Năm 2092, Trái đất ô nhiễm, con người phải tìm những vùng đất mới trong vũ trụ để sinh sống. Tập đoàn UTS muốn cải tạo sao Hỏa thành ngôi nhà mới cho người giàu. Người nghèo bị bỏ lại, hoặc trở thành những người “quét rác” dọn dẹp các mảnh vỡ trôi nổi ngoài không gian.
Song Joong Ki vào vai Tae Ho, một thành viên có quá khứ phức tạp của tàu thu phế liệu Victory. Trên tàu còn có Thuyền trưởng Jang (Kim Tae Ri), robot Bubs (Yoo Hae Jin), cựu mafia Tiger Park (Jin Seon Kyu). Ngày nọ, họ phát hiện trong đống phế liệu thu về có một em bé robot tên Dorothy – đối tượng UTS và nhóm khủng bố Cáo Đen đang truy lùng. Phi hành đoàn của Tae-ho ban đầu định trao đổi Dorothy lấy tiền thưởng, nhưng dần nảy sinh tình cảm với bé.
Trang Koreanfilm nhận định Space Sweepers là bom tấn Hàn đầu tiên thuộc thể loại space opera (chính kịch không gian), giống thương hiệu nổi tiếng Star Wars. Cây viết Karen Han của Slate nhận xét hình ảnh phim chịu ảnh hưởng từ vài tác phẩm điện ảnh Mỹ như Blade Runner, Guardians of the Galaxy: qua trang phục, vũ khí của các phi hành gia đến thiết kế nội thất tàu Victory, các thiết bị tương lai.
Đạo diễn kiêm biên kịch Jo Sung Hee nói anh phát triển kịch bản dựa trên nỗi lo về rác thải vũ trụ. Theo Sung Hee, khi con người có nền khoa học phát triển đủ để chinh phục không gian, họ cũng tạo ra những nguy hiểm mới cho sự tồn vong của nhân loại. Anh chủ đích dùng hình ảnh để xây dựng những thái cực đối lập đó. Tạo hình tàu Victory được thiết kế trái ngược với hình dung bóng bẩy của tàu không gian trong các phim Hollywood. Con tàu trong Space Sweepers là tàu nhặt phế liệu, mang vẻ ngoài lam lũ – trái ngược với sự xa hoa trong các phân cảnh nơi ở của người giàu.
Jo Sung Hee còn tập trung vào những cảnh hành động, nhằm kích thích thị giác người xem. Trên Sina, anh cho biết: “Mối quan tâm của chúng tôi, đặc biệt với các cảnh tàu không gian rượt đuổi nhau, là làm sao khiến chúng trở nên hồi hộp và gay cấn nhất có thể”. Theo số liệu từ Netflix, Space Sweepers có 2500 cảnh quay, 2000 cảnh trong số đó được thực hiện bằng kỹ xảo vi tính. Các cảnh đuổi theo rác vũ trụ, chiến đấu… được quay với tốc độ cao, tăng kịch tính qua từng khung hình.
Tập trung vào mảng hình ảnh, nên nội dung của Space Sweeper lộ nhiều thiếu sót. Vai chính Tae Ho có quá khứ đen tối, tuy nhiên hành trình “chuộc tội” của anh lại diễn ra thiếu điểm nhấn. Đến hồi giữa, phim tập trung vào những cảnh nhân vật hoặc chạy trốn, hoặc đối đầu với kẻ địch, biến Tae Ho thành kiểu “anh hùng hành động” một màu thường thấy trong phim Hollywood. Mô típ của phim là thành viên tàu Victory gặp trở ngại, rồi vượt qua nhờ may mắn – lặp lại nhiều lần, khiến người xem ngao ngán.
Giống như nhiều bộ phim Hàn Quốc ăn khách trước như Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 hay Train to Busan, Space Sweeper cũng có một nhân vật nhí dễ thương – bé Dorothy – đóng vai trò là trung tâm cảm xúc. Tuy nhiên, nửa sau phim tập trung vào mối quan hệ giữa Tae Ho và Dorothy, khiến các thành viên còn lại của tàu Victory mờ nhạt. Các sức mạnh kinh khủng của bé Dorothy được giới thiệu ban đầu cũng không được mang ra sử dụng trong tình huống hiểm nghèo, khiến người xem chưa thuyết phục.
Phim còn lộ điểm yếu khi nhồi nhét nhiều thông điệp về bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, độc quyền kinh tế, mối quan hệ giữa người máy và con người. Chuỗi giá trị này bị khai thác một cách hời hợt, chỉ được nêu ra trong vài phân đoạn, rồi trở nên lạc lõng trong câu chuyện tràn ngập tiếng cháy nổ.
Cách kể chuyện ôm đồm cùng nhân vật một màu khiến dàn sao trong phim không có cơ hội thể hiện khả năng. Những gương mặt ăn khách của điện ảnh Hàn như Song Joong Ki, Kim Tae Ri,… chỉ dừng ở mức tròn vai, không tạo được điểm nhấn. Ở nhiều phân đoạn, diễn xuất bị “kịch” của các diễn viên gây khó chịu.
Theo Variety, Space Sweepers ra đời cho thấy nền điện ảnh Hàn đã có sự đa dạng về thể loại. Tuy nhiên, hành trình chinh phục khán giả toàn thế giới vẫn còn dài. Trên Rotten Tomatoes, tác phẩm nhận gần 70% phê bình tích cực từ giới chuyên môn.