Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
spot_img

Phong tục ngày lễ Vu Lan ở Hàn Quốc

Ngoài ra, người Hàn Quốc còn gọi ngày rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ Hội Vu Lan Bồn, cũng gọi là ngày lễ hội Trung Nguyên (Jungwon). Còn theo quan niệm của Đạo giáo rằng, các vị thần linh trên thiên giới một năm có ba đợt suy xét về cái thiện cái ác của người trần gian.

Đó là ngày rằm tháng Giêng, ngày hội Thượng Nguyên (Sangwon), Rằm tháng 7, ngày hội Trung Nguyên (Jungwon) và rằm tháng 10, ngày hội Hạ Nguyên (Hawon). Vào những ngày này, người ta làm mâm cơm cúng để lễ tạ các vị thần linh trên thiên giới. Đây cũng là ngày cúng cho các vong hồn được siêu thoát.

Tập tục truyền thống này của người Hàn Quốc có liên quan với các nghi thức của Phật giáo. Ngày rằm tháng 7 Âm lịch là ngày kết thúc Khóa An cư Kiết Hạ, theo truyền thống Phật giáo, ngày Tự tứ (Sau ba tháng An cư Kiết hạ, mỗi thành viên đều đến trước đại chúng tự phát lồ sám hối.

Tự thú những lỗi lầm của mình, thỉnh cầu đại chúng thấy, nghe hay nghi mình có lỗi thì chỉ ra để mình sám hối, gọi là Tự tứ. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trên tinh thần hòa ái, tương kính cho nên chư Phật mười phương đều hoan hỷ. Do đó, ngày này cũng gọi là ngày chư Phật hoan hỷ và Chư tăng thọ thêm một tuổi đạo).

Đây là dịp lễ Vu Lan báo hiếu, nên cũng là thời kỳ để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu sinh cực lac quốc. Trước kia, khi người Hàn Quốc chưa ấn định ngày mùng 8 tháng 5 là ngày Cha mẹ thì ngày Rằm tháng 7 đã từng đóng vai trò là ngày báo hiếu với bậc sinh thành. Rằm tháng 7 năm nay, tức ngày Bách Trung (Baekjung) hay ngày Vu Lan báo hiếu, rơi vào đúng Chủ Nhật mùng 10 tháng 8.

“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội khổ bị treo ngược.

“Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Lễ Vu Lan của Phật giáo như chúng ta thấy ngày nay phát xuất từ thời đức Phật. Bằng đại bi tâm, đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Khi Mục Kiền Liên vừa chứng được lục thông, liền nhớ đến mẹ mình, Tôn giả bèn dùng tuệ nhãn kiếm tìm, liền thấy mẹ đang bị đọa đày trong loài ngạ quỷ hết sức đói khổ. Thương mẹ vô vàn, Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Do tâm bà Thanh Đề còn quá san tham và ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nề nên bà không thể dùng cơm vì bát cơm biến thành lửa.

Vô cùng đau đớn, không biết dùng cách nào để cứu mẹ mình, Ngài liền về hỏi đức Thế Tôn. Đức Phật liền dạy :

“Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông biến hóa của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực nhiệm mầu của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tin tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, mẹ ngươi mới thoát được cảnh khổ”.

Nghe vậy, Tôn giả mục Kiền Liên liền khẩn cầu Thế Tôn :

“Bạch Thế Tôn, con nay làm sao thỉnh được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được ?”.

Đức Phật dạy :“Ngày Vu Lan cũng là ngày Tự Tứ của chư Tăng, cũng là ngày mười phương chư Phật đồng hoan hỷ, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự Tứ. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự Tứ và cầu nguyện cho mẹ người được thoát khổ”.

Tôn giả Mục Kiền Liên thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngạ quỷ mà được sanh lên cõi trời. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu : “Sau này có chúng sinh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”.

Thế Tôn bảo rằng : “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.

Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan – Tự Tứ. Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan – Báo Hiếu, chí thành thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Hàn Quốc, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu.

Ở nông thôn Hàn Quốc, vào ngày Bách chủng (Baekjung) Rằm tháng 7 Âm lịch, mọi công việc đồng áng, bón phân làm cỏ cũng đã hoàn thiện. Người nông dân bắt đầu có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên cũng không cần sử dụng đến cái liềm nữa. Chính vì thế mà ngày Rằm tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “Ngày rửa liềm”. Xưa kia đây cũng là dịp để người ăn kẻ ở trong nhà được nghỉ ngơi, nên họ còn gọi ngày này là “Ngày sinh nhật của kẻ ăn người ở” hay “Tết của kẻ ăn người ở”. Người nông dân nghỉ việc đồng áng trong ngày Rằm tháng 7 Âm lịch. Họ làm cơm nấu rượu, ăn uống thỏa thuê và khua chiêng gõ trống thổi kèn cùng nhau vui ca hát nhảy múa. Các gia chủ thì sắm quần áo mới cho tôi tớ trong nhà mình. Ở vùng Jeolla-do, người ta còn có tập tục là mời rượu người ở của những nhà có sản lượng thu hoạch lớn nhất và bầu họ là một “Trạng nguyên nông nghiệp”. Người này sẽ được bôi mặt đen, khoác áo tơi Dorongi, đội nón sậy Satgat và cưỡi bò đi quanh làng (Ngày xưa, khi chưa có áo mưa, người Hàn Quốc đội mũ đan bằng tre Satgat và mặc áo bện bằng rơm Dorongi để che mưa). Nếu người ở đó là trai chưa vợ hay là gà trống nuôi con thì còn được gả cho các cô, các bà vừa lứa, và được tặng cả đồ gia dụng. Ngày Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày tết của người ăn kẻ ở, ngày vui của mọi người và là ngày chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khó. Đây chính là nét văn hóa truyền đời đáng qúy của ông cha người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đội mũ đan bằng tre Satgat và mặc áo bện bằng rơm Dorongi để che mưa

Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới