Thứ tư, Tháng chín 18, 2024
spot_img

Vì sao khán giả châu Á ‘phát cuồng’ vì phim truyền hình ‘makjang’ của Hàn Quốc?

Xuất phát từ tiếng lóng Hàn Quốc, “makjang” là cụm từ chỉ tình tiết kịch tính hoặc phóng đại đến mức vô lý, hoang đường trong phim truyền hình. Người xem có thể bắt gặp những phân đoạn kinh điển của “makjang” như bí mật sinh con, hoán đổi thân phận, ngoại tình, âm mưu trả thù… Tất cả đều được cường điệu gấp nhiều lần so với cuộc sống thực tế, song vẫn đủ sức khiến khán giả toàn châu Á “phát cuồng”

“Cú tát kim chi” khuynh đảo màn ảnh nhỏ

Một trong những biểu hiện điển hình của “makjang” trong phim truyền hình Hàn Quốc là “cú tát kim chi”, bắt nguồn từ bộ phim Everybody, Kimchi! (2014). Sau khi biết tin con gái bị chồng phản bội, người mẹ trong tác phẩm phẫn nộ dùng cả cây kim chi để quật tới tập vào người anh con rể. Cú tát trời giáng sau đó trở thành từ khóa gây sốt mạng xã hội, mở đường cho nhiều pha “ra đòn” bằng thức ăn không ngờ đến như cú tát thịt ba chỉ trong phim Rude Miss Young Ae 14 (2015), cú tát kimbap trong phim Happy Sisters (2017) hay úp cả đĩa mì lên mặt đối phương trong phim Woman of Dignity (2017). Tuy không có ý nghĩa về mặt nội dung, “cú tát kim chi” làm tròn nhiệm vụ tạo tiếng cười thư giãn cho khán giả.

“Cú tát kim chi” khét tiếng là điển hình cho tình tiết “makjang” xuất hiện tràn ngập trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc
ẢNH: KOREABOO

Bên cạnh “cú tát kim chi”, phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập tình tiết khó hiểu đến mức vô lý. Trong phim Aurora Princess (2013), nhân vật nam chính kiên quyết không điều trị bệnh ung thư vì có suy nghĩ rằng các tế bào ung thư cũng là sinh vật sống, nên anh phải chung sống với chúng. Phân đoạn khiến khán giả vừa bật cười, vừa không hiểu biên kịch cài cắm ý đồ gì trong cảnh phim ngớ ngẩn này. Thậm chí, một vài ý kiến lên tiếng chỉ trích bộ phim tuyên truyền sai kiến thức y học, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.

Kịch tính, hấp dẫn và không thể rời mắt

Dù thiếu logic trầm trọng hay cường điệu một cách lố bịch, “makjang” vẫn trở thành đặc sản không thể vắng bóng trong phim truyền hình Hàn Quốc. Khán giả không ngớt trầm trồ khi chứng kiến màn đấu đá không từ thủ đoạn thâm độc nào, giả dạng người khác thành công chỉ bằng cách đổi kiểu tóc hoặc thêm nốt ruồi, hay pha “lật kèo” giữa đường do biên kịch cố ý sắp đặt. Sự giật gân mà “makjang” tạo ra biến trải nghiệm xem phim truyền hình thông thường thành chuyến tàu lượn siêu tốc. Tất cả góp phần thúc đẩy độ kịch tính và cảm giác hồi hộp cho khán giả, khiến họ không thể rời mắt khỏi màn hình vì sợ bỏ lỡ một cú twist bất ngờ nào đó.

Phân cảnh hỗn chiến giữa các gia đình giàu sang trong Sky Castle
ẢNH: JTBC

Nhiều bộ phim truyền hình xứ kim chi ra mắt vài năm qua chứa đựng yếu tố “makjang”, nhưng vẫn liên tục xô đổ kỷ lục rating. Sky Castle (2019) gây choáng váng qua màn hỗn chiến giữa các gia đình giàu sang hay kế hoạch trả thù của đứa con bị bố mẹ ép học hành. Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu  (2020) khiến khán giả nghẹt thở nhờ phơi bày cuộc chiến tranh giành quyền lực trong giới thượng lưu với đủ mọi kế hoạch hãm hại, trả thù. Đây vốn là chủ đề quen thuộc trong phim truyền hình Hàn Quốc và chưa bao giờ giảm sức hút vì đánh trúng thị hiếu xem phim của công chúng châu Á.

Hồi kết bất ngờ cho cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác

Theo SCMP, phim truyền hình “makjang” đã xây dựng thành công thế giới giữa thiện và ác. Nhân vật chính diện “năm lần bảy lượt” bị dồn vào đường cùng, chịu đựng mưu mô hãm hại không thể lường trước của nhân vật phản diện. Trải qua nhiều sự kiện, nhân vật chính diện dần thoát ra khỏi tính cách ngây thơ trong sáng ban đầu, bắt đầu “lột xác” về tâm lý lẫn hành động khi phát hiện loạt bí mật động trời xoay quanh cuộc sống của mình. Đây cũng là thời điểm nhà làm phim tung ra tình huống “makjang” kinh điển như ngoại tình, hoán đổi thân phận, phạm tội, trả thù… Sau nhiều màn rượt đuổi căng thẳng, sự trưởng thành của nhân vật chính diện và cái giá phải trả của nhân vật phản diện khiến khán giả thỏa mãn.

Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu khai thác sóng gió đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của giới nhà giàu
ẢNH: SBS

Thời gian gần đây, phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở hồi kết viên mãn dành cho nhân vật chính diện. Biên kịch thường có xu hướng áp dụng tình tiết “makjang” để mang đến kết thúc dang dở, ẩn chứa nghịch lý hoặc tiếp tục khơi gợi sự tò mò nơi người xem. Hành động này tạo ra hiệu ứng tranh luận, giúp phim duy trì sức nóng ngay cả khi đã kết thúc. Mặt khác, diễn biến bất ngờ đến khó hiểu của hồi kết cộng thêm “makjang” được xem là cách “dọn đường” khôn khéo cho tác phẩm sản xuất phần tiếp theo. Khán giả mong chờ nhà sản xuất thực hiện phần 2 cho Thế giới hôn nhân, bởi các nhân vật chính đi đến cuối phim vẫn chưa tìm thấy lối đi hạnh phúc. Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu kết thúc dở dang, nữ chính lương thiện Shim Su Ryeon chết thảm, còn nhóm nhân vật phản diện vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này khiến cho phần 2 của bộ phim chưa ra lò đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới