Thứ hai, Tháng mười 7, 2024
spot_img

Vì sao Hàn Quốc phải hối tiếc khi phế bỏ chữ Hán

Bộ Kinh Đại thừa quan trọng nhất

“Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” hay còn được gọi là “Kinh Pháp Hoa” là Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng thuyết trong những năm cuối đời của Ngài cho vô số chúng sinh nghe, không phân biệt sang hèn. Với nội dung cao thượng, ý nghĩa cao xa, Kinh Pháp hoa là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Đại Thừa Phật giáo, có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Phật giáo, và là giáo Pháp căn bản để tu hành. Cuốn kinh này chứa đựng những giáo pháp về sự chuyển hóa của Phật tính, tu tâm tính và khả năng tự giải thoát, hành văn lưu loát, văn tự ưu mỹ, ẩn dụ sống động, giáo nghĩa viên mãn, được lưu hành rộng rãi ở các nước châu Á.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa, và một trong số những ảnh hưởng lớn đó chính là Phật giáo. Vì vậy “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” từ Trung Quốc được truyền nhập đến Hàn Quốc từ rất sớm.

Kinh mộc bản thời Cao Ly trở thành quốc bảo

Nhật Bản có kế hoạch trả lại cho Hàn Quốc cuốn “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh quyển một” mà Hàn Quốc gần đây công bố là quốc bảo của nước này. Với chiều dài 12,7cm, chiều rộng 34,5cm, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được in hai mặt, phong diện được làm bằng vàng, do Quyền thần Thôi Vũ của nước Cao Ly hạ lệnh khắc vào năm 1240. Bản kinh này rất có giá trị, vì nó là kinh mộc bản Phật giáo thời Cao Ly, là quyển “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” cổ xưa nhất còn lại tại Hàn Quốc. Bộ kinh này tổng cộng có bảy quyển, một số hiện có ở Hàn Quốc được coi là quốc bảo mang số hiệu 692 và 977.“Diệu Pháp Liên Hoa Kinh quyển nhất” – Quốc bảo văn vật của Hàn Quốc triều đại Cao Ly

Các chuyên gia cho biết, “Diệu Pháp Kiên Hoa Kinh” được bảo quản vô cùng tốt, cả bên trong và bìa ngoài đều trong tình trạng cực kỳ hoàn hảo.

Hối tiếc vì phế bỏ chữ Hán

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi quốc bảo này được trả về Hàn Quốc, đa số người dân nước này đều không đọc hiểu được, cũng không có cách nào hiểu được những nghĩa lý thâm sâu của kinh điển Phật giáo. Bởi vì cuốn kinh này được viết bằng Hán tự, mà cách đây hơn 40 năm, Hàn Quốc đã phế bỏ Hán ngữ. Vì vậy giờ đây lấy lại được quốc bảo trở về cố quốc, nhưng người Hàn Quốc chỉ biết thở dài, hối tiết vì quá muộn.

Thực tế, lịch sử cũng như văn hóa của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có mối liên kết chặt chẽ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa Trung Hoa. Vào thời cổ đại, các nước này hoặc từng là quốc gia chư hầu hoặc là vùng cát cứ của Trung Quốc, vì vậy chữ Hán có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với ngôn ngữ cũng như văn hóa của các nước phương Đông như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại các quốc gia này, chữ Hán được vay mượn để tạo nên ngôn ngữ riêng của dân bản địa ở từng nước.

Ngày nay, nếu tới Hàn Quốc hay Nhật Bản, ở bất kỳ đâu người ta đều có thể nhìn thấy các dòng chữ Hán tự, bởi thuở xa xưa, Hán ngữ đã du nhập vào Hàn Quốc và từng là ngôn ngữ, văn tự chính ở quốc gia này. Không có tài liệu nào đề cập chính xác về thời điểm chữ Hán được truyền vào Hàn Quốc, song chữ Hán đã từng được sử dụng rộng rãi và có vị trí cực kỳ quan trọng dùng để ghi chép văn tự vào thời đó, như cuốn “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”.

Những năm 1970, Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Park Chung-Hee đã ra lệnh thực hiện chính sách giáo dục bằng chữ Hàn và chính thức gỡ bỏ hoàn toàn chữ Hán trong ngành giáo dục và các văn bản chính thức của chính quyền.

Những hệ quả không thể bù đắp

Khi bắt đầu phế bỏ chữ Hán, người dân xứ Hàn ủng hộ rộng rãi vì họ cho rằng việc phế bỏ chữ Hán sẽ làm cho Hàn Quốc trở thành một dân tộc lớn trên thế giới mà không phụ thuộc văn hóa ngoại bang.

Tuy nhiên, chữ Hán vốn là loại chữ được sử dụng phổ biến và lâu đời ở bán đảo Triều Tiên với chiều dài lịch sử cả ngàn năm, đã thâm nhập vào tất cả các khía cạnh đời sống của người dân Hàn Quốc nên không dễ gì bài xích nó trong một khoảng thời gian ngắn. Bởi trước khi sáng tạo ra hệ thống chữ viết cho riêng mình, người Hàn đã vay mượn tiếng Hán, với một lượng lớn từ vựng chữ Hán vượt trội hơn rất nhiều so với tiếng Hàn thuần – vốn là một loại ngôn ngữ chưa thành thục. Việc vay mượn chữ Hán được biểu hiện qua hai phương thức là mượn âm và mượn nghĩa chữ Hán nên trong tiếng Hàn có khá nhiều âm giống nhau, khi giao tiếp sẽ phát sinh nhiều nhầm lẫn. Chính vì nguyên nhân này mà ngày nay, người Hàn Quốc vẫn dùng Hán tự để ghi trên thẻ căn cước nhằm tránh gây ra hiểu lầm.

Khi Tổng thống Park Chung-Hee thực hiện chính sách phế bỏ Hán tự, ông đã không nghĩ đến hậu quả tương lai, gây ra rất nhiều bất tiện đến mức một số cuộc trưng cầu đã diễn ra đòi phục hưng chữ Hán. Giờ đây, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu hối tiếc về sự thiếu thận trọng và bốc đồng thuở trước của họ.

Nhiều người Hàn Quốc bắt đầu hối tiếc vì đã phế bỏ chữ Hán

Quan trọng hơn, các điển tịch kinh điển và lịch sử cổ đại của Hàn Quốc đều được ghi chép bằng chữ Hán. Ngay sau khi chữ Hán bị phế bỏ, di sản lịch sử của Hàn Quốc đã bị đứt gãy, không còn hoàn chỉnh. Thêm vào đó, nhiều di tích lịch sử ở Hàn Quốc cũng được ghi bằng chữ Hán, thế hệ trẻ và trẻ em Hàn Quốc không thể đọc hiểu được chính lịch sử của nước mình.

Sửa sai nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa

Gần đây, người dân Hàn Quốc đang phải chịu khá nhiều bất tiện vì không hiểu chữ Hán, họ cảm thấy ân hận sâu sắc về sự tự đại của mình và kêu gọi phục hưng chữ Hán ngày càng nhiều. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết từ năm 2019 trở đi, sách giáo khoa lớp 5 và lớp 6 của các trường học ở Hàn Quốc sẽ được chú thích chữ Hán, kèm theo cách phát âm và giải thích nghĩa Hán tự. Một số bậc phụ huynh Hàn Quốc thậm chí đã bắt đầu dạy chữ Hán cho con.

Tương tự như Hàn Quốc, sau Thế chiến II, Nhật Bản cũng đã từng hủy bỏ chữ Hán, nhưng họ sớm nhận ra rằng việc phế bỏ Hán tự không đơn giản như họ nghĩ. Kể từ khi tiếng Hán được truyền sang Nhật, nó đã thâm nhập sâu vào cuộc sống hằng ngày của người dân xứ Phù Tang. Phủ định tiếng Hán trong tiếng Nhật không khác gì phủ định lịch sử văn hoá quốc gia, cho nên người Nhật bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết đọc viết chữ Hán.

Bài Viết Liên Quan

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Mới