Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
spot_img

Phát nguyện và những mạnh thường quân của mỹ thuật phật giáo Hàn Quốc

Những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo trong rất nhiều ngôi chùa Hàn Quốc còn được truyền lưu cho đến nay đã được tạo ra để chuyên chở ước nguyện chân thành của những người cầu mong hòa bình và thịnh vượng cho đất nước, hay cầu nguyện cho cha mẹ và người thân được vãng sanh cõi Niết Bàn. Đồng thời, việc tham gia Phật sự có thể giúp người ta tích lũy công đức vô biên và đạt được sự giác ngộ. Ý thức cộng đồng cùng hợp sức để khắc phục những khó khăn khi gặp phải của người Hàn kết hợp với tín ngưỡng vị tha (tích lũy công đức để đem lại lợi ích cho người khác) trong Phật giáo tạo ra những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo tuyệt mỹ.

Từ lúc được du nhập vào bán đảo Korea, khoảng thế kỷ thứ 4 sau CN (thời Tam Quốc) cho đến nay, Phật giáo đã phát triển như một phần nội tại của văn hóa bản địa Hàn Quốc. Người Hàn đã nương nhờ quyền năng của Đức Phật để vượt qua những khó khăn như bệnh tật, đói nghèo, chiến tranh, thiệt hại do thiên tai… Những ước nguyện như thế đã tạo ra sự đa dạng về đối tượng tín ngưỡng và nghi lễ Phật giáo, đồng thời về lâu dài, trở thành động lực phát triển của lịch sử và văn hóa Hàn Quốc.

Trong “Phần mở đầu: Ý nghĩa của sự phát nguyện” (tiêu đề tiếng Anh là Significance of Buddhist Patronage) của triển lãm, thông qua những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo có niên đại từ thời Tam Quốc (37 tr. CN–668) và Silla thống nhất (668–935), người xem có thể khám phá ý nghĩa của sự phát nguyện cũng như bối cảnh lịch sử của thời mà Phật giáo được viện trợ chủ yếu bởi triều đình và hoàng gia. Những người đương thời tích lũy công đức bằng cách tham gia các Phật sự như xây chùa, dựng tháp đá, thờ phụng tượng Phật hoặc tranh Phật trong pháp đường, xuất bản kinh điển Phật giáo… Hầu hết những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo tìm thấy trong các ngôi chùa ở Hàn Quốc hiện nay có thể là thành quả của những công đức ấy và được chế tác bởi rất nhiều nhà tài trợ. Nội dung ước nguyện phổ biến nhất là cầu cho đất nước được yên bình, cầu cho bản thân, gia đình nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung đạt được sự giác ngộ để được vãng sanh cõi Niết Bàn.

Xây chùa và viện trợ Phật giáo để củng cố quyền lực tối cao của triều đình

Từ thời Tam Quốc đến thời Silla thống nhất, vì Phật giáo là điểm tựa tinh thần của nhà nước trung ương tập quyền nên nhà tài trợ lớn nhất cho việc xây dựng chùa chiền là triều đình và hoàng gia. Vào thời kỳ này, người ta thờ những vật đựng xá lợi trong tháp đá tại chùa. Vật đựng xá lợi điển hình mà triều đình Silla thống nhất thờ phụng là hộp đựng xá lợi trong ngọn tháp đá ba tầng ở chùa Hwangbok (Hoàng Phúc tự) ở phường Guhwang, thành phố Gyeongju. Phía bên trong nắp (bằng đồng, bên ngoài được mạ vàng) hộp xá lợi này có ghi chép rằng vua Hyoso (Hiếu Chiêu) đã cho xây ngọn tháp vào năm 692 để cầu nguyện cho tiên vương Sinmun (Thần Văn) và cầu phúc cho mẫu hậu là thái hậu Sinmok (Thần Mục). Nếu xem xét độ tuổi lúc bấy giờ của vua Hyoso là chỉ mới sáu tuổi thì người cho xây dựng tháp thật sự phải là thái hậu Sinmok. Mục đích xây tháp hàm chứa ý đồ chính trị nhằm xác lập quyền uy của nhà vua và hoàng gia và cho thiên hạ thấy tính hợp pháp trong việc kế vị vương quyền của ấu chúa. Bên ngoài hộp xá lợi mà vua Seongdeok (Thánh Đức) bắt đầu thờ phụng từ năm 706 có khắc 99 ngọn tháp nhỏ, hình dáng của các tháp có nguyên mẫu từ “Vô cấu tịnh quang đại đà la ni kinh” (tên tiếng Anh là Pure Light Dharani Sutra). Những vật bên trong hộp xá lợi như bát bạc, bát vàng, tượng Phật ngồi bằng vàng, tượng Phật đứng bằng vàng, ly đồng mạ vàng, ly đồng, mảnh vỡ thủy tinh màu xanh lục, hạt cườm thủy tinh… đã cho thấy những tác phẩm mỹ thuật được thờ phụng bởi hoàng gia tráng lệ đến nhường nào.

Đến thời Goryeo (918–1392), sự phát nguyện mang tính cá nhân bắt đầu vượt trội. “Phần 1: Quốc vương và quý tộc, sự ấn tống kinh sách” (tiêu đề tiếng Anh là Kings and Aristocrats: Publication of Sutras) của triển lãm giới thiệu những Phật sự liên quan đến kinh điển Phật giáo lúc bấy giờ được thực hiện chủ yếu bởi những người có quyền lực tối cao như hoàng gia, quý tộc, quan lại thời Goryeo. Vào thời này, bản sao kinh Phật (寫經, tả kinh) được viết tay với những hình ảnh minh họa bằng vàng hoặc bạc trên nền giấy nhuộm màu xanh dương hoặc đỏ rực rất thịnh hành. Trong những lời văn cầu nguyện không chỉ có lời cầu chúc cho sự ổn định của vương triều mà còn chất chứa những lời cầu phúc cho gia đình và bản thân cũng như những ước nguyện cá nhân. Một tác phẩm đáng chú ý mà Ahn Sae-han, người từng làm quan trong triều nhà Nguyên (Trung Hoa), đã sao chép lại vào năm 1334 là “Phổ Hiền hành nguyện phẩm”3 (tên tiếng Anh là Practices and Vows of Bodhisattva Samantabhadra) từ Hoa Nghiêm kinh (tên tiếng Anh là Avatamsaka Sutra).

Trong lời văn nguyện, Ahn Sae-han cảm tạ công ơn của cha mẹ và triều đình nhà Nguyên đã cho ông làm quan bậc nhị phẩm, bên cạnh đó ông còn cầu nguyện quốc thái dân an. Tranh minh họa kinh điển Phật giáo là thể loại mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng – Mông Cổ rất thịnh hành ở Trung Hoa thời nhà Nguyên và được truyền bá vào Goryeo, phản ánh khuynh hướng thân nhà Nguyên của những nhà tài trợ Phật giáo Hàn Quốc.

Mọi tầng lớp từ quan lại đến bình dân đều tôn thờ Đức Phật

Trong “Phần 2: Tôn thờ Đức Phật, từ quan lại đến tiện dân” (tiêu đề tiếng Anh là Statues Produced by Patrons of Every Class) của triển lãm, người tham quan có thể chiêm ngưỡng những di vật được tạo tác từ thế kỷ thứ 13 trở về sau, thời kỳ xuất hiện nghi thức phúc tàng và gia tăng về số lượng cũng như mở rộng về tầng lớp của những người ủng hộ Phật giáo. “Phúc tàng” là nghi thức đặt nhiều đồ vật như lời văn nguyện, xá lợi, kinh Phật, vải vóc, ngũ cốc… vào bên trong tượng Phật để thờ phụng, qua đó cho thấy nhận thức rằng tượng Phật không đơn thuần chỉ là một bức tượng điêu khắc được làm từ vàng hay gỗ mà là thần tướng của Đức Phật. Tượng Quan Âm Bồ tát đang ngồi (Mộc tạo Quan Âm Bồ tát tọa thượng) là bức tượng Phật trông rất tự nhiên và tao nhã, được ghép thành bởi 15 tấm gỗ. Người ta trang trí mắt tượng bằng pha lê và đặt những cái chai bằng gỗ, ngũ cốc, khoáng vật, vải vóc… bên trong tượng để thờ cúng. Trên bàn thờ bộ tượng Phật A Di Đà tam tôn (A Di Đà tam tôn Phật) bằng đồng mạ vàng, được chế tác vào năm 1333, có ghi chú người cúng dường chính là Chang Hyun và vợ ông, bà Seon. Ngoài ra, khi tạo ra những đồ vật để phúc tàng, người ta viết hàng trăm cái tên, từ quan lại cao quý cấp trung ương đến thường dân bên dưới, vào lời văn khẩn nguyện. Những người có thể viết chữ sẽ ký tên mình vào đó, những ai không biết viết sẽ nhờ người khác viết tên mình vào đấy. Như vậy, ta có thể thấy rằng trái ngược với tượng Phật chỉ được tài trợ và tạo tác bởi một số ít người, những đồ vật dùng cho nghi thức phúc tàng được cúng dường và tạo ra bởi rất nhiều người, không phân biệt thân phận cao sang hay thấp hèn.

Nội dung của “Phần 3: Những tín đồ trong cộng đồng địa phương với việc cúng dường hương đốt và âm thanh” (tiêu đề tiếng Anh là Ritual Implements Offered by Community Laymen) liên quan đến những nhà tài trợ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Phật giáo được sử dụng hàng ngày trong chùa như chuông báo giờ lễ Phật, chiêng báo giờ cúng cơm, lư hương và chân nến dùng trong các nghi lễ… Đặc biệt, trong phần này ta có thể thấy rõ sự tài trợ của tầng lớp hương lại, thế lực lớn mạnh ở địa phương. Trống đồng khắc chữ “Đại huệ viện”4 (bảo vật số 1781) hay lư hương bằng đồng cẩn bạc (Quốc bảo số 214) khắc họa rõ nét vai trò của tầng lớp quan lại địa phương. Hương đồ (hyangdo), cộng đồng tín đồ Phật giáo ở xã hội địa phương, chính là tổ chức viện trợ các đồ thủ công mỹ nghệ Phật giáo chủ yếu, tuy nhiên tiêu chuẩn và quy mô của những món đồ ấy khác nhau tùy theo giai cấp, chức vụ và khả năng kinh tế của những thành viên hương đồ. Kích cỡ và độ tinh xảo của cái cồng ở chùa Okcheon (ở Goseong, tỉnh Gyeongsangnam) – Quốc bảo số 495, được tạo ra bởi nghệ nhân nổi tiếng Han Jung-seo đến từ Gaeseong dưới sự viện trợ của nhóm quan lại cấp cao triều đình – giúp người xem đoán biết được khả năng kinh tế của những người viện trợ. Ngược lại, những vật được tạo ra bởi quan lại cấp thấp hoặc võ quan, phụ nữ hoặc hương đồ địa phương thì không thể sánh bằng về kích cỡ và độ tinh tế.

Phụ nữ hoàng tộc trở thành những người viện trợ chính

“Phần 4: Phụ nữ hoàng tộc trở thành chủ thể của sự phát nguyện” (tiêu đề tiếng Anh là Women of the Royal Court as Major Buddhist Patrons) giới thiệu đến những Phật sự do những nữ nhân trong hoàng tộc thực hiện một cách tích cực trong một khoảng thời gian sau khi lập vương triều Joseon (1392–1910), bất chấp chính sách “Ức Phật sùng Nho” (đàn áp Phật giáo, tôn sùng Nho giáo). Ví dụ tiêu biểu là bàn thờ Phật bằng đồng mạ vàng (kim đồng Phật kham) và bộ ba tượng Phật (tam tôn Phật tượng) được khai quật ở ngọn tháp trong chùa Sujong ở Namyangju, tỉnh Gyeonggi. Các di vật này do Minh Tần Kim thị tạo ra để cầu nguyện. Bộ “Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh” (tên tiếng Anh là Suvarnaprabhasa Sutra hay Golden Light Sutra) được hoàng thái hậu Inmok, người đã mất nhiều người thân và đứa con trai bé nhỏ là hoàng thái tử Yeongchang trong thời gian tại vị của hoàng tử Gwanghae (1608 – 1623), làm ra để cầu nguyện. Bộ kinh được viết bằng tay và bên ngoài bìa được thêu bởi hoàng thái hậu. Bộ kinh được thực hiện trong lúc hoàng thái hậu và con bà – công chúa Jeongmyeong – bị giam giữ trong Tây cung, chứa đựng lời cầu nguyện của người mẹ mong đứa con trai của mình – người đã chết một cách bi thảm thời còn trẻ. Bức tranh “Dược Sư tam tôn đồ” trong chùa Hoeam ở tỉnh Gyeonggi được phát nguyện bởi hoàng thái hậu Munjeong, người đã nỗ lực trùng hưng Phật giáo. Hoàng thái hậu Munjeong, mẹ của vua Myeongjong (Minh Tông, tại vị 1545–1567), đã ra lệnh vẽ 400 bức họa Phật giáo trong đó có bức “Dược Sư tam tôn đồ” để cầu nguyện cho thái tử cháu nội đã chết và cầu phúc cho vua tại vị sống lâu và có hoàng tử nối dõi.

Tăng lữ và dân thường đóng vai trò trung tâm trong việc hồi sinh Phật giáo

“Phần 5: Tăng lữ và dân thường đóng vai trò trung tâm trong việc hồi sinh Phật giáo” (tiêu đề tiếng Anh là Monks and Ordinary People Lead the Buddhist Revival) của triển lãm tái hiện lại những Phật sự thời hậu kỳ Joseon, thời kì tăng lữ và dân thường đóng vai trò trung tâm trong việc phục hưng Phật giáo. Thời Joseon, ngay sau khi hai cuộc chiến chống quân xâm lăng Nhật Bản (壬辰倭亂, Nhâm Thìn Oa loạn, 1592–1598) và Mãn Châu (丙子胡亂, Bính Tý Hồ loạn, 1636) kết thúc, nhiều chùa đã được xây dựng lại. Khi đất nước có biến, các tăng binh đã dũng cảm xông pha chiến đấu. Nhờ đó, sau thời chiến, địa vị xã hội của tầng lớp tăng lữ được cải thiện, đồng thời các Phật sự do tăng lữ chủ trì và dân thường hỗ trợ trở nên phổ biến. Bức tranh “Linh Sơn hội thượng đồ” (靈山會上圖) được tạo tác vào năm 1777, vẽ cảnh Đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở núi Yeongchwi (tên tiếng Hàn của Linh sơn). Phần chữ trên bức họa cho thấy có rất nhiều tăng lữ đã tham gia tạo tác bức họa này.

Cũng trong thời kỳ này, nghi lễ cầu nguyện cho những người đã chết được vãng sanh miền cực lạc thịnh hành và những bức họa Phật giáo như “Cam lộ đồ” (甘露圖). Bức “Cam lộ đồ” trong chùa Daegok ở huyện Uiseong, tỉnh Gyeongsangbuk, được chế tác vào năm 1764, dưới sự viện trợ tài chính của Hội xây dựng đền chùa (寺刹契, tự sát khế). Ở giữa bức tranh có một đàn tế lớn, bên dưới đàn tế là một pháp sư đang thực hiện nghi lễ và một con quỷ đang quỳ gối. Trong tranh còn vẽ hình dáng vua, hoàng hậu, văn võ bá quan, các tín đồ Phật giáo đang tham gia nghi lễ. Ở phần dưới bức tranh vẽ cảnh chết chóc và khung cảnh đời sống thường nhật của dân thường. Điểm thú vị nằm ở chỗ hình ảnh những người lương dân được phản chiếu trong những bức tranh Phật giáo do chính họ hỗ trợ làm ra.

Những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo trong rất nhiều ngôi chùa Hàn Quốc còn được truyền lưu cho đến nay đã được tạo ra để chuyên chở ước nguyện chân thành của những người cầu mong hòa bình và thịnh vượng cho đất nước, hay cầu nguyện cho cha mẹ và người thân được vãng sanh cõi Niết Bàn. Đồng thời, việc tham gia Phật sự có thể giúp người ta tích lũy công đức vô biên và đạt được sự giác ngộ. Ý thức cộng đồng cùng hợp sức để khắc phục những khó khăn khi gặp phải của người Hàn đã kết hợp với tín ngưỡng vị tha (tích lũy công đức để đem lại lợi ích cho người khác) trong Phật giáo tạo ra những tác phẩm mỹ thuật Phật giáo tuyệt mỹ.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới