Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
spot_img

Kiến trúc Seowon: Vẻ đẹp hài hòa và giản dị của nho giáo tính lý học

Hình thức và cách sắp xếp của seowon gọn gàng, ngăn nắp, hướng tư duy ra không gian thiên nhiên xung quanh, cách xử lý không gian và bố trí cho thấy được sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, bối cảnh kiến trúc này phản ánh rất rõ nét lý tưởng của những Nho sinh theo Nho giáo Tính lý học, lý tưởng xuất phát từ vẻ đẹp giản dị và chất phác.

Giới Sĩ Lâm, những người chủ trương sáng lập ra seowon vào thời Joseon, là những người không đi theo hướng tiếp thu những kiến thức thực dụng hay kỹ năng mà lấy việc giáo dục toàn diện làm lý tưởng sống nhằm trở thành người có ích cho xã hội. Họ tin rằng thông qua quá trình tập trung tất cả tinh thần vào học hành và “tàng tu (藏修, tu dưỡng từ bên trong)” thì họ sẽ đạt được hiệu quả giáo dục toàn diện. Đối với những người theo Nho giáo Tính lý học, học hành không đơn giản chỉ là thuộc Kinh thư Nho giáo hay bàn luận giảng giải mà còn bao gồm cả việc tôn kính thờ phụng các bậc tiên hiền và cúng bái, noi gương họ. Ngoài ra, việc đưa mình thoát khỏi sự căng thẳng của học hành, trải rộng lòng mình hòa với thiên nhiên và tịnh tâm để suy ngẫm về quy luật của vạn vật trong vũ trụ cũng nằm trong khái niệm học hành của những Nho sinh này. Do đó, khi chọn vùng đất xây dựng và bài trí không gian của seowon, các Nho sinh luôn hướng đến mục tiêu thực hiện các tiêu chí học tập nói trên một cách hiệu quả nhất, đây cũng là yếu tố giúp dễ dàng phân biệt seowon với các cơ quan tôn giáo thông thường được xây dựng để thờ cúng khác.

Thuận theo tự nhiên và thiên mệnh

Seowon đầu tiên của thời Joseon có tên là Baegundong Seowon (Bạch Vân động Thư viện), do Quận thú của Punggi là Ju Se-bong (Chu Thế Bằng, 1495 -1554) lập nên vào năm 1543; sau đó, đến năm 1550 thì nhận được chiếu chỉ đổi tên thành Sosu Seowon. Sosu Seowon có đầy đủ các khu dành riêng cho từng hoạt động khác nhau như khu thờ tự dùng để thờ cúng, khu học đường dùng để học tập và khu đình để tịnh tâm. Tuy nhiên, không gian của Seowon này vẫn chưa có được cấu trúc ổn định. Không gian thờ cúng được bố trí ở phía tây, quay mặt về hướng nam của Seowon; không gian học tập thì nằm ở phía đông của khu thờ cúng và quay mặt về hướng đông. Sosu Seowon được chọn xây ở quê của của An Hyang (An Hướng, 1243-1306), đây là một khu vực yên tĩnh và có cảnh quan thiên nhiên xung quanh tươi đẹp. Có thể nói, Sosu Seowon là đại diện tiêu biểu nhất về quy tắc thờ cúng chung của các seowon thời Joseon. Rất nhiều những seowon về sau đã chọn vị trí xây dựng và cấu trúc không gian dựa trên tiêu chuẩn này.

Kiến trúc của seowon liên quan mật thiết đến phương pháp tu dưỡng học hành của các Nho sinh Nho giáo Tính lý học, đó chính là “Cách vật trí tri” và tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, tư tưởng xuất phát từ vũ trụ luận và nhân tính luận. “Cách vật trí tri” là khái niệm quan trọng xuất hiện trong sách “Đại học”, một trong bốn bộ sách thuộc Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung Dung, Đại học) của phái Nho gia thời nhà Tống, Trung Hoa. Tứ thư đã được Chu Hy (1130-1200) bổ cứu và biên tập lại. Chu Hy cho rằng “Muốn đạt đến cái biết của ta thì căn cứ vào vật và xét đến cùng cái lí của nó”. Các Nho sinh Nho giáo Tính lý học thời Joseon đã quyết định chọn nơi xây dựng seowon dựa trên tư tưởng này của Chu Hy, là một nơi yên tĩnh và có phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Một khái niệm khác được phản ánh qua kiến trúc của seowon chính là tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, tức là con người thuận theo tự nhiên và ý trời. Theo đó, nơi thích hợp nhất cho con đường tu dưỡng của các Nho sinh phải là nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, thông qua sự thay đổi của thiên nhiên nơi đó, họ có thể tự mình nhận biết và thấu hiểu được quy luật của vạn vật trong trời đất, và dần dần đạt được mức “Thiên nhân hợp nhất”. Cũng vì lý do đó, họ tìm đến nơi có thể đạt được tư tưởng “Thiên nhiên hợp nhất”, gần với tự nhiên và xa khu vực hành chính nhiều người sinh sống để xây dựng seowon, tu dưỡng tâm hồn và thể xác, cũng như trau dồi học vấn và dạy dỗ thế hệ sau.

Cụ thể, Sosu Seowon nằm bên bờ suối Jukgye (Trúc Khê), con suối bắt nguồn từ chân núi Sobaek, là nơi “có núi có suối tịch tĩnh, ẩn mình trong mây bên cạnh khe núi ôn hòa”. Dosan Seowon, nơi thờ phụng học sĩ Yi Hwang (Lý Hoảng, 1501-1570), cũng được xây dựng trên vùng đất có điều kiện thiên nhiên giống như thế. Dosan Seowon, tiền thân là Thư đường Dosan do chính Yi Hwang lập nên vào năm 1561 để trau dồi kiến thức của bản thân và dạy học, sau khi ông tạ thế, các học trò của ông đã dựng nên Dosan Seowon tại khu đất này vào năm 1573. Tương truyền rằng, Yi Hwang sau khi lập nên Thư đường Dosan đã sáng tác “Đào sơn thập nhị khúc” (Mười hai khúc ca Dosan), tác phẩm bộc lộ được tâm tư của ông, cũng như vẽ lên khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ xung quanh thư đường.

Gió xuân hoa phủ núi
Đêm thu nguyệt rạng lầu
Vẻ đẹp bốn mùa ấy
Cũng giống con người ta
Trời đất vốn hài hòa
Vô thủy và vô chung

Cuộc đời cứ trôi qua
Thấy thật là thanh sạch
Đọc bao nhiêu sách vở
Vui thú chẳng điểm dừng
Nói rằng chẳng phong lưu
Còn là gì khác nhỉ?

Vị trí xây dựng và phong cách kiến trúc

Phong cách chung trong kiến trúc của seowon bắt nguồn từ Namgye Seowon (Nam Khê Thư viện), được xây dựng từ năm 1552 tại Hamyang, tỉnh Gyeongsangnam nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công đức và học thuật của Jeong Yeo-chang (Trịnh Dữ Xương, 1450-1504). Namgye Seowon có kết cấu cơ bản nhất của một seowon, gồm không gian tịnh tâm, không gian học tập, không gian thờ cúng được bài trí theo thứ tự từ trước ra sau. Không gian nơi đây kết cấu theo quy tắc “Tiền đê hậu cao” (phía trước thấp, phía sau cao), “Tiền học hậu miếu” (phía trước để học, phía sau để thờ) và quy tắc này đã trở thành tiêu chuẩn chung cho kiến trúc seowon ở Hàn Quốc. Không gian tịnh tâm và không gian học tập của Seowon được bố trí ở khu vực phía trước, luôn có không khí náo nhiệt rộn ràng do các Nho sinh thường xuyên ra vào. Trong khi đó, không gian thờ cúng được bố trí phía sau, hạn chế các Nho sinh lui tới, lại có bầu không khí tôn nghiêm, thanh tĩnh.

Oksan Seowon (Ngọc Sơn Thư viện) có vị trí quay mặt về núi Jaoksan, bên cạnh khe suối với cảnh quan thiên nhiên trong lành. Seowon này nằm ở Ấp Angang, Gyeongju, được xây vào năm 1573 để tưởng nhớ đến Yi Eon-deok. Yi Eon-deok (Lý Ngạn Địch, 1491-1553) chính là người đặt nền móng cho Nho giáo Tính lý học nửa đầu thời Joseon và cũng là người khởi xướng học phái Yeongnam, được mệnh danh là một trong “Đông phương ngũ hiền” thời bấy giờ. Trong khuôn viên của Oksan Seowon thì vọng lâu Mubyeon (Vô biên lâu) và Giảng đường Guin (Cầu nhân đường) là hai công trình có kết cấu hòa hợp với thiên nhiên xung quanh nhất. Các khu nhà cấu thành nên Oksan Seowon được xây dựng thống nhất cùng một thời điểm, do đó chúng được bố trí theo đường thẳng từ cổng vào đến khu thờ tự phía sau cùng, cho thấy đặc trưng các khu được bố trí theo một trục trung tâm.

Piram Seowon (Bút Nham Thư viện), ngôi trường có quy mô và lịch sử đáng tự hào nhất của vùng Honam được lập nên vào năm 1590 để tưởng nhớ Kim In-hu (Kim Lân Hậu, 1510-1560). Piram Seowon có đặc trưng địa hình và cấu trúc bố trí tương đối khác so với các seowon khác. Seowon này không có địa hình thấp phía trước và cao dần về phía sau mà nằm ở khu vực đồng bằng dưới chân núi, do đó, khu vực giảng đường được xây dựng ở phía trước và quay mặt lại với khu thờ tự. Các tòa nhà còn lại được sắp xếp khéo léo trong khoảng không gian rộng lớn giữa khu giảng đường và thờ tự nhằm tạo cảm giác mở. Các Nho sinh có thể thưởng thức khung cảnh bao la phía trước thông qua vọng lâu Hwagyeonnu (Khuếch nhiên lâu) ở cổng vào.

Dodong Seowon (Đạo Đông Thư viện) nằm ở quận Dalseong, thành phố Daegu là một trong những seowon có vị trí xây dựng theo đúng tiêu chuẩn mà các nho sinh Nho giáo Tính lý học cho là lý tưởng nhất và cũng là nơi thờ phụng Kim Goeng-pil (Kim Hoành Bật, 1454-1504). Cách bố trí các tòa nhà và kết cấu không gian của Dodong Seowon tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn chung về vị trí xây dựng và lối kiến trúc của Seowon. Seowon này hướng mặt ra phía sông Nakdong chảy từ trái sang phải; các khu vực như tịnh tâm, khu học tập, khu thờ cúng được bố trí dọc theo triền núi một cách rất ngăn nắp tạo thành cốt lõi của Seowon. Không những thế, cấu trúc của các tòa nhà, cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật xây dựng của khu vực này cũng rất tinh tế, mang giá trị cao.

Donam Seowon (Độn Nham Thư viện) thuộc vùng Nonsan, tỉnh Chungcheongnam tọa lạc ở khu đồng bằng, quay mặt nhìn về phía núi xa theo phong cách dã cảnh. Donam Seowon được lập nên để tưởng nhớ Kim Jang-saeng (Kim Trường Sinh, 1548-1631), ông từng luận rằng, “Ngẩng đầu nhìn núi rồi cúi xuống nhìn khe suối, quan sát nước trôi, khi ta tiếp xúc được cảnh vật thiên nhiên, ta nhận ra được quy luật của thế giới này”. Vì lẽ đó mà vọng lâu Sanang (Sơn Ngưỡng lâu) ở cổng của Seowon này có tên gọi như vậy, tức là hướng ra núi Gosan. Điều này cho thấy rõ mối liên kết giữa việc tiếp cận với cảnh vật thiên nhiên và việc nhận thức được quy luật của vũ trụ và con người.

Byeongsan Seowon (Bình Sơn Thư viện) nằm ở làng Hahoe, quận Andong, tỉnh Gyeongsang-bukdo là nơi thờ phụng Ryu Seong-ryong (Lưu Thành Long, 1542-1607), người nổi tiếng với tác phẩm “Trừng bí lục” viết về thời Nhâm thìn oa loạn. Đây là trường hợp tiêu biểu nhất cho thấy kiến trúc đã hòa hợp với thiên nhiên và tạo ra không gian thưởng ngoạn như thế nào. Núi Byeongsan bên kia bờ sông ở ngay trước mặt Seowon này có thế núi rất hiểm trở, như một vách đá dựng đứng. Vì thế, để giảm bớt bầu không khí chế ngự do ngọn núi mang lại, các nho sinh đã cho xây dựng các tòa gác theo hàng ngang ở mặt trước của khu Seowon này. Các tòa gác này chỉ có cột, nền và mái ngói mà không có tường bao. Kỹ thuật tá cảnh (mượn cảnh) độc đáo này không những làm giảm bớt không khí chế ngự của thế núi phía trước mà còn không che chắn tầm mắt nhìn ra khung cảnh như tranh vẽ xung quanh.

Vẻ đẹp hài hòa giản dị và trí tuệ trong kỹ thuật tá cảnh

Seowon thời Joseon thường có vài điểm chung giống nhau về vị trí xây dựng, cách bố trí các tòa nhà và kết cấu không gian. Các seowon chủ yếu được lập nên ở những nơi xa thế tục, có phong cảnh non nước hữu tình. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng khi chọn khu đất xây dựng, đó chính là phải chọn nơi có mối liên hệ mật thiết với nhân vật thờ phụng như là nơi họ sinh ra hoặc họ từng học tập, nơi họ từng giữ chức quan hay có mộ của họ, có như thế hậu thế mới có thể giao lưu về mặt tinh thần với nhân vật mà mình noi gương và học tập. Bên cạnh đó, cách bố trí các tòa nhà và kết cấu không gian phải đảm bảo khả năng thưởng thức tối ưu cảnh quan sơn thủy xung quanh từ bên trong seowon.

Các Nho sinh trong seowon sinh hoạt, học tập cùng nhau nên khu vực ký túc xá thường được chia thành khu nhà Đông và khu nhà Tây đối mặt nhau, có khoảng sân trước giảng đường làm trung tâm, cách bố trí này đảm bảo được không gian của khu giảng đường nhưng đồng thời cũng tạo ra một không gian hướng ngoại. Đặc biệt, khi ngồi ở hai nơi trung tâm của khu vực học tập và thưởng ngoạn là giảng đường và vọng lâu, các Nho sinh có thể nhìn thấy núi non, ruộng đồng, sông suối xung quanh. Sự tiếp xúc với cảnh quan thiên nhiên hàng ngày đóng vai trò rất lớn trong hình thành nhân cách và nâng cao hiệu quả học tập. Do đó, vọng lâu – nơi thích hợp nhất để người học hòa mình với thiên nhiên – thường được xây ở lối vào của seowon.

Nho sinh theo Nho giáo Tính lý học luôn hướng đến mục tiêu là đưa cảnh quan sơn thủy ở vùng đất xây dựng seowon vào bên trong khu vực kiến trúc một cách tối đa. Kết quả là seowon đã tạo nên được lối kiến trúc giao hòa giữa không gian bên trong và bên ngoài, tương quan hài hòa giữa các tòa nhà và thiên nhiên. Các tòa nhà trong seowon được sắp xếp nhằm làm rõ mối quan hệ giữa chúng nhưng cũng làm nổi bật không gian bên ngoài đa dạng. Nói cụ thể, mặc dù về cơ bản, các tòa nhà được bố trí đối xứng nhưng không nhất thiết tuân theo quy luật nghiêm ngặt của hình học, không tuân theo một quỹ đạo nhất định nào mà được sắp xếp sao cho có được không gian tự nhiên và sinh động. Do vậy, các tòa nhà này không quá to lớn hay hào nhoáng mà mang lại cảm giác hài hòa, giản dị, như đang cô đọng rồi thăng hoa thế giới quan của Nho giáo Tính lý học vào trong không gian kiến trúc. Hình thức và cách sắp xếp của seowon gọn gàng, tinh tế, mở rộng tư duy ra không gian thiên nhiên xung quanh; cách xử lý và bố trí không gian cho thấy được sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Lối kiến trúc này phản ánh rất rõ nét lý tưởng của những nho sinh theo Nho giáo Tính lý học, lý tưởng xuất phát từ vẻ đẹp hài hòa và giản dị.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới