với thân thể. Dù có một số trường hợp ngoại lệ, nhưng phụ nữ vẫn chịu hạn chế khi phải xin ý kiến của bạn đời hoặc bạn tình mới được nạo phá thai.

Luật cấm cũng khiến phụ nữ muốn nạo phá thai dễ bị trả thù, khi người yêu, bạn trai cũ, chồng hay nhà chồng trình báo cảnh sát. Kim Jin-seon, người đứng đầu ban sức khỏe phụ nữ thuộc Womenlink, một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền phụ nữ, cho hay luật cấm có nguồn gốc từ những định kiến sâu rộng với phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc.

“Luật pháp liên quan tới cách chính phủ nhìn nhận sự tồn tại của phụ nữ, liệu phụ nữ vẫn bị coi là công cụ sinh đẻ hay là một công dân được quan tâm đầy đủ tới chất lượng cuộc sống”, bà Kim nói.

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đồng ý xem xét bãi bỏ luật. Cho Kuk, cố vấn cao cấp của tổng thống cho biết chính quyền hy vọng “tìm được điểm cân bằng mới” trong cuộc tranh luận về quyền phụ nữ và nạo phá thai.

Ông Cho thừa nhận luật cấm phá thai khiến “thủ thuật này tốn kém hơn và đẩy người dân vào nguy hiểm, thậm chí phải ra nước ngoài phá thai”.

Mặc cảm

Lee Jin-sung, chánh án Tòa án Hiến pháp cho biết trong phiên điều trần, tòa án đang xem xét hợp pháp hóa việc phá thai. Những người ủng hộ quyền phá thai cho rằng dù việc thực thi luật được nới lỏng, nhưng phụ nữ vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng chính trị chừng nào luật vẫn chưa bãi bỏ. Luật cũng khiến phụ nữ không dám lên tiếng vì xấu hổ.

“Họ im lặng vì phá thai bị kỳ thị và coi là vô đạo đức”, Lee Yu-rim, một nhà hoạt động thuộc Diễn đàn Quyền Tính dục và Sinh sản, một tổ chức tham gia biểu tình kêu gọi hợp pháp hóa nạo phá thai ở Seoul hồi tháng 11 cho hay.

Biểu tình kêu gọi bãi bỏ luật cấm nạo phá thai ở Seoul hồi tháng 11/2017

Trong nhiều năm, tình trạng nạo phá thai phổ biến nhưng giới chức làm ngơ vì những mục tiêu xã hội. Trong những năm 1970 và 1980, khi dân số Hàn Quốc tăng nhanh, chính phủ đã thực hiện chiến dịch hạn chế sinh nở qua những khẩu hiệu như “Hàn Quốc đất chật người đông” hay “Hai con cũng là quá nhiều”.

Bác sĩ sản khoa và chuyên gia pháp lý cho biết phá thai dù bị cấm từ năm 1953 nhưng vẫn được ngầm khuyến khích trong giai đoạn đó. Năm 1973, chính phủ sửa luật, cho phép các nạn nhân bị cưỡng hiếp phá thai hoặc các cặp vợ chồng phá thai nếu chứng minh được có bệnh di truyền.

“Nó được dùng như một biện pháp kiểm soát dân số”, Yoon Jung-won, bác sĩ sản bệnh viện Xanh ở Seoul kiêm nghiên cứu viên tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Y tế và Thay đổi Xã hội cho hay.

“Trong xã hội bảo thủ như Hàn Quốc, không ai nhìn nhận phá thai là quyền cả. Nhiều nhà hoạt động cũng cho rằng quyền phá thai là một khái niệm thuộc xã hội phương Tây”.

Khi tỉ lệ sinh giảm thấp vào những năm 2000, chính phủ bắt đầu quay sang luật phá thai và cho rằng cần thực thi nghiêm túc hơn. Năm 2009, một chiến dịch chống phá thai mới được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó một số nhà lập pháp gợi ý các nhà chức trách nên tiến hành chiến dịch trấn áp.

Một nhóm thầy thuốc đã thành lập hiệp hội APP, chuyên báo cáo những bệnh viện thực hiện nạo phá thai cho cảnh sát. Tòa án đã phạt một số bác sĩ nhưng lại gây phản tác dụng.

“Tổ chức mới này khiến các bác sĩ sợ hãi, làm họ do dự khi thực hiện nạo phá thai. Kết quả là giá nạo phá thai tăng gấp 4 lần, một số phụ nữ sang Nhật hoặc Trung Quốc làm thủ thuật”, bác sĩ Yoon nói.

“Nhưng sau đó, mọi thứ vẫn trở lại bình thường”, Chong Hyon-mi, giám đốc Viện nghiên cứu Giới và Luật pháp, đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul cho hay.

Phản đối và đồng tình

Bác sĩ Cha Hee-jae, chủ tịch APP cho hay một số bác sĩ đồng ý nạo phá thai để kiếm thêm thu nhập vì tỷ lệ sinh giảm. Ông Cha là bác sĩ sản ở một thị trấn khoảng 6.000 dân tại phía đông Seoul. Phần lớn thu nhập của ông đến từ trị liệu thẩm mỹ và chữa đau lưng.

Ông Cha là một con chiên Công giáo mộ đạo, cho hay mục đích của mình rất đơn giản, ông chỉ muốn chính phủ thi hành luật pháp.

“Sứ mệnh của chúng tôi là làm giảm số lượng các ca nạo phá thai đang diễn ra”, ông bày tỏ.

Một người khác ủng hộ luật cấm là Choi Yi-hwa, 38 tuổi, giáo viên tiếng Hàn bán thời gian và là mẹ của hai con, từng phá thai hai lần. Bà cho hay phải mất nhiều năm tư vấn tâm lý để quên đi nỗi đau phá thai.

“Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy mình có tội”, Choi nói. Theo bà, giữ nguyên luật cấm nạo phá thai hiện nay sẽ buộc phụ nữ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng trong nền văn hóa không phổ biến và coi trọng việc ngừa thai, luật cấm phá thai không có nhiều tác dụng. Nhiều phụ nữ không ý thức được các biện pháp ngừa thai như dùng thuốc hay đặt vòng.

Choi Yi-hwa, 38 tuổi, ủng hộ luật cấm nạo phá thai vì cho rằng luật sẽ khiến phụ nữ suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định

Trở lại với Lee, cô gái từng phá thai ở học kỳ đầu tiên trong đại học, giờ đã 23 tuổi và đang học năm cuối ngành triết học. Lee nói mình mang thai vì bạn trai không muốn dùng bao cao su.

“Chúng tôi đã rất ngu ngốc”, Lee nói.

Phá thai khiến Lee mặc cảm tội lỗi. Bởi vì luật pháp cấm phá thai, do đó Lee cảm thấy không thể trò chuyện cùng ai về điều này. Nhưng thời gian trôi qua, cô nhận ra mình đã lựa chọn đúng.

Lee muốn luật thay đổi để những phụ nữ khác không phải chịu đựng nỗi đau khổ mà cô từng trải qua.

“Mọi người có thể nghĩ rằng họ không hề phạm tội và dễ chịu hơn khi quyết định phá thai”, Lee bày tỏ.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới