Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024
spot_img

Đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao các nhóm nhạc thần tượng lại phải liên tục comeback nhiều lần trong một năm?

Gần đây, trang tin Hàn Quốc Oh My News đã đăng tải một bài viết về tốc độ thay đổi của ngành công nghiệp thần tượng Hàn Quốc hiện nay. Bài viết này lý giải cho sự thay đổi của ngành công nghiệp giải trí bằng cách đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn: Tại sao các nhóm nhạc thần tượng đang trở lại nhiều lần trong 1 năm hơn bao giờ hết?

Trong ngành công nghiệp giải trí ngày nay, các nhóm nhạc thần tượng có xu hướng phát hành nhiều mini album (hay còn gọi là EP) và album single với chỉ một (hoặc hai) bài hát, thay vì tung ra ra album đầy đủ (studio album). So với những gì đã diễn ra trong quá khứ, khi các công ty quản lý cố gắng duy trì bầu không khí “huyền bí” xung quanh thần tượng của họ bằng cách kiểm soát và giới hạn thời gian quảng bá, giờ đây các idolgroup có thể tiếp cận với người hâm mộ và công chúng gần như 24/7.

Sự cạnh tranh

Ví dụ: nhóm nhạc nữ TWICE đã phát hành tổng cộng 4 album vào năm 2017, bao gồm cả các album repackaged (“TWICEcoaster: Lane 2”, “Signal”, “TWICEtagram” và “Merry & Happy”). Và cứ mỗi lần phát hành album họ lại có nhiều tuần quảng bá. Con số này thậm chí còn chưa bao gồm các sản phẩm mà nhóm phát hành ở Nhật Bản, nơi mà họ cũng có nhiều hoạt động quảng bá rộng rãi.

Tương tự như vậy, Red Velvet cũng phát hành 3 album ở Hàn Quốc (“Rookie”, “The Red Summer” và “Perfect Velvet”) vào năm 2017, cộng với nhiều buổi hòa nhạc và các sự kiện được lên lịch tổ chức ở nước ngoài. Chỉ 2 tháng sau khi phát hành “Perfect Velvet” – album phòng thu thứ 2 của họ kể từ khi debut, nhóm nhạc nữ nhà SM đã chuẩn bị cho một sự trở lại khác vào đầu năm 2018.

Những nhóm nhạc nữ khác như G-Friend và Lovelyz thường xuyên có 3 lần trở lại mỗi năm, giúp họ liên tục xây dựng và củng cố fanbase qua mỗi lần phát hành sản phẩm mới. Những ví dụ điển hình khác cho các nhóm nhạc có nhiều lần trở lại trong 1 năm bao gồm MONSTA X, Nine Muses và Oh My Girl. Cách đây không lâu, việc comeback 2 lần trong 1 năm vốn đã trở thành chuẩn mực của Kpop, nhưng bây giờ chuẩn mực ấy dường như đã tăng vọt lên thành 3 lần hoặc nhiều hơn.
Oh My News phỏng đoán rằng, lý do đằng sau mật độ comeback dày đặc của các nhóm nhạc thần tượng như vậy là vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc Hàn Quốc. Để tối đa hóa sự tiếp xúc của họ với công chúng, một nhóm nhạc thần tượng cần phải được quảng bá liên tục. Hằng năm, có đến hàng chục hoặc thậm chí là hàng trăm nhóm nhạc thần tượng ra mắt, và số lượng các công ty giải trí cũng đang ngày một gia tăng. Để có thể sống sót và tồn tại trong môi trường này, nhiều nhóm đã chấp nhận thực hiện chiến lược “tốt hơn hết là trở nên bận rộn”.

Thay vì tiếp tục với hình tượng “bí ẩn” và “không thể tiếp cận” – vốn được các thần tượng rất yêu thích trong quá khứ, các nhóm nhạc ngày nay luôn cố gắng trở nên thân thiện và dễ tiếp cận nhất.

Nguồn vốn và chi phí

Để thực hiện chiến lược trở lại nhiều lần trong 1 năm, cần phải có một quy mô nhất định về mức độ phổ biến cũng như nguồn vốn để đảm bảo thành công. Park Jin Young – người sáng lập JYP Entertainment, đã từng nói trong chương trình “Park Jin Young’s Party People” của chính mình rằng chi phí để làm một album cho một ca sĩ nổi tiếng có thể lên tới 150 triệu won đến 300 triệu won (khoảng 3.2 tỷ VND đến 6.4 tỷ VND). Bởi vì chi phí quá lớn như vậy, thông thường chỉ có các công ty với những nhóm nhạc trở lại hơn 2 lần trong 1 năm mới có thể đủ khả năng xoay sở. Nói cách khác, việc thực hiện nhiều màn comeback mỗi năm là dấu hiệu quyền lực và sức mạnh của một công ty giải trí, đồng thời cũng là “bước đi thắng lợi” để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các công ty nhỏ hơn.

Có rất nhiều tác động tích cực khi một nhóm nhạc trở lại nhiều lần trong năm, đặc biệt là nếu các album của họ được đón nhận. Thế nhưng, nếu nguồn vốn của công ty quản lý không thể hỗ trợ đầy đủ cho nhóm, nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính công ty đó.
Mặt khác, việc comeback nhiều lần trong năm cũng có thể mang đến một nguy cơ khác. Đó là công chúng có khả năng sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi một nhóm nào đó liên tục duy trì hình ảnh “thân thiện và dễ tiếp cận”. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng trong chiến lược này là phải quan sát và theo dõi chặt chẽ hình ảnh của các nhóm nhạc thần tượng. Tất nhiên, không phải tất cả các nhóm nhạc đều theo đuổi những chiến lược kiểu này, bởi nhiều nhóm đang ở trong năm thứ 5 hoặc thứ 6 của sự nghiệp thường lựa chọn cách cổ điển hơn với việc trở lại chỉ 1 hoặc 2 lần trong năm. Đây thường là những nhóm vẫn có thể kiếm tiền thông qua các chương trình quảng bá solo, các dự án khác và vẫn có thể sống tốt với chỉ 1 lần trở lại. Nhưng quá nhiều dự án “đánh lẻ” thế này có thể dẫn đến kết cục tan rã hoặc đánh mất thành viên khi hợp đồng 7 năm đầu tiên của họ hết hạn.

Các chương trình tạp kỹ, giải trí

Rõ ràng, không chỉ riêng thị trường âm nhạc đang phải trải qua một sự thay đổi nhanh chóng khi nói đến các nhóm nhạc thần tượng!

Trong quá khứ, việc sản xuất một show giải trí riêng cho một nhóm nhạc thần tượng nào đó là một vấn đề lớn, và chỉ một vài nhóm nổi tiếng được trao vinh dự này. Nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của Internet và các nền tảng di động, ngay cả những nhóm mới ra mắt cũng có thể sản xuất cho riêng mình một chương trình thực tế. Trên thực tế, những chương trình giải trí kiểu này đã trở thành chuẩn mực cho các nhóm nhạc thần tượng, giúp họ giới thiệu bản thân với những người hâm mộ tiềm năng.
Nhiều chương trình hiện nay lựa chọn trình chiếu trực tuyến thay vì phát sóng trên TV, chẳng hạn như “Level Up! Project” của Red Velvet được phát sóng thông qua dịch vụ video di động Oksusu của SK Broadband. Oh My Girl kết hợp với kênh UMAX của UHD cũng như YouTube và nhiều trang web khác để sản xuất chương trình “Miracle Expedition”.

Ngay cả những nhóm đã đạt được mức độ nổi tiếng đáng kể như Super Junior và Black Pink cũng chọn các giao tiếp với người hâm mộ thông qua các chương trình như “SuJu Returns” và “Black Pink House” – ban đầu được phát trực tuyến trên Naver TV trước khi chuyển sang các kênh truyền hình cáp. Những chương trình này thường được chia thành các đoạn video ngắn tầm 5-10 phút để khán giả dễ theo dõi, thay vì thực hiện cả một show dài 40-50 phút như thường lệ.

Kết

Dường như tốc độ phát triển của ngành công nghiệp thần tượng Hàn Quốc đang phục thuộc vào mức độ quan tâm của khán giả và khả năng cạnh tranh cao. Người xem liên tục tìm kiếm những điều mới và hấp dẫn hơn trên thị trường, và đó chính là lý do khiến các nhóm nhạc liên tục phải lao đầu vào những cuộc chiến không khoan nhượng.
Bạn nghĩ gì về bước tiến mới của sự trở lại trong ngành công nghiệp thần tượng Kpop?

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới