Ở nơi nào đó trên thế giới, mỳ ăn liền chỉ là một món ăn nhanh bình thường. Nhưng tại đất nước có tỷ lệ tiêu thụ mỳ gói trên đầu người cao nhất thế giới như Hàn Quốc, mỳ gói đã trở thành đam mê, chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa và cả lịch sử.
Người Hàn Quốc gọi mỳ ăn liền là “ramyeon” (라면), một món đồ ăn nhanh cay, mặn, có chi phí chỉ chưa đầy 1 USD mỗi gói. Mỳ gói, mỳ cốc, mỳ tô bán khắp nơi: trong các quán cà phê, thư viện, các đoàn tàu, đường trượt tuyết. Thậm chí trên đường đi bộ lên ngọn núi cao nhất Hàn Quốc, du khách vẫn có thể dừng chân và tự thưởng cho mình cốc mỳ ăn liền nóng bỏng môi.
Người già Hàn Quốc thường lưu giữ cảm giác hoài cổ rất mạnh về mỳ ăn liền, món thực phẩm đã vào nước này trong những năm 1960. Đó là thời điểm Hàn Quốc bắt đầu thoát dần khỏi đói nghèo và khung cảnh tàn phá sau chiến tranh Triều Tiên để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Nhiều người vẫn nhớ rõ cảm giác lần đầu họ được nếm món mỳ ăn liền, khi ấy là hàng hiếm và xa xỉ. Đó là chưa kể tới việc dân nhậu Hàn Quốc xem mỳ ăn liền như “thần dược” chữa đau đầu, mệt mỏi sau các màn uống rượu thâu đêm.
Có nhiều người thậm chí không thể rời Hàn Quốc trong tình cảnh thiếu mỳ tôm, vì lo sợ rằng các loại mỳ ngoại quốc khác không tốt hơn ở trong nước. Và không có thứ thuốc nào chữa căn bệnh nhớ nhà tuyệt vời hơn một bát mỳ ramyeon nóng ở phương xa.