Thứ hai, Tháng Một 20, 2025
spot_img

Chọn ở lại hay thoát khỏi Seoul

TTO – Trong khi phần lớn giới trẻ Hàn Quốc vẫn bị thu hút bởi sự hào nhoáng và tiềm năng hứa hẹn của thủ đô Seoul, một số còn lại thì đang tìm đến những khu vực ít đông dân hơn thủ đô, nơi mà họ có thể tận hưởng cuộc sống.

Chợ Myeongdong ở Seoul, nơi nổi tiếng là thiên đường mua sắm ở thủ đô Hàn Quốc – Ảnh: Telegraph

Đối với Kim Joo Tak và Noh Geon Hwi, cùng 20 tuổi, Seoul đại diện cho 2 mặt của một đồng tiền: khả năng làm giàu khi sống trong một đô thị chục triệu dân, và sự bất bình đẳng đi kèm với nó.

Không còn là miền đất hứa duy nhất

Theo bài phóng sự của báo South China Morning Post đăng tải mới đây, thanh niên từ khắp nơi trên đất nước lũ lượt đổ về khu vực thủ đô Seoul – bao gồm Seoul, tỉnh Gyeonggi và Incheon – để tìm việc làm, giáo dục và cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.

Bên cạnh những trường học và nơi làm việc có thể nói là tốt nhất nước, khu vực thủ đô Seoul đang là nơi đặt trụ sở chính của 14 công ty trong danh sách Fortune Global 500 (danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới tính theo doanh số), trong đó bao gồm cả Samsung và LG.

Kim Joo Tak, 27 tuổi, thất nghiệp và sống cùng cha mẹ tại thành phố Mungyeong, tỉnh Gyeongsang trước khi chuyển tới Seoul cách đây 3 năm với hi vọng tìm được việc làm nhà nước.

Kim sống ở ngoại ô phía bắc Seoul và hằng ngày phải làm nhiều việc bán thời gian và học luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Sống ở khu vực thủ đô khiến Kim phải đối mặt với những bất tiện kèm theo. “Lái xe hơi hay đi phương tiện công cộng trong thành phố đều khó chịu do kẹt xe kéo dài hàng giờ”, Kim cho biết.

“Những người ở độ tuổi của tôi cũng không thể sống tại trung tâm vì giá nhà rất cao” – Kim nói. Anh hiện thuê nhà với giá 360 USD/tháng, nhưng ước tính giá thuê nhà ở trung tâm phải đắt hơn gấp 3 lần.

Đối với nhiều người như Kim, sự hứa hẹn về cơ hội việc làm, mối quan hệ và đời sống xã hội khiến việc chuyển tới Seoul là lựa chọn hợp lý hơn các vùng xa xôi của đất nước. Nhưng với người như Noh, các vấn đề của thủ đô như ô nhiễm, ngột ngạt, giá nhà đất cao chót vót và bất bình đẳng kinh tế trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19, khiến rời khỏi Seoul là lựa chọn phù hợp hơn.

Năm 2018, Noh rời Seoul tới Naju, một thành phố cách Seoul khoảng 285km về phía nam với hơn 100.000 dân. Anh bắt đầu thành lập công ty sản xuất nội dung video ở đây cùng những người bạn về từ Seoul.

Nhờ chính phủ đang có chính sách thúc đẩy đầu tư vào việc đổi mới ở các vùng nông thôn, đồng thời hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, Naju đã phát triển từ “một nơi không có con kiến nào sống”, theo lời Noh, thành một thành phố trẻ trung với đầy đủ nhà hàng, quán xá.

“Mục tiêu của chúng tôi là muốn nói với giới trẻ rằng tất cả những gì bạn cần làm là tận hưởng cuộc sống. Và bạn không cần thiết phải làm điều này ở Seoul hay làm việc trong một tập đoàn lớn – Noh nói – Chúng tôi đang chờ đợi sự bùng nổ tương tự ở các vùng nông thôn khác trên cả nước”.

Dời thủ đô hành chính từ Seoul đến Sejong

Lựa chọn rời khỏi Seoul của những người trẻ như Noh và sự thay da đổi thịt của Naju phản ánh một xu hướng lớn hơn, chính là kế hoạch tái phân bổ dân cư và giảm tải dân số cho Seoul, mà trọng tâm là kế hoạch di dời thủ đô hành chính từ Seoul tới Sejong.

Việc di dời thủ đô hành chính Seoul tới Sejong phản ánh một sự thật cấp bách: nếu không giải quyết vấn đề đông dân ở Seoul, các vùng nông thôn của Hàn Quốc sẽ biến mất trong tương lai gần, theo Woo Won Shik – đại biểu Quốc hội của Đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc.

Dịch vụ thông tin việc làm Hàn Quốc đã phân loại 105 thành phố, quận và huyện là khu vực có nguy cơ biến mất trong tổng số 228 thành phố. Một thành phố được coi là có nguy cơ biến mất khi dân số phụ nữ trẻ (20 – 39 tuổi) không bằng một nửa dân số cao tuổi (65 tuổi trở lên). Những khu vực này đối mặt với khả năng biến mất khỏi bản đồ trong 30 năm nữa nếu không có gì thay đổi.

Chính phủ Hàn Quốc đang muốn biến Sejong, thành phố cách thủ đô Seoul 120km về phía nam, thành một trung tâm hành chính “đa chức năng”. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2007 và tới năm 2012, 44 cơ quan hành chính trung ương và 16 viện nghiên cứu quốc gia đã chuyển tới thành phố này. Tuy vậy, Quốc hội và Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cùng với các văn phòng trung ương khác vẫn ở Seoul.

Tháng 7-2020, đại diện DP tại Quốc hội Hàn Quốc, ông Kim Tae Nyeon, đã đề xuất thành lập “Ủy ban đặc biệt về xây dựng thủ đô hành chính mới” để chính thức thảo luận vấn đề di dời thủ đô hành chính từ Seoul tới Sejong. Ông Kim Tae Nyeon khẳng định cần phải di dời toàn bộ Quốc hội, Nhà Xanh và Chính phủ tới Sejong mới giải quyết được những bất cập ở Seoul hiện tại.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới