Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
spot_img

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tiết đông chí và dịp lễ Giáng sinh

Ngày đông chí ở Hàn Quốc

Thứ Hai (22/12) tuần này là ngày có đêm dài nhất và ngày hôm sau đó là ngày có thời gian ban ngày dài nhất trong năm. Đây còn được gọi là tiết đông chí. Người Hàn Quốc xưa kia coi tiết đông chí là ngày Mặt trời phục sinh và coi đây là ngày đầu tiên của một năm. Vào dịp này, triều đình còn làm lịch năm mới phân phát cho bách tính. Vào ngày đông chí, người Hàn Quốc ăn cháo đậu đỏ Patjuk vì tin rằng màu đỏ của đậu có thể xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Đông chí là ngày 23 tháng 12 dương lịch nhưng lại rơi vào tháng 11 âm lịch, nên từ xa xưa người Hàn Quốc đã gọi tháng 11 âm lịch là Dongjitdal, tức tháng Đông chí. Vầng trăng đêm đông chí xưa kia đã được miêu tả trong một áng thơ cổ Sijo của Hwang Jin-yi, một kỹ nữ xinh đẹp nổi tiếng về tài cầm kỳ thi họa trong triều đại Joseon của Hàn Quốc, rằng:

Quấn quanh eo đêm Đông chí dài thật dài

Ủ ấm đêm trong chăn gió xuân,

Khuya chàng đến ta trải ra từng mảnh

Áng thơ là trải lòng của nàng Hwang Jin-yi về nỗi cô đơn, đau đáu nhớ người thương trong đêm đông cô quạnh dài dằng dặc. Nàng những mong cắt nhỏ đêm dài rồi ủ ấm dưới chăn bông để dành khi xuân sang, băng trên sông tan chảy, người thương đến sẽ chắp nối cho đêm trường thêm dài dài mãi. Không biết chàng trai nào lại có diễm phúc được một người con gái xinh đẹp tài ba như nàng Hwang Jin-yi trao trọn tâm tình cháy bỏng tới vậy

Dịp lễ Giáng sinh ở Hàn Quốc

Thường thì hai hôm sau tiết đông chí sẽ là Giáng sinh, kỷ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời. Thực tế thì không ai biết rõ ngày Chúa Giê-su ra đời. Thời cổ đại, người ta kỷ niệm ngày Mặt trời phục sinh sau “ngày có đêm dài nhất”, vì hình ảnh phục sinh của Mặt trời trùng với hình ảnh phục sinh của Đức Chúa Giê-su nên người ta đã đổi thành ngày chúc mừng Giáng sinh. Trên cả ý nghĩa phục sinh, lễ Giáng sinh là ngày để người đời gợi nhớ về cuộc đời của vị thánh hiền Giê-su và ý nghĩa những lời dăn dạy của người. Một lần vào năm 1970, mục sư Jo Hyang-rok mang một kịch bản tới gặp danh ca Park Dong-jin và yêu cầu ông soạn nhạc cho kịch bản. Thời đó, danh ca Park Dong-jin là người không theo tôn giáo nào, ông đồng ý tác nghiệp và đây cũng chính là khởi nguyên của nhạc phẩm hát kể chuyện Pansori Yesujeon (Truyện Chúa Giê-su). Dần dà danh ca Park Dong-jin đã trở thành tín đồ của đạo Tin lành.

Công giáo (còn gọi là Thiên chúa giáo) du nhập vào Hàn Quốc từ thế kỷ thứ XVII, và được tiếp nhận như một ngành học thuật gọi là Seohak, tức “Tây học”. Nhưng đạo Tin lành thì phải tới thế kỷ thứ XIX mới du nhập vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi các nhà khảo cổ khai quật một ngôi mộ thời đại Silla thống nhất (thế kỷ VII – X) ở thành phố Gyeongju (tỉnh Bắc Gyeongsang) thì phát hiện thấy cả cây thánh giá và tượng Đức Mẹ đồng trinh Maria. Tương truyền rằng vào khoảng từ thế kỷ thứ VII, một tông phái đạo Cơ đốc gọi là Cảnh giáo (còn gọi là Giáo hội Phương Đông) từng lan truyền rộng sang nhiều nơi khác ở phương Đông và châu Á, đặc biệt tại nhà Đường Trung Quốc. Trong vòng mấy trăm năm, nhánh đạo Cơ đốc này được đón nhận không thua kém đạo Phật. Giới chuyên gia phỏng đoán rằng Cảnh giáo đã được lưu truyền tới vương quốc Silla. Xét ở khía cạnh này thì đạo Cơ đốc đã có lịch sử phát triển khá lâu dài ở Hàn Quốc. Vào mỗi dịp Giáng sinh hàng năm, ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc đều vang vọng những bài hát mừng ngày Chúa Giê-su ra đời. Nhưng năm nay, do dịch COVID-19 bùng phát khiến Chính phủ siết chặt các biện pháp phòng dịch, nên không khí đêm lễ Giáng sinh có phần trầm lắng hơn mọi năm. Hy vọng không khí đêm lễ Giáng sinh năm sau sẽ náo nhiệt, đầm ấm trở lại.

* Nhạc phẩm Dongjitdal (Trăng đêm đông chí) thuộc dòng Wujo Isudaeyeop dành cho giọng nữ / Ji Min-ah 

* Trích đoạn “Chúa Giê-su ra đời trong máng cỏ” của nhạc phẩm hát kể chuyện Pansori sáng tác mới Yesujeon (Truyện Chúa Giê-su) / Park Dong-jin (hát), Ju Bong-sin (trống Buk)

* Nhạc phẩm Winter Wonderland (Thiên đường mùa đông) / Jeong Gil-seon (đàn tranh Gayageum)

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới