Poster phim Punch |
Wan Deuk (Yoo Ah In) là một cậu học sinh trung học cá biệt chuyên dùng nắm đấm để giải quyết mọi vấn đề. Người bố bị gù lưng của cậu (Park Soo Young) và người cậu bị thiểu năng (Kim Young Jae) làm việc tại một khu chợ nhỏ và thường xuyên bị lũ côn đồ đến bắt nạt. Một lần nọ, Wan Deuk đã đánh bị thương một người bạn cùng lớp vì cậu bạn này đã chế nhạo bố cậu ta. Giáo viên chủ nhiệm Dong Ju (Kim Yoon Seok) đã chú ý đến Wan Deuk và muốn giúp cậu thay đổi thói quen dùng bạo lực nên đã hướng dẫn cậu ta môn Kick Boxing. Dong Ju sống ngay cạnh nhà của Wan Deuk nên đã ngày ngày ép cậu ta tập võ trên tầng thượng của khu nhà họ sống. Ban đầu Wan Deuk cực kì ghét người thầy nhiều chuyện và rắc rối của mình, thế nhưng dần dần cậu ta đã tin tưởng Dong Ju và nhờ Dong Ju, Wan Deuk biết được người mẹ bỏ rơi mình 17 năm qua hoá ra là dân nhập cư Philippines và đang sống gần đó.
Yoo Ah In trong Punch |
Có quá nhiều vấn đề mà Punch đưa ra trong một bộ phim như tuổi teen nổi loạn, những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình nghèo khó, dân lao động nhập cư, và hệ thống giáo dục thiếu tình người. Thế nhưng đạo diễn Lee Han đã không khiến bộ phim trở nên quá tải hay nặng nề.
120 phút phim là quá trình thay đổi trong suy nghĩ lẫn tính cách của Wan Deuk dưới sự giúp đỡ của người thầy tận tâm. Từ một cậu bé chỉ biết đánh nhau để giải toả sự bực tức và nỗi căm phẫn với cuộc đời và xã hội, thông qua Kick Boxing, Wan Deuk đã trưởng thành và lần đầu tiên dám ước mơ.
Punch đã tạo nên làn sóng xã hội mạnh mẽ khi nó công chiếu. Câu chuyện của Wan Deuk và thầy giáo Dong Ju khiến nhiều nhà giáo dục phải suy ngẫm về hệ thống giáo dục coi trọng những kì thi và bằng cấp hơn việc phát triển cảm xúc cho học sinh.
Yoo Ah In trong Punch |
Ngoài ra, bộ phim còn đề cập tới việc những người khuyết tật không có cơ hội mưu sinh trong xã hội Hàn hiện đại đang phát triển đến chóng mặt thông qua câu chuyện của bố và cậu Wan Deuk. Bên cạnh đó, bộ phim cũng đem ra ánh sáng cuộc sống của dân lao động nhập cư và cuộc sống của họ tại Hàn Quốc.
Nhân vật Wan Deuk đã mang lại hi vọng cho nhiều thanh niên tại Hàn Quốc. Bởi không chỉ chân thực, diễn biến tâm lí của Wan Deuk xuyên suốt bộ phim rất dễ dàng được những người trẻ tuổi mơ hồ và lo lắng về tương lai của mình đồng cảm. Bộ phim còn gửi một thông điệp đầy nhân văn đến những người đang hoạt động xã hội và những người làm giáo dục: chỉ với tình yêu thương không vụ lợi, chúng ta mới có thể mở cửa vào trái tim của những đứa trẻ.
Twenty (2015 – Kim Woo Bin, Kang Ha Neul, Junho)
Cảnh trong phim Twenty |
Có bao nhiêu người trẻ biết mình là ai, bản thân mình muốn gì, và tương lai của mình ra sao? Ba chàng trai trong Twenty cũng mơ hồ về bản thân của mình như thế và họ đã trải tuổi 20 của mình chỉ để tìm câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời.
Chi Ho (Kim Woo Bin), Dong Woo (Junho), và Gyung Jae (Kang Ha Neul) là ba người bạn thân vừa bước qua tuổi 20. Chi Ho trượt đại học nhưng là con nhà giàu nên suốt ngày anh chàng chỉ lo ăn chơi và tán gái.
Gyung Jae là một anh chàng mọt sách, đỗ vào một trường đại học danh tiếng và chỉ mơ ước sau này có công việc trong một tập đoàn lớn.
Poster Twenty |
Dong Woo là một chàng trai nhà nghèo mơ ước trở thành hoạ sĩ truyện tranh. Cả ba đối mặt với tuổi trẻ và cuộc đời với những hoài nghi khác nhau. Nếu như Chi Ho đắm mình trong những cuộc vui thâu đêm và thay bồ như thay áo chỉ vì cảm thấy cuộc đời như một trò đùa,
Gyung Jae lại trải qua cơn khủng hoảng tò mò về tình dục, và Dong Woo phải đối mặt với việc tiếp tục theo đuổi ước mơ làm hoạ sĩ truyện tranh hay tìm một công việc ổn định để lo cho gia đình của mình.
Dù phải đối mặt với những câu hỏi mà họ chưa sẵn sàng để trả lời, cuối cùng họ vẫn chỉ là những chàng trai 20 ngốc nghếch vô ưu tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp nhưng không kém phần điên rồ và đáng xấu hổ bên cạnh những người bạn chí cốt của mình.
Cảnh trong phim Twenty |
Tình bạn chính là tài sản của tuổi trẻ mà chúng ta có thể dựa vào khi đối mặt với khó khăn. Twenty đã thu hút khán giả nhờ khắc hoạ tình bạn rất chân thật mộc mạc của ba chàng trai, mặc cho bộ phim không có nhiều tình tiết gay cấn mà chỉ xoay quanh cuộc sống của những anh chàng ngây ngô này.
Thật khó để kết luận vào cuối phim những anh chàng này đã trưởng thành hay chưa nhưng chắc một điều rằng như bao người trẻ khác, dù vẫn còn bồng bột hay trẻ con, họ vẫn đang và sẽ tiếp tục tận hưởng tuổi trẻ của mình với tất cả thăng trầm mà nó mang đến.
One way trip (2015 – Ji Soo, Ryu Jun Yeol, Suho, Kim Hee Chan)
Ji Soo trong One way trip |
Cũng như Twenty, One way trip cũng là một câu chuyện về những chàng trai trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Thế nhưng trái với màu sắc hài hước vui tươi của Twenty, One way trip u ám và đen tối hơn khi bốn chàng trai trong phim đối mặt với một sự kiện buộc họ phải trưởng thành sau một đêm.
Phim xoay quanh nhóm bốn người bạn thân:
Yong Bi (Ji Soo) – một học sinh cá biệt có tính cách nóng nảy và được xem là thủ lĩnh của nhóm,
Ji Gong (Ryu Jun Yeol) – một cậu ấm suốt ngày bị mẹ quản thúc,
Doo Man (Kim Hee Chan) – một anh chàng tham gia đội tuyển bóng chày chỉ vì nhận được học bổng của trường đại học thể thao
Sang Woo (EXO Suho) – một anh chàng hiền lành sống cùng người bà của mình.
Để chia tay Sang Woo lên đường nhập ngũ, Yong Bi quyết định cùng những người bạn của mình du lịch đến Pohang, một thị trấn biển ở miền Nam.
Poster One way trip |
Tại đây, họ vô tình chứng kiến cảnh một người đàn ông bạo hành vợ của mình. Hàng loạt sự kiện xảy ra sau khi họ quyết định ngăn cản người đàn ông đánh đập người vợ, kết quả là người ông ta chết trong một tai nạn xe hơi còn Sang Woo thì bị hôn mê.
Hoảng sợ, khi bị cảnh sát bắt gặp, ba anh chàng còn lại đã không biết làm gì khác ngoài bỏ chạy. Sau khi đó cả ba bị gán tội mưu sát do người vợ, một phát thanh viên nổi tiếng, sợ dư luận mà không khai báo sự thật.
Xuyên suốt bộ phim là diễn biến tâm lí của những chàng trai trẻ khi đối diện với nỗi sợ và sự cắn rứt lương tâm của chính mình. Họ phải làm gì để cứu lấy bản thân khi chẳng ai nghe họ và khi sự thật không còn quan trọng?
Cảnh trong phim One way trip |
Thế giới của những con người trưởng thành như đầy dối trá và những nỗi sợ hãi đến từ đám đông như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ.
Thế giới trong sáng chỉ tồn tại tình bạn và tự do của họ phút chốc biến mất. Bộ phim giúp chúng ta nhớ lại rằng tuổi trẻ của chúng ta không ít lần đưa ra những lựa chọn bị chi phối bởi áp lực xã hội và và bởi chính nỗi sợ của chúng ta trước những định kiến.
Dù cho kết thúc của One way trip đã được báo trước ngay từ đầu phim, nó vẫn khiến không ít khán giả hụt hẫng. Như đúng tựa đề của phim, tuổi trẻ của bốn cậu bạn thân trong One way trip là chuyến đi một chiều một khi khởi hành sẽ không tài nào có thể quay lại điểm xuất phát. Thể nhưng chuyến đi này liệu có quá tàn khốc?