Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
spot_img

Người Hàn dạy học sinh về chiến tranh Việt Nam thế nào?

Người Hàn dạy cho học sinh như thế nào về chiến tranh Việt Nam?

“Việt Nam ơi chúng tôi xin lỗi”là tiêu đề của bài báo đồng thời cũng là tên của “thực tiễn giáo dục” do thầy giáo người Hàn Quốc, Kim Vĩnh Văn tiến hành ở một trường tiểu học thuộc thủ đô Seoul. Bài học này dành cho học sinh lớp sáu, lớp cuối cùng của bậc tiểu học. Bài báo được Ozu Kengo, một giáo viên người Nhật dịch và đăng lại trên tạp chí Giáo dục lịch sử địa lý, tạp chí của Hiệp hội các nhà giáo dục lịch sử Nhật Bản số tháng 8 năm 2003.

1. Mục đích giờ học

Học sinh ở trường tôi đang dạy bước vào học kì hai hầu hết đều trở về nhà từ chỗ học thêm vào lúc 10 giờ 30 tối. Các em đang trải qua những ngày tháng vừa phải làm bài tập ở chỗ học thêm vừa phải chuẩn bị cho sự học hành khi bước vào trường trung học cơ sở (không phải chuyện học phục vụ mục đích thi cử-chú thích của Ozu Kengo).
Nếu coi mục đích thực sự của trường học là làm cho học sinh hiểu biết đúng đắn về mối quan hệ giữa bản thân với những người xung quanh, giữa sự vật và sự vật để rồi sáng tạo ra thế giới tươi đẹp hơn thì có thể thấy rằng hiện trạng của các em học sinh đang rời xa bản chất thực sự của giáo dục. Trước tiên đó không phải là việc các em không biết thứ gì cần thiết cho bản thân mình mà là việc các em không có mối quan tâm đối với thế giới xung quanh mình.Hơn thế nữa sự lí giải về các nước khác rất hời hợt và nông cạn.Không gian tâm lí của các em chỉ giới hạn ở nhà trường, ở nhà và chỗ học thêm.Tôi mong muốn làm cho những em học sinh này quan tâm tới hiện thực, quan tâm đến những sự thật đã tạo ra thế giới hiện thực này mà nếu chỉ ở bề ngoài các em không thể nhận ra.Tất cả điều đó được thực hiện qua thực tiễn bài học trong môn Xã hội.
Ở môn Xã hội trong học kì hai lớp 6 thì nội dung chủ yếu là về không gian của các quốc gia trên thế giới( tương ứng với môn Địa Lí ở Nhật-chú thích của Ozu Kengo).
Trong rất nhiều trường hợp, các giáo viên đã tiến hành và kết thúc giờ học khi chỉ dừng lại ở chuyện giới thiệu du lịch hay trình bày la liệt các tri thức. Khi muốn tìm hiểu nước khác thì cần phải nhìn một cách tổng hợp cả ở phương diện không gian và thời gian chứ không phải chỉ dừng lại ở không gian địa lí đơn thuần. Tóm lại, để có hiểu biết về Việt Nam thì không phải chỉ dừng lại ở chuyện Việt Nam nằm ở chỗ nào trên địa cầu mà cần phải suy nghĩ xem ở phương diện lịch sử Việt Nam và nước ta đã có mối quan hệ như thế nào, mối quan hệ đó cóý nghĩa như thế nào đối với chúng ta ngày nay.
Mối quan hệ giữa nước ta và Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam vốn đã được đề cập trước đó khi học lịch sử ở học kì một tuy nhiên vẫn có khả năng tái đề cập đến nó ở học kì hai trong môn địa lí.Việc đề cập đến cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách là lịch sử về mối quan hệ giữa nước ta với nước ngoài sẽ đem lại cho chúng ta nhiều điều có ý nghĩa.

2. Về giờ học

Lý do lựa chọn Việt Nam

Hiện tại Việt Nam được biết đến với tư cách là nơi các xí nghiệp và nghệ sĩ nước ta tiến vào hoạt động, người Việt Nam trong vai trò là nguồn laođộng nước ngoài cũng đến đất nước của chúng ta và cả hai nước có mối quan hệ rất sâu sắc.
Tuy nhiên vấn đề phái binh sĩ tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam, vấn đề mà ta không nhìn thấy trong sự giao lưu này lại chính là vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu biết đúng và nỗ lực giải quyết.Việc chỉ biết tới những gì nổi lên trên bề mặt mà làm ngơ trước những gì là sự thực ẩn chứa trong bóng tối sẽ không thể tạo ra mối quan hệ thực sự tốt đẹp.Từ quan điểm về hòa bình của nhân loại chúng ta cần phải đối mặt với những sự thật đang bị che dấu trong thế giới hiện thực, phải biết đau khổ và dùng thực tiễn để cải tạo xã hội.Và như thế thì Việt Nam thực sự là tài liệu giảng dạy có giá trị để làm cho học sinh suy ngẫm sâu sắc xem mình sẽ phải sống như thế nào?

Thực tiễn giờ học

(1) Làm quen với Việt Nam. (Trong giờ học kéo dài hai tiết này có mời thành viên tình nguyện của tổ chức dân sự “trường học công dân toàn cầu” tham dự ).
Phần dẫn nhập của giờ học là trò chơi Bingo tìm hiểu về các nước trên thế giới tiếp đến là Việt Nam → Vị tríđịa lí, diện tích Việt Nam→ hoạt động học tập nhóm điều tra tìm hiểu về những vật phẩm tiêu biểu của Việt Nam (đồ ăn, trang phục)→mặc thử áo dài→cùng chế tạo đồ trang điểm đính trên áo dài dành cho thiếu nữ.
• Phản hồi của học sinh: Bằng hình thích giờ học đơn giản thông qua việc tiếp xúc với các cuốn sách, y phục, tranh ảnh từ nhiều góc độ, các em học sinh đã có mối quan tâm, hứng thú với Việt Nam. Có em nói rằng việc chế tạo các vật trang trí trên áo dài thật là thú vị và em muốn đến thăm Việt Nam.
(2) Hãy cùng tìm hiểu Việt Nam (hoạt động điều tra tìm kiếm thông tin).
+ Giáo viên đưa ra các vấn đề cần tìm hiểu, điều tra cho các nhóm như: ăn, mặc, ở, nhân vật, thần thoại, giáo dục, trò chơi, môi trường tự nhiên, tiền tệ…Ở mỗi lĩnh vực như trên các nhóm sẽ lựa chọn vấn đề mà bản thân băn khoăn, nghi vấn muốn tìm hiểu để điều tra (tiêu chuẩn lựa chọn nội dung điều tra là thứ các em thích hay đó là điều cần thiết phải biết ).
+ Những điều các em tự điều tra được sẽ do các em hợp sức tóm tắt lại dưới hình thức mà các em thích (tranh, bài hát, báo cáo…)
+ Những nội dung đãđược tóm tắt này sẽ được treo lên 4 góc lớp tạo thành cuộc triển lãm, các em sẽ vừa ngắm cuộc triển lãm và từng nhóm sẽ di chuyển quanh lớp để thuyết minh, đưa ra các câu hỏi.
+ Ghi chép tóm tắt những điều các em hiểu được và cảm tưởng của bản thân, cùng nhau phát biểu cảm tưởng.
• Phản hồi của học sinh
Học sinh đã tiến hành các hoạt động tóm tắt một cách tích cực. Các em vừa quan sát cuộc triển lãm vừa giải thích, đưa ra các câu hỏi và trả lời các câu hỏi về Việt Nam. Những tài liệu về Việt Nam do tổ chức dân sự chế tác đã giúp ích cho các em rất nhiều. Các em đã đưa ra vô vàn câu hỏi. Mỗi nhóm đã cử ra một người để thuyết minh, những thành viên còn lại thì đi đến nhóm khác để đưa ra câu hỏi hay nghe thuyết minh. Các em hạnh phúc với giờ học diễn ra dưới hình thức này.
(3) Tìm hiểu mối quan giữa Việt Nam với nước ta.
+ Hiện nay Việt Nam được biết tới là nơi hoạt động của các nghệ sĩ và các xí nghiệp của nước ta.
+ Điều tra xem hai nước có mối quan hệ lịch sử như thế nào.Vấn đề gửi binh sĩ tham chiến ở Việt Nam.
+ Cho các em xem đĩa về chiến tranh Việt Nam do tổ chức dân sự “Liên hiệp dân chủ quốc tế” chế tác. Nội dung của đĩa là dẫn chứng về những nạn nhân của chiến tranh Việt Nam qua lời chứng của binh sĩ tham chiến ở Việt Nam và lời chứng của người Việt Nam. Đưa ra vô số những luận điểm tán thành và phản đối xung quanh việc phái binh sĩ tham chiến ở Việt Nam.
+ Tiến hành thảo luận: “Các em suy nghĩ gì về việc quân đội Hàn Quốc can dự vào chiến tranh Việt Nam?”.
+ Viết bài luận tóm tắt.
• Phản hồi của học sinh
Trái ngược với sự vui vẻ, tươi sáng lúc ban đầu khi tìm hiểu làm quen với Việt Nam, lần này học sinh bị sốc nặng. Bầu không khí chùng xuống. Tôi đã có chút băn khoăn liệu không biết vấn đề u ám như thế này có thích hợp với trình độ phát triển của các em ở lứa tuổi đó không. Tôi cũng không dự đoán được các em sẽ nhìn nhận việc đất nước mình là kẻ gây ra tai họa cho Việt Nam ở góc độ quốc gia hay góc độ cá nhân. Có vẻ như các em vừa nói “ Nước ta thực sự đã sai lầm”, “ Nước ta là kẻ xấu”, “ Nhưng, không phải người dân Hàn Quốc nào cũng thế” vừa nhận ra rằng từ trước đến nay trước những sự việc liên quan đến quốc gia các em đã đồng nhất bản thân mình với quốc gia khi suy nghĩ về nó và cảm thấy rằng việc nhìn nhận chủ thể các hành vi lịch sử từ phương diện cá nhân và suy nghĩ xem nên có lựa chọn nào là điều quan trọng hơn.
Có em học sinh đã chỉ ra rằng cho dù là vô tình (không biết) mà làm thì đấy cũng là vấn đề. Đương thời cho dù là không biết sự thật về cuộc chiến tranh này và bị phái đến đó tham chiến đi chăng nữa nhưng không thể coi những chuyện đã làm khi đó là điều chính đáng.
Các em học sinh vừa cảm thấy bị sốc khi biết rằng bộ phim “Nam Bộ” mà các em yêu thích lại lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh Việt Nam vừa muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về Việt Nam.

(4) Học bài hát “Việt Nam ơi , chúng tôi xin lỗi”
Đoạn 1
Ước mong gặp các bạn trong cuộc gặp tươi đẹp
Nào ngờ lại gặp các bạn tại chiến trường châu Á bi thương.
Chúng tôi với tư cách là thủ phạm, các bạn với tư cách là nạn nhân Theo đuổi giấc mơ ngày mai trong bóng đêm lịch sử.
Đoạn 2 Chúng tôi biết rằng không lời biện minh nào, lời an ủi nào
Rửa sạch nỗi đau nơi vết thương của bạn.
Nhưng hai tay chắp lại để nguyện cầu từ đáy trái tim
Sẽ tạo ra dòng nước hòa bình tinh khiết từ miệng vết thương.Đoạn 3 Chúng tôi muốn sống trong thế giới không còn chiến tranh
Chúng tôi muốn nắm tay các bạn để cùng hát khúc hòa bình
Chúng tôi muốn cùng hiểu biết và giúp đỡ nhau
Và cùng nhau gieo giấc mơ ngày mai dưới ánh mặt trời rực rỡ
Đoạn 4
Chúng tôi xin lỗi, Việt Nam ơi; chúng tôi xin lỗi, Việt Nam ơi!
Trong bóng đêm mỗi lần các bạn ngập trong nước mắt
Là mỗi lần trong bóng đêm chúng tôi biết thêm về những chứng tích đầy hổ thẹn.
(5) Thảo luận + Tiến hành thảo luận với chủ đề: “Để thiết lập mối quan hệ với Việt Nam như mong ước chúng ta cần phải làm gì?” + Viết thư cho người Việt Nam + Thông báo cho những người khác biết.
• Phản hồi của học sinh( nội dung các lá thư học sinh viết)
“Tôi là Han Sun. Ở trường học tôi đã được học về Việt Nam. Đất nước của chúng tôi trong lịch sử đã làm một việc đáng xấu hổ. Bản thân tôi cũng là người Hàn Quốc tôi muỗn xin lỗi các bạn. Cảm ơn các bạn đã hiểu và không nghĩ xấu về chúng tôi. Nếu lá thư này có thể làm nguôi cơn giận của các bạn thì thật là hạnh phúc. Từ giờ phút này chúng ta hãy không để trong lòng những cảm xúc tồi tệ nữa mà hãy hòa thuận như anh em nhé! Chúng ta hãy cùng nỗ lực để cuộc chiến tranh bạo lực không xảy ra lần thứ hai nhé!”
“Xin chào! Tôi là Ton Wui hiện đang sống ở Hàn Quốc. Gần đây trong giờ học môn Xã hội tôi đã học về Việt Nam. Khi học về Việt Nam, ban đầu tôi thấy vô cùng thú vị. Khi biết về thủ đô và áo dài tôi có cảm giác rằng Việt Nam không khác là mấy so với đất nước của tôi và tôi cảm thấy rất thân quen. Nhưng sau đó khi học về chiến tranh Việt Nam tôi thấy rằng thật sự (nước tôi) đã làm một việc có lỗi. Người nước tôi đã giết hại người Việt Nam. Những người thích bạo lực đương nhiên là kẻ xấu nhưng những người đã bỏ mặc tạo điều kiện cho kẻ xấu có thể hoạt động như chúng tôi quả thực đã mắc sai lầm. Xin lỗi nhé, Việt Nam!”
“Tôi nghĩ một khi tính bạo lực tiềm tàng trong con người chúng ta mất đi từng chút một thì khi ấy sẽ có các quốc gia hòa bình không có chiến tranh. Ngày mai của chúng ta sẽ tươi sáng phải không nào. Xin lỗi nhé! Việt Nam”
Ton Wui đã đề cập đến vấn đề xã hội có thái độ bàng quan trước bạo lực khi cho rằng những kẻ thích bạo lực là kẻ xấu nhưng những người đã bỏ mặc tạo điều kiện cho kẻ xấu hoạt động cũng mắc sai lầm.
Giờ học tiếp theo là học về Nhật Bản. Tôi quan tâm đến việc học sinh sẽ suy ngẫm như thế nào về mối quan hệ với Nhật Bản khi ở đây cũng xuất hiện vấn đề tương tự. Và quả thật là đã có sự nhầm lẫn khi các em không phân biệt được giữa nhà nước Nhật và người dân Nhật. Đặc biệt là với các em nữ thì hành động bạo hành tình dục để lại ấn tượng khá nặng và sự căm giận đối với quân Nhật chiếm đa số.
(6) Thông báo cho mọi người biết (bài tập về nhà). Hỏi người khác về mối quan hệ giữa nước ta với Việt Nam. Hỏi xem họ có biết được điểm căn bản trong cuộc chiến tranh Việt Nam là gì không?
Kết quả là các em đã choáng váng khi thấy phần đông mọi người không quan tâm đến chiến tranh Việt Nam và chỉ nhấn mạnh phương diện lợi ích quốc gia.

3. Những vấn đề đặt ra từ giờ học

Các em học sinh qua giờ học tổng hợp (không phải giờ học chỉ dựa vào sách giáo khoa) đã hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa nước ta với Việt Nam. Các em đã hiểu được rằng nạn nhân của chiến tranh không phân biệt đâu là kẻ thắng kẻ thua qua dẫn chứng về nạn nhân của chất độc màu da cam.Thêm vào đó, các em đã cảm thông với những người chịu nhiều đau thương nhất trong chiến tranh là trẻ em vàđã có suy nghĩ cần phải nỗ lực để xây dựng thế giới hòa bình không có chiến tranh.
Tuy nhiên tôi đã không thực hiện được giờ học năng động. Các em học sinh cho dù nhận thức được tính cần thiết nhưng do bị bó buộc bởi thời gian dành cho học thêm nên đã không thể đến các tổ chức dân sự để điều tra một cách tích cực được. Tôi đã làm cho các em học sinh quan tâm hơn nhưng đã không thúc đẩy các em phát triển thêm một bước về phía trước. Các em học sinh mặc dù có nói là sẽ gửi thư đến phủ tổng thống và thông báo rộng rãi cho mọi người nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở việc gửi thư điện tử đến các đoàn thể dân sự.
Hiện tại tôi cũng chưa biết phải làm gì để ở cấp tiểu học có sự gắn bó giữa hoạt động sinh hoạt thường ngày và thực tiễn xã hội. Tôi không nhận thấy có hiệu quả nào từ việc học sinh hướng đến cuộc sống thường ngày hòa bình, giảm thiểu bạo lực và kết nối những hành động cụ thể này với thực tiễn xã hội (Ở Hàn Quốc vấn đề bạo lực, bắt nạt diễn ra giữa các học sinh rất trầm trọng-chú thích của Ozu Kengo).
Để sinh hoạt thường ngày và thực tiễn xã hội thấm vào học sinh và rồi học sinh tự giác hành động thì có lẽ người giáo viên cần phải sống đúng như điều đó.
Trong học kì một ở môn Lịch sử hiện đại đã không có sự xuất hiện của chiến tranh Việt Nam.Đây quả thật là giờ học làm cho tôi cảm thấy rằng một khi vai trò của giáo viên là tuyển lựa những điều mà mình cảm thấy thực sự cần phải dạy và tái cấu trúc bài giảng thì khi ấy chất lượng của giờ học sẽ thay đổi.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới