Thứ hai, Tháng mười 7, 2024
spot_img

Chùm ảnh những chiếc Trống Bát Nhã của Phật giáo Hàn Quốc

Từ đời Ðường về sau, theo Thanh quy của thiền môn, trống là một trong những loại pháp khí dùng làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau này Phật giáo Trung Quốc tiến thêm bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”, dùng âm thanh làm Phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam Bảo.

Dựa vào bản dịch bài Thiền Sư Đại Điên và Hàn Dũ thời Đường Hiến Tông năm 820, chúng ta thấy chuông và trống đã được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ Phật giáo. Do đó, ít nhất chúng ta đoán được là trước năm 820, trống đã được đưa vào chùa để làm pháp khí.

Trong nhà Phật, mỗi một phật cụ đều có một ý nghĩa đặc biệt. Tiếng trống hay tiếng chuông trong thiền môn khi đánh lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Mỗi thứ khi sử dụng, đều có pháp thức riêng.

Chuông trống Bát nhã rất quan trọng trong thiền môn. Chuông trống Bát nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt, như thuyết pháp, truyền giới, Sám hối v.v…Và mỗi khi đánh lên ngầm ý thỉnh Phật thượng đường chứng minh. Đồng thời cung nghinh chư Tôn Đức và cũng để cho mọi người chú ý nhiếp tâm trở về với chánh niệm. Cụ thể là giờ hành lễ quan trọng.

Về ý nghĩa, ngoài âm vang của tiếng trống cảnh tỉnh khách trần ra, nó còn nói lên một ý nghĩa đặc thù siêu việt. Mục đích là nhằm nhắc nhở mọi người cần phải trang bị cho mình có đầy đủ trí huệ sáng suốt. Vì trí huệ rất là quan trọng. Dù hành giả tu bất cứ pháp môn nào, mà thiếu trí huệ chỉ đạo, thì coi như sự tu hành không có kết quả tốt đẹp. Nếu không có trí huệ sáng suốt để biện biệt chánh tà, chân ngụy, thì trong khi ứng dụng tu hành, chúng ta dễ bị sai lệch và đi vào con đường tà ngoại.

Vì Bát nhã quan trọng như thế, nên chư Tổ mượn hình thức cái trống, để khi đánh lên nhằm thức nhắc mọi người tăng cũng như tục phải luôn nhớ đến cái trí Bát nhã sẵn có ở nơi chính mình. Trí Bát nhã nầy, còn gọi là Vô sư trí. Nhưng muốn nhận ra cái Vô sư trí nầy, hành giả cần phải nương cái trí hữu sư, tức cái trí do học hỏi ở nơi thầy bạn mà có được.

Ở mức độ thấp hơn, khi nghe âm thanh của những pháp khí đó, như trống, chuông, mõ v.v… thì người nghe chóng hồi tâm thức tỉnh để gắng lo tu niệm. Phải hết lòng siêng năng làm lành lánh dữ, không nên gây tạo những nghiệp ác mà phải chuốc lấy quả khổ đau. Cho nên, khi chúng ta đến chùa mỗi khi nghe những âm thanh của những thứ nói trên, thì lập tức chúng ta hãy trở về với chánh niệm. Hay nói rõ hơn là phải luôn thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm.

暮鼓晨鐘驚醒世間名利客

經聲佛號喚回苦海夢中人

Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh thế gian danh lợi khách

Kinh thinh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng trung nhơn.

Một làn khói trầm vương nhẹ, một lời kinh khuya sớm, một tiếng chuông rơi… đều làm cho tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thoát, hướng thượng và quay về với nội tâm.

Tiếng trống Bát nhã đã in sâu vào tiềm thức của người dân Việt, khi có những tiếng động ồn náo, người ta bảo “om sòm Bát nhã”; do khi đến chùa vào những buổi lễ, nhà chùa thường chuyển những hồi trống Bát nhã.

Mỗi tôn giáo đều có những nghi thức và pháp khí hành lễ đặc thù, phù hợp với truyền thống và văn hóa của tôn giáo mình. Đạo Phật, gần hai ngàn năm gắn liền với Dân tộc chúng ta, cho nên những pháp khí, tiếng trống, tiếng chuông chùa… trở thành thân thương, gần gũi, quen thuộc với văn hóa Dân tộc và lắng đọng trong tâm hồn người Việt Nam.

Tiếng chuông trống Bát-nhã khai sáng tiềm lực, khả năng trí tuệ siêu việt, trí tuệ giải thoát thường trực, hiện hữu, không gián đoạn. Tiếng chuông trống Bát-nhã đang giục giã chúng ta sớm thức tỉnh, thôi thúc chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ mà “lên đường” ngay, bắt nhịp theo dòng tuệ giác của chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền… xuất thế, giải thoát.

Kệ chuyển Trống Bát Nhã:

Pháp cổ minh thời ngọc kệ tuyên

Hạ thông địa phủ thượng chư thiên

Văn thinh đồng niệm Di Đà hiệu

Trực vãng Tây phương thoát não phiền

法皷鸣時咺玊偈

下通地府上諸天

聞聲同念彌陀號

直往西方脫惱煩

(Trống pháp đánh cùng ngọc kệ tuyên

Suốt thông địa phủ đến chư thiên

Nghe thanh cùng niệm Di Đà hiệu

Tịnh độ sinh về thoát não phiền).

Nam mô Lạc Bang Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Con xin trì tụng, niệm kệ nhiệm mầu, chứa đựng lời vàng ngọc.

Xin chuyển tiếng trống thành âm thanh xa vời vợi… lên tận thiên đình… xuống tận địa ngục cho tất cả ai ai đều nghe rõ.

Nghe âm thanh trống nầy, người người đều niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Cúi xin Phật A Di Đà với lòng từ bi vô lượng, tiếp dẫn chúng con vãng sanh về cõi Tịnh độ để được an vui, thoát vòng sinh tử.

Nam mô Thiên Tràng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

Cổ thanh hướng xứ biến hà sa

Thiên long bát bộ tiếu ha ha

Tam luân cửu chuyển sinh tử đoạn

Khổ hải chi trung xuất ái hà

Án kim cang yết đế yết đế tóa ha.

(Tiếng trống rền vang tận cõi xa

Trời rồng tám bộ hỷ hoan ca

Ba vòng chín chuyển lìa sinh tử

Chúng khổ hân hoan thoát ái hà).

(Con xin cho tiếng trống nầy vang dội khắp mười phương.

Chư long thiên hộ pháp đều an nhiên tự tại, khắp ba cõi đều được thông thấu, giác ngộ.

Cõi dục giới đầy ái nhiễm, khổ hải như lao tù, nguyện ra khỏi.

Cầu xin cho không còn ai phải chịu đọa kiếp luân hồi, thoát vòng sinh tử, đến được cảnh giới an vui.

Án kim cang yết đế yết đế tóa ha).

Cổ nhạc huyên thuyên chuyển pháp luân

Ngũ âm vi diệu hướng thinh thuần

Kinh diên lễ tụng hà sa Phật

Cữu hữu phàm lưu xuất ố trần.

Nam mô Cổ Lôi Âm Bồ Tát.

(Trống nhạc tưng bừng chuyển pháp luân

Thanh âm mầu nhiệm tiếng trong ngần

Kinh diên kính lễ hằng sa Phật

Chín loại phàm lưu chứng pháp thân).

(Con xin dùng tiếng trống nầy điểm từng hồi… từng hồi, lực âm thanh mầu nhiệm chuyển quay bánh xe chánh pháp.

Tiếng trống có năng lực tẩy sạch cấu trần khiến cho thân tâm chúng sanh đều được thuần khiết, thanh tịnh.

Cầu xin giáo pháp của Đức Phật được truyền bá sâu rộng đến khắp mọi nơi mọi chốn, để mọi người mọi loài đều được thấm nhuần uyên thúy.

Nam mô Cổ Lôi Âm Bồ Tát).

Nguyện cầu âm thanh nầy được thuần túy, không còn xen tạp một âm thanh nào khác. Tiếng vang giải thoát không còn xen tạp, lẫn với tiếng kêu than rên xiết, thương đau ai oán, khổ lụy.

Con xin được cùng mọi loài chúng sanh đồng hành trên con đường giác ngộ, từ bỏ cõi lãng quên, chí quyết theo con đường Giới, Định, Huệ, chóng quay về trong tỉnh thức.

Con xin nguyện cầu trong khắp pháp giới, mọi loài chúng sinh được thoát sanh phàm trần, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát phát bồ đề tâm, đầy đủ phước trí để đạt được Trí tuệ Ba-la-mật, chứng thành Phật đạo.

Nguyện đem công đức nầy, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Trên đây là hình ảnh những chiếc Trống Bát Nhã của Phật giáo Hàn Quốc, trân trọng kính mời quý bạn đọc, mỗi người đánh một vài tiếng để xua tan những âm mưu bành trướng của Bắc Kinh, biển Đông sóng lặn gió yên, nhân loại an lạc, thế giới hòa bình.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới