Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
spot_img

Bảo tàng Tteok: Không chỉ là bánh gạo

Tteok đã trở thành món ăn không thể tách rời đối với đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc – bất cứ nơi nào, khi có nghi lễ lớn khi đó sẽ có bánh gạo. Bảo tàng Tteok, nằm tại tầng hai và ba của Viện Nghiên cứu Ẩm thực Truyền thống Hàn Quốc, sẽ giúp du khách có trải nghiệm về lịch sử và truyền thống phong phú của món tráng miệng được nhiều người dân Hàn Quốc ưa thích này. Hơn thế nữa, bảo tàng còn mang đến cho bạn cơ hội tìm hiểu quy trình chế biến bánh tteok thông qua các chương trình thực tế và, tất nhiên, bạn còn được nếm thử sản phẩm tại quán cà phê ở tầng một của bảo tàng.

Bảo tàng độc đáo

Bảo tàng Tteok mở cửa vào năm 2002, và là bảo tàng duy nhất theo loại hình này ở Hàn Quốc. Hướng dẫn viên Youn Young-sim cho biết, “Bánh Tteok đã ngấm sâu vào đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc, nhưng trước đây không có bảo tàng dành cho loại bánh này. Bảo tàng mở cửa để trưng bày sự đa dạng của bánh tteok và các loại bánh tteok truyền thống đang dần biến mất.”
Bảo tàng được điều hành bởi Viện Nghiên cứu Ẩm thực Truyền thống Hàn Quốc, một trong những viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục hàng đầu của Hàn Quốc dành riêng cho ẩm thực. Tầng một của bảo tàng giúp quý khách khám phá thế giới đa dạng của bánh gạo Hàn Quốc, bằng cách trưng bày bánh gạo theo mùa và phương pháp chế biến. Tầng hai giới thiệu về cách sử dụng các loại bánh gạo trong các nghi lễ (các ngày đặc biệt của mỗi người trong đời), đánh dấu truyền thống xã hội trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc.

Truyền thống 2.000 năm


Tteok không chỉ là nét ẩm thực mang tính biểu tượng nhất của Hàn Quốc, mà còn là một trong những món ăn lâu đời nhất tại đây. Anh Youn cho biết: “Hàn Quốc đã làm bánh tteok trong khoảng 2.000 năm kể từ thời Tam Quốc. Hiện nay, có khoảng 200 kiểu bánh gạo khác nhau, cụ thể là 198 kiểu”. Một trong những điều thú vị nhất về hình thức trình bày loại bánh này là sự đa dạng và phong phú về kích cỡ, hình dạng và màu sắc được thể hiện trên bánh tteok. Màu sắc cũng quan trọng, bánh gạo được lựa chọn dùng trong những dịp đặc biệt nhờ vào màu sắc và vai trò của nó trong vũ trụ quan âm dương truyền thống của Hàn Quốc. Ví dụ, loại bánh garae tteok trắng thường được thái lát cho vào canh Tteokguk trong ngày đầu năm mới. Ngày đầu năm mới theo truyền thống được coi là một ngày dương thịnh, hay là ngày có nhiều năng lượng dương. Màu trắng còn tượng trưng cho cực dương, do đó bánh garae tteok trắng thường được sử dụng vào những ngày này.
Các màu khác cũng có công dụng riêng của nó. Lấy màu đỏ làm ví dụ, người ta vẫn tin màu đỏ có tác dụng cao trong việc xua đuổi các tà ma, yêu tinh và tất cả các thể tồn tại của linh hồn lang thang trong màn đêm. Vào ngày Dongji, hay còn gọi là ngày đông chí xứ Hàn, cháo đậu đỏ với bánh gạo được phục vụ – đêm dài và nhiều côn trùng nhỏ xuất hiện nên cần cẩn trọng trong nấu ăn. Tương tự như vậy, trong ngày sinh nhật lần đầu tiên, hay còn gọi là lễ thôi nôi, bạn sẽ nhìn thấy bánh tteok cầu vồng. Điều này tượng trưng cho hy vọng rằng ước mơ của con trẻ sẽ phát triển như cầu vồng bảy sắc.
Khu vực địa lý cũng đóng một vai trò quan trọng. Lấy ví dụ, songpyeon, bánh gạo hình bán nguyệt được thưởng thức cùng mứt hạt dẻ trong dịp lễ Chuseok. Màu sắc và thậm chí cả hình dạng của loại bánh này sẽ thay đổi từ nơi này đến nơi khác- dọc theo bờ biển Bắc Triều Tiên, ví dụ, bánh sẽ có hình dạng vỏ sò, với hy vọng rằng những chiếc bánh gạo này sẽ mang lại một mùa đánh bắt bội thu, tuy nhiên hình dạng vỏ sò còn tùy thuộc vào từng khu vực.

Truyền thống đang dần biến mất


Gần như không có nơi nào tổ chức lễ hội Dano mùa xuân giống như trước đây đã từng được tổ chức. Tuy nhiên, thông qua bảo tàng, chúng ta có thể tìm hiểu về các món ăn độc đáo đã từng được dùng trong ngày lễ quan trọng này, bao gồm cả charyunbyeong xanh lục nhạt, được làm từ một loại cây ngập mặn. Lễ hội té nước mùa hè, vào ngày 15 tháng 6 âm lịch, đã từng được tổ chức ngoài trời tại các con suối trên núi và các thác nước tại địa phương, kèm theo các bữa ăn có bánh gạo sanghwabyeong.

Bốn loại bánh gạo


Mặc dù tteok rất đa dạng, nhưng về cơ bản có bốn phương pháp chế biến phổ biến. Đó là:

  • Tteok hấp: Thường gặp ở gyeongdan, loại bánh gạo nhỏ làm từ bột nếp được viên tròn thường có nhiều màu sắc tùy thuộc vào bột làm bánh.
  • Tteok trộn: Nhiều loại bánh gạo trộn, bao gồm cả songpyeon, món ăn của Chuseok.
  • Tteok nặn: Bánh gạo làm từ bột gạo giã bằng búa – bạn có thể thấy cách làm này ở nhiều làng nghề dân gian và lễ hội dân gian trên khắp đất nước Hàn Quốc. Món bánh tteok nặn phổ biến nhất là injeolmi.
  • Tteok chiên: Bạn thậm chí có thể chế biến bánh tteok trong chảo rán – hwajeon, một loại bánh gạo thường được trang trí hình cánh hoa, được chế biến theo phương pháp này.

Trải nghiệm món ăn ngon và các chương trình giáo dục


Nếu bạn quan tâm đến thực hành nhiều hơn là chỉ tham quan các cuộc triển lãm, bạn có thể ghi danh vào một trong các lớp đào tạo của Viện Nghiên cứu Ẩm thực Truyền thống Hàn Quốc. Viện nghiên cứu có các lớp học từ tầng 4 tới tầng 10 của tòa nhà, có ba lớp học dành riêng cho người nước ngoài – một khóa học làm bánh tteok (30.000 won), khóa học làm kimchi (50.000 won) và khóa học chế biến ẩm thực truyền thống (70.000 won). Trong khóa học cuối cùng, bạn được học cách làm các món ăn truyền thống và lớp học sẽ có một phiên dịch (hai lớp học khác yêu cầu học viên phải có phiên dịch riêng của mình). Bạn cũng sẽ được mặc hanbok trong suốt giờ học.
Tại quán cà phê tteok tại tầng một, bạn có cơ hội thưởng thức một số loại bánh gạo với một tách trà. Là một phần chương trình giáo dục, bảo tàng cũng cử giáo viên tới các trường học địa phương để dạy cho trẻ em về bánh tteok và các món ăn truyền thống của Hàn Quốc.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới