Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) ngày 25/1 công bố báo cáo dự đoán Chính phủ tân Tổng thống Joe Biden sẽ phải đối mặt với lựa chọn về giải pháp cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Cụ thể, cơ quan này cho rằng Washington sẽ phải lựa chọn một trong hai phương án, hoặc dỡ bỏ dần cấm vận trong quá trình miền Bắc phá dỡ các cơ sở hạt nhân, hoặc là một “thỏa thuận lớn” dỡ bỏ toàn bộ cấm vận để đổi lấy giải trừ hạt nhân hoàn toàn.
Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh việc dỡ bỏ cấm vận có liên quan tới nhiều vấn đề phức tạp, như an ninh khu vực và nhân quyền.
Trong báo cáo trên, Vụ Khảo cứu sử dụng tài liệu tham khảo quá trình thảo luận giữa các thượng, hạ nghị sĩ Mỹ với Chính phủ nước này.
Về vấn đề hạt nhân miền Bắc, Chính phủ Joe Biden kể từ ngay sau khi ra mắt đã bắt tay vào tìm kiếm giải pháp thông qua thảo luận với các nước đồng minh, như giữa Hội đồng an ninh quốc gia Hàn-Mỹ.
Với việc phê chuẩn tân Ngoại trưởng Tony Blinken, Chính phủ Biden đã hoàn thiện bộ máy nhân sự ngoại giao, an ninh, chính thức bắt đầu quá trình thảo luận nội bộ.
Trong khi đó, dư luận đặc biệt chú ý tới việc Chính phủ Biden trọng dụng một lượng lớn nhân sự từng tham gia vào quá trình đàm phán với Chính phủ Bắc Triều Tiên vào các vị trí chủ chốt.
Khác với Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump tiến hành đàm phán phi hạt nhân hóa theo phương thức từ cấp thượng đỉnh tới cấp chuyên viên, Chính phủ Biden được dự đoán là sẽ xúc tiến chính sách với miền Bắc một cách thận trọng.
Mặc dù vấn đề hạt nhân miền Bắc rõ ràng cũng là vấn đề ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Chính phủ Joe Biden, nhưng phần lớn ý kiến nhận định rằng vẫn khó dự đoán về thời điểm Chính phủ Biden hoàn tất chiến lược cụ thể.