Trong lịch sử Hàn Quốc, chỉ có Sejong (Thế Tông 1418-1450) được người dân xứ Hàn cho là xứng đáng với danh hiệu “Đại đế”. Ông không chỉ là vị vua đức độ, anh minh, trị vì khôn ngoan và tài năng, mà dưới triều đại ông trị vì, vùng bán đảo Hàn đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Có thể thấy trong lịch sử Hàn Quốc, ngoài triều đại của Vua Sejong, chưa có một triều đại nào lại có sức sáng tạo kỳ diệu và tạo ra nhiều thành tựu to lớn như vậy.
Sejong sinh năm 1397, ông lên ngôi vua năm 21 tuổi (1418). Để chấn hưng đất nước, xây dựng một triều đại mạnh, sau khi nắm quyền điều hành đất nước, Vua Sejong đã thành lập Chiphyonjon (Tập Hiền điện) nhằm thu hút nhân tài trong nước. Chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” đúng đắn của Nhà vua đã nhanh chóng quy tụ được nhiều học giả nổi tiếng trong nước về Tập Hiền Điện để nghiên cứu và học tập, tập trung trí tuệ cùng hoàng gia trấn hưng đất nước. Do có sự quan tâm sâu sắc và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà vua và các học giả trong Tập Hiền Điện mà nhiều công trình văn hoá, khoa học, kĩ thuật dưới thời Vua Sejong đã ra đời.
Dưới sự bảo trợ của Nhà vua, nhiều công trình khoa học đã được xuất bản. Trong lĩnh vực pháp luật, đáng chú ý là bộ Chongjon (Chính Điển) gồm 6 quyển. Đây là một công trình khoa học lớn do các học giả trong Tập Hiền Điện biên soạn nhằm tổ chức lại cơ cấu chính trị của triều đại Choson. Thông qua bộ luật này, quyền lực của Nhà vua không chỉ được đề cao mà bộ máy chính quyền từ trung ương đến các địa phương cũng sớm được củng cố. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng bộ luật, người ta có cảm giác rằng, vai trò của các học giả trong Tập Hiền Điện có ảnh hưởng lớn và thao túng đến quyền kiểm soát chính trị của triều đình Choson..
Sử học cũng là lĩnh vực được bảo trợ. Với quan niệm, lịch sử là tấm gương, là khuôn mẫu của những bậc tiên vương đối với nhà cầm quyền hiện tại. Để noi gương các đời vua trước, công việc viết sử được Vua Sejong dành sự quan tâm khá đặc biệt. Vì vậy, nhiều cuốn sử nổi tiếng đã được xuất bản. Điển hình là bộ sử Triều Tiên Vương Triều Thực Lục (Choson wangjo sillok). Bộ sử này do nhiều sử gia trong Sử quán của hoàng gia biên soạn. Bản thảo của tác phẩm được bảo quản khá kĩ trong những kho đặc biệt và được cất ở 4 nơi như Seoul, Songju, Ch’ungju và Chonju. Ngoài bộ Thực Lục, Vua Sejong còn cho biên soạn bộ sử Quốc Triều Bảo Giám (Kukcho pogam) được trích từ bộ Thực Lục để nêu gương của các bậc tiên vương và những lời khuyên giúp cho việc cai trị tốt đối với các đời vua sau.
Bên cạnh sử học, địa lý cũng là ngành khoa học quan trọng được vua Sejong dành sự quan tâm ngay từ đầu khi ông lên nắm quyền. Điển hình là cuốn Bát Đạo Địa Lý Chí (P’alto chiri chi) biên soạn lần đầu tiên vào năm 1432 và sau đó đã được đưa vào bộ Thế Tông Thực Lục đã cung cấp những thông tin cần thiết giúp cho việc cai trị đất nước. Nội dung của cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như lịch sử hình thành và phát triển, đặc điểm của từng địa phương trong cả nước, những vùng đất, dân cư, đường và bưu trạm, đồn trú quân, những nơi có đèn hiệu giao thông…Cũng trong năm 1432, vua Sejong còn cho biên soạn cuốn Tam Cương Hạnh Thực (Tamgang h aengsil), nội dung phản ánh khá chân thực về đức tính trung, hiếu, nghĩa trong quan hệ vua- tôi, cha-con, chồng-vợ. Tác phẩm không chỉ là một công trình khoa học mang đậm tính nhân văn, mà còn là bài học lớn về giá trị giáo dục, nền tảng của đạo đức nho giáo nhằm duy trì trật tự xã hội của Choson thời đó.
Ngoài những lĩnh vực nêu trên, nhiều lĩnh vực khoa học khác dưới thời Vua Sejong cũng nhanh chóng phát triển và để lại nhiều thành tựu có giá trị. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đáng chú ý là cuốn Nông Sự Trực Thuyết (Nongsa chiksol) biên soạn năm 1430, được coi là cẩm nang của nền nông nghiệp Triều Tiên lúc bấy giờ. Nội dung cuốn sách được Vua Sejong đề cập khá chi tiết về đặc điểm của mỗi tỉnh và trên cơ sở đó, ông cũng tổng kết, đánh giá những kinh nghiệm trong nông nghiệp và phổ biến cho nông dân các cách dự trữ giống, bón đất, cấy mạ… Tương tự, liên quan mật thiết đến nông nghiệp, thiên văn và khí tượng học cũng phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Năm 1442, Hàn Quốc đã sáng chế ra máy đo lượng nước mưa, đi trước phát minh của phương Tây khoảng 2 thế kỷ. Cấu trúc của loại máy này khá đơn giản, “nó được làm bằng sắt gồm một cái trục khoảng 42,5cm sâu và 17 cm đường kính và những mẫu bằng gốm”. Dụng cụ này được để tại trụ sở của mỗi hạt để đo và ghi lại lượng nước mưa một cách khá chính xác. Cũng trong thời gian này, Vua Sejong còn cho sáng chế ra phong kì trúc– một loại dụng cụ để đo hướng gió và xác định khá chính xác độ mạnh của gió. Năm 1434, tại Kyongbok (Cảnh Phúc Cung), một đài quan sát được dựng lên và bên trong là một dụng cụ thiên văn để quan sát bầu trời. Ngoài những sáng tạo trên, đồng hồ thiên văn, đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, bản đồ thiên văn, bản đồ địa hình cũng là những sáng tạo quan trọng trong thời gian Vua Sejong nắm quyền cai trị…Có thể thấy, những sáng tạo khoa học trên đây không chỉ đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật của người Hàn quốc thời đó mà còn góp phần quan trọng vào kho tàng văn minh của nhân loại.
Về y học, được Vua Sejong bảo trợ, tác phẩm Hương Dược Tập Thành Phương (Hyangyak chipsong pang) cũng được xuất bản vào năm 1433. Tác phẩm không chỉ giúp Nhà nước Choson thiết lập một nền y học độc lập bằng những kinh nghiệm của người Triều Tiên mà nội dung của nó còn đề cập đến việc chẩn đoán bệnh, bốc thuốc, và phân loại các chuyên khoa về y học. Tương tự, năm 1445, cuốn bách khoa từ điển y học Y Phương Loại Tụ (Uibang yuch’wi) cũng được xuất bản. Công trình chứa đựng nguồn tài liệu phong phú, thuận tiện cho việc tập hợp và tra cứu về y, dược học.
Vào thời gian này, nghề in ở Hàn Quốc cũng phát triển mạnh. Trước thời Sejong, kĩ thuật dùng con chữ bằng kim loại đã được áp dụng rộng rãi trong việc in sách. Đến năm 1403, Nhà nước cho thành lập một xưởng đúc chữ và con chữ bằng đồng đã ra đời gọi là chữ kyemy (Quý Mùi tự), đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nghề in trong lịch sử nhân loại. Tuy vậy, kỹ thuật in này vẫn còn nhiều hạn chế. Đến thời vua Sejong, việc in ấn được cải tiến lên một bước mới bằng cách các con chữ được đúc đều ăn khớp với các ô vuông trên tấm đồng và kỹ thuật này cho phép in được nhiều bản in liên tiếp, đồng thời cũng giúp cho công việc xếp chữ để in dễ dàng hơn.
Lĩnh vực quân sự dưới thời vua Sejong cũng phát triển khá toàn diện, đặc biệt là kỹ thuật đúc và sử dụng súng thần công- một loại hoả lực mạnh thời đó. Cùng với sự phát triển của khoa học quân sự, chữ Hangul ra đời đã sớm đưa vào sử dụng trong việc giới thiệu những biểu đồ kỹ thuật trong tác phẩm Cho’ngt’ong tungnok (Súng Đồng Đảm Lục) xuất bản năm 1948. Ngoài súng thần công, vào những năm sau đó(1451), người Hàn còn sáng chế ra hoả xa (xe đại bác), “sử dụng thuốc nổ châm lửa bằng ngòi, dùng để bắn hàng trăm tên lửa được đặt trên một cái giàn đỡ”.
Không chỉ là người bảo trợ cho các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn học, Sejong còn là một vị vua có đầu óc thực tế và luôn quan tâm đến cuộc sống của thần dân như cải tổ chế độ thuế, giảm nhẹ thuế cho người dân. Năm 1444, Vua Sejong đã cho ban hành cống pháp (kongpop)- một chế độ thu thuế mới, nhờ đó, tỷ lệ thuế được giảm xuống còn 1 phần 20.
Tuy nhiên, trong tất cả những thành tựu được sáng tạo, thành tựu lớn nhất của Vua Sejong là việc sáng tạo ra chữ Hangul- bảng chữ cái tiếng Hàn. Sự ra đời của chữ Hangul không chỉ là kết quả của một quá trình vận động phát triển, sức sáng tạo văn hoá mạnh mẽ của dân tộc Hàn mà còn có ý nghĩa to lớn đánh dấu bước ngoặt mới trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của cư dân trên toàn bán đảo. Xuất phát từ ý thức rằng dân tộc mình phải có một hệ thống chữ viết để biểu đạt ngôn ngữ hàng ngày và đặc biệt là sự suy nghĩ của Nhà vua mong muốn cho toàn bộ thần dân có thể học và đọc loại chữ này một cách dễ dàng. ý tưởng đó đã thúc đẩy Vua Sejong sáng chế ra chữ Hangul. Đầu tiên được gọi là Huấn dân chính âm (hunmin- chongum) hay âm đúng để dậy dân. Bảng chữ cái Hangul ban đầu bao gồm 28 con chữ (ngày nay còn 24 chữ, trong đó có 10 nguyên âm và 14 phụ âm).
Bảng chữ cái Hangul của đất nước Hàn Quốc
Như vậy, về mặt thời gian, chữ Hangul được ra đời vào năm 1443 và đến năm 1446 nó chính thức được ban hành. Theo nhận xét của Giáo sư Lê Quang Thiêm, chữ Hangul là “hệ thống văn tự ghi âm-chữ viết ngữ âm học- có khả năng ghi âm, phiên âm bất kỳ một loại âm nào. Có lời chào đón, ca ngợi của một số nhà ngôn ngữ học, cho rằng nó là một hệ thống chữ viết khoa học nhất trên thế giới. Ưu điiểm nổi bật là nó cực kì đơn giản và dễ đọc”. Khi chữ Hangul được chính thức công bố, Vua Sejong đã viết lời nói đầu và ông giải thích động cơ thúc đẩy ông sáng tạo ra hệ thống chữ viết này. Lời tựa cho phần dẫn giải có đoạn: “ Giọng nói của ngôn ngữ chúng ta khác với giọng nói của Trung Quốc và không mấy dễ dàng được viết ra theo Hán tự. Do đó, mặc dù một số người trong số các thần dân ít học của chúng ta mong muốn diễn tả ý nghĩ của mình, trong nhiều trường hợp người này vẫn không diễn tả được. Nghĩ tới những người dân ấy, người dân của trẫm, với lòng cảm thông, trẫm đã sáng chế ra cách ghi của 28 chữ cái, chỉ mong sao mọi người đều có thể học được một cách dễ dàng và sử dụng cho lợi ích của cuộc sống thường ngày của họ”.
Cũng cần thấy rằng, trong hoàng gia lúc đó, một bộ phận quan lại vốn là những quý tộc yangban đã không những không hưởng ứng ý tưởng của Vua Sejong trong việc chế tạo ra chữ Hangul mà còn có nhiều ý kiến chống đối ông. Thời điểm đó, giai cấp thống trị yangban cho rằng họ cần phải bảo vệ sự độc quyền của họ trong học vấn bằng cách tiếp tục sử dụng hệ thống chữ Hán. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại trên, Vua Sejong đã cương quyết đẩy mạnh sự phát triển bảng chữ cái Hangul. Tranh thủ sự giúp đỡ của các học giả trong Tập Hiền Điện như Song sam-mun (Thành Tam Vấn), Chong In-Ji (Trịnh Lân Chỉ), Sin Suk –chu (Thân Thúc Chu)…,Vua Sejong đã sáng chế ra bảng chữ cái Hangul. Có thể thấy, đây không chỉ là một sự sáng tạo độc đáo trong khoa học, mà còn là thành tựu văn hoá tự hào nhất của dân tộc Hàn. Về cấu trúc, chữ Hangul là một hệ thống các kí hiệu dựa trên biểu tượng của trời, đất, con người và các cơ quan phát âm như lưỡi, môi răng, cổ họng… Với hệ thống chữ cái này, người Hàn có thể “ghi lại tất cả các âm tiếng Hàn một cách đầy đủ và đơn giản nhất từ trước đến nay”. Trong lời giải trình của Chongji Inji- vốn là một phụ tá thân cận của Nhà vua trong sáng tạo chữ viết, ông đã giải thích rằng với hệ thống chữ viết này “một người thông minh có thể học thuộc lòng trong một buổi sáng, còn như người tối dạ thì cũng chỉ mất mười ngày”. Sự ra đời của bảng chữ cái tiếng Hangul đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc Hàn. Từ đây, người Hàn Quốc có thể ghi lại tiếng mẹ đẻ bằng hệ thông chữ viết của mình.
Sau khi công bố bảng chữ tiếng Hangul, Vua Sejong cho thành lập Chính Âm Sảnh hay còn gọi là Ngạn Văn Sảnh (cơ quan ấn loát chữ Hangul). Tiếp đó, Nhà vua đã cho xuất bản một số công trình lớn như Yongbi o ch’on ka (Long Phi ngự thiên ca), ca ngợi công đức tổ tiên của Nhà vua; Worin Ch’on’ gang chi kok (Nguyệt ấn thiên giang chi khúc) nhằm ca ngợi ánh trăng chiếu trên ngàn sông; Sokpo sangjok (Thích phổ tường tiết) đề cập đến cuộc đời Đức Phật. Sau đó, đến thời Vua Sejo (Thế tổ, con của Vua Sejong), để quản lí việc xuất bản kinh Phật, Vua Sejo đã cho thành lập Khan Kinh Đô Giám. Nhiều kinh phật đã được cơ quan này dịch ra tiếng Hangul. Tuy nhiên, trong thời gian này, việc sử dụng tiếng Hangul còn nhiều hạn chế, nhiều công trình có tầm quan trọng của nhà nước vẫn được biên soạn bằng tiếng Hán.
Tóm lại, việc sáng tạo ra hệ thống chữ viết Hangul là một thành tựu văn hoá lớn của dân tộc Hàn trong nửa đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên, do những điều kiện lịch sử khác nhau, những thế kỉ tiếp đó, chữ Hán vẫn chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống xã hội vùng bán đảo Hàn. Và cùng với thời gian, đến thế kỉ XIX; XX, chữ Hangul đã trở thành văn tự chính thức của nhân trên toàn bán đảo.
Trong thời kì Nhật Bản cai trị (1910-1945), việc sử dụng chữ Hangul đã bị gián đoạn. Sau năm 1945, chữ Hangul được sử dụng trở lại. Để kỷ niệm ngày Vua Sejong ban hành chính thức chữ Hangul năm 1446, ngày nay, người Hàn Quốc đã chọn ngày 9/10 làm ngày kỉ niệm. Chữ viết Hangul không chỉ là một sáng tạo khoa học vĩ đại, mà còn là một phương tiện giao tiếp, truyền bá và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại của người Hàn Quốc.
Cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Hàn ngày nay là một trong 20 ngôn ngữ có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê cho thấy có khoảng gần 80 triệu người nói tiếng Hàn bao gồm khoảng 25 triệu người ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, 48 triệu ở Hàn Quốc, 1,9 triệu ở Trung Quốc, và nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Mỹ, Canada,… Hangul (chữ viết vĩ đại) không chỉ là tài sản vô giá của người dân xứ Hàn mà còn là niềm tự hào của mọi thế hệ cư dân Hàn Quốc trong lịch sử và hiện tại.