Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img

Hàn Quốc: Thiền sư Yangji nghệ sĩ điêu khắc thời Silla

Lịch sử nghệ sĩ điêu khắc ở châu Âu nổi tiếng là kiến trúc sư Michelangelo (1475-1564) nước Ý, thì vào thời Silla (Tân La) Hàn Quốc có Thiền sư Yangji là bậc thượng thủ trong nghệ thuật Phật giáo. Ngài có tài xuất chúng toàn diện, từ Thư pháp cho đến điêu khắc và thủ công mỹ nghệ . . .

Một vị Thiền sư cũng là một nghệ sĩ danh tiếng, Ngài hoạt động suốt giai đoạn từ thời nữ Hoàng Seondeok (Thiện Đức Nữ Vương- trị vì 632- 647) cho đến thời vua Munmu (Văn Vũ Vương- trị vì 661–681), từ đời thứ 27 cho đến đời thứ 30 của các triều vua Silla (Tân La).

Trong “Tam Quốc di sự” của tác giả Il Yeon (Nhất Nhiên) nói Thiền sư Yangji rất khiêm tốn trong việc thể hiện tài năng của mình, nhưng qua nhiều tác phẩm độc đáo mà Ngài để lại thấy rất tuyệt vời. Thiền sư Yangji đã sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong suốt quãng thời gian từ thời nữ hoàng Seondeok (Thiện Đức Nữ Vương – trị vì 632- 647) đến thời vua Munmu (Văn Vũ Vương) của triều Silla (Tân La), vào thời điểm thuận duyên cho môi trường sáng tác đó là giai đoạn Triều đình xây dựng rất nhiều Tự viện Phật giáo.

Tác phẩm tiêu biểu Nokyu (Lục dứu tố tạo tượng) trang trí ở phần bệ tháp Phật ở chùa Tứ Thiên vương, thì một loạt các tác phẩm như tượng Hộ pháp nhân vương (Inwang-Nhân Vương tượng) ở tháp đá Mojeon (Mô Chuyên thạch tháp- của chùa Bunhwangsa (Phân Hoàng tự), tượng ở tháp Neungji (Lục Chỉ tháp) – nơi được hỏa táng vua Munmu (Văn Vũ Vương), hòm đựng xá lợi được xem là đạt đến đỉnh điểm của mỹ nghệ kim hoàn ở hai tháp phía Đông và Tây của chùa Gameunsa (Cảm Ân tự) v.v… tất cả đều do bàn tay nghệ thuật tài hoa của Thiền sư Yangji sáng tác.


Tứ Thiên Vương tự là ngôi chùa Hộ Quốc, nơi để triểu đình cùng quốc dân cầu nguyện Phong điều vũ thuận, Quốc thới dân an vào thời Silla (Tân La) thống nhất. Ngôi Tự viện này có Tháp gỗ thật to.

Phần trên cùng của tháp có tất cả 48 tác phẩm điêu khắc tráng men. Thiền sư Yangji đã sử dụng phương thức sản xuất ngói để tạo nên loại tượng điêu khắc tráng men mang tên “Nokyu” (Lục dứu tố tạo tượng) này. Tượng thường cao 90cm, rộng 70cm, dày 9cm, được tạo hình trên tường có phủ lớp dầu men màu xanh, với hình ảnh vị thần Hộ pháp mặc áo giáp, chân giẫm lên ác quỷ, biểu tượng cho hình ảnh Hộ quốc an dân.

Tượng “Nokyu” của Thiền sư Yangji nặn bằng đất rồi trán lên một lớp men sứ, sau đó đem vào khuôn đúc nung chín. Đối với phương pháp này thì việc tạo hình, thể hiện sinh động tới từng chi tiết như các móng tay, móng chân… của các vị Thần Hộ pháp là công việc rất khó.

Vì thế, Thiền sư Yangji đã khắc phục bằng cách sau khi làm ra sản phẩm từ khuôn đúc, Ngài bỏ công sức, tập trung vào điêu khắc lại từng bộ phận của tượng một cách hết sức tỉ mỉ.

Chính nhờ vào đường nét điêu khắc tinh xảo mà tác phẩm của Thiền sư Yangji thật sống động và có hiệu ứng tạo hình lập thể. Sản phẩm tinh xảo của Ngài được đánh giá là những tác phẩm tuyệt vời mà nếu không có nhiều kinh nghiệm thật chuyên sâu thì không ai có thể làm được.

Cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào đầy đủ về hành trạng của Thiền sư Yangji. Theo ghi chép cho biết Ngài có thời gian ở Chùa Seokjangsa (Tích Trượng tự), thị xã Hyeongok, thành phố Gyeongju tỉnh Bắc Gyeongsang ngày nay. Theo truyền khẩu nhân gian, người ta thường hay kể về một câu chuyện thần bí liên quan đến tên của ngôi chùa, nơi Ngài hoằng dương Phật pháp.

Thiền sư Yangji có một cây Tích trượng, mỗi khi treo đảy (Túi vải) vào đầu cây Tích trượng thì nó từ từ bay lên, đến thẳng trước nhà những người nó muốn hóa duyên tiền hay gạo mà lên tiếng. Nghe tiếng nói này của cây Tích trượng, chủ nhà sẽ ra cửa để tịnh phẩm cúng dường vào đảy (Túi vải) để cây Tích trượng quay trở về với Thiền sư Yangji. Qua câu chuyện nhân gian truyền tụng này mà ngôi chùa nơi Ngài Trụ trì được gọi là Seokjangsa (Tích Trượng tự) có nghĩa là một nhà sư cầm Tích trượng.

Nơi đây còn có một tòa tháp gọi là “Jeontap” (Chuyên tháp) được xây dựng bằng vật liệu gạch nhỏ nung. Cũng giống như việc làm ngói, Thiền sư Yangji đã làm ra tới hơn 7 loại khuôn đúc để sản xuất gạch cung cấp cho công trình xây tháp. Loại gạch này được gọi là “Tháp tượng văn chuyên”, loại gạch có hoa văn, họa tiết trang trí cho tháp và tượng Phật. Gạch của Thiền sư Yangji hết sức đặc biệt, vừa tinh xảo vừa bền chắc, kỹ thuật sáng tạo được đánh giá rất cao.

Trang trí điêu khắc tượng Thích Ca khổ hạnh rất đặc biệt, tượng có khắc chạm xương sườn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành 3 tầng, hình ảnh đức Phật tu khổ hạnh ốm gầy còn da bọc xương, loại tượng có thể thấy nhiều ở Ấn Độ nhưng ở Trung Quốc và Hàn Quốc thì duy nhất chỉ có tượng do Thiền sư Yangji sáng tạo.

Có nhiều ý kiến cho rằng không có tài liệu nào ghi chép cụ thể về hành trạng của Thiền sư Yangji, cho nên có thể Ngài không phải người Hàn Quốc. Tuy nhiên lịch sử đã ghi chép rất nhiều về Thiền sư Yangji đã hoạt động thời gian dài vào thời Silla (Tân La), đây là lịch sử đã khẳng định. Thiền sư Yangji, là một cao Tăng thạc đức lại là một nghệ sĩ tài hoa, có đức hạnh cao quý, được vua và triều đình kính trọng, người dân Silla (Tân La) kính yêu.

Thời gian sinh sống và hoạt động Thiền sư Yangji đã tiếp nhận nền văn hóa của Ấn Độ để từ đó Ngài sáng tạo và tạo dựng nên nhiều hình thức nghệ thuật mới trước đó chưa từng có. Thiền sư Yangji là bậc Thượng thủ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo thời Silla (Tân La), nhân vật đặc biệt đã đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật và động lực phát triển mới trong lịch sử mỹ thuật cổ đại Hàn Quốc.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới