Từ Yeongwol, tôi bước vào con đường nối liền tới Jeongseon. Để có thể bắt đầu câu chuyện về Jeongseon, trước hết tôi tìm đến vùng đất ven sông Auraji. Auraji là điểm hợp lưu giữa hai con sông nhỏ Songcheon và Goljicheon. Người dân nơi đây nghĩ rằng Songcheon giống năng lực dương tính, còn Goljicheon giống năng lực âm tính, khi âm dương hoà hợp sẽ tạo ra một thế giới tuyệt vời. Như vậy, Auraji, nơi hai dòng chảy gặp nhau cũng mang ý nghĩa tạo ra một sự hoà hợp như vậy.
Cuối thế kỉ 19, Hoàng tử Heungseon (Hưng Tuyên Đại Viện Quân) với nỗ lực tạo ra luồng sinh khí mới cho một triều đại đang ngày một suy vong đã ra lệnh cho phục hồi lại cung điện Gyeongbok. Lúc này, để xây phần khung cho cung điện thì những cây thông cao lớn hơn vòng tay một người ôm ở mãi tận sâu trong núi được chuyển ra bằng các cây thông được buộc lại thành những chiếc bè dọc từ Auraji ra tới tận sông Hàn. Khi đó, những người chở bè xuôi dọc chiều dài đất nước, vừa đi vừa hát bài ca quen thuộc mình từng hát lúc còn ở quê nhà như để an ủi phần nào nỗi khó khăn, nhọc nhằn của mình. Bài ca lao động đó có tên gọi là “Arari”, mang trong mình ý nghĩa : “Ai là người hiểu được nỗi niềm và tình cảnh của tôi?”. Làn điệu dân ca “Arari” này được phối lại cùng với phiên bản “Arari” có từ lâu đời của vùng Jeongseon và tạo nên lời ca đa dạng. Nội dung bài hát bao trùm nhiều khía cạnh cuộc sống như kể về tình yêu, sự chia ly, tiếng thở dài cho số phận hay nói về cách đối nhân xử thế.
Hỡi người lái đò Auraji, hãy đưa tôi qua sông
Những bông hoa trà Sarigol đã rụng rồi
Hoa cũng tàn phủ dưới những lá rơi
Mỗi phút giây qua, lòng tôi không ngừng khao khát yêu thương
Arirang, arirang, arario
Hãy giúp tôi vượt qua đỉnh Arirang …
Có một cô gái và một chàng trai sống ở hai ngôi làng cách nhau bởi con sông tại Auraji. Họ đem lòng yêu thương nhau. Mỗi ngày, khi người con gái lấy cớ đi hái trà, cô đều tới ngôi làng bên kia để tìm gặp người mình yêu. Nhưng vào mùa hè kia, nước sông dâng quá cao nên nhiều ngày liên tiếp cô không thể băng qua. Mang trong lòng sự tiếc nuối, cô cất lời hát bài “Arari”. Bức tượng cô gái đứng trên bờ sông ở Auraji gợi lên khoảnh khắc vui buồn của những con người đã từng sống dọc hai bên bờ sông này trước đây.
Tuyết sẽ phủ kín hay mưa giăng ngập tràn cuối đường
Đỉnh Mansu kia những mây đen bao phủ
Arirang, arirang, arario
Hãy giúp tôi vượt qua đỉnh Arirang…
Ý nghĩa của cuộc đời không nằm ở niềm vui sướng, hân hoan mà sẽ ẩn trong những đám mây mà chúng ta không thể dự đoán trước được. Mặc cho núi cao, sông sâu nhưng niềm hân hoan của những con người nơi đây đã mang tới một luồng gió mới cho vùng đất cằn cỗi này. Cùng với “Jindo Arirang” và “Miryang Arirang”, làn điệu dân ca Jeongseon Arirang mà người dân địa phương gọi là “Arari” là một trong ba phiên bản chính của bài hát dân ca tiêu biểu Hàn Quốc Arirang. Trải qua bao nhiêu năm tháng, mỗi khi người dân Hàn Quốc cất lên giai điệu bài hát Arirang, họ lại tưởng nhớ về cuộc sống đã qua. Vì vậy nên Arirang được coi như biểu tượng cho đất nước và con người Hàn Quốc.