1Ánh trăng rọi sáng con đường

Trăng ngày rằm như đem lại sự may mắn cho lữ khách lái xe xuyên qua những con đường rừng thuộc tỉnh Gangwon vào ban đêm. Trăng sáng như rải những hạt muối trắng lấp lánh đầy cả con đường. Mọi thứ xung quanh đều tĩnh lặng. Dưới ánh trăng, từng chiếc xe leo lặng lẽ leo trên triền núi, trên con đường từ Yeongwol băng qua Jeongseon đến Hongcheon. Tôi từng lái chiếc xe của mình trên con đường này lần đầu tiên vào một đêm tháng 10 năm 1990. Ánh trăng đẹp mềm mại tựa như dải lụa khiến tôi lo lắng đèn pha ô tô của mình sẽ làm tan biến. Đêm đó, tôi đã tắt đèn pha ô tô của mình và chậm rãi chạy trên con đường núi.
2Tình yêu và cái chết của một nhà thơ
Ngày 1 tháng 9 năm 1990, một chiếc xe buýt chạy trong mưa trên cao tốc Yeongdong đã lao xuống dòng sông Seom, một nhánh của sông Nam Hangang, gây ra tai nạn khủng khiếp, khiến 24 trên tổng số 28 hành khách tử vong. Trong vụ tai nạn đó, người đàn ông tên Jang Jae-in đã mất cả vợ và con trai. Hai tuần cuối cùng của cuộc đời, ông cứ liên tục đứng dưới cơn mưa xối xả bên bờ sông, mong được thấy người vợ và cậu con trai đã chết quay trở về. Đêm xuống, ông đốt lửa trại và ánh lửa làm bừng sáng cả bờ sông. Năm ngày sau vụ tai nạn, thi thể của người vợ được tìm thấy và tám ngày sau đó thi thể của con trai ông cũng được tìm thấy. Ánh lửa trại chiếu sáng sông Seom trong suốt hai tuần tất nhiên cũng không còn nữa.
“Vợ tôi, người phụ nữ cả đời chịu đựng đau khổ khi đến với một người đàn ông bất hạnh! Giống như cô ấy đã theo con trai xuống dòng sông, bây giờ tôi cũng sẽ ra đi theo vợ và con mình. Ngay khi vừa đến hiện trường vụ tai nạn, nhìn xuống dòng sông đang chảy kia, tôi đã mang trong lòng nguyện ước này. Tôi mong mọi người đừng than khóc cho sự ra đi của tôi, hãy cầu nguyện cho ba thành viên gia đình chúng tôi được đoàn viên và sống hạnh phúc bên nhau như chia hề có sự chia ly nào. Dường như người vợ xinh đẹp, luôn sống chân thành và khiêm tốn, người đã vun đắp cho cuộc sống nghèo khó của tôi và cậu con trai đang vẫy gọi tôi cùng đi…”
Hai mươi lăm năm trước, tôi đã đi trên con đường này như để tưởng nhớ người chồng đó, người đàn ông mà tôi chưa từng gặp một lần trong đời. Sự lựa chọn của người đàn ông 33 tuổi muốn sống bên cạnh những người mình yêu thương cho đến cuối đời quả thật rất đẹp và cảm động. Khi còn sống, ông là thầy giáo dạy tiếng Anh, đồng thời là nhà thơ. Và đây là một trong số những bài thơ ông đã viết:
Ngôi sao
Trước khi tôi biết các vì sao
Tôi biết thế nào là viên mãn
Sau khi tôi biết các vì sao
Chợt trống rỗng tâm hồn tôi
Trước khi tôi biết các vì sao
Những hi vọng tràn trề trong tôi
Sau khi tôi biết các vì sao
Bỏng cháy khát khao những hi vọng
Ngày tôi biết đến các vì sao
Trong tôi ngập tràn các vì sao
Giây phút đó…
Một tâm hồn tôi góc vắng trống không
Trước khi biết các vì sao
Tôi ngỡ mình đã tìm thấy bình an
Sau khi tôi biết các vì sao
Chợt cuồng điên xoay vần.
3Cheongnyeongpo, câu chuyện bi kịch về cuộc đời của vua Danjong

Yeongwol mang trong mình câu chuyện về một vị vua có số phận đáng thương nhất trong lịch sử, vua Danjong (vị vua thứ sáu của triều đại Joseon). Ông là cháu trai của vua Sejong – người sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn – nhưng chỉ bốn ngày sau khi ông chào đời, mẹ ông qua đời do những biến chứng khi sinh. Vua Sejong đặc biệt yêu quý cháu trai của mình, và tục truyền rằng ông còn hay cõng Danjong trên lưng dạo chơi. Cha của Danjong, vua Munjong cũng lâm bệnh và ra đi sau hai năm lên ngôi vua, để lại ngai vàng cho cậu con trai Danjong mới 12 tuổi. Số phận của cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ thật quá nghiệt ngã. Hoàng thúc Suyang, người luôn tham vọng quyền lực đã cướp lấy ngai vàng từ cháu mình và lên ngôi vua, lấy niên hiệu Sejo (tại vị từ năm 1455-1468).
Sau đó đã xuất hiện một nhóm quần thần trung tínhuốn đưa Danjong về lại ngôi vua. Nhưng mưu đồ ám sát vua Sejo trong cuộc tiếp đón sứ giả nhà Minh của nhóm này đã bị lộ tẩy do một tên nội phản. Ngay lập tức vua ra lệnh cho tứ mã phân thây và tru di tam tộc để trừng phạt những thuộc hạ có âm mưu làm phản. Sáu bậc trung thần bị giết hại sau này được người đời ca ngợi như biểu tượng cho tinh thần nho sĩ và được gọi là sayuksin.
Bị giáng xuông ngôi vị Nosangun (Lỗ Trung Quân), Danjong bị đày ải tới vùng Cheongnyeongpo của Yeongwol. Nơi này còn được biết tới với tên gọi là Dosan, có nghĩa là “ngọn núi dao” vì ba mặt được bao quanh bởi dòng nước chảy xiết và mặt phía sau là một vách đá dốc thẳng đứng nên chỉ có thể dùng thuyền mới ra vào nơi này được. Trong khi sống tại Cheongnyeongpo, vị vua bị phế truất 17 tuổi đã viết bài thơ thương nhớ về người vợ của mình, hoàng hậu Jeongsun.
Như chú chim nhỏ hờn căm rời chốn hoàng cung
Bóng tôi cô đơn lang thang khắp ngọn núi sầu
Bóng đêm phủ trằn trọc suốt canh thâu
Nỗi buồn tôi dài bất tận theo năm tháng.
Vua Sejo luôn lo sợ nếu Danjong còn sống thì ngai vàng của mình còn nguy hiểm nên đã nhiều lần ép cháu mình uống thuốc độc. Người ta kể lại rằng Danjong liên tục bị cưỡng bức tự sát. Liệu trên đời này có vị vua nào mà ngay khi mới sinh ra được bốn ngày thì mẹ qua đời, sau đó đến năm mười hai tuổi cha cũng bỏ mà đi, lên ngôi vua được ba năm thì bị phế truất và lưu đày tới vùng núi xa xôi hẻo lánh, cuối cùng chết khi chỉ mới 17 tuổi? Ông được chôn cất tại Trang Lăng thuộc Yeongwol. Lúc đầu với thân phận của dân thường, ông chỉ được bí mật chôn cất ở một ngôi mộ bình thường cho tới 200 năm sau đó, tới thời trị vì của vua Sukjong, Danjong mới được chính thức chuyển vào quần thể lăng mộ hoàng gia.
Vào mùa đông, khi nước trên dòng sông Dong bị đóng băng cũng là lúc người dân Yeongwol bắt đầu mùa lễ hội của mình. Họ dựng nên một cây cầu từ các cành cây, nối từ bờ sông Dong sang bên kia bờ đê Deokpo và chơi trò vượt sông bằng cây cầu đó. Đó là chiếc cầu được buộc chằng chịt bởi các cành cây vào mùa thu khi mực nước song rút xuống, còn đến mùa hè sau đó khi nước sông dâng cao thì cây cầu sẽ bị cuốn trôi. Khi những ngọn núi bao quanh dòng sông Dong bị bao phủ bởi tuyết trắng, người dân đi trên cầu để vượt qua dòng sông đang đóng băng phía dưới. Nếu bạn nhìn chiếc cầu đó, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp vì nó như một biểu tượng cho tinh thần vượt qua cuộc sống khó khăn của chính những con người nơi đây. Bước sang phía bên kia sông rồi lại bước quay trở lại là một hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời con người. Khi còn trẻ, nếu chúng ta vượt qua những thử thách như vậy thì cuộc sống sau này sẽ vững chắc và yên bình hơn.
4Tình yêu đôi lứa trên vùng núi Auraji

Từ Yeongwol, tôi bước vào con đường nối liền tới Jeongseon. Để có thể bắt đầu câu chuyện về Jeongseon, trước hết tôi tìm đến vùng đất ven sông Auraji. Auraji là điểm hợp lưu giữa hai con sông nhỏ Songcheon và Goljicheon. Người dân nơi đây nghĩ rằng Songcheon giống năng lực dương tính, còn Goljicheon giống năng lực âm tính, khi âm dương hoà hợp sẽ tạo ra một thế giới tuyệt vời. Như vậy, Auraji, nơi hai dòng chảy gặp nhau cũng mang ý nghĩa tạo ra một sự hoà hợp như vậy.
Cuối thế kỉ 19, Hoàng tử Heungseon (Hưng Tuyên Đại Viện Quân) với nỗ lực tạo ra luồng sinh khí mới cho một triều đại đang ngày một suy vong đã ra lệnh cho phục hồi lại cung điện Gyeongbok. Lúc này, để xây phần khung cho cung điện thì những cây thông cao lớn hơn vòng tay một người ôm ở mãi tận sâu trong núi được chuyển ra bằng các cây thông được buộc lại thành những chiếc bè dọc từ Auraji ra tới tận sông Hàn. Khi đó, những người chở bè xuôi dọc chiều dài đất nước, vừa đi vừa hát bài ca quen thuộc mình từng hát lúc còn ở quê nhà như để an ủi phần nào nỗi khó khăn, nhọc nhằn của mình. Bài ca lao động đó có tên gọi là “Arari”, mang trong mình ý nghĩa : “Ai là người hiểu được nỗi niềm và tình cảnh của tôi?”. Làn điệu dân ca “Arari” này được phối lại cùng với phiên bản “Arari” có từ lâu đời của vùng Jeongseon và tạo nên lời ca đa dạng. Nội dung bài hát bao trùm nhiều khía cạnh cuộc sống như kể về tình yêu, sự chia ly, tiếng thở dài cho số phận hay nói về cách đối nhân xử thế.
Hỡi người lái đò Auraji, hãy đưa tôi qua sông
Những bông hoa trà Sarigol đã rụng rồi
Hoa cũng tàn phủ dưới những lá rơi
Mỗi phút giây qua, lòng tôi không ngừng khao khát yêu thương
Arirang, arirang, arario
Hãy giúp tôi vượt qua đỉnh Arirang …
Có một cô gái và một chàng trai sống ở hai ngôi làng cách nhau bởi con sông tại Auraji. Họ đem lòng yêu thương nhau. Mỗi ngày, khi người con gái lấy cớ đi hái trà, cô đều tới ngôi làng bên kia để tìm gặp người mình yêu. Nhưng vào mùa hè kia, nước sông dâng quá cao nên nhiều ngày liên tiếp cô không thể băng qua. Mang trong lòng sự tiếc nuối, cô cất lời hát bài “Arari”. Bức tượng cô gái đứng trên bờ sông ở Auraji gợi lên khoảnh khắc vui buồn của những con người đã từng sống dọc hai bên bờ sông này trước đây.
Tuyết sẽ phủ kín hay mưa giăng ngập tràn cuối đường
Đỉnh Mansu kia những mây đen bao phủ
Arirang, arirang, arario
Hãy giúp tôi vượt qua đỉnh Arirang…
Ý nghĩa của cuộc đời không nằm ở niềm vui sướng, hân hoan mà sẽ ẩn trong những đám mây mà chúng ta không thể dự đoán trước được. Mặc cho núi cao, sông sâu nhưng niềm hân hoan của những con người nơi đây đã mang tới một luồng gió mới cho vùng đất cằn cỗi này. Cùng với “Jindo Arirang” và “Miryang Arirang”, làn điệu dân ca Jeongseon Arirang mà người dân địa phương gọi là “Arari” là một trong ba phiên bản chính của bài hát dân ca tiêu biểu Hàn Quốc Arirang. Trải qua bao nhiêu năm tháng, mỗi khi người dân Hàn Quốc cất lên giai điệu bài hát Arirang, họ lại tưởng nhớ về cuộc sống đã qua. Vì vậy nên Arirang được coi như biểu tượng cho đất nước và con người Hàn Quốc.
5Chiếc bàn ăn đơn sơ ngập tràn gió và nắng

Khi tản bộ qua những ngôi làng sâu trên núi dọc theo bờ sông, bạn sẽ cảm thấy nhanh đói bụng. Không khí trong lành của miền quê hoà cùng với hương thơm thảo mộc đang toả ra ngào ngạt khiến chúng ta tiêu hoá tốt hơn. Món ăn của vùng quê Yeongwol và Jeongseon có tên gọi là “món ăn thần tiên”. Trong số đó thì món ăn ưa thích của tôi là cơm được nấu cùng rau cúc (gondeure), bánh kếp với nhân đậu đỏ (susu bukkumi) và bánh ép được làm từ lúa mạch (memil jeonbyeong). Sau khi lang thang đây đó, tôi ngồi xuống trước chiếc bàn ăn khá đơn sơ trong một quán nhỏ, mùi thơm của các loại thảo mộc phảng phất từ món ăn mang lại cho tôi cảm giác quá đỗi yên bình. Hương thơm của những bông hoa rừng chứa đựng bên trong gió, ánh sáng mặt trời, ánh sao từ nghìn năm trước đọng lại trong một chén cơm thật nhẹ nhàng, tinh tế.
Trên vùng Sabuk và Gohan, phía nam của Jeongseon có đường xe lửa Taebaek chạy ngang qua. Bắt chuyến du lịch bằng xe lửa chạy lên chạy xuống vùng núi cao này rất lãng mạn, đặc biệt là vào mùa đông. Vốn dĩ khu vực này trước đây từng là mỏ than nhưng nay đã bị đóng cửa. Chỉ cần ngồi trên tàu ngắm nhìn những dấu vết than đá còn lại vương vất chỗ này chỗ kia trên ngọn núi phủ đầy tuyết trắng cũng làm cho chuyến đi của bạn thêm ý nghĩa.
Nhìn những ánh đèn neon rực rỡ khắp Sabuk vào buổi đêm, bạn sẽ liên tưởng tới thành phố mỏ nổi tiếng Bilbao của Tây Ban Nha. Khi viện bảo tàng Guggenheim của New York mở thêm cơ sở tại Bilbao, thành phố này như được hồi sinh và trở thành địa điểm thăm quan nổi tiếng trên thế giới. Nhưng tại vùng hoang mỏ Sabuk này thì bỗng nhiên lại mọc lên casino cùng vô vàn trang thiết bị giải trí hiện đại. Một viện bảo tàng và một sòng bài. Sẽ là dối lòng nếu như nói không có sự ghen tị và tiếc nuối khi so sánh về hai sự đối lập quá rõ ràng này. Sự lựa chọn hay tiếc nuối này của chúng ta liệu có thể thành một lời hát được thêm vào trong ca khúc “Arirang”? Nỗi nuối tiếc dường như được an ủi khi tôi ghé thăm viện bảo tàng Samtan Art Mine, một bảo tàng nghệ thuật trưng bày những hình ảnh về cuộc sống những thợ mỏ khi đang lao động hăng say.
Tôi quay xe chạy về hướng đông. Chỉ mất 30 phút sau, tôi đã được nhìn thấy biển Đông cùng những con sóng xanh vỗ bập bềnh trên biển.