Như báo chí viết, mỗi ngày đều gia tăng áp lực bởi vấn đề khúc mắc trong quan hệ với chính quyền và điều chính yếu nhất là uy tín của nghề giáo đang giảm sút trông thấy.
Bức tranh như vậy có vẻ xa lạ đối với thế hệ người Hàn Quốc trung niên và cao tuổi, những người mà giáo viên là nhân vật gần như thần thánh cao siêu. Không ngẫu nhiên mà ở Hàn Quốc từng phổ biến câu châm ngôn “thầy giáo, cha và vua – cùng là một”. Mới chỉ vài ba chục năm trước, kỷ luật trong các trường học Hàn Quốc ở mức kiểu mẫu lý tưởng. Rất ấn tượng bởi hình ảnh những lớp học rộng thênh thang với sĩ số học trò thường lên đến 50 người. Ở hầu hết các quốc gia khác, một lớp học đông như vậy rất khó quản lý, nhưng ở Hàn Quốc thì giáo viên thực hiện nhiệm vụ sư phạm một cách dễ dàng bởi không học trò nào dám tranh cãi với thầy, có thái độ hỗn xược hoặc tệ hơn là phát biểu ý kiến chống lại uy tín của giáo viên.
Vị thế uy tín cao của giáo viên trung học Hàn Quốc thời trước chủ yếu dựa trên hai yếu tố: thứ nhất là văn hóa Nho giáo, và thứ hai là vai trò đặc biệt của giáo dục, đảm bảo chức năng động lực của “chiếc thang máy cộng đồng”, tức là co hội thăng tiến trong xã hội cho người có học vấn.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, văn hóa Nho giáo ở Hàn Quốc có sự đổ vỡ rõ rệt. Xã hội Hàn Quốc phương Tây hóa nhanh chóng, về cả tính chất tự nhiên và văn hóa tinh thần. Đóng vai trò ngày càng lớn là chủ nghĩa cá nhân và thành công cá nhân. Hình mẫu con người Hàn Quốc hiện đại không còn ở trong các chủ thuyết cổ xưa, mà là trong điện ảnh hiện đại và phim truyền hình nhiều tập, thường được dàn dựng ở phương Tây hoặc sao chép bảng mẫu giá trị của xã hội tư bản với sự thống soái của văn minh tiêu dùng hiện đại.
Song vẫn còn một nguyên nhân hệ trọng hơn lý giải sự suy giảm quyền lực và danh giá của giáo viên, hàm chứa trong việc thay đổi chức năng của giáo dục trung học Hàn Quốc. Đại loại cho đến đầu những năm 1970, các trường trung học Hàn Quốc vẫn đóng vai trò “thang máy cộng đồng” mở đường cho sự nghiệp và thành công. Năm 1965 chẳng hạn, chỉ có khoảng 1/3 người Hàn Quốc tốt nghiệp trung học phổ thông. Thời đó, Chứng chỉ hoàn tất trung học giống như chiếc chìa khóa vàng mở ra nhiều con đường tới thành tựu danh vọng xã hội và cuộc sống sung túc. Dễ hiểu là bối cảnh đó không thể không dẫn đến thực tế là người thầy trong trường phổ thông được trọng vọng như ân nhân mở cửa vào tương lai, còn cơ hội đến trường đi học cũng ngang với đặc ân chẳng phải dành cho tất cả.
Ngày nay, thăng tiến xã hội vẫn là yếu tố quan trọng đối với người Hàn Quốc, nhưng vai trò của “thang máy cộng đồng” bây giờ do các trường đại học đảm nhận, hơn nữa không phải toàn bộ các trường, mà chỉ riêng một số cơ sở nổi tiếng, như Đại học Tổng hợp Quốc gia Seoul hoặc Đại học Tổng hợp Koryo. Giáo dục trung học từ lâu đã là phổ cập, 99% cư dân Hàn Quốc đều tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong điều kiện đó, chỗ ngồi trong lớp ở trường trung học ngày càng không phải là cơ may ưu tiên mà chỉ là nghĩa vụ tẻ nhạt đáng chán. Ở đây có vai trò của thực tế là bây giờ hầu như mọi người Hàn Quốc đều đến trường, trong đó có những người chẳng thấy cần dành tôn trọng đặc biệt cho học vấn. Tất nhiên, nhà trường vẫn giữ vị trí không thể thiếu trong việc chuẩn bị các kỳ thi tuyển sinh, nhưng thời nay thành tích thi cử không gắn với kết quả dùi mài, chuyên cần với sách vở, mà là việc ôn luyện tại các trường lớp tư được gọi là hakvonov.
Có thể hoan nghênh những thay đổi này, hoặc có thể phê phán, nhưng chẳng một ai có thể làm tiến trình như vậy ngừng lại. Đó là lý do tại sao uy tín của nhà trường và giáo viên đã suy giảm ở Hàn Quốc. Dù thích hay không, nhưng nó là thực tế không tránh khỏi. Tuy nhiên người ta vẫn phải thừa nhận một điều: tất cả những thay đổi này cho thấy Hàn Quốc đang ngày càng trở thành một đất nước bình thường trong thế giới hiện đại. Ở hầu hết các nước phát triển, những người làm nghề sư phạm đã từ lâu đã phải đối mặt với chính xu thế hiện thực như vậy.