Thứ sáu, Tháng mười 11, 2024
spot_img

Sân khấu Kịch Hàn Quốc ngày nay : Nghệ sĩ và Khuynh hướng

Pansori được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quan trọng số 5 của Hàn Quốc và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy vậy, hình thức biểu diễn của loại hình nghệ thuật này lại rất đơn giản. Trên sân khấu chỉ có một sorikkun với chiếc quạt trên tay, vừa là người hát vừa là người kể chuyện, cùng với một gosu, là người đánh trống buk giữ nhịp, hai người tạo thành chủ thể chính của buổi biểu diễn. Sorikkun kể chuyện dưới hình thức hát theo nhịp của trống buk, thỉnh thoảng giữa nhịp có thêm vào các đoạn kể bằng lời nói gọi là “aniri”. Trong quá trình biểu diễn, sorikkun còn thực hiện các “ballim”, tức là các động tác hình thể và biểu hiện trên gương mặt nhằm minh họa cho tình huống của vở diễn.

Một vở diễn pansori muốn thành công thì còn cần thêm một yếu tố nữa. Đó chính là chuimsae. Chuimse là hành động mà gosu và khán giả tạo hứng cho người hát, hoặc là lời tán dương, đồng cảm với tài năng của sorikkun hoặc nội dung câu chuyện.

Pansori truyền thống là loại hình dựa trên nền tảng của các câu chuyện truyền khẩu, có thể xem như hình thức hát opera một người, tức là giọng hát của người hát là yếu tố mang tính quyết định nhất cho buổi biểu diễn. Sorikkun xưa đã luyện giọng bằng cách đứng hát dưới thác nước đang đổ rền vang trong núi sâu. “Nếu sorikkun không thể đưa giọng hát của mình xuyên qua những âm thanh ầm vang của tiếng thác đổ xuống thì không thể đạt được “đắc âm” hoàn hảo”, đây chính là lý thuyết chung của giới pansori. “Đắc âm” theo từ điển giải thích có nghĩa là “đạt được chất giọng” nhưng đối với các sorikkun thì thì “đắc âm” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn thế.

Sự thoái trào của pansori và sự ra đời của changgeuk

Pansori bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 17, tức là trung kỳ thời Joseon và dần dần lan rộng trong xã hội bình dân. Khoảng nửa thế kỷ 19, pansori đạt đến đỉnh cao, được cả tầng lớp bình dân và quý tộc yangban yêu mến, nhiều “danh ca” xuất hiện và cũng có một vài “danh ca” của pansori đã được phong các chức quan to nhỏ ở ngự điện.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà pansori ngày càng xuống dốc. Không còn những giọng ca xuất chúng nữa, mà thay vào đó là sự gia tăng của những sorikkun bình thường, khán giả bắt đầu thấy nhàm chán với lối độc diễn như vậy. Trong khi đó, kịch theo trường phái mới của Nhật Bản và Kinh kịch của nhà Thanh Trung Hoa, kịch cận đại của phương Tây bắt đầu du nhập và các nhà hát theo phong cách Âu hóa ra đời. Tất cả các yếu tố đó ào ạt kéo đến cùng lúc và gây tác động lớn đến pansori. Bước sang thế kỷ 20, dấu hiệu thoái trào của pansori ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Biến đổi lớn nhất của giai đoạn này chính là sự ra đời của loại hình biểu diễn nghệ thuật ca nhạc với hơn hai sorikkun biểu diễn với nhau, thay cho hình thức kịch một người trước đây. Loại hình mới này là hình thức được nâng cấp lên từ pansori, được gọi là changgeuk. Tác phẩm khởi xướng cho loại hình kịch cận đại của Hàn Quốc là vở “Eunsegye” (Thế giới bạc) của Yi In-jik diễn tại nhà hát Wongaksa, Seoul vào năm 1908. Đây cũng là vở changgeuk sáng tác đầu tiên ở Hàn Quốc. Từ đó, số lượng diễn viên changgeuk ngày càng tăng, họ được diễn trên các sân khấu sinh động của các nhà hát theo phong cách phương Tây. Changgeuk được phát triển theo hướng mang tính chất của loại hình nghệ thuật tổng hợp. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như kịch sáng tác không được phát triển tích cực, nên trong suốt một thời gian dài, changgeuk vẫn không thể tìm được sức sống cho chính nó.

Sự hiện đại hóa của Changgeuk

năm gần đây mới có được sự thay đổi gây chú ý. Nếu như trước đây, người ta có cảm giác changgeuk giống như tài sản riêng của tầng lớp trung niên và lão niên thì ngày nay, khán giả trẻ, mà phần lớn là những người yêu thích kịch và opera, đã ồ ạt tìm đến xem nên các buổi biểu diễn luôn trong tình trạng hết vé. Có vẻ như changgeuk đang đi đến thời kì phục hưng vậy. Điều này có được là nhờ changgeuk đã đi theo cách diễn giải mới về nội dung và đồng bộ với mỹ thuật sân khấu theo phong cách hiện đại. Đoàn Changgeuk Quốc gia, một trong những tổ chức thuộc Nhà hát kịch Trung ương Hàn Quốc, đang là cơ quan chủ đạo thực hiện quá trình hiện đạhi óa changgeuk này và đang triển khai công việc theo ba hướng chính .

Hướng triển khai trước nhất là giao cho những đạo diễn trong và ngoài nước đã có danh tiếng nhưng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực changgeuk thực hiện chuyển thể thành changgeuk 5 tác phẩm trong số 12 tác phẩm pansori cổ điển còn lưu truyền đầy đủ đến ngày nay, tức là “Chunhyang-ga” (Xuân Hương ca), “Simcheong-ga” (Thẩm Thanh ca), “Heungbu-ga” (Hưng Phu ca), “Sugung-ga” (Thủy cung ca), “Jeokbyeok-ga” (Xích Bích ca).
Cảnh trong vở “Andrei Serban’s Different Chunghyang” (Một Xuân Hương khác) do đạo diễn Andrei Serban, đạo diễn opera và kịch người Mỹ sinh ra tạ i Ba Lan chỉ đạo. Vở diễn có sự tham gia của ca sĩ trẻ chuyên hát pansori là Lee So-yeon và được diễn trên sân khấu của Nhà hát kịch Trung ương Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2014.

Khi quan sát phản ứng nồng nhiệt của khán giả hiện nay, chúng ta đều nhận ra rằng, giờ đây, changgeuk không còn là loại hình biểu diễn xưa cũ nữa. Mặc dù không làm mất đi tính chất của kịch truyền thống, nhưng changgeuk có cùng nhịp thở với thời đại trong vai trò là loại hình nghệ thuật biểu diễn đại chúng.

Hướng thứ hai là chuyển thể những kiệt tác cổ điển của nước ngoài thành changgeuk. Hai phương thức này, trước hết, nhằm thu hút sự chú ý của những khán giả trong nước, vốn là những người chưa quen với nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc mà thân thuộc hơn với nghệ thuật kịch phương Tây. Ngoài ra, thông qua việc diễn giải changgeuk dưới góc nhìn của người phương Tây hoặc dựng lại các kiệt tác cổ điển của phương Tây bằng loại hình nghệ thuật của Hàn Quốc, hai phương thức này sẽ giúp cho khán giả ngoại quốc tiếp cận và thưởng thức changgeuk dễ dàng hơn.

Hướng thứ ba là sử dụng 7 tác phẩm trong số 12 tác phẩm của pansori còn lưu truyền đến nay nhưng không đầy đủ như “Byeon Gangsoe Taryeong” (Đồng ca Byeon Gangsoe), “Baebijang Taryeong” (Đồng ca Baebijang), đưa vào hơi thở hiện đại, mạnh dạn diễn giải lại và sáng tác lại nhằm làm nổi bật hơn nữa tính chất kịch của changgeuk.

Những nỗ lực để thực hiện ba hướng đi này tạo ra hiệu quả hỗ trợ nhau và cũng tạo nên được tính thời đại và tính phổ biến của changgeuk. Ít ra thì khi quan sát phản ứng nồng nhiệt của khán giả hiện nay, chúng ta đều nhận ra rằng, giờ đây, changgeuk không còn là loại hình biểu diễn xưa cũ nữa. Mặc dù không làm mất đi tính chất của kịch truyền thống, nhưng changgeuk có cùng nhịp thở với thời đại trong vai trò là loại hình nghệ thuật biểu diễn đại chúng.

Cảnh trong vở changgeuk được dựng lại từ bi kịch Hy Lạp cùng tên “Medea”, tại Nhà hát kịch Trung ương Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2013. Diễn viên chính của vở này là Park Ae-ri, diễn viên của Đoàn Changgeuk Quốc gia Hàn Quốc, vở diễn được đánh giá là “đã phản ánh được cái hồn của bi kịch Hy Lạp bằng phong cách âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.”

Ba vở diễn của “Pansori opera”

Phát pháo báo hiệu sự phục hưng của changgeuk là do Đoàn Changgeuk quốc gia Hàn Quốc đốt lên sau một thời gian dài chuẩn bị, bằng vở “Sugung-ga” diễn trên sân khấu của nhà hát Haeoreum thuộc Nhà hát kịch Trung ương vào tháng 9 năm 2011. Vở diễn này đã đưa khái niệm mới về changgeuk lên sân khấu. Chương trình hải ngoại đầu tiên về changgeuk mang tên “World Master’s Choice” là chương trình mời những đạo diễn danh tiếng của nước ngoài nhằm tạo ra changgeuk có hình thức và nội dung mới. Người đầu tiên xuất hiện trong chương trình này là Achim Freyer, đạo diễn opera nổi tiếng của Đức.

Những diễn giải về tác phẩm mà Freyer làm đạo diễn và cấu trúc sân khấu của ông đều rất mới mẻ đối với người hâm mộ changgeuk của Hàn Quốc. Nội dung nguyên tác của “Sugung-ga” là truyện ngụ ngôn.

Truyện kể rằng Long vương mắc bệnh nặng, có người mách phải ăn gan thỏ mới khỏi bệnh vì thế Ngài truyền lệnh cho trung thần của mình là Rùa lên mặt đất dụ dỗ thỏ xuống long cung. Thỏ không biết đầu đuôi câu chuyện, nghe lời dụ dỗ của Rùa đã xuống long cung nhưng khi biết chuyện Long vương muốn ăn gan mình đã lừa Long vương, nói dối là để quên gan trên bờ vì thế nó được thả ra và chạy thoát lên đất liền an toàn. Tác phẩm này đã vẽ ra mâu thuẫn giữa dân chúng, đại diện là chú thỏ thông minh và tầng lớp thống trị, mà đại diện là Long vương và Rùa theo phong cách trào phúng. Tác phẩm “Sugung-ga” của Achim Freyer được đẽo gọt lại với hình tượng nhân vật rùa mang tính trần tục, chỉ lo theo đuổi tiền tài và danh vọng, còn thỏ là một anh hùng nhanh trí luôn nỗ lực hết mình để khắc phục khó khăn. Trong khi đó, Long vương được miêu tả là người thuộc giai cấp thống trị mải mê tìm cách kéo dài tuổi thọ mà không từ bất cứ thủ đoạn nào. Không những thế, trên trần của long cung treo rất nhiều chai nhựa nhằm phê phán hiện tượng ô nhiễm môi trường hiện nay.Vốn nổi tiếng là họa sỹ theo trường phái biểu hiện nên Achim Freyer đã tự tay thiết kế màn sân khấu, trang phục và mặt nạ biểu diễn. Trong vở này, các diễn viên changgeuk đã mang mặt nạ và biểu diễn trên sân khấu. Đó là một sân khấu vô cùng bi tráng mà bấy lâu nay hiếm thấy ở changgeuk.

Ngoài ra, changgeuk còn tái sinh nội dung trào phúng và hài hước của pansori bằng phong cách hiện đại tạo được nhiều tiếng cười cho khán giả. Chẳng hạn như, trong phân cảnh Long vương ra lệnh cho hạ thần vẽ chân dung của thỏ theo yêu cầu của rùa, ông đã cho lồng ghép vào những tác phẩm của các danh họa như Kim Hong-do, Ai Weiwei, Andy Warhol, Albrecht Dürer, Picasso. Có thể nói changgeuk, loại hình khá cũ kỹ đối với khán giả trẻ, ngày nay đã được khoác chiếc áo tươi mới và rực rỡ hơn. Do vậy, còn có một tên gọi khác phù hợp hơn với tính chất của những buổi biểu diễn này là “pansori opera” thay cho “changgeuk”.
Nối tiếp “Sugung-ga”, tác phẩm thứ hai được đạo diễn nước ngoài làm lại là “A Different Chunghyang” (Một Xuân Hương khác), ra mắt khán giả vào tháng 11 năm 2014 tại nhà hát Daloreum thuộc Nhà hát kịch Trung ương Hàn Quốc. Andrei Serban, đạo diễn người Mỹ sinh ra ở Ba Lan và đang hoạt động rất thành công trong cương vị đạo diễn opera và kịch ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, chịu trách nhiệm chỉ đạo vở diễn này.

Nguyên tác “Chunhyang-ga” là câu chuyện pansori kể về tình yêu vượt lên trên thân phận giữa chàng Yi Mong-ryong (Lý Mộng Long), con trai của quan cấp cao và Seong Chun-hyang (Xuân Hương), con gái của một kỹ nữ hết thời. Thông qua vở “A Different Chunhyang”, đạo diễn Serban đã xây dựng hình ảnh nhân vật Chunhyang là một nữ anh hùng không hề sợ cái chết và luôn tranh đấu để bảo vệ điều lý tưởng nhất, đó chính là tính yêu của mình. Trong khi đó, Yi Mong-ryong được miêu tả là một nhân vật không yêu theo cách đơn thuần như thế. Yi Mong-ryong là con trai của quan phủ chức cao nên anh chỉ bị say nắng cô nàng có thân phận thấp hơn mình, sau khi tính toán thiệt hơn, anh ta đã quyết định quên cô ấy.

Sân khấu của vở diễn này mang tính phá cách mạnh mẽ. Hai bên sân khấu được trang trí với cầu thang hình xoắn ốc màu đen làm bằng cốt thép lạnh, sàn trải cát và nước để minh họa cho con suối nhỏ. Màn ảnh phía sau cũng được sử dụng với kích cỡ rất to. Trên màn ảnh là hình ảnh Chunhyang và Mongryong đang mặc hanbok bày tỏ tình yêu thì trên sân khấu là chàng trai trẻ Yi Mongryong đang sử dụng máy vi tính xách tay.

Tác phẩm thứ ba là “Jeokbyeok-ga” do đạo diễn opera nổi tiếng Lee So-young, đạo diễn nghệ thuật của Đoàn Opera Quốc gia chỉ đạo. Tác phẩm này được biểu diễn trên sân khấu của nhà hát Haeoreum thuộc Nhà hát kịch Trung ương vào tháng 9 năm 2015, với không gian sân khấu mờ ảo, kết hợp giữa sân khấu và các khung cửa sổ. Vở pansori “Xích bích ca” có nội dung miêu tả trận Xích Bích đại chiến trong tiểu thuyết Trung Quốc “Tam Quốc chí diễn nghĩa”, khi Tào Tháo chạy trốn đến Hoa Dung đạo. Thế nhưng đạo diễn Lee So-young lại nhào nặn thành nội dung mới mang tính châm biếm chính trị. Nguyên tác có sẵn mang nội dung ca ngợi sự dũng mãnh của các đấng nam nhi trên chiến trường, có rất nhiều anh hùng và tướng soái xuất hiện nhưng nay được thay đổi thành hình ảnh của những người dân thường vô danh đã ngã xuống vì cuộc chiến.

Ở tác phẩm này, mỹ học sân khấu đặc biệt tỏa sáng. Trống buk được đẩy lên từ nơi dành cho ban nhạc và làm bệ đỡ cho sân khấu. Sân khấu chỉ được trang trí bằng một vật duy nhất có hình dáng như chiếc quạt khổng lồ. Chiếc quạt này rất cũ, giấy hanji dán trên quạt đã bong tróc gần hết, chỉ còn lại các nan quạt trơ trọi. Mặt sau của sân khấu được trang trí bằng tấm màn tranh, chất liệu giống hanji, minh họa một buổi biểu diễn pansori truyền thống. Hình ảnh nguyên mẫu của pansori với người hát cầm quạt hát hòa nhịp với tiếng trống buk của gosu chính là yếu tố cấu thành nên sân khấu của vở diễn này. Chiếc quạt trên sân khấu xoay tròn hay thay đổi vị trí mang ý nghĩa chuyển cảnh cho vở diễn, thể hiện hình ảnh ngọn đồi nơi Tào Tháo chỉ huy binh sĩ, hay ngôi nhà tranh của Gia Cát Lượng khi Lưu Bị “tam cố thảo lư” (ba lần đến thuyết phục Gia Cát Lượng về làm quân sư), ngoài ra còn thể hiện nhiều hình ảnh đa dạng như thuyền chiến, chim… Phông màn và nền sân khấu cũng được chuyển đổi thành những bức tranh thủy mặc theo từng phân cảnh như tre, chấm tròn, vạch, mặt phẳng, hay bức họa Vũ Lăng đào nguyên… Trên sân khấu đơn giản nhưng xuất hiện những hình ảnh tượng trưng với tần suất cao ấy, diễn viên Song Soon-seop hát chính kết hợp các diễn viên khác đã tạo nên bầu không khí tràn đầy năng lượng.

Những thành quả khác

Sự diễn giải và thay đổi mang tính hiện đại của changgeuk đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả, bên cạnh đó, việc đại chúng hóa changgeuk theo hình thức khác cũng đang được tiến hành sôi nổi. Tiêu biểu như loạt chương trình khôi phục lại bảy tác phẩm pansori không còn nguyên vẹn. Trong số này, tác phẩm “Byeon Gangsoe Taryeong” đã được tái sinh dưới tên gọi mới là “Madame Ong” (đạo diễn: Koh Sunwoong, công diễn vào tháng 6 năm 2014). Nội dung của vở diễn tập trung xoay quanh tâm lý của nhân vật người vợ Ongnyeo, đại diện cho lớp phụ nữ biết hy sinh, thay vì làm giống nguyên tác là chú trọng khai thác nhân vật Byeon Gangsoe, hiện thân của dục tính. Tác phẩm này đã lập kỷ lục là vở có suất diễn nhiều nhất trong lịch sử của Đoàn Changgeuk Quốc gia với 23 suất diễn và luôn trong tình trạng “cháy vé” liên tục.

Tiểu thuyết cổ điển “Janghwa Hongryeon-jeon” (Tường Hoa, Hồng Liên truyện) đã được đạo diễn Han Tae-suk chuyển thể thành vở changgeuk kinh dị “Janghwa Hongryeon” vào tháng 11 năm 2012. Vở diễn xoay quanh vụ án giết người xảy ra tại khu nhà ở của giới trung lưu, nơi có cả công viên lẫn hồ nước và có nhiều tin đồn bí ẩn, phản ánh thói ích kỷ và sự vô tâm đến đáng sợ của con người hiện đại.

Vở bi kịch Hy Lạp “Medea” được chuyển thể thành changgeuk (đạo diễn Seo Jae-hyeong, công diễn vào tháng 5 năm 2013) đã cho thấy được sự thành công trong việc mở rộng lĩnh vực của changgeuk. Đến tháng 3 năm 2014, bộ phim điện ảnh nổi tiếng thuộc hàng best-seller “Seopyeonje” được đạo diễn Yun Ho-jin dựng thành changgeuk cùng tên và nhận được lời khen từ nhiều phía. Tháng 3 năm 2015, được sự tín nhiệm của Đoàn Changgeuk Quốc gia, Chong Ui-sin (Chong Wishing) – đạo diễn người Hàn đang hoạt động tại Nhật – đã chuyển lại vở kịch nổi tiếng “Caucasian Chalk Circle” (Vòng phấn Kavkaz) của Bertolt Brecht’s thành changgeuk, và quả nhiên vở diễn đã mang lại tiếng vang lớn.

Bảo tồn và hiện đại hóa

Người có công lớn trong việc thúc đẩy quá trình đại chúng hóa và thế giới hóa changgeuk của Đoàn Changgeuk Quốc gia chính là giám đốc Nhà hát kịch Trung ương Ahn Sang-ho và đạo diễn nghệ thuật của Đoàn Changgeuk Quốc gia Kim Sung-nyo. Đạo diễn Kim Sung-nyo nhấn mạnh rằng: “Pansori là nghệ thuật thanh nhạc truyền thống của Hàn Quốc nên cần phải được bảo tồn và duy trì, changgeuk là nghệ thuật kịch phái sinh từ pansori nên phải được biến tấu sao cho phù hợp với thời đại.” Bà dự định sẽ tiếp tục hợp tác với các đạo diễn danh tiếng trong và ngoài nước phân tích lại và sân khấu hóa 12 tác phẩm pansori truyền thống dưới góc nhìn mới.

Vở diễn “Sugung-ga” của Achim Freyer sau khi kết thúc quá trình biểu diễn thành công tại Hàn Quốc đã được đưa sang diễn tại Nhà hát Wuppertal bắt đầu từ tháng 12 năm 2012 cũng nhận được nhiều ý kiến bình luận sáng giá, và tháng 9 năm sau, tác phẩm này sẽ tái ngộ khán giả trên trên sấu Haeoreum của Nhà hát kịch Trung ương lần nữa. Tác phẩm “Madame Ong” của Koh Sun-woong nhận lời mời của nhà hát Theatre de la Ville tại Paris và sẽ diễn tại Pháp vào tháng 4 năm nay. Có thể thấy, ngày mà changgeuk được diễn trên các sân khấu trung tâm thế giới với tư cách là nghệ thuật biểu diễn thế giới như Kinh kịch hay Kabuki không còn xa nữa.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới