Tuy nhiên, cơn sốt học thêm đang dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Hôm 13-11, khoảng 650.000 học sinh cấp III Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học.
Đây là sự kiện quan trọng đến mức Bộ Giao thông cấm các chuyến bay cất và hạ cánh khi bài thi nghe ngôn ngữ diễn ra, quân đội hoãn các cuộc tập trận không quân và bắn đạn thật.
Mọi doanh nghiệp, công sở, văn phòng và thị trường chứng khoán mở cửa muộn 1 giờ để đảm bảo giao thông thông thoáng, giúp học sinh đến địa điểm thi kịp lúc.
Thiếu niên Hàn Quốc chịu áp lực học hành quá lớn – Ảnh: AFPỞ Hàn Quốc, việc đậu đại học, đặc biệt các trường danh tiếng, là cánh cửa dẫn tới một sự nghiệp ổn định và cả hạnh phúc hôn nhân. Thất bại đồng nghĩa với tương lai u ám. Du học cũng là giấc mơ lớn.
Theo báo Wall Street Journal, công dân Hàn Quốc là cộng đồng sinh viên nước ngoài lớn thứ ba ở Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các “lò” luyện thi, được gọi là “uhakwon”, đóng vai trò trung gian mở ra khung trời mơ ước cho học sinh cấp III Hàn Quốc.
18-20 tỉ USD/năm
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2013 các gia đình chi tới 18-20 tỉ USD tiền học thêm cho con em. Trung bình các phụ huynh có con cái trong tuổi đi học tiêu tốn khoảng 25% thu nhập cho việc học hành của con, bao gồm 12% dành cho việc học thêm.
Hiện ở Hàn Quốc có gần 100.000 uhakwon đang hoạt động. Giáo viên dạy thêm tiếng Anh nổi tiếng Kim Ki Hoon kiếm được tới 4 triệu USD trong năm 2013 nhờ các buổi dạy thêm qua mạng Internet. Khoảng 1,5 triệu học sinh Hàn Quốc tham gia các khóa học của giáo viên Kim.
Ước tính 70% học sinh cấp III Hàn Quốc đi học thêm. Không chỉ luyện thi đại học trong nước, học sinh Hàn Quốc còn lao đầu vào các uhakwon để luyện thi du học.
Các lò luyện thi Scholastic Aptitude Test (SAT), kỳ thi chuẩn hóa với kết quả làm căn cứ quan trọng xét tuyển đại học ở Mỹ, ra giá tới 150.000 USD một khóa luyện thi SAT kéo dài tám tuần. SAT chỉ là một phần trong rất nhiều tiêu chí xét tuyển đại học ở Mỹ như học bạ cấp III, luận văn, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa…
Nhưng với các bậc cha mẹ, đánh giá “hiệu suất đầu tư” cho con cái không gì cụ thể bằng điểm thi. Để giúp học sinh tiến bộ, các uhakwon như REAL SAT ở Seoul tổ chức học hè tám tuần đặc biệt.
Học sinh phải học từ 7g sáng tới 10g tối từ thứ hai tới thứ bảy hằng tuần và từ 11g sáng tới 10g tối các ngày chủ nhật. Ngoài luyện thi SAT, các uhakwon còn cung cấp dịch vụ tư vấn viết luận văn cho học sinh với cái giá 15.000 USD/gói.
Sự đầu tư dữ dội đó đem lại những kết quả rất đáng kể. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học của Hàn Quốc lên đến 93%, vượt xa con số 77% của Mỹ. Kết quả cuộc thi PISA của khối các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy học sinh 15 tuổi Hàn Quốc xếp thứ năm về toán học và thứ bảy về khoa học trong số 64 quốc gia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng lên tiếng ca ngợi thành tích học tập và thi cử của học sinh Hàn Quốc.
Hậu quả nghiêm trọng
Tuy nhiên Hàn Quốc cũng đang phải trả cái giá rất đắt cho cơn sốt học thêm. Theo báo Financial Times, khảo sát năm 2013 ở quận Seocho-gu thuộc thủ đô Seoul cho thấy cứ bảy học sinh thì có một em bị vẹo cột sống. Có tới 3/4 học sinh cấp III ở Seoul bị cận thị. Ngày càng nhiều học sinh bị mắc “hội chứng cổ rùa” (đầu không giữ thẳng được mà hướng ra phía trước như đầu rùa).
Giới chuyên gia xã hội cảnh báo việc các hộ gia đình phải chi tiêu quá nhiều cho hoạt động học và luyện thi của con em đã tạo ra gánh nặng tài chính lớn.
Đó là nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ sinh tại Hàn Quốc tụt xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2013, chỉ 8,6 trẻ sơ sinh trên 1.000 người. Việc nhồi nhét kiến thức khiến học sinh Hàn Quốc chỉ giỏi học thuộc lòng mà đánh mất sự sáng tạo.
Kết quả thi PISA cho thấy học sinh Hàn Quốc chỉ xếp thứ 62 trên 64 nước khi giải quyết các vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự sáng tạo.
Áp lực học hành khiến học sinh Hàn Quốc xếp hạng chót trong kỳ thi PISA về sự hạnh phúc tại trường học.
Khảo sát hồi tháng 2-2014 của Tổ chức Tăng cường sức khỏe Hàn Quốc (KHPF) cho thấy hơn 50% học sinh Hàn Quốc tuổi từ 14-19 được hỏi cho biết từng nghĩ đến chuyện tự sát. Hơn 40% cho biết áp lực học hành và tương lai là mối lo lớn nhất. Tỉ lệ tự sát ở người từ 15-24 tuổi tại Hàn Quốc tăng lên 13 trường hợp tử vong trên 100.000 năm 2011, cao hơn hẳn so với mức 7,7 của năm 2001.
Giáo sư Ju Ho Lee, cựu bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc, khẳng định mô hình giáo dục hiện tại từng là trụ cột giúp quốc gia này đạt được những thành tựu kinh tế thần kỳ, tuy nhiên đã đến lúc Hàn Quốc cần phải thay đổi.
“Chúng ta phải cải tổ hệ thống giáo dục theo hướng không còn dựa trên điểm số mà trên sự sáng tạo, năng lực xã hội và cảm xúc” – giáo sư Lee nhấn mạnh.
Hạn chế uhakwon
Trên thực tế, chính quyền Hàn Quốc từng có nhiều nỗ lực hạn chế hoạt động của các uhakwon. Các “lò” luyện thi bị cấm hoạt động quá 10g đêm, nhân viên thanh tra của chính phủ có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào. Chính quyền cấm các uhakwon dạy các bài học trước chương trình học trên lớp và đặt mức trần học phí học thêm. Tuy nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy cơn sốt học thêm ở nước này sẽ nguội đi.