Tết Nguyên tiêu, đêm trăng thanh gió mát của một chu kỳ xuân mới ấm áp, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh.
Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian. Tết Nguyên tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận.
Tết Nguyên Tiêu, tức ngày 15 tháng Giêng là ngày lễ lớn tại Hàn Quốc, được gọi là Daeboreum (대보름) hay Jeongwol Daeboreum (정월대보름), tức là Rằm Cả. Trung Quốc thì họ gọi ngày này là Thượng Nguyên, một trong Tam Nguyên cùng với Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Hạ Nguyên (rằm tháng Mười), là ngày Thiên quan Tứ phúc. Nhật Bản thì gọi ngày này là Tiểu Chính Nguyệt, là ngày lễ, được nghỉ làm. Những cái tên của Trung Quốc đều xuất phát từ tín ngưỡng Đạo Giáo, không phải tín ngưỡng tôn giáo.
Ngày Rằm tháng Giêng là Thượng nguyên; Rằm tháng 07 là Trung nguyên; rằm tháng 10 là Hạ nguyên, một lễ tết truyền thống vốn có từ lâu đời. Theo các kinh sách Phật giáo, ngày mồng một và ngày rằm là ngày của Phật hay của Bụt. Ngày Rằm tháng Giêng là ngày duyên lành phổ độ, ngày Đức Phật giáng lâm xuống các chùa chiền để chứng độ lòng thành của tín chúng đạo hữu. Cho nên, các ngôi chùa vào Rằm tháng Giêng đèn hoa cờ phướn kết dày lộng lẫy, người người đi lễ Phật rất đông, để cầu xin Phật phù hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an.
Năm nay Rằm tháng Giêng rơi vào ngày 22 tháng 02 dương lịch. Tới phân nửa phong tục tập quán truyền thống của Hàn Quốc diễn ra trong tháng Giêng, và già nửa trong số này có liên quan đến ngày thứ 15 này của tháng đầu tiên trong năm mới theo âm lịch. Dạo này người ta dần lãng quên ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng chứ xưa kia đây là một ngày lễ tết lớn, được tổ chức linh đình chẳng kém gì Tết Nguyên Đán Seolnal. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc xưa kia được gọi là Hanyang (Hán Dương).
Tại Hàn Quốc, Rằm Cả tượng trưng cho phụ nữ, âm tính của đất (Địa), gắn liền với văn hóa canh nông. Việc coi Trăng và Đất là Âm và Nữ xuất phát từ tín ngưỡng Địa Mẫu Thần.
Tại Hàn Quốc, ngày này người ta cũng rượu, cơm nấu từ ngũ cốc, bánh Ddeok (bánh bột gạo) và bánh Mantu (gần như há cảo).
Cũng vào ngày này, người Hàn Quốc lấy cơm nguội ra cũng Quạ và Ác Là vì xuất phát từ truyền thuyết rằng có một thời, trong một trận chiến, năm thứ 10, đời Chiêu Trí Vương thứ 21 (năm 488), Chiêu Trí Vương lâm nạn trong trận chiến, bỗng nhiên có lũ quạ và chuột xuất hiện, chuột bỗng nói tiếng người rằng “Bệ hạ cứ theo lũ Quạ mà đi sẽ thoát nạn”. Câu chuyện thì dài nhưng tóm lại là nhờ Quạ mà sống nên Chiêu Trí Vương quyết định chọn ngày rằm đầu tiên trong năm để cúng trả ơn Quạ, nên ngày này còn gọi là Ô Kỵ Nhật.
Sau một năm lao động vất vả, người dân tự thưởng cho mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, du xuân. Tết Nguyên Tiêu đánh dấu sự kết thúc tháng “ăn chơi” để bắt tay vào công việc của một năm mới. Tết Nguyên Tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ còn gọi là tết Thượng Nguyên. Nguyên tiêu (元宵) nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức rằm tháng giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân. . .
Phong tục nổi tiếng của người dân kinh thành Hanyang trong ngày Rằm tháng Giêng là Dapgyonori, tạm dịch là “Trò chơi giẫm cầu”. Người ta tin rằng đi bộ qua cầu trong đêm rằm này thì đôi chân mình sẽ cứng cáp khỏe mạnh cả năm. Vào đêm Nguyên Tiêu, người dân Hàn Quốc tụ tập về dòng suối Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) để giẫm cầu nhiều tới mức các học giả phải viết bố cáo cảnh báo hiện tượng phụ nữ và trẻ em có thể bị va chạm và tổn thương khi tham gia trò chơi dân gian Dapgyonori. Trò chơi dân gian giẫm cầu Dapgyonori đã từng được phổ biến trên toàn Hàn Quốc.
Vào dịp này, các phường hát Soripae thường đổ dồn tới khu vực suối Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) trình diễn. Và nhạc phẩm được các nghệ sĩ hát nhiều nhất đó là khúc tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non). Tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non) được lưu truyền từ vùng Seoul, Gyeonggi và vùng Seodo (thuộc tỉnh Hwanghae và tỉnh Pyeongan của Bắc Triều Tiên). Khi người trưởng nhóm Mogap đánh trống cái bắt nhịp và cất tiếng hát thì những thành viên khác trong đoàn sẽ cầm trống nhỏ Sogo nhảy múa hoặc hát theo nhịp của trưởng nhóm Mogap. Khúc tạp ca núi non Santaryeong là tập hợp của các trích đoạn Nollyang, Apsantaryeong, Dwitsantayryeong, Jajinsantaryeong….
Ở vùng nông thôn, để cầu nguyện cho một năm mùa màng bội thu, người ta còn tổ chức trò chơi đốt đống lửa lớn mà những thanh củi được lấy từ cây thông và các sợi đay do cả làng kỳ công bện từ dịp Tết trước đó có tên là “Daljip Taeugi”. Bọn trẻ thì tham gia trò Jwibulnori, một trò chơi dân gian đốt lửa trên cánh đồng để tiêu diệt côn trùng và chuột bọ. Lũ trẻ chạy chơi khắp nơi và châm lửa trên các bờ ruộng trống.
Deowipalgi nghĩa là “Bán cái nóng” cũng là một trong những phong tục cổ truyền của người dân Hàn Quốc trong ngày Rằm tháng Giêng. Tục truyền rằng vào buổi sáng ngày này, dân chúng gặp ai thì sẽ gọi tên người đó, nếu người được gọi mà trả lời thì người gọi sẽ nói thật to câu “Naedeowi” (Cái nóng của tôi), thế là cái nóng của người gọi tên người kia sẽ được bán hết cho người bị gọi tên. Người Hàn Quốc xưa kia tin rằng nếu làm như vậy thì mùa hè năm đó họ sẽ không bị nóng nực nữa. Vậy thì chẳng lẽ người bị gọi tên sẽ phải chịu ấm ức sao? Nếu người bị gọi tên ứng xử nhanh và nói trước được câu “Naedeowi Matdeowi” (Cái nóng của tôi chặn cái nóng) thì ngược lại người định bán cái nóng của mình cho người kia sẽ phải mua cái nóng của người kia. Có thể coi phong tục Bán cái nóng Deowipalgi là một trò đùa vui trong sáng ngày Rằm tháng Giêng.
Trong tư duy của người Hàn hình thành khái niệm Samjae (Tam tai) chỉ “ba cái hạn” mà một người có thể sẽ gặp phải trong năm tuổi của mình. Vốn dĩ Samjae là tai nạn do nước, lửa và gió gây ra. Vào dịp Rằm tháng Giêng, người Hàn làm nghi thức xóa bỏ Vận hạn, Tai ương.
Ogokbap (Cơm ngũ cốc) là món ăn tiêu biểu trong ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc. Ngoài ra người ta cũng chế biến nhiều món rau được thu gom phơi khô và bảo quản cẩn thận từ mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông năm trước. Theo quan niệm dân gian Hàn Quốc thì vào buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng nếu uống một chút rượu Soju hoặc rượu chưng cất Cheongju thì tai sẽ nghe rõ cả năm nên loại rượu này còn có tên gọi là “rượu thính tai” Gwibalkisul. Phong tục uống rượu thính tai Gwibalkissul hàm ý khuyên con người lắng nghe lời nói của người khác trong dịp đầu năm mới.
Xưa kia mọi người sinh ra và lớn lên ở cùng một ngôi làng. Rồi họ cùng làm nông nghiệp và chia sẻ với nhau miếng cơm manh áo. Khi được mùa và săn bắn được nhiều thú vật, thì cuộc sống của cả làng đều sung túc ấm no. Còn lúc mất mùa hay gặp hoạn nạn, thì cả làng phải gánh chịu. Chính vì vậy mà tình đoàn kết và hợp tác của dân chúng trong làng trở thành vấn đề sinh tồn và còn quan trọng hơn cả vấn đề đạo đức. Hàng năm, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, ngày rằm đầu tiên của một năm mới, dân chúng thường tổ chức long trọng nghi thức tế lễ lên đồng cầu nguyện cho sự bình an và ấm no của làng xã. Bên cạnh đó người ta còn tổ chức hàng loạt các trò chơi dân gian như trò kéo co Juldarigi để tăng cường tình đoàn kết của dân làng. Những dịp này không bao giờ vắng bóng tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống.